Trong cái bài về một ông họa sĩ vẽ người theo kiểu cách điệu hơi quá đà hôm qua, mình có đề cập đến chuyện tranh của ông đó có phần hao hao phiên bản tiến hóa tương lai của con người trong The Time Machine, một trong những cuốn tiểu thuyết lừng danh nhất của H. G. Wells nói riêng và toàn dòng Sci Fi nói chung. Điều ấy gợi cho mình nhớ đến một ngách đặc biệt trong Sci Fi, thường được coi là khởi phát từ chính The Time Machine, mặc dù ít khi được thiên hạ nghĩ tới khi có ai nhắc đến cuốn này.
Cơ mà trước khi bàn hẳn về cái ngách đây, ta cần lần ngược lại lịch sử tí đã.
Như anh em hẳn đã biết, dòng Sci Fi vốn có truyền thống chế ra hàng đống sinh vật dị hợm và khác thường. Vril, the Power of the Coming Race, một cuốn tiểu thuyết được Edward Bulwer-Lytton xuất bản nặc danh năm 1871, từng khắc họa một chủng tộc tên là Vril-ya, với những đặc điểm sinh học na ná thiên thần, kết hợp với một số khả năng thần giao cách cảm. Great Moon Hoax, một chuỗi 6 bài báo chém gió được đăng liên tục trên tờ The Sun trong tháng 8/1835 (Richard Adams Locke tự xưng là tác giả, nhưng không rõ còn ai khác không), có miêu tả một loạt những sinh vật quái dị trên Mặt Trăng, bao gồm kỳ lân, hải ly không đuôi và biết đi bằng hai chân, chưa kể còn một chủng người có cánh dơi tên là vespertilio-homo nữa. The Unparalleled Adventure of One Hans Pfaall, một truyện ngắn do Edgar Allan Poe sáng tác trước đó mấy tháng, được đồn là cội nguồn cảm hứng cho chính Great Moon Hoax, cũng ám chỉ đến sự tồn tại của một chủng người Mặt Trăng với ngoại hình quái chiêu, thiếu tai và không biết nói. Trong cuốn Micromégas hồi năm 1752 của mình, Voltaire cũng cho một chủng người ngoài hành tinh khổng lồ xuất hiện. Và nếu mở rộng khái niệm Sci Fi ra, ta thậm chí còn có thể nhìn vào tiểu thuyết châm biếm A True Story của Lucian xứ Samosata, ra đời từ tận thế kỷ thứ hai Công Nguyên, với mấy chủng sinh vật ngoài hành tinh lai tạp tồn tại trên Mặt Trăng và Mặt Trời.
Tuy nhiên, những sinh vật trong các câu chuyện Sci Fi thời đầu ấy chỉ đơn thuần… tồn tại thôi. Chúng nó không phải là một phần của một hệ sinh thái nào cả, không có một hành trình tiến hóa cụ thể nào hết. Ngay cả sự dị thường của chúng nó lắm khi còn chẳng có nguyên nhân hợp lý nào đằng sau hết. Bọn nó mọc sừng vì tác giả thích có sừng, bọn nó to con vì làm thế trông cun ngầu, bọn nó có cánh vì từ đấy sẽ dàn được cảnh bay lượn hấp dẫn,… Nói chung là đám đấy mang nhiều nét tương đồng với những sinh vật thần thoại trong truyền thuyết và cổ tích, với ngoại hình và gốc gác được quyết định bởi ý chí của các đấng thánh thần toàn năng (trong trường hợp của Sci Fi là ý chí của tác giả), chứ không phải nhào nặn bởi các quy luật tự nhiên của thế giới.
Nhưng rồi mọi thứ dần dần thay đổi, và cội nguồn của sự thay đổi ấy đến từ nguồn cảm hứng muôn thuở của Sci Fi: khoa học. Bắt đầu từ thế kỷ 17, thuyết bản chất (học thuyết cho rằng mọi loài đều có những đặc điểm bất biến), ngày một bị cạnh tranh ác liệt bởi các học thuyết hiện đại hơn, xoáy mạnh vào sự biến đổi của các loài, đả phá quan điểm vạn vật tự nhiên mang tính tĩnh tại. Đến đầu thế kỷ 19, nhà tự nhiên học người Pháp Jean-Baptiste Lamarck đã đề xuất một học thuyết nhằm giải thích sự đa dạng sinh học, và đấy được coi là thuyết tiến hóa hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới. Năm 1858, Charles Darwin và Alfred Russel Wallace đã công bố học thuyết tiến hóa huyền thoại của mình, đề xuất rằng tất cả các loài dần thay đổi theo thời gian, và qua quá trình chọn lọc tự nhiên trở nên phù hợp hơn với môi trường sống. Thuyết của Darwin về sau đã loang rộng đi khắp nơi, và tiến hóa dần được chấp nhận là một phần tất yếu của tự nhiên. Đến cuối thế kỷ 19, cộng đồng khoa học và phần lớn công chúng (ít nhất là những người đủ học thức để biết về thuyết đấy) đã chấp nhận rằng tiến hóa là một phần của tự nhiên.
Và chính từ tiền đề ấy, dần có những tác phẩm tích hợp ý tưởng muôn loài sẽ thay hình đổi dạng tùy theo môi trường sống vào trong câu chuyện của bản thân, tạo cơ sở lôgic cho các sinh vật lạ xuất hiện trong cốt. Nổi trội nhất trong số đấy phải kể đến The Time Machine của H. G. Wells.
The Time Machine là một tác phẩm đi tiên phong theo rất nhiều cách, nhưng trong phạm vi bài này, ta chỉ quan tâm đến một điểm duy nhất: nó đánh dấu lần đầu tiên quá trình tiến hóa theo kiểu Darwin được khắc họa rất sắc nét trong một tác phẩm văn học, với thành phẩm là những giống loài giả tưởng hết sức xa lạ nhưng không “điêu.” Truyện theo chân một nhà phát minh người Anh tiến vào một tương lai tưởng tượng, nơi toàn thể hệ sinh thái đều đã đổi khác, chạy từ động vật cho đến thực vật. Tiêu biểu nhất là chính bản thân con người, bấy giờ đã bị biến thành hai giống loài khác nhau: Eloi và Morlock. Dẫu trông vẫn rõ là có chung gốc, cả hai giống loài trên đều đã hình thành những đặc điểm riêng biệt, thích hợp với môi trường và thói quen sinh sống. Với hai nhánh tiến hóa đấy của con người, The Time Machine đã chính thức đặt viên đá đầu tiên cho một dòng mới trong Sci Fi, ấy là Speculative Evolution.
Speculative Evolution (tức “Tiến hóa Giả tưởng”) được dùng để chỉ các tác phẩm tập trung vào sự tiến hóa của một hoặc nhiều chủng loài, hay thậm chí là cả một hệ sinh thái, trong bối cảnh các tình huống giả định. Cũng như chính cái thuyết đã khai sinh ra mình, Speculative Evolution cũng có một quá trình tiến hóa riêng, với các tác giả đua nhau tìm kiếm các cách thức mới lạ để để chiêm nghiệm về sự tiến hóa của các sinh vật phi thực, và trong quá trình ấy tích hợp kèm một số ngành khoa học liên quan đến sinh học tiến hóa vào Speculative Evolution, chẳng hạn như cổ sinh học và giải phẫu học. Điều này giúp bản thân Speculative Evolution cũng “tiến hóa” lên thành một dòng thậm chí còn rộng hơn, đó là Speculative Biology (tức “Sinh học Giả tưởng”).
Speculative Biology không chỉ giới hạn bản thân trong việc nhìn vào mỗi quy trình tiến hóa của các giống loài tưởng tượng, mà còn bao gồm cả việc dùng khoa học để mổ xẻ và phân tích cấu tạo sinh học của các loài đó. Nó chưa đựng khá nhiều ngách con, với một số ngách thậm chí còn ôm trọn luôn một vài tác phẩm ra đời trước The Time Machine, khi Speculative Evolution/Speculative Biology hãy còn chưa đứng thành dòng riêng rẽ.
Cái ngách kinh điển nhất của Speculative Biology sẽ là Future Evolution, bao gồm các tác phẩm lấy mốc khởi điểm là hiện tại (tức thời tác giả sinh sống), sau đó nhìn lên tương lai xem các chủng loài, bao gồm cả con người, sẽ sống chết hay thay đổi như thế nào. Ngoài đó ra thì ta có ngách Bottle World/Lost World, bao gồm các tác phẩm lấy bối cảnh là một không gian địa lý cũng tồn tại trên Trái Đất, song biệt lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới, từ đấy cho phép các sinh vật cổ vẫn tồn tại được hoặc tiến hóa theo một kiểu khác. Một ngách cũng gần giống với nó là Alternate Evolution (pha trộn giữa Alternate History và Speculative Evolution), bẻ cong một sự kiện quan trọng nào đó trong quá khứ của Trái Đất, xong suy đoán xem các sinh vật cổ đại sẽ tiến hóa thành dạng hình nào, hay thậm chí có thay đổi gì không. Cryptozoology thì nhảy tót sang Fantasy, nhìn vào các sinh vật trong thần thoại như nhân mã với tử xà, xong phân tích kết cấu sinh học và/hoặc quá trình tiến hóa của chúng nó. Reconstructed Fiction thì cũng giống Cryptozoology ở điểm nó nhìn vào những sinh vật bịa đã tồn tại sẵn, nhưng khác ở chỗ các sinh vật này ra đời trong những tác phẩm giả tưởng hiện đại, chẳng hạn Pokemon hoặc Godzilla, chứ không phải sinh vật thần thoại xưa như rồng rắn với nhân sư. Xenobiology thì nhảy hẳn ra khỏi Trái Đất, chạy lên các hành tinh lạ để xem xét quá trình tiến hóa cũng như cấu tạo sinh học của các sinh vật sống trong những môi trường khác xa chúng ta. Seeded Worlds thì cũng rời bỏ Trái Đất như Xenobiology, nhưng thay vì khám phá cơ chế sinh học của những loài bản địa sẵn có, các tác phẩm sẽ xoay quanh việc một giống loài quen thuộc nào đó được thả xuống một thế giới lạ, xong mặc cho loay hoay phát triển…
Vì các câu chuyện thuộc mảng Speculative Biology tập trung rất mạnh vào khám phá với mổ xẻ các sinh vật lạ, chúng nó lắm khi sẽ chẳng tập trung vào xây dựng cốt với xung đột. Có những tác phẩm chỉ bịa ra một cái cốt vô thưởng vô phạt về mấy nhà khoa học ganh đua giành công khám phá với nhau, còn đâu dồn hết tâm sức vào phân tích cái hệ sinh thái/các sinh vật lạ. Có tác phẩm thậm chí chẳng buồn mất công dựng cốt kiếc gì hết, trình bày mọi thứ dưới dạng nhật ký nghiên cứu hoặc có khi còn là sách giáo khoa chuẩn luôn, chỉ phân tích mổ xẻ sinh vật chứ chẳng có nhân vật với xung đột nào hết. Tuy nhiên, nói vậy không phải vậy tức là Speculative Biology sẽ luôn hy sinh mọi thứ để buff khoa học đâu. Cũng có những tác phẩm xây dựng mạch xung đột các kiểu rất ổn, thường là dưới dạng các nhà nghiên cứu phải chống chọi lại với chính các đối tượng mình đang nghiên cứu.
Thêm một điều nữa cần đề cập đến là vì dính dáng đến khoa học rất nhiều, Speculative Biology hay được quy thành Hard Sci Fi. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đúng. Có những tác phẩm chém một cách cực kỳ nhiệt, phá tung mọi quy chuẩn và tính thực tiễn khoa học, nhưng vẫn làm cho mọi thứ mình miêu tả có thể gọi là nhất quán về lôgic, thì vẫn đủ tiêu chuẩn để coi là Speculative Biology. Trường hợp này xảy ra cực nhiều ở các tác phẩm tranh vẽ nghệ thuật, với các họa sĩ chỉ nhồi tim gan phèo phổi với gân cơ màng vây các kiểu trông có vẻ khoa học, nhưng thực ra sai lệch nặng so với thực tế. Và tất nhiên, với những tác phẩm Speculative Biology có dính kèm yếu tố Fantasy vào, chẳng hạn như mấy thằng thuộc mảng Cryptozoology, thì lắm khi chúng nó còn nhồi các cơ quan phát tiết ma thuật vào cho sinh vật, và mấy cái đấy chẳng thể nào đúng chuẩn khoa học được rồi. Nhưng nếu cách tiếp cận của bọn nó vẫn quy củ và mang màu sắc khoa học đủ đô, bọn đấy vẫn có thể ngồi vào mâm của Speculative Biology.
Về ví dụ thì buồn cười là thứ đầu tiên cần nhắc đến lại chính là On The Origin Of Species của Charles Darwin, thứ đã đặt nền móng cho toàn thể dòng này. On The Origin Of Species là nghiên cứu khoa học, thế nên nó thực chất không phải là Speculative Biology đâu. Tuy nhiên, Darwin đã sử dụng thủ pháp Speculative Biology ở một đoạn trong đấy. Ông đề cập đến việc mình từng trông thấy gấu bắt cá để ăn, và đã từ đó mà đưa ra giả thuyết rằng trong tương lai, rất có thể gấu sẽ trở nên thích nghi hơn với đời sống dưới nước, và tiến hóa thành một sinh vật tương tự cá voi. Đáng chú ý là phỏng đoán của Darwin cũng không đến mức viển vông đâu, bởi vì ta hiện có hải cẩu là một thằng khớp y xì đúc hình dung của Darwin, và nó thuộc một nhánh động vật bao gồm cả gấu. Đặc biệt nhất, hải cẩu có tai, tức Otariidae, còn được nghi là đã tiến hóa lên từ một thủy tổ tương tự với gấu, thế nên việc mấy triueenj năm nữa gấu tiến hóa thành hải cẩu cũng không có gì lạ.
Đúng chuẩn Speculative Biology hơn thì ta có The Snouters: Form and Life of the Rhinogrades (tựa gốc là Bau und Leben der Rhinogradentia), một cuốn “sách khoa học” do nhà động vật học người Đức Gerolf Steiner chém ra. Lấy bút danh là Harald Stümpke, Steiner chém ra một loài sinh vật bịa có tên là Rhinogradentia, sống tại một hòn đảo cũng bịa nốt là Hy-yi-yi. Đám Rhinogradentia này có một đặc điểm nổi trội là có cái mũi rất khổng lồ (chính thế nên bọn nó mới có biệt danh “Snouters,” tức “Lũ Mũi Vòi”), và được chúng nó dùng để làm đủ trò, bao gồm đánh cá, bẫy côn trùng, và đệm tiếp đất khi chúng nó nhảy. Quyển sách phân tích cực kỳ cặn kẽ về đặc điểm sinh học cũng như tập tính và môi trường sống của Rhinogradentia, bắt chước rất chuẩn một nghiên cứu khoa học, dù nghe giọng cợt nhả thấy rõ. Chính bởi thế, nó được coi là một trong những trò đùa nổi tiếng nhất trong làng sinh học, với một số nhà khoa học thậm chí còn tiếp tay chém thêm nghiên cứu về lũ Rhinogradentia đó nữa.
Nhắc đến Speculative Biology thì không thể không kể đến các tác phẩm của Dougal Dixon. Dù rằng H. G. Wells vẫn được coi là người đầu tiên khai mở cái dòng này đấy, nhưng dạng hình của Speculative Biology ngày nay, đặc biệt trong khoản các tác phẩm nặng về hình ảnh, chịu ảnh hưởng cực nhiều từ Dougal Dixon. Năm 1981, lấy cảm hứng từ chính The Time Machine, Dixon đã xuất bản một cuốn sách có tên là After Man: A Zoology of the Future, thể hiện mường tượng của ông về hệ sinh thái Trái Đất trong một tương lai khi loài người đã tuyệt chủng được năm mươi triệu năm rồi. After Man tạo ra nguyên một thế giới mới lạ, không có câu chuyện hay miêu tả dài dòng gì, mà chủ yếu dựa vào các hình minh họa màu hết sức sinh động để truyền tải các phỏng đoán của Dixon về dáng hình tương lai của rất nhiều loài động vật khác nhau, cũng như cách chúng thích nghi với môi trường sống. Nó được coi là tác phẩm quy mô lớn đầu tiên trong dòng Speculative Biology, và đến tận hôm nay vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn đến cách các họa sĩ trình bày phân tích về các sinh vật tưởng tượng.
Hiện đại hơn thì ta có cuốn tiểu thuyết The Invincible của Stanisław Lem. Truyện xoay quanh nỗ lực khám phá một hành tinh lạ có tên là Regis III của phi hành đoàn Invincible, một tàu chiến tân tiến được trang bị tận răng. The Invincible đáng chú ý ở điểm không như phần đông các những tác phẩm khác của dòng Speculative Biology, sinh vật nó đem ra mổ xẻ thậm chí còn chẳng phải là… sinh vật nữa. Nó là những con rôbốt bị một chủng tộc ngoài hành tinh đã chết từ lâu bỏ lại trên Regis III. Mặc dù không dính gì đến sinh học, đám rôbốt ngoài hành tinh trong The Invincible vẫn được phân tích rất kỹ tã dưới dạng một thực thể thuộc hệ sinh thái của hành tinh, và thậm chí còn có nguyên một quá trình tiến hóa hết sức độc đáo, được các nhân vật trong đấy đặt cho cái tên “necroevolution.”
Blindsight của Peter Watts cũng là một ví dụ đáng chú ý. Truyện về cơ bản là một sự hợp thể giữa Rendezvous with Rama và đám quái của H. P. Lovecraft, với đề tài chính là việc đi khám phá một con tàu ngoài hành tinh vừa thò mặt vào hệ Mặt Trời. Chính bởi thế, đây trên lý thuyết phải là một tác phẩm ngả nhiều về kỹ thuật với vật lý hơn là sinh học. Tuy nhiên, nếu đọc truyện rồi, anh em sẽ thấy phần chủ chốt trong đấy lại là dính đến sinh học cực kỳ nhiều, với hai đối tượng được đem ra mổ xẻ chính là đám scrambler (một bọn người ngoài hành tinh có dạng tương tự bạch tuộc) và ma cà rồng (một chi tiến hóa đã tuyệt chủng của con người). Peter Watts đầu tư cực mạnh vào phân tích cấu trúc sinh học của hai chủng loài kia, đặc biệt trong cơ chế hoạt động của não bộ và ý thức chúng nó, diễn giải chi ly từng sự dị biệt một. Thanh niên thậm chí còn chú thích cả tài liệu tham khảo, bao gồm những kiến thức khoa học thật mình đã sử dụng để xây lên đám sinh vật ấy ở cuối truyện nữa, khiến đây trở thành một trong những tác phẩm Speculative Biology quy củ nhất của dòng.
Tiện thể nhắc đến Lovecraft, cuốn tiểu thuyết ngắn At the Mountains of Madness của ông anh cũng có thể được tính là Speculative Biology nếu cân nhắc đến một số góc độ nhật định của nó. Truyện động đến việc một đoàn thám hiểm Bắc Cực của Đại học Miskatonic vô tình tìm ra tàn tích của một chủng loài tiền sử chưa từng được khám phá, và đã có một số đoạn mô tả rất kỹ về cấu trúc sinh học của đám này. Về sau, ta có một đoạn được tìm hiểu về quá trình phát triển của đám sinh vật ấy, và chỗ này ngả nhiều về khảo cổ với lịch sử hơn, nhưng cũng có một số chung đụng nhất định với Speculative Biology. Thú vị là từ đây, một họa sĩ có tên Kurt Komoda đã thực hiện một series tranh vẽ, khắc họa đám sinh vật đoàn thám hiểm xấu số kia phát hiện ra dưới góc độ chân thực và lôgic nhất có thể, và cái chuỗi ảnh đấy nhảy thẳng vào mảng Speculative Biology luôn chứ chẳng ỡm ờ nửa trong nửa ngoài như truyện gốc. Anh em có thể tham khảo thêm về series tranh tại đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/5117576121662947/.
Tiện nhắc đến series ảnh, ta còn phải kể đến The Resurrectionist: The Lost Work and Writings of Dr. Spencer Black của E.B. Hudspeth nữa. Quyển này khắc họa nỗ lực chứng minh các sinh vật trong thần thoại, kiểu thiên thần hay tiên cá với nhân sư, đều là những chi tiến hóa đã tuyệt chủng của con người do một nhà khoa học điên thời Victoria tên là Spencer Black thực hiện. Truyện đi kèm một loạt minh họa về các kết cấu giải phẫu tiềm tàng của những sinh vật ấy, cũng như diễn giải về cách tiến hóa tiềm tàng của chúng, phỏng theo truyền thống của Dougal Dixon. Trong group từng có một bài về nó rồi, nếu quan tâm thì anh em có thể tham khảo ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/4089781244442445/.
Cùng mô típ với nó thì ta có PokéNatomy của Christopher Stoll. Như cái tên đã thể hiện, đây là một quyển sách giải phẫu về các con Pokemon (chỉ 151 con gốc thôi, không tính đám thuộc mấy gen sau này). Nó có những minh họa rất chi tiết về cấu tạo cơ thể của đám Pokemon, kết hợp kèm những miêu tả về cơ chế khả năng của chúng nó và tập quán của bọn nó nữa. Cũng như The Resurrectionist, quyển này đã được bàn đến trong group rồi, anh em có thể tham khảo ở link này: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/3718072978279942/.
Ngoài đó ra thì ta cũng cần kể đến Curious Archive, một kênh Youtube chuyên về Speculative Biology. Thanh niên làm hàng loạt các clip phân tích về cơ chế sinh học cũng như tập quán của các chủng loài trong những tác phẩm SFF, chạy từ đám khủng long máy trong Horizon Zero Dawn/Forbidden West, lũ thủy quái của Subnautica, đám quái vật trong Monster Hunter, hệ sinh thái trên Tatooine, chưa kể còn kèm một số nội dung liên quan khác như phỏng đoán cách người ngoài hành tinh sẽ vẽ động vật Trái Đất dựa trên khung xương, các loài vật không ai biết có họ hàng với nhau, những sinh vật huyền bí đã bị bóc mẽ là trò lừa,… Đồng chí này còn đã làm nguyên một clip về lịch sử phát triển của Speculative Evolution, cũng như tình trạng hiện thời của cộng đồng sáng tác trong mảng này, và clip ấy chính là thứ được đem ra minh họa cho bài này. Nếu quan tâm anh em ngó thử nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓