Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] New Wave


 New Wave là giai đoạn phát triển tiếp theo của Sci Fi, diễn ra vào giai đoạn thập niên 60s và 70s, và có thể coi là lúc Sci Fi bắt đầu dậy thì. 

Cái thuật ngữ "New Wave," dịch thô ra là “Làn sóng Mới,” là một từ mượn từ phong trào làm phim nouvelle Vague của Pháp. New Wave đặc biệt ở một chỗ là nó không phải là bước “tiến hoá” của Sci Fi theo cái nghĩa nó kế thừa và phát huy những truyền thống cũ. Phong trào này là cuộc nổi loạn của cộng đồng khoa học viễn tưởng. 

Vào khoảng giữa những năm 60s, Sci Fi bắt đầu trở nên tù đọng. Bản thân thị trường Sci Fi lúc ấy không hề thụt lùi, mà trái lại ngày càng có nhiều nhà văn mới xuất hiện, độc giả mới trở thành fan, và nhà xuất bản mới nhòm ngó đến. Chỉ có điều cái lối viết văn của Pulp Sci Fi (https://goo.gl/3s34n7) càng lúc càng trở nên nhàm chán, giới hạn, quanh đi quẩn lại chỉ có từng ấy thứ. Người đọc đọc vào thấy mệt, mà đến nhà văn viết ra cũng thấy mệt. Nói tóm lại, cái dòng văn được xây dựng dựa trên tưởng tượng ra những điều mới mẻ của tương lai khi ấy đã trở thành một cặp còng, giữ cứng tất cả mọi người trong một cái nhà tù luẩn quẩn.

Và thế là các nhà văn bắt đầu phá cái còng ấy đi và vượt ngục. Họ nhìn sang các dòng văn “chính thống” khác, và bắt đầu thử viết Sci Fi sao cho “văn hơn.” Khoa học bắt đầu trở thành yếu tố phụ trội, muốn giải thích kiểu gì cũng được, và thậm chí “nồng độ” khoa học còn giảm hẳn xuống. Cách nhìn nhận về thế giới bị lật ngược, lộn trái, xếp xen kẽ, trải phẳng, vun đống…; nhân vật không còn là chuẩn men nam tính bắn giết người ngoài hành tinh và bem gái tối ngày nữa (nói cách khác là không còn giống James Bond), mà chuyển sang đóng đủ loại vai quái lạ khác nhau; cấu trúc cốt truyện không còn thẳng đuột Thiện vs Ác hay Phe ta vs Phe nó nữa, mà chạy loằng ngoằng với đủ phép ẩn dụ về vô số đề tài trên đời… Các nhà văn tham gia vào phong trào này hay tự coi mình là những nhà văn tân thời, và goi các câu chuyện pulpy ngày xưa là… pulpy: ù lì, trẻ con, ngớ ngẩn, vụng về.

New Wave khó xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc hơn hẳn mọi giai đoạn khác, căn bản bởi vì các nhà văn chỉ đơn thuần thấy quá khó chịu vì cứ phải đi theo lối mòn nên họ tự động tẽ ra, thử khai phá các con đường mới, và về sau chúng ta nhìn lại thì gọi những gì họ làm là “phong trào” thôi. Nhiều người hay coi Michael Moorcock, chủ bút tạp chí New Worlds, là người khơi dậy toàn bộ phong trào vào năm 1964. Sau đó thì hai tuyển tập truyện ngắn ra đời, England Swings SF của Judith Merril và Dangerous Visions của Harlan Ellison, và chúng khiến phong trào bùng nổ mạnh mẽ. Đặc biệt Dangerous Visions, tuyển tập mà Harlan Ellison bảo là bao gồm những câu chuyện “không nơi nào khác cho đăng,” đã giúp cái phong trào vươn hẳn ra ngoài lãnh thổ nước Anh, và làm dậy sóng cả cộng đồng Sci Fi thế giới. Thế rồi dần dần, phong trào này cũng lại hết hơi, bởi vì cái kiểu phá cách của New Wave thực tình mà nói là phá hơi quá đà, thế nên khá kén người đọc. Và cuối cùng các nhà văn dần viết “thuần” lại, độ chính xác khoa học lại bắt đầu được coi trọng, và New Wave dần biến mất. Kể cả sau khi đã kết thúc, sức ảnh hưởng của New Wave vẫn còn lưu lại rất lâu. Nó đã giúp giải phóng Sci Fi, giới thiệu nhiều ý tưởng và phong cách viết văn mới mà đến nay vẫn còn dùng. 

Sau giai đoạn này thì sẽ đến lượt hai giai đoạn gần đây nhất là Cyberpunk (https://goo.gl/6bGnS4) và Post-Cyberpunk (https://goo.gl/H1qQZd). Bởi vì hai giai đoạn này gần như độc lập thành cả một dòng riêng rồi, thế nên mình đã có bài bàn về chúng. Mọi người muốn tìm hiểu về giai đoạn nào thì cứ vào đó xem lại.

Và như vậy là series Sci Fi căn bản đã chính thức kết thúc.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.