Chuyển đến nội dung chính

Twice-Told Tale/Retelling - "xào" lại một câu chuyện cũ


 Hôm nay mình vừa mới đọc một mẩu truyện ngắn rất thú vị của Neil Gaiman, có tên là A Study in Emerald. Vì truyện này nó hơi đặc thù, mình không thể review như bình thường được, mà thay vào đó sẽ mượn nó để nói về một kiểu câu chuyện rất hay, ấy là Twice-Told Tale.

Trước khi đọc bài này thì mọi người rất nên đọc A Study in Emerald. Truyện được tác giả đăng miễn phí trên website của mình (đọc tại đây: https://www.neilgaiman.com/mediafiles/exclusive/shortstories/emerald.pdf) và được trình bày theo style báo in cũ của London thế kỷ 19. Điều duy nhất mình muốn dặn trước với mọi người là hãy đừng bỏ qua bất kỳ một chữ nào trong truyện, bởi vì tất cả đều rất quan trọng. Nói rất nghiêm túc. Hãy đọc từ tên cái tờ báo ở tít trên cùng trở đi, và đừng có đọc lướt, kể cả khi thấy nội dung nghe quen quen. Đừng ngu như mình 🐧.

Giờ vào lại đề tài chính.

Twice-Told Tale vốn là một cụm trích từ vở King John của William Shakespeare, cụ thể là đoạn này:

Life is as tedious as a twice-told tale

(Cuộc đời tẻ nhạt như một câu chuyện nhai lại hai lần)

Vexing the dull ear of a drowsy man.

(Chỉ tổ gây nhàm cho cái tai đờ đẫn của kẻ đang ngái ngủ.)

Như anh em có thể thấy, Twice-Told Tale gốc muốn chỉ một câu chuyện bị đem ra kể đi kể lại. Bất chấp câu chuyện có thú vị đến thế nào thì nghe lại lần hai kiểu gì cũng sẽ không còn thấy hấp dẫn như lần đầu nữa, bởi lẽ người nghe đã biết hết nó sẽ diễn tiến ra sao rồi.

Nhưng điều đấy chỉ đúng nếu ta kể lại câu chuyện cũ một cách Y XÌ ĐÚC mà thôi.

Còn nếu cũng vẫn câu chuyện ấy, nhưng lại được kể từ góc nhìn của kẻ phản diện thì sao?

Hay nếu ta “nâng cấp” thời đại cho nó?

Hay chập chung nó vào với một câu chuyện khác?

Đó chính là định nghĩa của Twice-Told Tale trong thời hiện đại: những câu chuyện hết sức quen thuộc, nhưng được đem ra “xào” lại, với một số tình tiết bị đổi đi hoặc nhìn nhận theo một cách phi truyền thống, từ đấy tạo ra một tác phẩm có thể nói là mới hẳn, nhưng vẫn có thể thấy rất rõ nó từ đâu chui ra.

Tùy vào bản chất cũng như mức độ “xào nấu”, một câu chuyện Twice-Told Tale có thể đứng độc lập hẳn, không cần đọc tác phẩm gốc cũng có thể tận hưởng được nó; nhưng cũng có những câu chuyện Twice-Told Tale buộc ta phải biết tác phẩm gốc thì mới hiểu được, hay ít nhất là cảm nhận được toàn bộ sự hay của tác phẩm. Điểm này khiến cho Twice-Told Tale trở nên cực kỳ giống với Parody (https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2962231920530722/), và có nhiều ý kiến cho rằng một thằng là “tập hợp con” của thằng còn lại. Có điều thằng nào là “bố” thằng nào là “con” thì hơi khó xác định 🐧. Một trong những cách phân biệt dễ nhất là Parody sẽ có xu hướng châm biếm hài hước, còn Twice-Told Tales thì viết theo một kiểu nghiêm túc hơn hẳn. Nhưng tất nhiên, đây cũng chỉ là một cách phân biệt phiên phiến thôi, còn thực tế nó có phải vậy hay không thì thiên hạ cãi nhau hăng lắm 🐧.

Một đồng chí nữa cũng hay bị lẫn thành Twice-Told Tales là các tác phẩm chuyển thể. Vì bản chất của việc chuyển thể, nội dung câu chuyện gốc sẽ luôn bị bóp méo đi một tí để cho phù hợp với loại hình media mới mà tác phẩm được chuyển thể sang. Tuy nhiên, điều này không khiến các tác phẩm chuyển thể auto trở thành Twice-Told Tales. Nếu tác phẩm chuyển thể chỉ sửa nội dung tác phẩm gốc để cho hợp format mới thì nó không phải là một Twice-Told Tale. Nếu người làm tác phẩm chuyển thể nghĩ rằng, “Ok, cái câu chuyện này kể đi kể lại cả tỉ lần rồi, lần này mình sẽ khai thác theo hướng khác cho nó mới” thì mới là một Twice-Told Tale. 

Nhưng một lần nữa, quy tắc ấy cũng chỉ là phiên phiến thôi 🐧.

Về ví dụ của Twice-Told Tale thì đầu tiên phải kể đến cái tác phẩm đã gợi cảm hứng cho cả cái bài này: A Study in Emerald của Neil Gaiman. Đây là bản “xào lại” của A Study in Scarlet, hay như anh em nhà ta vẫn biết nó dưới cái tên Chiếc Nhẫn Tình Cờ của Arthur Conan Doyle. Đây là một trường hợp đòi hỏi mọi người tối thiểu cũng phải quen với lore trong thế giới của Sherlock Holmes và một thế giới khác, nếu không thì các cái plot twist và mấy tình tiết ám chỉ trong truyện sẽ trôi tuồn tuột qua đầu ngay.

Truyện ban đầu gần như copy nguyên xi Chiếc Nhẫn Tình Cờ, khiến mình ngơ ngáo đọc lướt mất mấy trang đầu vì thấy quen quá. Nhưng sang đến trang 3 thì tự nhiên mắt liếc thấy một tiểu tiết, và dù chưa kịp nhận ra nó là gì, não mình vẫn đủ tỉnh để bảo mình “Hol’ up” và tua lại câu đấy. Ngay khi đọc xong câu vừa bị lướt thì cái giọng trong não mình gào luôn lên rằng “HOL THE FUCK UP!” và mình phải tua ngược về tận đầu truyện để soi, và đã nhận ra thứ sự ngu xuẩn của bản thân khi nhờn mặt với Gaiman. Sau khi bắt đầu đọc soi, mình mới nhận thấy đây là một tập hợp Twice-Told Tale của cực nhiều câu chuyện nổi tiếng (anh em cứ đọc đi, đừng bỏ gì nhé 🐧 ), và vì biết rất rõ những câu chuyện đó, thế nên đọc cách Gaiman xào lại mà thấy thú vị vô cùng. Đặc biệt đến cuối, cái plot twist quả thực là hết sức bất ngờ, khiến mình một lần nữa phải tua lại từ đầu, và lần này thì nhận ra đây là một tác phẩm Elseworld hay chưa từng có.

Tương tự với A Study in Emerald thì ta có series truyện tranh Superman: Red Son của Mark Millar. Red Son là phiên bản Twice-Told Tale của Superman, nhưng lần này thì thay vì cho thanh niên rơi xuống Mỹ, tác giả để Superman được nuôi nấng tại Xô-viết. Truyện đòi hỏi người đọc phải nắm rất rõ hình ảnh cũng như bản chất của nhân vật Superman này, cũng như cách các câu chuyện về Superman thường diễn tiến như thế nào, và sau đó so sánh nó với điều có thể xảy ra trong truyện thì mới thực sự thấy series “phê” không thể tả.

Cũng vẫn với anh Sịp, Man of Steel do Zack Snyder đạo diễn là một phiên bản chuyển thể xây dựng theo hướng Twice-Told Tale. Thay vì đi theo hướng truyền thống, Snyder chuyển sang nhìn nhận Superman ở một góc độ thực tế vô cùng, đến mức bộ phim chỉ cần thay tên với đổi tí xíu đi thôi là thành luôn một bản chuyển thể Xứ Cát chứ không còn là Superman nữa. Đáng chú ý là Man of Steel lại không đòi hỏi khán giả phải quen thuộc với hình ảnh của Superman như Red Son, và thậm chí nếu có ai quá quen thuộc với Superman truyền thống thì rất dễ có khả năng thấy ghét thậm tệ cái phim này. Man of Steel là một trường hợp Twice-Told Tale bị phản dame bởi chính tác phẩm gốc.

Cũng có nhiều tác phẩm Twice-Told Tale với tính độc lập cực kỳ cao, không cần người thưởng thức phải biết tác phẩm gốc là gì, mặc dù nếu ai từng biết đến tác phẩm gốc thì chỉ cần nhìn tác phẩm mới một phát là sẽ biết ngay nó gốc gác ra sao. Hai ví dụ nổi tiếng nhất là bộ phim Treasure Planet do Ron Clements và John Musker đạo diễn và tiểu thuyết Hyperion do Dan Simmons sáng tác. Treasure Planet kỳ thực chỉ là Treasure Island (tức Đảo Giấu Vàng) của Robert Louis Stevenson, nhưng được tống thẳng lên vũ trụ, còn Hyperion thì là “đạo” từ The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer, nhưng cũng tống ra ngoài vũ trụ nốt. Tuy nhiên, cả hai câu chuyện này hoàn toàn có thể được thưởng thức một cách rất trọn vẹn ngay cả khi không biết gì về tác phẩm gốc, và kể cả có biết tác phẩm gốc thì giá trị của nó cũng không bị giảm đi như Man of Steel.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.