Chuyển đến nội dung chính

Writer's Promise - "hứa" theo phong cách của Brandon Sanderson


 Hôm nay mình mới bắt được một cái clip mới của Brandon Sanderson, phân tích triết lý triển khai và phát triển câu chuyện của mình (https://www.youtube.com/watch?v=-hO7fM9EHU4). Đặc biệt, clip có nhắc đến một khái niệm rất hay, đó là Writer's Promise và cách chúng nó thường được thể hiện thông qua phần mở.

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Writer's Promise, tức Lời hứa Tác giả, là cách người xây dựng câu chuyện tạo dựng kỳ vọng cho độc giả. Thông qua những mô típ và lối viết, tác giả “hứa” câu chuyện của mình sẽ đi theo hướng nào, có style ra sao, để người thưởng thức có thể hiểu khái quát mình sẽ nhận được gì từ tác phẩm, và từ đó ra quyết định có nên đọc tiếp hay không. Khái niệm này từng có lần được mình phân tích trong group (mặc dù cái tên mình dùng cho nó là Reader's Contract, tức Hợp đồng Độc giả), nếu anh em nào quan tâm thì có thể đọc thêm về nó ở đây bên cạnh xem clip nhé https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2593161294104455.

Trong clip này, Sanderson có đi sâu hơn một chút về Writer's Promise, bảo rằng một tác phẩm sẽ bao gồm 4 loại khác nhau, bao gồm lời hứa về cái tông của câu chuyện (đây sẽ là truyện nhẹ nhàng, tăm tối, hoài niệm, buồn rầu, hay gì), lời hứa về dòng (cái này sẽ là Sci Fi, Fantasy, lãng mạn, trinh thám, hay thập cẩm hay thế nào), lời hứa về cốt (chuyện sẽ đi làm quest, giành giật người yêu, giải quyết bài toán, hay là gì), và lời hứa về nhân vật (nhân vật sẽ là lính già đầu đầy sỏi, học viên ba ngơ, nhà khoa học ngây thơ, hay cái gì).

Một trong những ví dụ mang tính hình tượng cao nhất về việc cả 4 cái lời hứa này cùng được đưa ra một cách hiệu quả có lẽ sẽ nằm trong mảng hoạt hình. Cụ thể hơn, ta có thể nhìn vào cách các series hoạt hình xây dựng phần intro của mình. Chúng thường sẽ ngay lập tức sử dụng âm nhạc màu sắc các kiểu để truyền tải tông, tổng hợp một số trích đoạn random mang tính tượng trưng nhất cho toàn series ra để nói về kiểu cốt và dòng (hoặc tạo mới các đoạn cũng giúp thể hiện những yếu tố đấy), và các nhân vật chính cũng sẽ được đưa ra kèm các tác phong cử chỉ thể hiện bản tính của họ luôn.

Thực hiện tốt nhất công tác hứa hẹn ấy, đồng thời cũng hết sức quen thuộc với các anh em giai đoạn 8x-9x, sẽ là phần mở của Batman: The Animated Series (clip bên dưới). Nó gần như là một tập phim ngắn riêng biệt luôn chứ không phải là một intro đơn thuần nữa. Với cái kiểu hình ảnh đen tối đậm sắc noir của thập niên 20-30, kết hợp cùng nhạc nền đầy âm u, bí hiểm, phần intro đã cho khán giả biết luôn cái tông mình cần kỳ vọng ở đây là gì. Đồng thời, phần intro đưa ra một mạch truyện cướp ngân hàng, với thủ phạm lọt lưới cảnh sát nhưng rốt cuộc vẫn bị chặn lại bởi một người hùng bí hiểm, từ đó cho người xem biết đây là một series thuộc mảng siêu anh hùng, với cốt xoay quanh một nhân vật sử dụng hàng họ khủng và kỹ năng thuần để bắt cướp. Cuối cùng, nó cũng giới thiệu thẳng với ta nhân vật chính, và thông qua cái cách hành xử lầm lỳ, bí ẩn mà cho ta biết nhân vật này sẽ mang bản chất thế nào.

Tuy nhiên, dù hứa được với người đọc tất cả một cách sớm sủa như thế là rất tốt, Sanderson vẫn nói không nhất thiết phải tung luôn cả 4 ra ngay từ đầu. Thứ đầu tiên, và có thể nói là quan trọng nhất, cần hứa thường sẽ là cái tông của câu chuyện, hay hứa rằng người đọc sẽ cảm thấy như thế nào khi đọc vào tác phẩm. Cái thứ hai thường hay có là đưa ra lời hứa về cốt, hoặc nói đúng hơn là một ý niệm mơ hồ về cốt. Nó không nhất thiết phải là cái cốt chính mà truyện sẽ bám, mà chỉ cần là một ý tưởng hoặc cuộc xung đột nào đó có phần tương đồng hoặc làm nền cho cái cốt chính trong truyện sau này. Mấy thứ khác thích đưa vào thì đưa, còn không để sau cũng được.

Điều này có thể được thực hiện với chỉ một câu mở đầu. Ví dụ phải kể đến câu mở đầu huyền thoại của Neuromancer, ấy là "Nền trời trên bến cảng mang đậm sắc màu của một chiếc TV, bấy giờ đang chiếu một kênh truyền hình mất sóng." Câu này ngay lập tức khơi dậy một cảm giác tăm tối, tù đọng trong tâm trí độc giả, nảy sinh từ sự thất bại của công nghệ, và từ đó giúp ta định hình được tác phẩm sẽ có tông như thế nào. Hiệu quả cũng không kém gì nó là câu “Tôi ăn loz rồi,” của The Martian. Nó truyền tải đến với ta thông điệp rằng cái truyện này nó sẽ khá bậy, và/hoặc không được nghiêm túc cho lắm, chưa kể còn một cảm giác là có cái gì đó nghiêm trọng đã xảy ra, chứ không ai đời tự nhiên lại đi ăn loz bao giờ (ok, trên lý thuyết thì ăn theo nghĩa đen sẽ ngon đấy, nhưng anh em hiểu ý mình mà 🐧 )?

Cách tạo tông bằng một câu mở ấy giúp thu hút sự chú ý rất hiệu quả, và là một công cụ cực kỳ hữu hiệu đối với các tác giả trong một thời đại có quá nhiều tác phẩm cùng cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, Sanderson bảo không nhất thiết phải dồn quá nhiều công sức vào đúng một câu làm gì cả. Chơi một đoạn hay thậm chí một chương dài dài cũng được, với ví dụ tiêu biểu là các đoạn prologue rất hay xuất hiện trong SFF.

Một trường hợp hứa kiểu cần kiệm đấy sẽ là cái màn prologue trong Wheel of Time, series Epic Fantasy kinh điển của Robert Jordan. Nó diễn ra trước mạch truyện chính cả ngàn năm, kể về một thảm họa gần như đã hủy diệt cả thế giới. Phần prologue này không hề cho biết cái cốt thật của truyện sẽ là gì, và cũng chẳng giới thiệu nhân vật chính, nhưng nó đã xác định với độc giả rằng đây chắc chắn sẽ là Epic Fantasy, và là một tác phẩm Fantasy khá tăm tối. Sau chương prologue thì ta mới bắt đầu được làm quen với mấy đồng chí nhân vật chính, và khi ấy tác giả mới bắt đầu đưa ra lời hứa là đây sẽ là mô típ thanh niên nông dân ba ngơ. Cái cốt cũng chỉ đến sau prologue mới bắt đầu tòi ra là sẽ đi làm quest kiểu đú Lord of the Rings, chứ prologue cũng chẳng hứa hẹn gì về nó.

Ở Sci Fi cũng có một phiên bản tương tự, ấy chính là cái prologue của cuốn The Two Faces of Tomorrow. Nó không hề đả động đến cốt chính, không hề giới thiệu một nhân vật nào mà ta về sau sẽ theo dõi cả. Trên thực tế, như trong bài review về nó mình đã nói, thằng này có thể đứng lẻ ra thành một truyện ngắn hoàn toàn độc lập, không dính dáng gì đến cái cốt chính hết. Tuy nhiên, trong phần prologue này, nó vẫn hứa sẽ cho người đọc được trải nghiệm một tác phẩm Sci Fi thông qua những yếu tố như căn cứ Mặt Trăng và công nghệ AI, đồng thời còn cho người đọc biết tác phẩm sẽ có style khá nặng về khoa học kỹ thuật. Nó bonus thêm một cái là giới thiệu một phiên bản xung đột biệt lập với cốt, nhưng lại rất tương đồng với nó để thiên hạ có thể hiểu truyện sẽ nói về thảm họa khoa học và cách khắc phục nó.

Clip của Sanderson còn đi sâu hơn nữa vào việc phát triển lên từ Writer's Promise, cũng như việc có thể lợi dụng chúng để đư ra những cái twist bất ngờ kèm các ví dụ rất trực quan. Anh em nếu quan tâm đến đề tài này thì hãy vào nghe thanh niên giảng giải nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.