Chuyển đến nội dung chính

Một quan điểm hơi "chập cheng" của Ray Bradbury

Cái bài về Culture Pass hôm qua làm mình nhớ đến một clip rất hay do bên Extra Credits (EC) thực hiện về một trong những cuốn Sci Fi hết sức kinh điển, ấy là Fahrenheit 451. Tuy nhiên, thứ mình nhớ đến không phải là cả clip, mà chỉ là 1/3 đoạn gần cuối thôi. Nguyên do là trong phần đấy, EC đã động đến một quan điểm vừa sai lệch, vừa đúng đắn mà tác giả Ray Bradbury đã truyền tải trong Fahrenheit 451, và đồng thời nó cũng chính là cái trọng điểm mình dùng để chỉ trích tiêu đề bài báo ngày hôm trước: quan điểm về các loại hình media mới.


Anh em chắc chẳng ai còn lạ lẫm gì với Fahrenheit 451 nữa rồi, và hẳn khi đọc truyện, mọi người sẽ thấy hiện lên rõ nhất là thông điệp về sự kiểm duyệt tư duy của chính phủ thông qua việc đốt sách. Kể cũng chẳng có gì là lạ, bởi lẽ Bradbury viết cuốn này trong giai đoạn McCarthy ở Mỹ, khi chính phủ Mỹ đánh rất mạnh tay những người (bị chính phủ cho là) mang tư tưởng cộng sản. Bản thân Bradbury cũng có mấy lần bị nhân viên nhà nước thọc ngoáy hơi sâu vào đời tư, và những sự kiện đó cũng là một phần cảm hứng để ông cho ra đời Fahrenheit 451.

Tuy nhiên, bên cạnh sự bức xúc với chính phủ, còn một thứ nữa đã tiếp lửa cho Bradbury viết lên tác phẩm này, và nó mang tính cá nhân hơn nhiều.

Số là Bradbury đã sống qua thời hoàng kim của đài phát thanh, khi đài là phương tiện giải trí chính của mọi hộ gia đình. Trong giai đoạn ông bắt đầu viết những truyện ngắn về sau sẽ trở thành nền tảng cho Fahrenheit 451, Bradbury còn được chứng kiến cả sự trỗi dậy của truyền hình. Tất cả những hình thức truyền thông mới ấy làm vị thế của sách trở nên lu mờ đi, và nó khiến Bradbury không khỏi lo lắng. Ông sợ rằng nếu để những loại hình media ấy phát triển, chúng sẽ trở thành một mối đe dọa đối với xã hội, “đần hóa” con người với những nội dung nhảm nhí và dễ dãi.

Thế rồi theo lời đồn, một ngày nọ, Bradbury tình cờ bắt gặp một người vừa đi đường vừa nghe một chiếc đài xách tay một cách mê mải, gần như chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Vì vốn đã có định kiến sẵn với đài, ông coi đây như một sự khẳng định cho mối lo của mình, và từ đấy đã bắt đầu lồng thêm sự khinh bỉ đối với các phương tiện truyền thông đại chúng vào Fahrenheit 451.

Tuy nhiên, như EC đã giải thích trong clip, Bradbury đã hơi quá khích trong quan điểm của mình. Bản thân loại hình media và việc nó giúp công việc tiếp nhận thông tin được trở nên dễ dàng hơn không hề có tội tình gì cả. Thứ cần quan ngại thực chất phải là bản thân nội dung của thông tin, việc chất lượng nội dung bị pha loãng ra để giúp nó trở nên dễ nuốt hơn đối với đối tượng tiếp nhận. Hai phạm trù này đúng là có thể tác động lên nhau đấy, với ví dụ bao gồm khả năng tiếp cận lượng quần chúng đông đảo của mấy loại hình media mới có thể sẽ vô tình tạo động lực để những bên sản xuất nội dung chú trọng những thứ không quá phức tạp nhằm thỏa mãn thị hiếu của số đông, nhưng chúng nó vẫn là hai chuyện tách biệt. Không thể bảo cứ cái gì được truyền tải bởi đài hoặc TV cũng đều là những thứ dễ dãi hết cả được.

Hãy thử cùng nhìn lại cái nhân vật nghe đài mà Bradbury đã bắt gặp ngoài đường nhé. Tất cả những gì Bradbury thấy về người này là việc cô ta nghe đài, và ông đã lập tức đưa ra đánh giá về bản chất con người cô ta dựa trên đúng một dữ kiện như thế. Vấn đề là Bradbury không hề biết cái cô đấy đang nghe cái gì. Rất có thể thứ cô ta nghe là kịch Shakespear, một bản nhạc giao hưởng, hoặc một cuộc tranh biện giữa hai chuyên gia về một phát hiện khoa học mới, tức những nội dung bổ ích, đòi hỏi sự chú ý và suy nghĩ sâu từ phía người nghe. Chỉ đơn thuần bởi vì những nội dung ấy được truyền tải thông qua một phương thức mang tính đại chúng và dễ tiếp cận hơn không đồng nghĩa với việc giá trị của chúng nó vì thế mà suy giảm đi.

Câu chuyện của Bradbury và đài điếc các kiểu thực ra không hề cá biệt một chút nào, mà nó gần như là một vấn đề trường tồn vĩnh cửu đối với nhân loại rồi. Cứ khi nào một loại hình media mới, hay chỉ đơn thuần là lạ, ra đời, chúng sẽ lại bị một lượng người không nhỏ nhìn nhận với con mắt nghi ngờ và có khi còn là khinh miệt. Điều ấy đã xảy đến với điện ảnh, nó đã xảy đến với game, với các nền tảng chia sẻ nội dung mạng, và lẽ đương nhiên, với cả truyện tranh nữa.

Tuy nhiên, cũng như với đài phát thanh, không phải mọi nội dung các loại hình media này truyền tải sẽ đều mặc nhiên là phế cả chỉ đơn thuần vì chúng nó dễ tiếp cận và khác lạ. Không phải mọi tác phẩm điện ảnh trên đời đều là một cái phim Marvel, mà ta còn có 2001: A Space Odyssey; không phải mọi game đều là Counter Strike, mà ta còn có GRIS; không phải mọi channel trên Youtube đều là Logan Paul, mà ta còn có 3Blue1Brown; không phải truyện tranh chỉ toàn To Love Ru, mà ta còn có Siúil, a Rún; và tất cả mọi loại hình media khác, dù là đang hoặc sau này sẽ tồn tại, cũng đều không chỉ có những thứ nhạt toẹt như nước ốc, mà hoàn toàn có thể chứa đựng những nội dung phức tạp và chứa đựng nhiều giá trị cao đẹp.

Nói tóm lại, để tránh một tương lai tăm tối như Bradbury đã mường tượng, chúng ta chẳng việc gì phải quay lưng với bất kỳ loại hình media nào hết. Ta chỉ cần biết tiếp thu chọn lọc những nội dung chất lượng thực sự chắc chắn có tồn tại trong đó mà thôi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.