🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑
7.0/10
TL;DR
Brave New World + The Giver.
GIỚI THIỆU CHUNG
This Perfect Day là một tiểu thuyết Dystopia của Ira Levin, sáng tác năm 1970 và sau này đã đoạt giải Prometheus. Truyện lấy bối cảnh một tương lai xa, khi cả thế giới đã trải qua một sự kiện gọi là Unification, và đã hợp lại thành một xã hội đồng nhất. Chỉ còn duy nhất một thể chế, một ngôn ngữ, một tộc dân, và đến cả mã gen của mọi người cũng đã được khoanh vùng xuống chỉ còn một vài nhóm nhất định. Nhân loại giờ đây không còn chia nhánh nữa, mà đã trở thành thành viên trong một đại gia đình khăng khít.
Điều hành thế giới mới ấy không phải là một con người, một tổ chức, hay thậm chí một sinh vật nào cả. Mọi công tác quản trị đều được bàn giao cho một chiếc máy tính trung tâm có tên UniComp. Nó hoạch định không chừa một thứ gì, từ nơi ăn, chốn ở, con đường học vấn, công việc, cho đến thời điểm kết hôn, thời điểm sinh con đẻ cái,… Dưới sự dìu dắt của UniComp, ước mơ ngỡ tưởng viển vông nhất của con người đã trở thành sự thực: một xứ thiên đường đã xuất hiện. Thế giới đã không còn chiến tranh, không còn đau khổ nữa; mọi nhu cầu đều được thỏa mãn, mọi người đều bình đẳng, ai ai cũng hạnh phúc.
Nhưng ngay cả máy móc, bất chấp có được thiết kế tinh vi đến đâu, cũng vẫn có thể phạm sai lầm. Và Li RM35M4419, một thành viên gia đình mang trong mình hơi nhiều gen lặn từ thời tiền Unification, thứ gen UniComp đã bằng mọi giá thanh tẩy nhưng bất thành, là một sai lầm như thế.
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
This Perfect Day nhìn chung có thể chia ra làm ba phần. Trong phần đầu, truyện sẽ để ta được khám phá cuộc sống tiêu chuẩn của cái “Utopia” này là thế nào, thông qua việc theo chân nhân vật Li RM35M4419 (biệt danh là Chip) từ lúc còn nhỏ tí cho đến khi thanh niên đã trở thành người lớn hẳn. Xung đột chính của truyện trong giai đoạn này đến từ những ngờ vực của Chip về thế giới, và những lung lay trong tư tưởng của cậu ta khi thiên hướng của bản thân cứ chạy lệch ra ngoài những gì được coi là chuẩn mực. Thế rồi đến về sau, một sự kiện nhất định xảy ra, cho phép Chip nếm mùi một trải nghiệm mang tính cấm kỵ đối với cái xã hội này, và ông anh ngày một chìm sâu vào những thứ “sai trái” như thế hơn, dẫn đến dần có một cái nhìn mới hẳn về thế giới mình đang sống.
Nghe đến đây, hẳn anh em sẽ thấy cái cốt của This Perfect Day nghe khá rập khuôn, và nói vậy kể cũng không sai đâu. Truyện được đưa đẩy theo một kiểu bám khá sát cái dàn bài chuẩn của các truyện Dystopia đội lốt Utopia thường thấy, gần như không chạy lệch ra ngoài phát nào. Nó được viết khá tử tế, nhưng nếu anh em mà đã đọc quen thể loại này rồi, và muốn tìm kiếm thứ gì mới lạ, có khả năng mọi người sẽ không thấy cốt của nó có gì hấp dẫn.
Trên thực tế, bản thân mình là một kiểu người đúng y như thế, và khi đọc truyện, mình cứ bị ngáp ngắn ngáp dài, bởi lẽ rất dễ để phán đoán nhịp tiếp theo của câu chuyện sẽ trầm bổng thế nào, chỉ khác là tiểu tiết thì không biết thôi. Lý do duy nhất mình vẫn còn cố gắng lưu lại đọc nốt cái truyện là vì truyện vẫn còn tàm tạm, chưa lần nào tụt xuống dưới ngưỡng chấp nhận được, bất chấp khá nhiều lần bị nó thử thách sự kiện nhẫn của bản thân với cái kiểu sặc mùi cliché, chưa kể có lúc còn hơi bốc mùi YA nữa.
Tuy nhiên, mấu chốt của hai cái đoạn trên là cụm từ mình đã dùng để mở ra chúng nó: “Nghe đến đây […]”. Tại sao mấu chốt lại là như thế ư? Bởi vì tất cả những nhận xét mình nêu ra từ đầu đến nay chỉ áp dụng cho đúng một phần duy nhất, đó là phần mở.
Hay đúng hơn là nửa đầu của cái phần mở.
Sau một đoạn đưa đẩy kiểu vô thưởng vô phạt, không có gì đặc sắc như thế, truyện tự nhiên có một pha quay xe khá gắt. Vì phần đấy là một cái spoiler khá lớn, thế nên mình không thể đi sâu vào bàn chi tiết về nó được, nhưng anh em cứ hiểu là nó quay sang đạp đổ những thứ mình đã xây dựng lên ở đoạn đầu theo một nghĩa rất tích cực. Đa phần mấy xung đột giúp mở ra truyện và cho ta định hình được về thế giới của This Perfect Day, đặc biệt là mấy phần thum thủm mùi YA của nó, bị cắt ngang và tống khứ đi, thế rồi truyện rẽ sang một cái nhánh khác.
Cái phần nối liền sau đoạn bẻ lái đấy chính ra cũng chỉ thú vị hơn chút chút thôi, chứ không có gì bật lên hẳn. Sau khi cú sốc của những gì vừa xảy ra lắng xuống, anh em sẽ thấy truyện lại tiếp tục rơi vào một cái khuôn. Nó không đến mức bám quá sát cái chuẩn Utopia/Dystopia như phần đầu, nhưng cũng có cái kiểu quen quen từa tựa thế. Một lần nữa, chỗ này spoil khá nặng, thế nên mình không đi sâu vào được, nhưng anh em cứ hình dung ở đoạn này, ông tác giả như chạy speedrun khúc đít của một cuốn Dystopia bất kỳ ấy. Nó đúng là cũng mới mới đấy, nhưng vẫn không đến mức nằm ngoài dự kiến chung, và mọi người có khi còn cảm thấy cái pha bẻ lái lúc trước kỳ thực chỉ là một nút reset, để tác giả thuật lại từ đầu câu chuyện, có điều đẩy cho mọi thứ diễn ra nhanh hơn. Kể cả nếu có trụ qua được cái nửa đầu của phần đầu, vẫn có khả năng anh em sẽ đứt gánh giữa chừng vì thấy nó lại như đang quay về với cái máng lợn cũ.
Đặc biệt nhất, chính trong cái nửa này, mọi người sẽ gặp một cái cảnh mà có tử tế nhất thì cũng chỉ có thể gọi là thừa thãi, còn nếu nói nặng thì là một cảnh cực kỳ ngu. Lúc đọc đến đoạn đó, mình quả thực chẳng hiểu ông tác giả muốn làm cái gì với khung cảnh đó nữa, và những thứ diễn ra sau cái cảnh đấy làm mình thấy không khỏi ngứa thịt. Tình cờ thì lúc tra cứu thêm thông tin về cái quyển này, mình thấy đây là chỗ rất nhiều người bỏ ngang cả truyện, hoặc ít nhất cũng trừ điểm nó rất nặng, đơn giản vì không thể chấp nhận được cái đoạn đó. Đây hẳn sẽ là cả một cái ải khá khó nhằn với nhiều người, và rất có thể sẽ có một cơ số anh em nói gg với quyển này tại đây.
Nhưng nếu có thể, mình vẫn khuyên mọi người cố gắng bỏ qua đoạn đấy để lết đến phần sau, bởi vì như mình đánh giá, sau khi phần mở khép lại và truyện nhảy vào khúc giữa, cái hay của This Perfect Day mới thực sự được bộc lộ.
Ở khúc cuối cái phần một, This Perfect Day hoàn toàn có thể chốt lại luôn. Nó có thể chốt lại và an phận làm một câu chuyện Dystopia tầm thường trong số vô vàn các cuốn Dystopia khác, hay thậm chí còn là một cuốn Dystopia thuộc dạng cùi bắp. Nhưng không, This Perfect Day vẫn tiếp tục tằng tằng tiến tiếp. Và bắt đầu từ đây, This Perfect Day mới chịu chơi bài ngửa với ta. Nó gần như lột xác hẳn, trở thành một phiên bản Deconstruction (anh em có thể tìm hiểu thêm về thuật ngữ đấy ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/deconstructive-parody-cham-choc-bang.html) của một mô típ rất quen thuộc trong Dystopia, hay thậm chí còn là một thứ mang tính “phong trào thời đại” của Sci Fi trong giai đoạn đấy. Toàn bộ cái phần này đã làm thay đổi hẳn cách nhìn nhận của mình với This Perfect Day, và càng đọc sâu vào, điểm của nó càng lên vùn vụt trong mắt mình. Nó thậm chí còn khiến được mình phải tái nhìn nhận phần đầu của truyện, và cảm thấy sự cliché của nó có khi là có chủ đích, bởi vì nếu không có cái phần đấy làm nền, lúc giữa này sẽ mất đi rất nhiều uy lực.
Nhưng rồi đến khoảng gần cuối phần hai thì một lần nữa, truyện lại bắt đầu có mùi “tái” cliché. Vì đã rút kinh nghiệm từ hai lần trước, mình lần này chờ đợi nó sẽ tiếp tục bẻ lái, và quả đúng như kỳ vọng, truyện đã quay xe thêm một phát nữa, và mở ra phần ba. Vấn đề là vì đã dự đoán từ trước, phần bẻ lái của nó không mang lại ấn tượng mạnh như hai cái trước, và đặc biệt nếu so với pha bẻ lái mở ra phần hai thì đoạn này quả thực không có cửa. Kết hợp với việc đoạn này không có nhiều thời lượng như phần hai, và thông điệp của nó không thực sự được thể hiện một cách thành công lắm, chưa kể cái kết thực sự của nó một lần nữa rơi vào cái kiểu cliché của Dystopia. Cũng như với mấy chỗ cliché trước, cái đoạn này không đến mức đáng chê trách, nhưng nó cũng chỉ là một cái kết xoàng, không có gì đáng nói cả.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Thế giới của This Perfect Day cũng bị mắc một điểm khá giống cái cốt, đấy là nó hơi bị rập khuôn.
Thằng này về cơ bản là một sự lai tạp giữa Brave New World và The Giver (thực ra The Giver là hậu bối của This Perfect Day, nhưng vì phần đông anh em hẳn cũng như mình, đã đọc The Giver trước khi biết This Perfect Day là cái của nợ gì, thế nên trong review này mình mới bảo là This Perfect Day là con lai của hai thằng trên). This Perfect Day giống với Brave New World ở chỗ nó cũng cái kiểu ưu tiên đặt hiệu suất lên hàng đầu, dẫu rằng điều ấy đồng nghĩa với việc phải có những chính sách rất vô nhân đạo nếu xét từ góc nhìn thời hiện tại của ta; cũng có cái kiểu đi khám phá thế giới bằng cách tô vẽ mọi sự theo mội kiểu rất tươi sáng, như thể đây là một thiên đường đích thực, nhưng vẫn để lộ rất rõ ràng rằng đây là một tương lai kìm kẹp khốn khổ, chỉ có điều người sống trong đấy không ý thức được về sự khổ của mình. Về phần The Giver, This Perfect Day giống với nó ở chỗ cũng có cái kiểu đồng nhất tất cả mọi thứ thành một dạng sàn sàn như nhau; cũng có cái kiểu dùng thuốc để trấn áp dân chúng, và việc không dùng thuốc là điều kiện tiên quyết để thức tỉnh.
Dẫu thế, đi khám phá cái thế giới mới này cũng có những cái vui riêng của nó. Không như với Brave New World và The Giver, thế giới trong This Perfect Day không phải là thành phẩm của con người (ít nhất thì không trực tiếp như thế), mà nó là tạo tác của một siêu máy tính. Nó khắc họa một cách chân thực đến lạnh gáy cái gì sẽ xảy ra nếu ta để cho một con AI chỉ chăm chăm tối ưu hóa tất cả mọi thứ lên cầm quyền. Các biện pháp của nó hết sức cực đoan, và tùy cách nhìn nhận mà còn có thể gọi là tàn ác nữa, nhưng chết nỗi đúng là nó lại đang cho ra kết quả rất hoàn hảo. Thêm vào đó, sự khôn khéo của con AI này và cái hệ thống bổ trợ cho nó về sau còn được tiết lộ là rất có chiều sâu, lường được đến gần như mọi khả năng sai phạm có thể xảy ra, và đưa ra được những giải pháp đầy hợp lý. Càng đọc sâu vào trong truyện, ta càng thấy sợ cái con AI này, nhưng cũng đồng thời càng thêm nể nó.
Phần con người của This Perfect Day cũng là một điều đáng chú ý. Sau cả một thế kỷ bị con AI kia gò vào một khuôn khổ mới, loài người giờ đây đã thay đổi khác hẳn. Cái điểm giống đầu tiên là về mặt sinh học, với mọi đa dạng về gen gần như đã biến sạch. UniComp đã đảm bảo rằng khi sinh ra, con người ta chỉ có thể mang một số đặc điểm nhất định thôi, khiến cho tất thảy đều trông như anh em trong cùng một nhà. Hạn hữu lắm mới có người hơi lệch chuẩn một tí, chẳng hạn như da trắng quá hoặc mắt ánh màu xanh lá, và đấy bị coi như một khuyết tật bẩm sinh. Không chỉ có vậy, đến cả hai giới cũng xích trở nên giống nhau hơn. Đàn bà bị mất kinh nguyệt, bầu ngực bị nhỏ đi, con đàn ông thì mày râu nhẵn nhụi hẳn, khiến nam nữ trông cứ hao hao nhau. Ngay cả tuổi thọ cũng bắt đầu bằng nhau chằn chặn, và cự đến tầm 62 tuổi là tự nhiên sẽ tèo.
Xã hội bọn họ cũng rất hay ho. Xét về một mặt, nó là một xã hội cực kỳ tự do, với con người chẳng ai phải lo đến chuyện thiếu ăn thiếu mặc, bởi vì mọi thứ đều đã có con UniComp dâng cho đến tận mồm. Thức ăn, chỗ ở, quần áo, và thậm chí cả bạn tình đều có sẵn, chẳng việc gì phải nhọc công kiếm hay cạnh tranh giành giật nhau cả. Nó thậm chí còn phóng khoáng đến độ cởi truồng chạy nhông nhông trước mặt nhau cũng chẳng thành vấn đề, và những từ truyền thống tục tĩu như “fuck” được dùng một cách rất bình thường, trong khi thế chỗ nó thì những từ mang tính xung đột như “hate” và “fight” trở thành câu chửi thề.
Nhưng đồng thời, đây cũng là một thể chế toàn trị, với dân tình bị kiểm soát rất ngặt nghèo. Ai cũng có một cái vòng tay, và đi đâu cũng phải quét cái vòng đấy để con AI còn biết tình hình của họ. Đội này chỉ có một nhúm tên nhất định, dùng đi dùng lại cho tám tỉ con người, kèm theo một chuỗi mã số định danh nữa. Họ cũng phải thường xuyên sử dụng một thứ thuốc khiến cho tất cả trở nên ngoan hiền, làm theo đúng những gì UniComp cho là tối ưu nhất, không suy nghĩ lung tung bậy bạ. Nó cũng có một hệ thống tương tự 1984, với người dân theo dõi lẫn nhau và trình báo cho UniComp những người có hành vi đáng ngờ. Nói chung là đủ thứ để ta thấy đây là một cái Dystopia, không lẫn vào đâu được.
Đáng chú ý là bên cạnh mấy cái phần ở trên, cái thế giới của This Perfect Day còn cả một khía cạnh khác nữa. Phần này chiếm đến phân nửa thế giới của truyện, nhưng đáng tiếc là nó nằm ở phần hai và ba, chỉ cần kể phiên phiến ra thôi là sẽ spoil toàn bộ truyện. Nhưng đại khái thì cái khía cạnh này cũng chi tiết chẳng kém gì những thứ đã nói ở trên, và đặc biệt nhất là nó còn tái định hình cách nhìn nhận của ta về cái thế giới ấy. Khi được tiếp cận với phần này của thế giới, mọi người hẳn sẽ thay đổi quan điểm về thể chế của UniComp, hay ít nhất cũng sẽ nhận thấy mọi thứ trong thế giới này không đơn giản chút nào.
NHÂN VẬT
Như mình đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở mấy đoạn trên rồi đấy, This Perfect Day lắm khi cliché vô cùng. Và ngay cả trong một bể toàn những thứ rập khuôn, nhân vật của truyện vẫn xoay xở trở thành yếu tố mang tính tiêu chuẩn nhất của cả truyện.
Để tả về dàn nhân vật của truyện thì mình chẳng biết dùng từ nào khác ngoài từ “vanilla.” Họ cũng có cá tính, có lịch sử, và cũng có những diễn biến nội tâm, những phát triển riêng đấy, nhưng không cái nào để lại ấn tượng sâu sắc cả. Chán nhất là Chip. Anh em biết cái kiểu nhân vật chính tính tình nhạt thếch, đến mắt còn không được vẽ mà ta vẫn hay thấy xuất hiện trong manga, để cho người đọc tự “chèn” bản thân vào câu truyện không? Chip về cơ bản chính là một thanh niên như vậy, có điều thay vì mang tính ngổ ngáo hay được gái theo ầm ầm để câu kéo thiên hạ tự đặt mình vào địa vị cậu chàng, ta chỉ có một thanh niên không có gì đặc biệt, và số cũng chẳng hưởng mấy.
Và điên ruột một cái là Chip lại chính là nhân vật chủ chốt trong cái cảnh mình đã nhắc đến ở phần cốt, phân cảnh được bảo là có thể khiến anh em buông cả truyện luôn ấy. Kể cả nếu vô cảm với cái cảnh vừa xảy ra, mọi người hẳn cũng sẽ thấy nó khiến cho hình tượng Chip sứt mẻ một cách nghiêm trọng, và ông anh sẽ không còn là nhân vật nhạt đơn thuần nữa, mà sang thẳng thành nhân vật bỉ luôn rồi.
TỔNG KẾT
This Perfect Day không phải là một cuốn truyện hoàn hảo. Nó nhiều đoạn làm theo một kiểu rất quen thuộc, nghe chừng chẳng được sáng tạo cho lắm, và còn có chỗ như trêu ngươi người đọc nữa. Dẫu thế, nó vẫn có một nét hấp dẫn riêng, và đặc biệt là có một khúc giữa rất thú vị, truyền đạt một thông điệp rất đáng suy ngẫm. Anh em vẫn nên thử đọc cái quyển này, đặc biệt nếu chưa tiếp xúc nhiều với các tác phẩm Dystopia nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓