Chuyển đến nội dung chính

In Medias Res - nghệ thuật bắt đầu xa vạch xuất phát


 Trong nghệ thuật kể chuyện có một thủ pháp thỉnh thoảng vẫn hay được dùng, đó gọi là In Medias Res.

In Medias Res là một cụm Latinh, dịch thô ra là "nhảy tòm vào giữa". Cụm từ này gốc là do một nhà thơ La Mã cổ có tên Horace dùng để tả về bộ sử thi khổng lồ xoay quanh cuộc chiến thành Troy: tác phẩm Iliad của Homer. Horace nói rằng Homer không mở đầu tác phẩm của mình "từ trong trứng nước", tức là từ lúc Helen ra đời từ quả trứng mà Leda đẻ sau khi bị Zeus dùng lốt thiên nga chài mồi (thần thoại Hy Lạp mà, đừng hỏi nhiều 🐧 ), mà "nhảy tòm vào giữa" luôn, khi cuộc chiến thành Troy đã gần kết thúc.

Kể từ đấy, In Medias Res đã trở thành thuật ngữ để chỉ các tác phẩm không mở ra ở xuất phát điểm, mà quẳng người đọc vào giữa cảnh hành động nào đó hoặc tít tận cuối tác phẩm luôn. Sau đó thì hoặc sẽ dành toàn bộ phần còn lại của tác phẩm giải thích tại sao mà sự tình lại đến nước như thế, hoặc tiếp tục phát triển từ điểm giữa kia và thỉnh thoảng xen kẽ các cảnh trong quá khứ (có thể là hồi tưởng của nhân vật hoặc gì đó) để vừa đưa câu chuyện đến hồi kết, vừa giúp người đọc/xem hiểu thêm về bói cảnh xung quanh tác phẩm.

Như đã nói ở trên, một trong những tác phẩm kinh điển nhất sử dụng thủ pháp này là bộ sử thi Iliad của Homer. Hiện đại hơn thì ta có Sáu đợt thức tỉnh của Mur Lafferty, mở ra với một bể máu ngoài không gian, và tất cả các nhân vật lúc đấy đã bị giết hết rồi, và về sau trong quá trình điều tra thì gốc gác cũng như lý do họ lên đến trên con tàu mới được tiết lộ. Starship Troopers của Robert A. Heinlein mở ra với một chiến dịch quân sự rất căng thẳng, và sau đó quay tít trở lại từ hồi nhân vật chính vừa mới nhập ngũ. All You Need Is Kill của Hiroshi Sakurazaka cũng mở ra với một trận chiến, nhưng lần này thì toàn bộ dàn nhân vật chết hết và thời gian tua ngược lại từ đầu, thay vì chỉ là hồi ức đơn thuần.

Các loại hình nghệ thuật khác cũng có thể áp dụng thủ pháp này một cách rất thành công. Inception của Christopher Nolan cũng là một trong những ví dụ huyền thoại, mở ra khi Cobb dạt lên bờ và gặp Saito, và sau đó phim quay ngược lại giải thích sao mà 2 bên rơi vào tình cảnh như thế. Man of Steel của Zach Snyder thì có 2 phát In Media Res liền, mở ra với một cuộc chiến trên Krypton, và sau đó "mở" lần thứ 2 trên Trái Đất với một Clark Kent trưởng thành, sau đó liên tục flashback về thời thơ ấu của Clark. Bộ manga Zetman mở ra với cái kết của nó, khi Zetman vs Alphas đã đứng ở bên chiến tuyến, và sau đó toàn bộ truyện giải thích hành trình hai người này gặp nhau, trở thành bạn và cuối cùng là thành kẻ địch. 

Ngay cả trong các tác phẩm nghệ thuật không có sự tiến triển, chẳng hạn như bức ảnh minh họa bên dưới, người nghệ sĩ cũng có thể sử dụng thủ pháp In Medias Res bằng cách thể hiện nhân vật đang làm một hành động gì đó mà không đưa ra lời giải thích, để người xem tự mình đặt ra câu hỏi làm thế nào mà sự tình đến nước như thế này.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.