Chuyển đến nội dung chính

Death of the Author - gạt bỏ tác giả khỏi tác phẩm


 Trong bài so sánh giữa Steampunk và Gaslamp Fantasy hôm trước, mình có nhắc đến chuyện để quyết định tác phẩm nào rơi vào hai dòng đấy thì nên đứng từ góc độ của độc giả và nhận xét một mình nội dung tác phẩm thôi, hay phải nhìn từ góc độ của tác giả để xem ý định gốc của người viết là gì. Đây thực chất là ví dụ cho một trong những triết lý cảm nhận câu chuyện rất gây tranh cãi: Death of the Author.

Death of the Author dịch ra là “cái chết của tác giả.” Nghe thì có vẻ sặc mùi chết chóc, nhưng thực chất thì cái triết lý này không đến nỗi máu me như cái tên của mình đâu. Nó chỉ đơn thuần khuyên rằng khi thưởng thức hay diễn giải ý nghĩa một tác phẩm bất kỳ, ta hãy thẳng tay gạt phăng mọi yếu tố liên quan đến tác giả của nó ra ngoài. Có thể tác giả cho tác phẩm ra đời nhằm truyền đạt một quan điểm hay phục vụ mục đích cụ thể gì đó; có thể quan điểm tôn giáo, chính trị của tác giả đã ảnh hưởng đến tác phẩm; có thể môi trường sống của tác giả đã khiến tác phẩm có một số đặc điểm nhất định; có thể chính tác giả từng đăng đàn bảo là, ‘Phải hiểu truyện của tôi theo nghĩa ABC.’… Nhưng tất cả những thứ ấy đều không quan trọng. Thứ duy nhất quan trọng là nội dung tác phẩm, và ta có thể hiểu cái nội dung ấy theo bất cứ cách nào mình muốn.

Nói cách khác, việc đầu tiên ta cần làm khi đánh giá/cảm nhận một tác phẩm là giết phéng tác giả của nó đi cho đỡ bị ai hạnh họe là hiểu đúng hiểu sai.

Death of the Author khởi nguồn từ một bài luận mang tên “La mort de l'auteur” (tức “The Death of the Author”) của Roland Barthes. Trong bài luận của mình, Barthes khuyên rằng độc giả không nên đọc kiểu bới lông tìm vết, phân tích từng câu từng chữ xem ý tác giả muốn truyền tải điều gì, bởi lẽ bản thân các tác giả cũng chẳng lồng ghép dụng ý sâu xa vào từng con chữ đâu. Độc giả đôi chỗ sẽ phải tự lồng ý hiểu của mình vào thì mới thưởng thức được trọn vẹn tác phẩm. Về sau thì cái tư tưởng đó bị tam sao thất bản một tí, khiến Death of the Author ngày nay mang tính hơi cực đoan, cho phép người đọc bỏ qua hoàn toàn dụng ý của tác giả.

Death of the Author hay ở điểm là nó đẩy cán cân quyền lực về phía tay người thưởng thức tác phẩm, khiến cho ta không bị bó hẹp trong cách nghĩ của tác giả. Với Death of the Author, ta có thể bỏ ngoài tai mọi lời lải nhải lăng nhăng của J. K. Woking trên Twitter về việc thực ra Hermione ngay từ đầu đã là dân gốc Phi (ừ, phải rồi 🐧 ) hay mấy ông phù thủy từng ỉa thẳng lên sàn xong hô biến thành phẩm đi mất. Hay trong một ví dụ nghiêm túc hơn, Ray Bradbury ban đầu viết 451 độ F là để lên án các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như cách người dân thờ ơ với sách truyện, nhưng Death of the Author cho phép ta gạt bỏ cách hiểu đấy của ông và chấp nhận cách hiểu thịnh hành hơn: lên án sự kiểm duyệt tư tưởng của chính quyền.

Tuy nhiên, Death of the Author đôi khi cũng khiến cho trải nghiệm của người thưởng thức tác phẩm trở nên tiêu cực hơn. Nếu gạt bỏ hoàn toàn bối cảnh lịch sử của tác giả, những câu chuyện mang tính phân biệt chủng tộc cao như các truyện của H. P. Lovecraft và Robert A. Heinlein sẽ trở nên khó ngửi hẳn, bởi ta đang đánh giá tác phẩm qua con mắt khắt khe của một độc giả hiện đại thay vì công nhận rằng cái thời ấy như vậy là bình thường. Hay nếu gạt bỏ việc cuốn The Long Way to a Small, Angry Planet của Becky Chambers phần kết phải phi rất vội vì tác giả bị… hết tiền, cần xuất bản gấp kiếm cơm, ta sẽ thấy kém hài lòng về tác phẩm hơn.

Nhìn chung, Death of the Author là một tư tưởng hay, nhưng cũng nên áp dụng có chừng mực thôi. Ta không việc gì phải coi lời tác giả là thánh chỉ, đặc biệt nếu nội dung tác phẩm không hỗ trợ cho nhận định của tác giả, nhưng cũng nên tìm hiểu thêm về những yếu tố xoay quanh sự ra đời của tác phẩm, bởi vì biết đâu nó sẽ làm cho ta có một trải nghiệm tốt hơn.

Cái này cũng có đôi chút liên quan đến hai triết lý nhìn nhận tác phẩm mang tên Watsonism và Doylism. Nếu mọi người quan tâm thì có thể đọc thêm ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/watsonism-va-doylism-hai-chu-nghia-anh.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.