Trong bài kỷ niệm sinh nhật Heinlein hồi chiều, mình có đả động đến việc ông anh đã góp phần phổ biến kỹ thuật Incluing trong làng Sci Fi. Vì bài đấy phải động đến nhiều khía cạnh khác của sự nghiệp Heinlein, thế nên mình không đi sâu vào bàn về Incluing được. Nhưng vì đây là một kỹ thuật rất thú vị trong nghệ thuật kể chuyện, bỏ qua thì hơi tiếc, thế nên giờ mình sẽ bàn sâu hơn về nó.
Để hiểu về Incluing, trước tiên ta cần phải bàn về một thuật ngữ gọi là Narrative Exposition cái đã. Dịch thô ra, Narrative Exposition là “Trình bày Thông tin trong Câu chuyện,” và đúng như cái tên đã thể hiện đấy, nó dùng để chỉ hành động lồng ghép các thông tin nền vào trong một mạch chuyện. Thông tin này có thể là bất cứ thứ gì, hoặc là bối cảnh lịch sử của câu chuyện, hoặc là quá khứ của một nhân vật nào đó, hoặc là những lý do khiến một sự kiện hoặc một chuỗi các sự kiện trong cốt diễn ra, hoặc là tính năng của một thiết bị lạ, hoặc cảnh quan bao quanh vị trí hiện thời của các nhân vật,… được đưa vào để bổ trợ cho các yếu tố cấu thành nên tác phẩm, bao gồm thế giới, nhân vật, hay thậm chí là bản thân cái cốt, từ đấy giúp người thưởng thức có một trải nghiệm sinh động và lý thú hơn với câu chuyện, hoặc chỉ đơn thuần hiểu tại sao câu chuyện lại diễn tiến theo hướng như thế này. Nói cách khác, Narrative Exposition là các thông tin mà câu chuyện đưa ra cho chúng ta nhằm giúp ta nắm rõ hơn về bản thân nó.
Trong trường hợp có anh em nào cảm thấy Narrative Exposition nghe có vẻ na ná một kỹ thuật đưa thông tin khá nổi/khét tiếng khác, ấy là Infodump, thì mọi người đang liên tưởng khá chuẩn đấy. Infodump kỳ thực là một dạng thể hiện của Narrative Exposition. Nó là một khối thông tin khổng lồ, được tác giả dồn lại thành một cục to tướng, và nhồi thẳng thừng vào trong tác phẩm. Infodump là một kiểu Narrative Exposition cực kỳ dễ nhận ra, bởi lẽ chẳng ai lại không nhận ra một tràng thông tin dài dằng dặc tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nằm chình ình ngay trước mắt cả. Đây cũng là một kiểu làm Narrative Exposition khá phổ biến, bởi vì nó rất trực diện dễ thực hiện. Tất cả những gì tác giả cần làm là thả một câu đại loại như, “Như anh/cô/ông/cậu/mọi người biết rồi đấy,…” là sau đó có thể tằng tằng bê một bài viết trên Wikipedia thảy vào câu chuyện thôi, không cần nghĩ suy gì nữa. Trên thực tế, có nhiều người thậm chí còn chẳng thèm mào đầu gì cả, mà chỉ tương nguyên một đoạn dài vào mỗi khi đến đoạn cần cấp thông tin nền cho độc giả thôi.
Cái kiểu làm Narrative Exposition dồn ứ như thế rất dễ gây ức chế cho thiên hạ, bởi vì nó thường khiến cả câu chuyện phanh kít lại, và ta buộc phải ngồi xuống nghe giảng giải lê thê. Bên cạnh đó, nó lắm khi bị làm theo một kiểu cực kỳ vụng về, với tiêu biểu là trò các nhân vật tự nhiên quay sang giải thích cho nhau những thứ bản thân đáng lý phải biết thừa, hoặc thực ra chẳng cần phải biết sâu đến thế để giải quyết vấn đề của cốt. Để hiểu sự khó chịu mà mấy cái Infodump kiểu đấy mang lại, anh em cứ tưởng tượng nếu một ngày đẹp trời, vợ mọi người gọi điện đến cho mọi người, và ngay khi mọi người bắt máy thì bà nội tự dưng lại xổ ra một tràng là, “Anh biết không, hồi năm 1876, khi Alexander Graham Bell chế tác được một chiếc máy thô sơ có thể truyền được giọng nói qua khoảng xa, mọi người đều hết sức trầm trồ, tung hô rằng nó sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trong lịch sử thông tin liên lạc. Nhưng phải đến khi sự phát triển của công nghệ oxit bán dẫn (MOS), Vi mạch mật độ cao (LSI), Lý thuyết thông tin và mạng di động cho phép ta chế ra các thiết bị điện thoại di động thương mại phổ thông, việc liên lạc khoảng xa mới thực sự trở nên thuận tiện. Không có nó thì em đã chẳng thể nhờ anh đón con được rồi,” mà xem.
Về Infodump thì mình từng có lần làm một bài bàn khá kỹ về nó trong group rồi. Anh em có thể đọc ở đây nếu muốn tìm hiểu thêm nhé: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/3910122939074944/. Giờ quay lại với đề tài chính.
Rất may mắn là Infodump không phải là cách duy nhất để làm Narrative Exposition. Có những phương thức triển khai Narrative Exposition tinh tế hơn, cho phép tác phẩm đưa thông tin đến với người đọc một cách rất tự nhiên, không làm ngắt mạch diễn tiến của câu chuyện. Tác giả có thể bổ các thông tin mình muốn đưa ra thành từng mẩu nhỏ một, xong ngấm ngầm rải nó mỗi nơi một tí, chẳng hạn để một phần thông tin xuất hiện dưới dạng một ý nghĩ bâng quơ của nhân vật, xong bỏ cách một quãng thì cho phần tiếp theo hiện ra dưới dạng một dòng tít báo, thế rồi một lúc sau để phần kế tiếp trồi lên trong một cuộc cãi vã giữa bác bán thịt và cô bán cá ở chợ,… Thậm chí, tác giả còn có thể ém hẳn một số thông tin đi, chỉ để bóng gió một số thứ bề ngoài, xong rồi mặc cho người thưởng thức tự luận ra những kết luận cần thiết. Dần dần, hoặc một cách tình cờ hoặc một cách có chủ đích, người thưởng thức sẽ tự chắp vá những thông tin lẻ ấy lại, và một bức tranh toàn cảnh sẽ hình thành, và phần Narrative Exposition sẽ được hoàn tất.
Kiểu Narrative Exposition gián tiếp ấy đã được áp dụng từ lâu lắm rồi, chỉ có điều vì cái bản chất không vỗ mặt như Infodump, ta khó lòng nhận thấy nổi nó. Trong làng văn hiện đại, một trong những con người áp dụng thủ pháp ấy một cách rõ rệt nhất là Rudyard Kipling. Vì truyện của Kipling rất hay lấy bối cảnh là những xứ sở xa lạ đối với người phương Tây, chẳng hạn như Ấn Độ, Kipling cần truyền tải một lượng thông tin khổng lồ về văn hóa và môi trường của vùng đất đó đến cho các độc giả của mình. Biết rằng nếu cứ nhồi thông tin theo kiểu Infodump, người đọc sẽ thấy ngấy ngay, Kipling đã bổ nhỏ thông tin và lồng ghép nó theo một cách tương đối kín vào hành trình của các nhân vật. Chiêu thức này được thể hiện đặc biệt rõ nét trong các tác phẩm Sci Fi của ông, khi Kipling mường tượng ra những thế giới và viễn cảnh thậm chí còn không tồn tại thực, nhưng vẫn lì lợm không buồn trình bày thông tin dông dài theo kiểu vỗ mặt độc giả gì cả.
Những tác phẩm ấy của Kipling về sau đã hớp hồn Robert A. Heinlein, anh chàng ăn sinh nhật hôm nay của chúng ta. Kipling đã tác động rất mạnh đến Heinlein, và ta thậm chí có thể truy ngược một số tác phẩm của Heinlein về với Kipling. Stranger in a Strange Land có nguồn gốc là một bản remake của The Jungle Book, với nhân vật chính được người Sao Hỏa nuôi dưỡng chứ không phải sói; Citizen of the Galaxy thì có phần mở đọc cực giống cuốn Kim; và ý tưởng chỉ những ai phục vụ trong quân đội mới có quyền bầu cử của Starship Troopers được thó thẳng từ The Army of a Dream.
Đáng chú ý nhất, Heinlein rất ưng cách cung cấp thông tin kín đáo của Kipling, và đã áp dụng thủ pháp đấy vào trong các tác phẩm của mình. Truyện của Heinlein rất hay có cái kiểu làm Narrative Exposition gián tiếp, không xôi thịt như các tác phẩm đương thời. Heinlein không ngồi viết cẩm nang, không quẳng ra những cục thông tin nặng đến mức ném chó vỡ đầu. Ông anh chỉ đưa ra những thông tin tối cần thiết, trình bày nó qua hành động và thế giới quan của các nhân vật trong truyện, bỏ lửng nhiều mảng kiến thức nền lớn, nhưng vẫn khéo léo dìu dắt người đọc tự suy diễn ra mọi sự.
Một trong những ví dụ điển hình nhất về cách cung cấp thông tin của Heinlein nằm trong tác phẩm Beyond This Horizon. Để mở ra tác phẩm, Heinlein không hề mô tả dông dài về cái thế giới Utopia (?) của mình hiện đang ở tương lai hay đã trải qua những gì và tiến xa thế nào. Ông chỉ lẳng lặng để nhân vật mở một cánh cửa, và sau đó thả ra ba từ, “the door dilated” (tức “cánh cửa giãn nở như đồng tử”). Không cần nói thêm gì dài dòng, không cần bảo cửa làm từ công nghệ nano hay hợp kim tân tiến hay gì cả. Cái cửa này “dilated,” chứ nó không “opened.” Với ba từ đơn giản đấy, Heinlein đã thực hiện xong một Narrative Exposition, tức khắc truyền đạt cho độc giả biết rằng mình không còn ở Kansas nữa, mà đã nhảy vào một vũ trụ với công nghệ đầy tân tiến và xa lạ.
Cánh cửa của Heinlein trong Beyond This Horizon là đại diện cho cách xây dựng thế giới đầy tinh tế của ông, và nó được lặp đi lặp lại trong hàng bao tác phẩm khác. Hàng loạt tác giả khác về sau cũng copy cách làm Narrative Exposition này của Heinlein, nhưng không ai đặt cho nó một cái tên chính thức cả. Phải đến năm 2008, Jo Walton, một nữ nhà văn SFF người Canada, mới đưa ra một từ rất hợp để chỉ phong cách này: Incluing.
Incluing là một từ ghép giữa “Into” (vào trong) và “Cluing” (cung cấp manh mối). Nó dùng để chỉ hành động tác giả cung cấp thông tin dưới dạng nhỏ lẻ, dàn trải, được kín đáo tích hợp vào trong mạch phát triển của câu chuyện, hệt như những manh mối mà độc giả có thể thu lượm để rồi dần dần hiểu ra mọi thứ, từ đấy được dẫn dắt một cách rất tự nhiên vào thế giới của tác phẩm (tức được “clue into” thế giới của truyện). Thông tin sẽ sóng bước cùng cốt, đến và đi theo những hành động giúp thúc đẩy câu chuyện tiến tới trước, chứ không bắt cốt phải ra đứng chầu rìa trong khi mình chiếm sóng.
Để hiểu rõ hơn về Incluing, anh em có thể nhìn vào một ví dụ do Fija Callaghan, một nhà văn người Ireland-Canada cung cấp. Callaghan đã thuật lại phần Narrative Exposition trong câu chuyện cổ tích Cô Bé Quàng Khăn Đỏ dưới hai dạng, một là dạng Infodump, hai là dạng Incluing. Chúng là như sau:
Infodump: “Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé tên là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ sống với mẹ trong một ngôi nhà tranh, nằm bên bìa một khu rừng tăm tối. Bà của cô bé sống ở tận đầu bên kia khu rừng, và mỗi sáng, cô bé đều băng qua rừng để mang một giỏ đồ ăn đến cho bà.”
Incluing: “Lúc Cô Bé Quàng Khăn Đỏ bắt đầu rời ngôi nhà tranh của mẹ, ánh nắng ban mai vừa ló qua những ngọn linh sam. Cô chỉnh lại cái giỏ trên tay, đảm bảo rằng chỗ đồ ăn cho bà mình được đặt ổn định, và bắt đầu bước dọc con đường dẫn xuyên rừng. Những cái bóng ngòm đen vươn dài người ra, rướn về phía cô bé.”
Như anh em có thể thấy, Infodump và Incluing đều cung cấp cùng những thông tin như nhau. Ta biết mình đang theo dõi một nhân vật có tên là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, và thanh niên này sống cùng mẹ trong một ngôi nhà tranh. Vào buổi sáng, cô bé phải mang đồ ăn đến cho một người bà, và để đến chỗ bà thì phải đi xuyên qua một khu rừng tối. Khác chăng chỉ là cách chúng nó trình bày chỗ thông tin ấy. Infodump thì chơi kiểu trực tiếp hơn, tống hết các thông tin đó ra thành một cục, và đọc hết đoạn thông tin đấy rồi ta vẫn chẳng thấy cái cốt động đậy gì hết. Trong phiên bản Infodump, câu chuyện thậm chí còn chưa bắt đầu, bởi vì đây mới chỉ là thông tin về lề thói bình thường của nhân vật cũng như hoàn cảnh gia đình nhân vật, chứ chưa ai biết hôm nay nhân vật sẽ làm gì. Incluing thì ngược lại, nói mọi thứ một cách rất gián tiếp, đan xen kèm những hành động rất cụ thể. Ở phiên bản Incluing, trong quá trình thông tin đang được đưa ra, cái cốt cũng rục rịch chuyển động luôn. Nhân vật đã có những hành động rất cụ thể, bắt đầu thực hiện hành trình luôn rồi, chứ không phải chờ đến khi người đọc đã biết hết những thông tin nền thì mới bắt đầu rời nhà đến thăm bà.
Tình cờ thì hai ví dụ trên cũng cho thấy Incluing không mặc nhiên ưu việt hơn so với Infodump. Nó mang đến cho đoạn mở một phong cách khác hẳn với Infodump, nghe “văn” và rờn rợn hơn là cái kiểu thẳng ruột ngựa của Infodump. Phong cách đấy có thể sẽ ổn nếu mọi người muốn hướng đến một tác phẩm kiểu đó, nhưng nó không hẳn là lựa chọn hợp lý cho một câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Riêng với Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, chơi kiểu Infodump chính ra lại ổn, bởi vì nó đơn giản, dễ hiểu, bớt nhập nhèm, rất hợp để trẻ con tiếp thu. Thông qua đó, anh em có thể thấy Incluing không nhất thiết là phiên bản Narrative Exposition tối ưu nhất, mà chỉ đơn thuần là một kỹ thuật anh em có thể áp dụng khi muốn truyền tải thông tin mà thôi.
Về khoản ví dụ thì lẽ đương nhiên, Heinlein với Kipling sẽ là những gương mặt cần phải được nhắc đến đầu tiên. Ngoài mấy tác phẩm đã nói ở trên, anh em có thể tham khảo thêm cuốn Farmer in the Sky của Heinlein và cặp đôi truyện ngắn The Night Mail/As Easy as A.B.C. của Kipling. Farmer in the Sky kể về một thằng cu theo gia đình lên Ganymede định cư, và trong tác phẩm, Heinlein cung cấp cho chúng ta thông tin về công nghệ thế giới cũng như tình cảnh gia đình nhân vật với chỉ một khung cảnh tả cách nhà nó chuẩn bị ăn tối. With the Night Mail/As Easy as A.B.C. thì lấy bối cảnh là thế kỷ 21 (quá khứ đối với ta, tương lai đối với Kipling), khi ngành hàng không đã có những đột phá bất ngờ. Cả hai tác phẩm đều theo chân các nhân vật trong quá trình họ làm việc/xử lý khủng hoảng, và từ đó rải dần thông tin về tình hình xã hội, chính trị thế giới cũng như các công nghệ mới phát minh.
Truyện ngắn The Great God Awto của Clark Ashton Smith cũng là một ví dụ đáng chú ý. Truyện lấy bối cảnh là một tương lai rất xa, khi nền văn minh thời nay của ta đã sụp đổ và chỉ còn được biết đến dưới dạng các di tích khảo cổ. Truyện được mở ra với một câu Incluing rất ấn tượng: “Thưa các cô, các cậu, những người lưỡng giới và vô giới của lớp khảo cổ học, […].” Câu đấy tức thì cho ta thấy thế giới tương lai này là nơi con người ta có thể thay đổi giới tính một cách tùy hứng, và nó thậm chí còn đã được bình thường hóa đến mức người ta tích hợp nó vào câu chào phổ thông luôn, không cần diễn giải loằng ngoằng gì cả.
Sau câu đó, gần như 90% của truyện là một bài giảng khảo cổ học, thế nên nó bắt buộc phải là một đoạn Infodump liên tục. Tuy nhiên, vì việc giảng bài CHÍNH LÀ cái cốt, thế nên kiểu đưa thông tin mang tính Infodump của câu chuyện không khiến cốt bị ngưng lại. Trên thực tế, chỉ nếu như cái cục Infodump của câu chuyện bị ngắt quãng để diễn giải về thế giới tương lai, khi ấy ta mới tính là truyện làm Narrative Exposition kiểu lôm côm. Nhưng may mắn là The Great God Awto không đạp thắng câu chuyện chút nào hết. Mọi thứ về thế giới tương lai của câu chuyện đều được tả thông qua những manh mối ngoài lề nho nhỏ, rải bên trong lời giảng của ông giáo sư kia. Thế nên phần Incluing của truyện không chỉ dừng lại ở mỗi câu đầu, mà còn dàn trong khắp tác phẩm nữa.
Một ví dụ cũng khá tương đồng với The Great God Awto là truyện ngắn In the Year Ten Thousand của Will N. Harben. Truyện này xoay quanh hai ông cháu đi tham quan bảo tàng chứa các kỷ vật về quá khứ. Dù cũng như The Great God Awto, cả truyện là một chuỗi các đoạn Infodump nối liền vào với nhau, cốt của nó chính là hành động đưa Infodump, thế nên khoản Narrative Exposition của truyện sẽ chỉ có vấn đề nếu nó bị phanh lại giữa chừng để nhồi thông tin về thế giới của cặp ông cháu. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Manh mối về thế giới của hai ông cháu ấy được lồng vào những lời giảng giải cho về các hiện vật trưng bày tại đấy của người ông cũng như những câu hỏi ngây thơ của đứa cháu, và ta có thể từ đó tự luận ra cách xã hội trong tương lai vận hành mà không tạm dừng mạch tham quan và giảng giải về hiện vật phát nào.
Hiện đại hơn thì ta có series Wayfarers của Becky Chambers. Bộ truyện này lấy bối cảnh một tương lai rất xa, khi cả vũ trụ về cơ bản đã hình thành một liên minh tương tự EU, gọi là Galactic Common, với đủ thứ văn hóa và người ngoài hành tinh quái dị. Như đã nói trong bài review về nó đấy (anh em tham khảo ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/4161467857273783/), Chambers thả người đọc vào giữa cái thế giới bát nháo của Galactic Common, xong rồi để mọi người tự loay hoay luận ra sự tình. Truyện cũng không thiếu những đoạn Infodump, khi tác giả quăng ra những cục thông tin to tổ bố, cả về thế giới lẫn quá khứ các nhân vật, nhưng đan xen vào với nó vẫn là những chỗ Incluing, những khoảng hở kết hợp một vài ám chỉ và gợi ý thông qua các hành động của dàn nhân vật để ta tự hiểu thứ gì có công dụng thế nào, và vấn đề thế giới phải đối mặt là gì.
Một ví dụ khác không thể bỏ qua là truyện ngắn Knock của Fredric Brown. Nó xuất xứ từ một trích đoạn nhỏ trong Ponkapog Papers, một tuyển tập các ghi chú và bài luận của Thomas Bailey Aldrich, với nội dung xoay quanh việc Aldrich đề nghị độc giả hãy tưởng tượng một tương lai tận thế, khi cả loài người chỉ còn lại đúng một cá thể duy nhất. Nhân vật này sau mấy ngày lủi thủi một mình, tự nhiên nghe thấy tiếng có người bấm chuông cửa. Dựa trên tiền đề đấy, Fredric Brown đã đúc kết ra một trong những câu chuyện ngắn kinh dị ngắn nhất lịch sử, với chỉ vỏn vẹn 2 câu thế này: “Con người cuối cùng trên đời ngồi một mình trong phòng. Chợt cửa vang lên một tiếng gõ...”
Với mẩu truyện của mình, Fredric Brown đã vô tình sử dụng thủ pháp Incluing. Ta không biết gì về cái thế giới trong Knock cả, bởi vì tác giả chẳng hề có tí Infodump nào mô tả về tình trạng hiện thời của nó cũng như nguyên cớ nó thành như vậy hết. Nhưng căn cứ vào cách giờ chỉ còn một con người, ta vẫn có thể phỏng đoán rằng thế giới đã trải qua một thảm họa tận thế nào đó. Đồng thời, ta còn có thể hình dung ra rằng nguyên nhân của thảm họa ấy là một thứ phi thường gì đó, bởi vì sau khi chỉ còn lại mỗi một người, tự nhiên lại có một thứ gì đến gõ cửa.
Tương tự với Knock là truyện ngắn Search History của K.T. Bryski. Truyện này chỉ thuần túy là một lịch sử tìm kiếm, không hơn không kém. Nó không có lời thoại, không có lời dẫn, không có bất kỳ thứ gì cả. Nhưng dựa vào những từ khóa được tìm kiếm, ta lập tức có thể hình dung được chuyện gì đang diễn ra, thế giới bấy giờ đang gặp chuyện gì, và theo dõi được cả hành trình của nhân vật cũng như những bi kịch họ trải qua. Hơi tiếc là không thể bàn quá sâu vào nội dung truyện này mà không làm spoil nặng cả tác phẩm, nhưng vì truyện chỉ có mấy tí, chưa kể còn được tác giả đăng miễn phí trên Daily Science Fiction, anh em chịu khó qua đọc để xem cách Bryski làm Incluing nhé.
Ngoài đó ra thì ta còn phải kể đến The Final Empire, cuốn đầu tiên trong series Mistborn của Brandon Sanderson. Trong series này, Sanderson đã xây dựng lên cả một hệ thống phép thuật hết sức quy củ và chi tiết, xoay quanh việc con người ta có thể sử dụng những siêu năng lực đặc biệt bằng cách uống một số kim loại nhất định. Để giới thiệu độc giả đến với cái hệ thống này, Sanderson đáng lẽ đã có thể làm cả một cục Infodump to tướng, nhưng không, ông anh chơi một kiểu Incluing rất phổ biến. Thanh niên dàn cảnh cho một nhân vật biết cách sử dụng những siêu năng lực ấy phải đánh nhau với một toán phản diện biết cách counter nó, cho ta thấy trực tiếp hệ thống này hoạt động ra làm sao và có thể được ứng dụng trong chiến đấu kiểu gì.
Buồn cười là về sau, Sanderson quả thực đã làm một cái Infodump khổng lồ để giải thích cặn kẽ hơn về nó, và khi nhìn vào đấy, anh em sẽ không khỏi thở phào là Sanderson đã dùng Incluing trong lần tiếp xúc đầu tiên giữa ta với hệ thống pháp thuật đấy, không thì ấn tượng về nó đã xấu hẳn đi rồi.
Một ví dụ khác hẳn mọi người sẽ quen hơn là tựa game Skyrim do Bethesda phát triển. Mặc dù Skyrim có nhiều chỗ Infodump khủng khiếp, phân cảnh mở đầu của nó gần như sử dụng Incluing hoàn toàn. Tất cả mọi thông tin chính về cuộc xung đột đang xảy ra tại mảnh đất Skyrim cũng như một phần văn hóa và đức tin của dân tình tại đây được truyền đạt theo một cách rất tinh tế, dựa trên hội thoại tự nhiên chứ không phải một ông ngồi tụng lại nguyên một quyển sách giáo khoa sử. Việc thế giới này có phép thuật và rồng rắn cũng được game giới thiệu theo một cách không thể nào ấn tượng và mượt mà hơn, tích hợp thẳng vào mạch hành động đưa đẩy cốt chứ không phải qua những đoạn kể lể dông dài.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓