Chuyển đến nội dung chính

Fantastic Racism - ngụ ngôn về phân biệt chủng tộc


 Vì hồi sáng có share 1 bài về giác ngộ không phải lối, mình tự nhiên lại nhớ đến một mô típ vốn được sử dụng rất thịnh hành trong SFF từ trước đến nay, mặc dù "nay" mà đem ra dùng thì sẽ rất dễ bị chửi: Fantastic Racism.

"Fantastic" ở đây tuyệt đối KHÔNG được phép hiểu là "tuyệt vời", mà nó là tính từ của "Fantasy", tức "huyền ảo". Fantastic Racism là mô típ bàn về phân biệt chủng tộc hư ảo, không có thực. Nói cách khác, Fantastic Racism có thể hiểu theo nghĩa ngụ ngôn về phân biệt chủng tộc.

Trong một tác phẩm có sử dụng Fantastic Racism, tác giả sẽ dựng lên một hoặc nhiều tộc dân nào đó. Các tộc dân này có thể là bất kỳ thứ gì, ví dụ bao gồm thú vật biết nói, AI, rôbốt, người ngoài hành tinh, một chủng người thiểu số nào đó, có quyền năng nào đó,... tất tần tật mọi chủng loại trên đời đều có thể đem ra sử dụng, miễn sao họ là có khả năng nhận thức tương đương con người, nhưng có một đặc điểm khác biệt nào đấy so với nhóm "người" khác. Sau đó thì tác giả sẽ để nhóm người kia bị kỳ thị, ghé lạnh, hoặc phải chịu một bất công, thiệt thòi nào đó. Sự kỳ thị có thể được xây dựng dựa trên một trong số vô vàn tiền lệ lịch sử có thật bất kỳ, hoặc chập chung nhiều tiền lệ vào với nhau, hoặc chỉ để chung chung và không cụ thể hóa nó ra.

Ví dụ thì có nhiều vô số, bởi vì đây là cách tạo xung đột cực kỳ sâu sắc và mạnh mẽ. Trong mảng văn học, ta có ví dụ kinh điển nhất là Animorphs, với dân tộc Andalite được tô vẽ như một vị thần, nhưng thực chất lại mang trong đầu tư tưởng coi mình là thượng đẳng, kỳ thị con người như mọi hai chân. Trong bộ truyện Artemis Fowl, các dân tộc tiên cũng mang tư tưởng bài xích con người, mặc dù phần đông bài xích vì thiếu hiểu biết chứ không phải vì tự cao. Series robot của Asimov thì vô thiên lủng luôn, với vô vàn truyện kể về sự kỳ thị của con người với rôbốt như Little Lost Robot, Robbie, The Caves of Steel, và đặc biệt nhất là The Bicentennial Man với cuộc đầu tranh đòi quyền làm người dài hai thế kỷ của một con rôbốt, mang rất nhiều sự tương đồng với Martin Luther King. The Forever War của Joe Haldeman cũng động đến một chút về sự kỳ thị giữa con người và chủng dân Taurans chỉ đơn thuần vì không hiểu nhau (mặc dù truyện thiên về bài kích chiến tranh nhiều hơn).

Trong điện ảnh thì ta có Avatar của James Cameron, với sự kỳ thị của con người với tộc dân ngoài hành tinh Na'vi, được xây dựng dựa trên mô típ kỳ thị sắc tộc giữa thực dân da trắng và thổ dân da đỏ khi đến Mỹ, hoặc gần gũi với lịch sử của ta hơn sẽ là cách thực dân da trắng đối xử với mọi An Nam mít và các dân tộc bản địa khác tại Đông Dương.  District 9 của Neill Blomkamp mượn tộc dân ngoài hành tinh kẹt lại trên Trái Đất và bị con người khinh rẻ để đả kích sự phân biệt sắc tộc giữa người da đen và da trắng ở Châu Phi. Zootopia của Byron Howard và Rich Moore thì dùng một thành phố nơi động vật săn mồi và con mồi cùng chung sống để đá xoáy vấn đề kỳ thị sắc tộc nói chung, không cụ thể hóa vào ai hết.

Tiếp theo sang phần truyện tranh (bao gồm cả comic phương Tây và manga của Nhật), ta có ví dụ kinh điển nhất là franchise X-men, với sự kỳ thị giữa người thường và người đột biến phần nhiều tương đồng với xã hội Mỹ thời bấy giờ. Bên cạnh đó thì ta có Beastars của Paru Itagaki, về cơ bản là một phiên bản "bạo" và sâu sắc hơn hẳn của Zootopia (mặc dù đây về lý thuyết là truyện shounen, tức là cho teen). Khá tương đồng với nó là A Centaur's Life, kể về một thế giới nơi các giống loài huyền thoại như nhân mã, thiên thần, ác quỷ, người ếch, người rắn, người rồng,... đều tồn tại, với một lịch sử sâu sắc đến giật mình cũng như lý giải hết sức khoa học về sự tồn tại và xung đột sắc tộc giữa họ với nhau, mặc dù được đội lốt một câu chuyện hài tuổi học trò (đến cả cái chương trình hoạt hình trẻ con trong này mà còn bàn về khiếm khuyết của dân chủ với các vấn đề chính trị khác nữa là 🐧 ). Bộ truyện huyền thoại Fullmetal Alchemist thì có một nhóm người gọi là Ishvalan với đặc điểm ngoại hình và tôn giáo cực kỳ khác biệt, và đã trở thành nạn nhân của diệt chủng (như những gì Đức Quốc Xã làm với dân Do Thái).

Nhưng xét trong bối cảnh hiện này, Fantastic Racism mà đem ra dùng chắc hẳn sẽ khiến tác giả bị các thành phần ngồi trên niết phím đập cho bay răng. Asimov sẽ không thể viết Bicentennial Man vì là dân đa trắng, lại còn là người gốc Nga. Applegate sẽ không được phép viết Animorphs dưới góc nhìn của con người vì trong này, con người là tầng lớp bị kỳ thị, còn bà lại da trắng (bởi vì như chúng ta đã biết, người da trắng chưa bao giờ bị kỳ thị hết 🐧 ). Cũng với lý do tương tự, Avatar sẽ không thể ra đời vì Cameron là một bông tuyết (trắng tận tóc cơ mà). Mấy bộ manga thì thôi lượn nhé, da vàng biết cái đếch gì về nô lệ với chẳng kỳ thị, hồi Thế Chiến II có làm sao đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.