Chuyển đến nội dung chính

Internal Consistency - sự nhất quán nội tại


 SFF (đặc biệt là thằng Fantasy) có lợi thế hơn các dòng văn khác ở chỗ chúng nó không cần tuân theo các quy tắc của thực tại. Khi tác giả cần một chuyện gì đó xảy ra, hay muốn đẩy cốt truyện đi theo hướng nhất định nào đó, họ sẽ có nhiều công cụ để tận dụng hơn là các dòng văn bị bó hẹp trong logic của thế giới thực.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các tác phẩm Sci Fi với Fantasy có thể thích gì làm nấy. Một tác phẩm SFF tử tế sẽ phải sở hữu một yếu tố mà J. R. R. Tolkien, tác giả Chúa tể những chiếc nhẫn, đã gọi là "inner consistency of reality" (tính nhất quán của thực tại bên trong tác phẩm). Ngày nay thì nó hay được gọi tắt là Internal Consistency, tức tính nhất quán nội tại.

Về cơ bản, tính nhất quán nội tại là việc mọi yếu tố bên trong tác phẩm đều phải tuân thủ theo các quy luật mà tác phẩm đã đề ra, bao gồm cả các quy luật đã được nói rõ và quy luật ngầm/ám chỉ. Ví dụ như thế này: 1 câu chuyện Fantasy cho người lùn những đặc tính dị thường, bao gồm đấm sập được núi, triệu hồi được rồng, gặp nước là chết, khạc ra lửa, biến hình thành sói,... Bất kể người lùn có quyền năng điêu toa nào đi chăng nữa, miễn sao 100% người lùn đều có thể làm được như thế, truyện vẫn giữ tính nhất quán, và người đọc vẫn chấp nhận được.

Tuy nhiên, trong trường hợp tự nhiên 1 người lùn trong câu chuyện trên nhảy ùm xuống sông tắm táp (trong khi tác phẩm đã nói người lùn kỵ nước), thì lập tức hành động đơn giản ấy sẽ phá vỡ tính nhất quán của toàn bộ câu chuyện. Nếu bắt buộc phải cho 1 người lùn xuống sông, câu chuyện phải có giải thích nguyên do đặc biệt nào cho phép điều ấy xảy ra, hoặc trước hoặc sau khi diễn ra hành động ấy, và bản thân lời giải thích cũng phải ăn khớp với những yếu tố khác ta đã biết về thế giới của câu chuyện.

Chính tính nhất quán nội tại này là một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của Harry Potter (7 quyển chính). Nếu đọc lại, mọi người sẽ thấy mọi tình tiết dù có điêu thế nào đều được tác giả ngấm ngầm giải thích từ trước khi nó xuất hiện (hoặc từ các tác phẩm trước trong bộ truyện). Nếu tự nhiên có một sự lạ, không ăn khớp với các quy luật truyện đã đề ra, nó không bao giờ bị bỏ qua cả mà luôn có một người đứng bên giải thích, hoặc trở thành 1 plotline để bản thân các nhân vật đi tìm hiểu, và cuối cùng được giải thích thỏa đáng.

Ngược với nó, bộ phim The Last Jedi của Star Wars thất bại một phần vì nhiều thứ trong phim giẫm lên chân nhau, không tuân thủ các quy tắc của vũ trụ Star Wars đã có từ trước, và không có lời giải thích nào được đưa ra cho đại đa số bọn chúng. Những tình tiết "thần kỳ" như vậy tử tế nhất thì cũng bị gọi là Ass Pull (nôm na là chém gió), còn tệ nhất thì trở thành Plot Hole (lỗ hổng mạch truyện).

Chính thế nên ngay cả trong Sci Fi & Fantasy, mặc dù tác giả được hưởng một số quyền tự do nhất định, nhưng không thể bất chấp logic làm bừa được. Và người đọc/xem không thể lôi cớ đây là dòng SFF để bao biện cho những lỗi nhất quán của tác phẩm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.