Trong bài review cuốn Ác quỷ rừng phế tích ngày hôm trước, có một bạn comment rằng chỉ riêng không có yếu tố yêu đương nhăng nhít là lập tức đã thấy quyển đó tăng điểm rồi. Cái này làm mình nhớ đến hồi trước từng xem clip của một bạn Youtuber, bảo vệ mô típ yêu đương rất hay chiếm phần chủ đạo trong các cuốn YA.
Vì lâu quá rồi nên cũng không nhớ cụ thể chi tiết, nhưng đại khái đồng chí kia bảo vì nhân vật trong truyện còn trẻ, đồng thời lại còn viết cho giới trẻ nữa, thế nên có tình yêu vào như vậy là đúng rồi.
Cái lập luận này cũng phần nào tương tự nội dung của một cái thớt Reddit hồi trước mình từng share (https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/?post_id=3105043419582904), mặc dù cái thớt đó nói chung chung chứ không động riêng gì đến mô típ tình yêu tình báo. Cả hai người này về cơ bản nói vậy cũng là có lý, bởi vì nhân vật chính trong YA toàn rơi vào tầm tuổi 14 – 22 (ở Mỹ thì 14-18 là cấp 3, 18 đổ lên là đại học), mà cái tuổi này thì sẽ thường quan tâm yêu đương nhiều.
Tuy nhiên, việc có yêu đương, hay thậm chí có rất nhiều yêu đương, không phải là vấn đề. Vấn đề là trong rất nhiều tác phẩm YA, mấy bro tác giả xem chừng cứ bị tôn thờ tình yêu hơi quá đà, và để nó tòi ra ở những lúc cực kỳ vô duyên, như thể đám nhân vật không bao giờ lết được quá 3 bước chân mà không nghĩ đến chuyện phối giống cả. Ừ thì thanh niên đúng là hay bức bối trong quần thật, nhưng có phải lúc nào cái háng cũng hừng hực lửa đâu 🐧?
Để người ta dễ nuốt được thì cái gì cũng phải đúng nơi đúng chỗ. Ví dụ như trong series Animorphs của K. A. Applegate, ta có đến 2/3 dàn nhân vật chính là yêu đương lẫn nhau (ai ngồi im thuyền nấy nhé, không phải lăng nhăng ông nọ bà kia đâu 🐧 ), và chuyện tình cảm thường xuyên xuất hiện. Tuy nhiên, dù đó là chuyện tình Tobias-Rachel hay Jake-Cassie thì chúng nó cũng chỉ luôn xuất hiện ở những phân cảnh thích hợp, không bao giờ khiến những mạch kịch tính hay cốt phanh két lại, và cũng chẳng bao giờ chiếm spotlight quá lâu để các vấn đề khác có cơ hội được tỏa sáng. Chính vì lý do này mà nhân vật của Animorphs nó có chiều sâu hiếm tác phẩm nào bì nổi, bởi vì cuộc sống tình yêu của nhân vật không định hình danh tính của nhân vật.
Một tác phẩm SFF khác cũng làm tốt tương tự khoản yêu đương là The Deep của Rivers Solomon. Mặc dù quyển này có một lượng sạn kha khá, phần mạch truyện tình yêu chính của nó xét công bằng ra vẫn được phát triển khá ổn. Tình yêu giữa mấy nhân vật được cho thời gian phát triển, và nó xảy ra ở rất đúng thời điểm, không chen vào giữa những lúc cảnh khác đang cần được tập trung (mặc dù technically thì nó chèn giữa hai đoạn khá quan trọng 🐧 ). Chính bởi vậy mà dù cho không ưng cái hướng xoáy sâu vào tình yêu có mùi hồng hồng ấy lắm, mình ít nhất vẫn thấy nó không phải là điểm trừ của câu chuyện.
Bên cạnh đó thì, cái tư tưởng cứ dính đến thanh thiếu niên là phải gồng người lên nhồi nhét tình yêu vào thì mới “thật” cũng hơi bị sai lệch. Có rất nhiều hoàn cảnh ngoài đời thật cho phép ta xây dựng lên một câu chuyện hấp dẫn với nhân vật chính là thanh thiếu niên, nhưng sẽ chẳng việc gì phải viện đến tình yêu hết. Một trong những cái tình cảnh khét tiếng nhất có lẽ sẽ chính là chiến tranh. Ví dụ như trong Thế Chiến II, tuổi bắt đi nghĩa vụ là 18 đổ lên. Chính vậy mà các tác phẩm lấy bối cảnh trong giai đoạn này hoàn toàn có thể xoay quanh cuộc đời của những anh chàng 18, 19, nhưng mà tập trung hẳn vào khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh. Ví như trong bộ phim Dunkirk của Christopher Nolan, ta có nguyên một tuyến cốt xoay quanh những người lính Anh (hình như thế, có mấy cái giọng lè nhè chẳng rõ là Scot hay Úc 🐧 ) loay hoay sống sót trên bãi biển, và rồi lại có cả một tuyến bám theo mấy cậu con một ông chủ tàu thường dân đi hỗ trợ cứu lính nữa. Dẫu vậy, giữa một câu chuyện toàn thanh niên trai tráng trẻ măng như thế, không một lần nào tình yêu xuất hiện cả.
Tất nhiên, ta cũng có thể lập luận Dunkirk chưa hẳn gọi là một tác phẩm YA đúng chất được, bởi vì nhân vật chính của nó còn khá nhiều người trường thành khác, và nó không thật sự tập trung hoàn toàn vào cuộc đời của những con người trẻ tuổi kia cũng như khắc họa tâm tưởng họ. Những phim chẳng hạn như Hacksaw Ridge (với nhân vật chính Desmond Doss nhập ngũ năm 22 tuổi) thì vẫn có tình yêu xuất hiện đó thôi, bởi lẽ ngay cả trong bối cảnh bom đạn, đã viết về tuổi trẻ thì sẽ hơi khó mà không bàn về tình yêu.
Nhưng anh em sẽ thấy lập luận này bắt đầu trở nên lung lay nếu đọc chuỗi bài những chứng ngôn của các nữ sinh Himeyuri, lực lượng học sinh cấp ba phải đi làm cứu thương dã chiến cho quân đội Nhật trong Thế Chiến II trong tạp chí Silence to Light: Japan and the Shadows of War (mọi người có thể đăng ký nick và đọc free ở đây: https://www.jstor.org/stable/4229932?seq=1, hoặc nếu ngại reg nick thì có thể nghe bản audiobook của nó ở trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=mRpeBKIB0WQ). Những lời thuật này xâu chuỗi với nhau tạo thành một câu chuyện rất lạnh gáy về Trận Okinawa, và nó được khắc họa hoàn toàn qua con mắt của các nữ sinh 15-19 tuổi. Và lẽ đương nhiên, trong này chẳng có tí mùi tình yêu nào hết, bởi mùi thịt thối với bom đạn nó đã quá đủ để gánh câu chuyện rồi.
Cũng đã có một số tác phẩm SFF phát triển câu chuyện theo hướng không yêu đương ấy. Ví dụ đầu tiên sẽ lại chính là Animorphs, với những tập do Ax và Marco dẫn là gần như chẳng có một tí tình yêu nào hết luôn (nếu không tính châm chọc tình yêu của 2 cái cặp còn lại 🐧 ). Marco thì được xoáy rất mạnh vào phần gia đình, còn Ax thì là sự lạc lõng và cô đơn. Những đề tài này vẫn đủ khả năng tạo xung đột, đồng thời vẫn là những đề tài rất gần gũi đối với thanh thiếu niên, thế nên cả hai nhân vật này cũng hấp dẫn chẳng kém gì 4 người còn lại dù chẳng cặp bồ với ai.
Tiểu thuyết ngắn Binti của Nnedi Okorafor cũng gần như vắng bóng hoàn toàn tình yêu tình báo, nhưng mà đây vẫn là một cuốn truyện YA điển hình, với nhân vật chính là một thiếu niên bắt đầu bước chân vào đời. Thay vì tình yêu thì nó xoáy rất sâu vào những khía cạnh liên quan đến bổn phận, nghĩa vụ, ham muốn hòa nhập nhưng cũng muốn giữ bản sắc, và từ đó vẫn khắc họa được rất hấp dẫn một nhân vật thiếu niên sát với đời thường.
Chính bởi vậy mà nếu bảo tình yêu không phải là một điểm đáng chê trách của YA thì cũng ok. Nhưng cũng như mọi mô típ kể chuyện trên đời, nó phải được dùng một cách có cân nhắc, chứ bạ đâu nhét đấy thì khắm lắm 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓