Chuyển đến nội dung chính

Hệ quy chiếu đạo đức - khi "đúng sai" trở nên mập mờ


 Một trong những thứ khó phân định đúng sai rạch ròi nhất là các câu hỏi liên quan đến đạo đức, bởi lẽ đạo đức là một khái niệm quá trừu tượng và gần như không bao giờ có thể thực sự mang tính khách quan. Đôi khi các khái niệm đạo đức có thể còn không chỉ đối nghịch nhau, mà có thể còn lệch hẳn hệ quy chiếu, không thể đem ra so sánh với nhau được.

Mặc dù ngoài đời, các quan điểm đạo đức lệch hệ sẽ làm nảy sinh rất nhiều chuyện đau đầu, chúng lại là một nguồn tạo xung đột cũng như drama cực kỳ hiệu quả và rất được ưa chuộng trong văn học. Điều ấy đặc biệt đúng với Sci Fi với Fantasy.

Nhờ sự tự do hiếm dòng nào khác có được của mình, SFF có thể tha hồ đưa các nhân vật khác xa loài người vào. Bởi vậy, trong một tác phẩm SFF, ta có thể sẽ bắt gặp các chủng loài/tạo vật như các dân tộc tiên với quy tắc, luật lệ riêng; những quái vật cổ xưa ngoài vũ trụ trong thế giới của Lovecraft mà con người thậm chí còn không thể hiểu nổi; AI và robot siêu thông minh, nhìn ra những thứ vượt ngoài khả năng lãnh hội của con người, hoặc đơn thuần không thể nghĩ được về đạo đức đơn giản vì không hề có cảm xúc,...

Những nhân vật kiểu như thế này có thể sẽ hành động dựa trên một logic nào đó, chỉ có điều logic ấy hoặc hết sức quái đản, hoặc đi ngược lại những giá trị truyền thống của con người. Chính thế mà hành động của họ có thể sẽ chạy từ đơn thuần khó hiểu cho đến tàn ác tột độ nếu nhìn từ quan điểm của con người. Nhưng chỉ cần lật ngược điểm nhìn lại, ta sẽ thấy hành động đó không hề có gì sai trái hay kỳ lạ hết, bởi lẽ đối với hệ quy chiếu của các nhân vật kia, việc họ làm cũng chỉ bình thường như ngáp 1 cái mà thôi.

Đây là một mô típ rất hữu ích nếu tác giả muốn nhấn mạnh tầm hạn hữu của con người hay muốn ngấm ngầm khai phá các đề tài liên quan đến sự khác biệt văn hóa, chủng tộc của chính con người chúng ta. Tuy nhiên, nó cũng là một mô típ rất khó sử dụng, bởi vì mọi tác giả đều là con người (chắc thế 🐧 ). Chính vậy mà sẽ cực kỳ khó để họ tách mình ra khỏi hệ quy chiếu của giống loài mình và tạo ra một thứ thật sự khác biệt. Ngay cả có làm được điều ấy thì vẫn còn vấn đề nữa là độc giả cũng là người nốt (chắc vậy 🐧 ), thế nên họ sẽ đọc với hệ quy chiếu của con người. Nếu hai hệ quy chiếu lệch nhau quá mạnh thì người đọc sẽ chẳng hiểu gì cả, hoặc nếu may mắn thì sẽ hiểu sai dụng ý của tác giả, gán ghép các mô típ con người cho những nhân vật đáng ra không thể đánh giá bằng tiêu chuẩn của con người. Nếu làm không đủ khác nhau thì về cơ bản truyện cũng sẽ chỉ nhạt nhạt, và phí mất cơ hội sâu sắc hóa một giống loài mới.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về các ví dụ sử dụng thành công mô típ này, mọi người hãy thử tìm đọc các tác phẩm của Lovecraft, bộ truyện Wayfarers của Becky Chambers (tính đến nay đang là trilogy), bộ manga Siúil a Rún của Nagabe, tác phẩm Brave New World của Aldous Huxley, I Am Legend của Richard Matheson, The Evitable Conflict của Isaac Asimov. Các ví dụ này chạy từ Sci Fi đến Fantasy, có hệ quy chiếu của tiên, người ngoài hành tinh, quái vật, ma cà rồng, rôbốt, thậm chí cả con người tương lai đủ cả, với các góc nhìn đa dạng và các hành động đi từ ác độc dị thường cho đến đơn thuần khó hiểu.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.