Chuyển đến nội dung chính

Thang đo Kardashev - một cách đánh giá độ tân tiến của nền văn minh tiềm tàng

 Khối cầu Dyson mấy bữa nay mình nhắc đến rất hay được coi như một trong những dấu hiệu tiềm năng của một nền văn minh phát triển. Tuy nhiên, ta không thể dùng mỗi Khối cầu Dyson để đo đạc tầm vóc của một nền văn minh được. Làm thế cũng chẳng khác nào so sánh các nền văn minh của Trái Đất dựa vào việc người ta có biết... xây cầu qua sông hay không. Chẳng lẽ một nơi xây toàn cầu khỉ mà lại ngang hàng với nơi xây cầu bê tông 🐧?

Chính bởi vậy mà Thang đo Kardashev đã ra đời.

Thang đo Kardashev là phát minh của nhà vật lý thiên văn Nikolai Kardashev. Ông đề xuất chúng ta đo lường độ phát triển về khoa học công nghệ của một nền văn minh nhất định dựa trên một tiêu chí rất dễ đo: mức năng lượng tối đa họ có thể sử dụng.

Thang của Kardashev được chia làm 3 cấp:

- Nền văn minh Loại I: sử dụng và lưu trữ được mức năng lượng tương đương tất cả những gì tồn tại trên hành tinh của mình. Mức năng lượng tối đa họ có thể sử dụng nằm trong khoảng từ 10^16 Watt đến dưới 10^26 Watt.

- Nền văn minh Loại II: sử dụng và lưu trữ được mức năng lượng tương đương tất cả những gì tồn tại trong Thái Dương Hệ của mình. Mức năng lượng tối đa họ có thể sử dụng nằm trong khoảng từ 10^26 Watt đến dưới 10^36 Watt.

- Nền văn minh Loại III: sử dụng và lưu trữ được mức năng lượng tương đương tất cả những gì tồn tại trong toàn bộ thiên hà của mình. Mức năng lượng tối đa họ có thể sử dụng nằm trong khoảng từ 10^36 Watt trở lên.


Đây là thang gốc của Kardashev, dựa trên tổng năng lượng nhất thời tồn tại của 3 mức lãnh thổ: hành tinh, hệ thống sao, dải thiên hà. Ông chỉ dừng ở 3 mốc này vì nhỏ hơn nữa thì quèn quá, mà lớn hơn nữa thì bị cho là bất khả thi. Tuy nhiên về sau, Carl Sagan, một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng khác, đã dựa trên các mốc gốc Kardashev đưa ra để quy thành một công thức toán học nghiêm chỉnh, và từ đó bổ sung thêm 3 loại nữa:

- Nền văn minh Loại 0: chưa tận dụng được mức năng lượng tương đương tất cả những gì tồn tại trên hành tinh của mình. Mức năng lượng tối đa họ có thể sử dụng là dưới 10^16 Watt.

- Nền văn minh Loại IV: sử dụng và lưu trữ được mức năng lượng tương đương tất cả những gì tồn tại trong toàn vũ trụ. Ở cấp độ này, các hoạt động của nền văn minh đó gần như trở thành quy luật tự nhiên của vũ trụ luôn.

-- Nền văn minh Loại V: sử dụng và lưu trữ được mức năng lượng tương đương tất cả những gì tồn tại trong các vũ trụ song song (nếu chúng tồn tại). Ở cấp độ này thì khoa học bó tay hẳn, không thể hình dung nổi nó sẽ ra sao nữa. Nền văn minh kia có thể sẽ trở thành hiện thân của thực tại.

Ngoài đó ra thì nếu áp dụng công thức của Sagan, ta sẽ còn có thể phân loại xa hơn, nhưng về cơ bản là riêng Loại V đã to lắm rồi, xa hơn nữa thì cũng thừa 🐧.

Thang đo Kardashev hiếm khi được nhắc đến hẳn trong Sci Fi, nhưng ta có thể dùng nó để đo đạc một số nền văn minh mà các tác giả tô vẽ lên. Ví dụ, nền văn minh của nước Nhật trong series Neon Genesis Evangelion sẽ là Loại 0 (sát với Loại I), với súng năng lượng của Eva có thể sử dụng tối đa 180GW (1.8 x 10^12 Watt).

Một số series như Cowboy Bebop, StarCraft, Tam Thể, Hyperion Cantos, Children of Time... dù không đưa ra mức năng lượng cụ thể nhưng cũng đã có các nền văn minh đã có thể di chuyển giữa các hành tinh, và từ đó ta có thể áng chừng là rơi vào Loại I hoặc Loại II. Một trường hợp rất thú vị là người Na'vi trong Avatar có một thứ gọi là Eywa, về cơ bản liên kết toàn bộ hành tinh lại với nhau. Đây có thể coi như một thứ máy tính "thịt", tận dụng năng lượng của toàn bộ hành tinh để vận hành, thế nên cũng có thể coi là một dạng công nghệ của nền văn minh Loại I, bất chấp việc các "vi mạch" Na'vi của nó còn ăn lông ở lỗ.

Cũng trong series StarCraft, ta có tộc Protoss với công nghệ bóp méo cả không gian thời gian (mặc dù ở cấp rất thấp), và thậm chí hồi xưa còn xây được cả một con tàu chạy bằng một ngôi sao nhân tạo. Điều này giúp đẩy nền văn minh của Protoss lên thành Loại II. Star Wars cũng có trạm vũ trụ Death Star, đủ sức phóng đi những luồng năng lượng hủy diệt được cả các hành tinh cơ lớn, chưa kể bản thân các tàu Star Destroyer cũng có khả năng oanh tạc bằng năng lượng rất khủng khiếp, khiến nền văn minh loài người bấy giờ nhảy vọt lên Loại II.

Loại III (nếu không muốn nói là Loại IV) thì có các Great Ones của H. P. Lovecraft, đặc biệt là bọn Mi-go. Chúng đã có thể du hành giữa các chiều không gian khác nhau, và cai trị toàn bộ các thiên hà trong chiều không gian bản địa của mình. Một ví dụ hài hước hơn thì ta có Men in Black, với ở cuối phim có một giống loài ngoài hành tinh nào đó nghịch mấy viên "bi" chứa các dải thiên hà.

Loại IV thì ta có gương mặt đại diện là người Elimist trong series Animorphs. Thanh niên này sau khi rơi vào hố đen thì đã hòa luôn với toàn bộ kết cấu không gian-thời gian của vũ trụ, và về cơ bản có thể nhào nặn toàn bộ thế giới theo ý thích của mình. Tương đồng với đó thì ta còn có chủng người trong tương lai trong bộ phim Interstellar, có thể mở cổng không gian, tua ngược thời gian, gần như làm tất tần tật những gì người Elimist làm mà không xuất đầu lộ diện. Thậm chí, các thể loại thánh thần và Chúa trong Fantasy và tôn giáo ngoài đời cũng có thể được coi là một dạng nền văn minh Loại IV (đừng quên Clarke từng bảo: một công nghệ đủ tân tiến sẽ chẳng khác nào phép thuật). Asimov từng chơi đùa với ý tưởng này trong truyện ngắn The Last Question của mình, khi để cho 1 con AI đóng vai Chúa tái tạo lại toàn vũ trụ.

Loại V thì chắc anh em sẽ cần ngó sang các vũ trụ comic, đặc biệt là của Marvel và DC, với hoàng loạt vũ trụ song song khác nhau, và một số nhân vật quyền thế vô biên có thể tận dụng cũng như thay đổi bản chất của các vũ trụ đó. Hay không thì mọi người có thể nhìn vào series webcomic Bob & George, với nhân vật "tác giả" (vâng, tác giả 🐧 ) thỉnh thoảng lại thò mặt vào và chọc ngoáy linh tinh đủ kiểu thế giới song song. Stephen King hình như cũng cho tất cả các tiểu thuyết của mình tồn tại trên một hệ vũ trụ song song, nhưng có ai thao túng được đồng thời tất cả các vũ trụ ấy không thì không rõ lắm.

À và trong trường hợp anh em tò mò: Trái Đất hiện đang là nền văn minh Loại 0 (khoảng 0.7 gì đó), và được dự kiến là tầm 1, 2 thế kỷ nữa sẽ thoát nghèo, lên làm Loại I.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.