Chuyển đến nội dung chính

Narrative Causality - câu chuyện quyết định sự kiện


 Như anh em có thể đã biết, làng Sci Fi chúng ta vừa được chứng kiến thêm một pha tự bóp ấy có thể nói là ngoạn mục nhất trong vòng mấy năm trở lại đây đến từ đội Chó Hư, ấy chính là bản sequel của The Last of Us. Tuy nhiên, dù có một câu chuyện rất phế, nó vẫn gợi cho mình nhớ đến một mô típ rất hay, ấy là Narrative Causality.

Narrative Causality dịch ra là Thuyết Nhân quả Câu chuyện. Nó dùng để giải thích cho việc tại sao trong một câu chuyện, nhiều sự kiện phi thường, hy hữu, hay thậm chí bất khả thi lại có thể xảy ra đến thế. Tại sao đúng lúc kinh thành sắp sập thì “tình cờ” một quân tiếp viện lại chường mặt đến? Tại sao đúng cái ngày một binh đoàn quỷ đến tàn phá làng của nhân vật chính thì thanh niên này lại đi vắng? Tại sao đúng lúc thằng sát nhân sắp sửa mở cửa cái tủ nơi mình trốn thì tự nhiên có động để nó bỏ đi? Tại sao cả thế giới nhiễm virút và lăn đùng ra trở thành ma cà rồng mà một mình thanh niên nhân vật chính lại không bị?

Vì nếu chúng nó mà không xảy ra, câu chuyện sẽ trở nên nhạt toẹt, hay thậm chí còn chẳng tồn tại nổi.

Anh em cứ nghĩ thử mà xem, nếu nhân vật chính bị xiên chết ngay từ dòng đầu truyện, hoặc không tình cờ tìm được các manh mối để thúc đẩy câu chuyện đi tới trước, hay còn chẳng gặp bất kỳ sự kiện gì trong đời để câu chuyện bắt đầu, thế thì chúng ta làm gì có câu chuyện nào để mà thưởng thức? Chính vì ta cần có một câu chuyện hay, thế nên các sự kiện phi thường mới xảy ra được, chứ không phải là vì các sự kiện phi thường xảy ra nên câu chuyện mới ra đời.

Narrative Causality là thế đấy: mọi thứ diễn ra bởi vì câu chuyện cần nó phải diễn ra.

Anh em nào ở lâu trong group hẳn sẽ để ý thấy Narrative Causality cực kỳ tương đồng với cách nhìn nhận tác phẩm mang tên Doylism mà mình có lần đã nhắc đến. Hai thằng này gần như trùng hẳn với nhau, nhưng vẫn có một chút khác biệt: Doylism thì tuyên bố rằng sự kiện X xảy ra là vì tác giả muốn nó phải xảy ra, còn Narrative Causality thì bảo rằng sự kiện X xảy ra vì câu chuyện muốn thế. Tác giả thì có thể sẽ muốn mượn X để thể hiện quan điểm cá nhân, luận bàn triết lý hoặc thế nào đó; còn câu chuyện thì muốn mượn X để mình có cớ mà tồn tại, hoặc giúp bản thân trở nên hấp dẫn hơn.

Nhưng mà nhìn chung thì anh em cũng chẳng cần quá lăn tăn Doylism với Narrative Causality khác nhau ở đâu đâu. Dùng trùng với nhau cũng được 🐧.

Vì Narrative Causality chỉ là một triết lý nhìn nhận các tình tiết của câu chuyện, gần như chẳng có tác phẩm nào mà ta không áp dụng nó vào được cả. Ví dụ như trong series Animorphs, ông hoàng Elfangor tình cờ đáp được chiến đấu cơ xuống một khu công trường bỏ hoang, và tình cờ thì lại có đúng 5 đứa thiếu niên đầu không có Yeerk đi ngang qua đấy, và chúng nó lại còn xuất hiện chỉ vài phút trước khi lực lượng của Visser Ba đáp xuống giết chết Elfangor nữa chứ.

Trùng hợp quá đó nha 🐧.

Nhưng nếu chỉ 1 trong số mấy điều kiện đó không được đáp ứng, chẳng hạn Elfangor rơi tòm xuống biển, đám đáng-lẽ-sẽ-là-Animorphs đến muộn tầm nửa tiếng, hoặc Jake đã có sẵn một thằng Yeerk trong đầu, thế thì làm gì còn câu chuyện nào để mà kể nữa?

Tương tự với nó, nhưng mà ở bên Fantasy, ta có tác phẩm Dracula. Tình cờ thì địa điểm Dracula lựa chọn để làm bàn đạp xâm chiếm Anh lại là Whitby, nơi Mina Murray, hôn thê của Jonathan Harker (luật sư được Dracula thuê để giúp mình mua nhà làm căn cứ), đang sống. Hơn nữa, nạn nhân đầu tiên của Dracula lại còn là Lucy Westenra, bạn thân của Mina. Chưa hết, Lucy còn đang được một bro có tên Seward tán tỉnh, và cũng thật tình cờ là thanh niên lại làm việc tại một trại thương điên gần như ngay cạnh nhà Dracula, và là nơi Renfield, một thuộc hạ của Dracula, được điều trị. À mà đoán thử xem người quen của Seward là ai? Abraham van Helsing một trong những học giả hiếm hoi về ma cà rồng trên thế giới, và có lẽ là người duy nhất biết cách tiêu diệt Dracula.

Trùng hợp quá đó nha 🐧.

Nhưng mà yo, Narrative Causality. Nếu không có những điều ấy thì Dracula tằng tằng thôn tính cả nước Anh rồi, còn gì để mà thuật lại nữa đâu?

Một số tác phẩm thì thậm chí còn lồng ghép hẳn Narrative Causality vào trong cốt của mình theo một cách rất thú vị. Ví dụ nổi nhất là series Discworld của Terry Pratchett. Vũ trụ của Discworld có hẳn một cái quy luật gọi là “narrativium”. Về cơ bản, narrativium ép thế giới phải vận hành dựa trên những mô típ kể chuyện kinh điển, không thể lệch đi đâu được. Có một trường hợp hài hước là một nhóm chiến binh cực kỳ thiện chiến, trang bị tận răng, từng một tay đánh bại cả đạo quân gần triệu người, lại chấp nhận đầu hàng khi gặp phải địch thủ là một thằng cha ất ơ, vô danh tiểu tốt, chẳng có gì ngoài một thanh kiếm cùn. Nguyên do là bởi thằng này sặc mùi “nhân vật chính”, và narrativium kiểu gì cũng sẽ cho nó thắng 🐧.

Bên cạnh đó thì ta có cuốn Redshirts của John Scalzi, một tiểu thuyết parody Star Trek. Truyện kể về một thủy thủ trên một con tàu vũ trụ nhận thấy một quy luật rất lạ: cứ mỗi lần đi làm nhiệm vụ, kiểu gì cũng phải có tối thiểu một thằng lính mặc áo đỏ lăn quay ra chết. Đó là bởi đây là một cái Narrative Causality kinh điển của Star Trek, muốn có thương vong cho câu chuyện được hầm hố, nhưng vẫn cần giữ nhân vật chính sống để mà còn nối tiếp các tập phim sau, thế nên toàn cho lính trơn (mặc quân phục áo đỏ) chết thay. Và câu chuyện kể về nỗ lực tránh trở thành nạn nhân của Narrative Causality của nhân vật chính.

Nghiêm túc hơn tí thì ta có The Wheel of Time của Robert Jordan. Trong truyện, có ba nhân vật chính luôn gặp những chuyện quái đản ngoài sức tưởng tượng, đồng thời họ cũng nắm trong tay những năng lực có thể nói là siêu nhiên. Nguyên do là bởi đây là các ta'veren, tức các cái “rốn” của vũ trụ (dịch nghiêm túc đấy nhé 🐧 ), và cả vũ trụ sẽ xoay chuyển sao cho mọi thứ đều dồn đổ vào những con người này. Một trong những ta'veren với sức mạnh mang đậm chất Narrative Causality nhất là thằng Mat Cauthon. Thanh niên sở hữu siêu năng lực… đánh đề, hay nói cách khác là may mắn. Đồng chí này khi bị bí, có thể chỉ cần random quay tít một vòng, sau đấy đi bừa theo hướng mặt mình quay về khi dừng lại, và kiểu gì cũng sẽ “tình cờ” gặp người quen, hoặc người có thông tin mình cần, hoặc chứng kiến sự kiện quan trọng gì đó, giúp giải quyết vấn đề mình đang gặp phải.

Tất nhiên, những trường hợp trên đều là các ví dụ mang tính tích cực về Narrative Causality cả. Nếu không làm cẩn thận, để quá nhiều sự trùng hợp vô lý xảy ra chỉ vì mục đích thúc đẩy câu chuyện đi tới trước, câu chuyện có thể sẽ trở nên rất ngu, hay tử tế lắm thì cũng là lười nhác. Chẳng hạn như trong truyện ngắn A Dead Djinn in Cairo của P. Djèlí Clark, đúng lúc cuộc điều tra một chuỗi các vụ án mạng kỳ bí đi vào ngõ cụt, tự nhiên nhân vật thanh tra lại “tình cờ” gặp đúng một người quen cái nhân vật nắm giữ chìa khóa của bí ẩn, trong khi bản thân thậm chí còn chưa kịp nghĩ ra được một cái giả thuyết gì về vụ án cả, chứ đừng nói là chủ động đi tìm hiểu. Và trong Sci Fi thì tất nhiên, chúng ta sẽ phải kể đến cái thanh niên trong hình bên dưới, với nhân vật phản diện chính đang lúc cần nghĩ cách tiếp cận một mục tiêu hết sức khó nhằn thì mục tiêu tự dâng xác đến tận mồm.

Trùng hợp quá đó nha 🐧.

Nếu thấy hứng thú với cái triết lý này, mọi người có thể đọc thêm bài mình từng viết về Doylism và Watsonism ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2760484347372148/.

Một khái niệm nữa có thể anh em cũng sẽ quan tâm, ấy là Anthropic Principle, từng được mình nhắc đến trong bài viết về Minovsky Physics. Anh em có thể tham khảo thêm ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2760484347372148/

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.