Hôm nay mình bắt được bài này trên Lithub, bàn về một khái niệm rất hay, ấy là Passive Protagonist. Vì tình cờ thì cuốn mình review gần đây (A Dead Djinn in Cairo, The Haunting of Tram Car 015, và All Against All) đều là ví dụ về mô típ này, thế nên giờ tranh thủ mang nó ra bàn luôn.
Passive Protagonist dùng để chỉ các nhân vật chính… vô dụng. Hay nói chuẩn hơn, đây sẽ là các nhân vật rất thụ động trong cốt. Họ sẽ chẳng tự nhấc mông lên làm cái gì cả, mà toàn xem có chuyện gì xảy đến thì phản ứng với cái chuyện đó, xong rồi thì thôi. Anh em cứ tưởng tượng các nhân vật kiểu này sẽ như một viên bi ấy, ai mang đi đâu thì đi, bắn đi đâu thì văng ra đấy, đụng tường thì nảy lại, nhưng mà lực để đâm vào tường cũng là do người khác cấp, chẳng tự làm cái gì bao giờ. Chính vì chỉ nảy tưng tưng khắp câu chuyện một cách thụ động như vậy nên Passive Protagonist còn có một cái tên khác hình tượng hơn, đó là Pinball Protagonist.
Passive Protagonist thường là kiểu nhân vật rất khó ngửi, bởi lẽ dù mang danh là nhân vật “chính”, họ lại tạo cho ta cảm giác mình chỉ là một nhân vật phụ, còn những người tác động vào bản thân mới là các nhân vật chính đích thực. Như đã nói trong review hôm trước, nhân vật chính trong 2 cuốn A Dead Djinn in Cairo và The Haunting of Tram Car 015 đều là ví dụ tiêu cực về mô típ này. Cả 2 nhân vật điều tra viên trong truyện gần như đều chẳng tự mình làm cái gì cả. Họ được nhà nước phái đi giải quyết các vụ án, chứ không phải tự mình muốn điều tra làm gì. Xong rồi ngay cả lúc điều tra, gần như mọi thứ đều do người khác cung cấp. Cứ lúc nào một câu hỏi khó xuất hiện, lập tức có một nhân vật mới tòi ra và mớm câu trả lời cho họ, và họ chỉ phải phản ứng dựa trên đấy thôi, chứ không có động thái chủ động suy luận về lời giải (cuốn The Haunting of Tram Car 015 thì đỡ hơn, vì có ít nhất 3 lần ông thanh tra tự suy được câu trả lời, nhưng chủ yếu vẫn để thằng đệ với một cô hầu bàn carry).
Tuy nhiên, có những trường hợp Passive Protagonist lại là một lựa chọn rất hợp lý. Một trong những trường hợp ấy là khi tác giả muốn giữ kín một thứ gì đó của nhân vật chính “thật”, hoặc là vì cốt truyện yếu cầu hoặc là vì muốn tăng độ hấp dẫn và bất ngờ của nhân vật lên. Nhưng giữ thế nào được nếu nhân vật đó là chính mất rồi? Cách giải quyết sẽ là “chuyển giao” quyền làm nhân vật chính cho một người phụ nào đó, và thuật lại mọi sự từ góc nhìn của người ấy.
Ví dụ kinh điển nhất mọi thời đại cho kiểu Passive Protagonist này sẽ là Bác sĩ Watson trong Sherlock Holmes. Không ai có thể phủ nhận được rằng Watson là nhân vật chính, nhưng thanh niên gần như chẳng bao giờ tự làm cái gì cả, toàn làm chân sai vặt cho Sherlock Holmes, người mới thực sự là nhân vật “chính” của toàn series. Vấn đề là nếu kể lại qua góc nhìn của Holmes thì lộ sạch mọi thứ rồi, còn gì hấp dẫn nữa? Thế nên bro Doyle mới bốc random ra một ông bác sĩ ngáo ngơ, thụ động để đảm nhiệm vai trò kể chuyện, còn Holmes thì được phép giữ kín mọi thứ trong đầu. A Study in Emerald, phiên bản “chế” Sherlock mang hương vị SFF do Neil Gaiman thực hiện, cũng bám rất sát cái mô típ đấy.
Còn một trường hợp Passive Protagonist tích cực khác nữa mà SFF của chúng ta rất hay dùng, đó là để nhân vật chính thụ động nhằm khám phá các yếu tố mới mẻ trong thế giới tác phẩm đã dựng lên.
Ví dụ nổi nhất của trường hợp này sẽ là Giáo sư Arronax trong Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển của Jules Verne. Ngoài việc viết một bài báo lúc đầu truyện ra thì Arronax gần như chẳng làm gì chủ động cả. Thậm chí có thể nói là nếu vứt hẳn ông này ra khỏi truyện, mọi thứ vẫn sẽ chẳng thay đổi gì. Nhưng nhờ có Arronax, ta mới được đi ngắm nhìn thế giới dưới đại dương, con tàu Nautilus, Thuyền trưởng Nemo,… mà vẫn cảm nhận nguyên được cái sự kỳ diệu của nó. Nếu để quyền làm nhân vật chính rơi vào tay Thuyền trưởng Nemo, nhân vật cốt lõi của cả truyện, thì rất nhiều cái hay của truyện sẽ bị mất đi.
H.G. Wells cũng rất hay dùng cái mô típ này. Hòn Đảo Của Bác Sĩ Moreau và Chiến Tranh Giữa Các Thế Giới đều có nhân vật chính cực kỳ thụ động, với Hòn Đảo Của Bác Sĩ Moreau thì có thanh niên Pendrick chẳng làm gì ngoài lên đảo ngắm Moreau làm thí nghiệm, còn thanh niên nhân vật chính trong Chiến Tranh Giữa Các Thế Giới thì chỉ có chạy loăng quăng khắp miền Surrey và hỏi chuyện người khác hoặc ngắm bọn người Sao Hỏa làm trò con bò.
World War Z thì chơi một kiểu rất thú vị, ấy là dùng format phỏng vấn người sống sót sau Thế Chiến Zombie, bởi vậy nên nhân vật chính (anh nhà báo) auto phải giữ vai trò thụ động để người được phỏng vấn tự mình kể lại các câu chuyện của họ. Anh nhà báo kia không là tác nhân cho bất cứ sự kiện nào trong World War Z cả (hình như thậm chí còn chưa ra đời trong giai đoạn phần lớn các câu chuyện diễn ra), và có quẳng anh này đi thì technically mọi câu chuyện trong sách cũng đều diễn ra cả hết, vì nó là “lịch sử” rồi mà.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓