Chuyển đến nội dung chính

Ridiculously Human Robot - khi rôbốt giống người đến lố bịch



 Cái trailer của series Raised by Wolves kể về mấy con android nuôi người hôm qua làm mình nhớ tới một cái mô típ rất thú vị có tên là Ridiculously Human Robot. Mình từng định mang nó ra bàn sau lần review bộ truyện The Murderbot Diaries, nhưng mà hồi đấy… quên mất 🐧. Giờ sẽ lôi nó ra chém bù.

Anh em có để ý thấy là trong nhiều tác phẩm có dính đến lũ rôbốt, đôi khi bọn nó hơi bị “người” quá đà không? Không chỉ tính mấy cái vĩ mô như biết yêu biết ghét hay ngoại hình giống với con người 100% đâu nhé, mà “người” theo kiểu bọn nó nghiện thuốc lá, thích cá độ, thích emo trang điểm Goth… Tất cả những thứ này hoàn toàn chẳng có một cơ sở gì để tồn tại cả, bởi vì nghiện thuốc thì giúp ích được gì cho đời vậy kìa (tăng doanh thu cho hãng thuốc không tính nhé 🐧 )? 

Đấy chính là bản chất của Ridiculously Human Robot: mô típ khắc họa những con rôbốt theo cách “người” đến mức lố bịch.

Thú vị một điều là phạm vi “lố bịch” của cái mô típ này khá là rộng. Nó không nhất thiết đòi hỏi bọn rôbốt phải giống người từ trong ra ngoài, mang đủ mọi tật xấu cũng như những cái hay dở của con người, mà có khi chỉ cần một khía cạnh của nó đủ giống người là xong. Chẳng hạn ta có thể có một con rôbốt nhìn không khác gì một cái máy hút bụi, hay thậm chí chỉ là một cái cục vuông vắn, không hề có bất kỳ thứ gì để làm bất kỳ ai có thể nghĩ nó có thể gọi là người được hết, nhưng lại suốt ngày ăn nói kiểu cợt nhả và văng tục luôn mồm (với ví dụ kinh điển nhất là con rôbốt TARS trong bộ phim Interstellar), ta cũng sẽ có thể bảo là nó người đến mức lố bịch. Hoặc ngược lại, ngay cả nếu nó hành xử đơ đơ đúng như một con rôbốt, nhưng lại được thiết kế giống người hoàn toàn, với da thịt đầy đủ cả, và thậm chí cả hạ bộ cũng trang bị đầy đủ, và có tính năng hoạt động như người (chẳng hạn con rôbốt trong tập phim Be Right Back của series Black Mirror), thì đấy vẫn đủ để ta gọi là “người” đến lố bịch.

Ngay cả trong trường hợp bản thân tác phẩm có đưa ra lời giải thích cho cái sự người của con rôbốt kia, ta sẽ vẫn có thể coi nó là lố bịch nếu quả đúng là nó, ờm, lố bịch 🐧. Bộ truyện I, Robot của Isaac Asimov là ví dụ hết sức kinh điển cho vụ này. Trong truyện ngắn Satisfaction Guaranteed, có một con rôbốt hoạt động người đến mức “tán” đổ luôn cả cô chủ. Tuy nhiên, điều này lại được giải thích một cách rất lôgic là nó nhận biết được sự buồn phiền của chủ, và Định luật Một trong Rôbốt học ép nó phải hành động để giảm đau đớn của con người (dù cho đó chỉ là đau đớn tinh thần). Trong một truyện ngắn khác của tuyển tập là Reason, một mẫu rôbốt mới thậm chí còn tự nhiên tòi ra cái tính… mộ đạo. Nó cuồng tín đến mức tự nghĩ mình là tạo vật thượng đẳng do Chúa sinh ra, và đã thuyết phục mọi con rôbốt khác cùng mình thế chân các kỹ thuật viên tại một trạm năng lượng. Về sau hóa ra là con rôbốt kia biết con người sẽ không thể thực hiện được chuẩn xác một hoạt động rất nguy hiểm, nhưng mấy định luật rôbốt không cho nó “làm phản” và thế chân con người làm việc kia. Thế là để lách luật, nó tự huyễn hoặc bản thân bằng cái tôn giáo dị hợm kia, và từ đó có thể đứng ra cáng đáng công việc. Trong cả hai trường hợp, cách hành xử bọn rôbốt đều được lý giải một cách đầy lôgic, nhưng chúng ta nhìn từ bên ngoài vào sẽ vẫn thấy nó người quá đà, thế nên vẫn được coi là ví dụ của mô típ này được.

Giờ quay lại với tác phẩm vốn ban đầu đã gợi cho mình nhớ đến nó: The Murderbot Diaries của Martha Wells.

Gốc thì mình định so sánh The Murderbot Diaries với một cuốn khác có tên Sea of Rust của C. Robert Cargill, bởi lẽ cả hai đều có sự xuất hiện của Ridiculously Human Robot, nhưng The Murderbot Diaries thì làm dễ chấp nhận hơn hẳn, còn Sea of Rust thì lại làm theo kiểu hơi khó tin.

Trong The Murderbot Diaries, nhân vật chính là một con rôbốt bị nghiện Netflix. Ngay cả sau khi đã hack xong cái môđun ép mình phải nghe theo lệnh con người rồi, nó vẫn chẳng buồn làm cái gì khác ngoài kéo phim về cày, và cứ mỗi lần phải xách mông lên làm cái gì (đặc biệt nếu có dính dáng đến con người) là nó lại càu nhàu rất ghê. Con rôbốt này được xây dựng theo kiểu hệt như một con người bình thường, mỗi tội là hướng nội nặng, kèm theo cái tật mê phim như đã nói đấy. Nhưng được cái là trong truyện đã nói rất rõ con này không phải là rôbốt hẳn, mà là một “construct” – một thiết bị nhân tạo lai giữa cả các vật liệu vô cơ (máy móc kim loại) lẫn hữu cơ (da thịt và mô não). Sự tích hợp đấy cho phép nó có thể suy nghĩ sáng tạo như con người, không chỉ bó buộc trong phạm vi mấy dòng code cứng nhắc, và từ đó hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng lẽ đương nhiên, làm thế thì đi kèm sẽ là mang theo tâm tư tình cảm khá tương đồng với người, và từ đấy nên mới dẫn đến những cái tính lố bịch kia.

Sea of Rust thì lấy bối cảnh là một thế giới hậu tận thế gần như y chang Mad Max, chỉ có điều là thay vì con người loay hoay sinh tồn, bọn rôbốt mới lại là những kẻ phải chịu kiếp sống khổ cực ấy. Lý do là bọn rôbốt đã nổi dậy từ lâu và giết chết sạch con người rồi, nhưng mà phần “sau đó” thì bọn nó lỡ quên không tính đến 🐧. Trong truyện, ta gặp một dàn các nhân vật toàn rôbốt là rôbốt, hồi trước từng nắm giữ các vai trò khác nhau trong xã hội loài người. Chúng nó tự hình thành các cộng đồng (hay gọi là bộ lạc thì đúng hơn) riêng, có một hệ thống kinh tế buôn bán đổi chác riêng, và nhìn chung là làm đủ mọi thứ mà ta vẫn có thể kỳ vọng con người sẽ làm sau khi xã hội sụp đổ. Và đây chính là cái vấn đề to nhất của cái quyển này. Bọn rôbốt gần như hoàn toàn là con người, và nếu không được tác giả nói cho biết ngay từ đầu đây là rôbốt thì mình đã chẳng hiểu chúng nó có thể là rôbốt được ở chỗ nào. Có một số con là sexbot (roobot tình dục) hoặc caregiver (chăm sóc người bệnh) thì còn có thể hơi hơi hiểu được tại sao bọn nó lại giống người, nhưng vấn đề là những con rôbốt công nghiệp cũng hành xử y chang như thế. Điều này khiến cho mấy con Ridiculously Human Robot trong này càng thêm phần lố bịch hơn, bởi lẽ chúng nó chẳng có bất kỳ lý do gì để người đến như vậy cả.

Trong trường hợp của The Murderbot Diaries và Sea of Rust, lý do bọn rôbốt hành xử giống người mà truyện đưa ra có tác động không hề nhỏ đến độ hay của truyện, và khiến cho The Murderbot Diaries trở nên trội hơn Sea of Rust. Nhưng điều này chỉ đúng bởi cả hai tác phẩm này đều muốn tạo dựng một thế giới chân thực, với trọng tâm là làm chúng ta tin các cuộc phiêu lưu trong cốt của mình có thể diễn ra trong tương lai. Nếu chúng nó mà có trọng tâm khác nhau thì việc bọn rôbốt có lý do gì để hành xử giống người quá đà hay không lại không thể được đem ra để so sánh thằng nào hay hơn thằng nào được, vì khi đấy ta hai tác phẩm nằm trên hai hệ quy chiếu khác nhau rồi.

Ví dụ như trong bộ manga Đôrêmon, con mèo máy Đôrêmon chính là một Ridiculously Human Robot, nhưng chẳng hề có bất kỳ lý giải hợp lý gì cho việc tại sao nó có đủ hỉ nộ ái ố với cả thèm ăn bánh rán như con người thế cả. Dẫu vậy, ta không thể dựa vào đấy để bảo đây là một tác phẩm kém hay so với The Murderbot Diaries hay Sea of Rust, căn bản vì mục đích của Đôrêmon là pha trò giải trí chứ không phải là xây dựng một cuộc phiêu lưu với độ chân thực cao. Tương tự với nó, mấy con rôbốt bên trong bộ manga Yokohama Kaidashi Kikou cũng người vô cùng, và thậm chí nếu hiểu không nhầm thì còn cảm thấy khoái nếu bị động vào chỗ “nớ” 🐧. Gần như không có một lời giải thích nào được đưa ra cho việc tại sao bọn nó lại người đến thế, ngoài trừ một cái manh mối cực kỳ nhỏ rằng có thể bọn nó được chế với hy vọng sẽ trở thành những “đứa con” của nhân loại theo mọi nghĩa. Nhưng trọng tâm truyện không phải là về một thế giới khả dĩ nơi công nghệ rôbốt đã phát triển tân tiến, mà nó chỉ muốn tạo không khí trầm lắng và để ta dành thời gian “lắng” xuống, chiêm nghiệm về những thứ bình dị. Chính thế nên việc series thiếu nguyên cớ hợp lý cho mấy con Ridiculously Human Robot của mình vẫn không ảnh hướng quá nhiều đến độ hay của tác phẩm.

Nói gọn lại, Ridiculously Human Robot là mô típ rôbốt hành xử giống người đến lố bịch. Nhưng liệu sự tồn tại của nó có khiến bản thân tác phẩm trở nên lố bịch hay không thì lại là chuyện khác 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.