Cái bài về cuốn self-help với nhan đề rất thích hợp mang đi làm nền cho một tác phẩm Fantasy mình nhắc đến hồi trưa khiến mình nhớ đến một bài phỏng vấn hồi năm 1995 khá hay, từng được tờ The Onion thực hiện với Ngài Terry Pratchett, một tác giả Fantasy cực kỳ nổi tiếng. Trong bài phỏng vấn này, tờ The Onion có hỏi một câu hơi ngáo ngơ về lý do Pratchett chọn viết mảng Fantasy, và đã nhận được câu trả lời rất thú vị từ Pratchett.
Cụ thể, nội dung bài phỏng vấn đó như sau:
=====
Onion: Ngài là một nhà văn cừ khôi. Ngài sở hữu một năng khiếu ngôn ngữ thiên phú, ngài xây dựng cốt rất khéo léo, và truyện của ngài xem chừng được đầu tư chú ý một cách vô cùng tỉ mẩn đến từng chi tiết. Ngài tài ba tới mức muốn viết gì cũng được hết. Vậy sao ngài phải viết Fantasy làm gì?
Pratchett: Trưa nay tôi đã làm một bữa ngon lành, và tôi thấy khá thoải mái. Đó là lý do anh vẫn còn toàn mạng đấy. Chắc anh phải giải thích cho tôi nghe tại sao anh lại hỏi cái câu kia mới được.
Onion: Đó là một thể loại khá bần.
Pratchett: Hẳn rồi. Mỹ ra sao thì tôi không khẳng định được, vì ở đó truyện tôi chỉ bán khá thôi. Nhưng ở Anh, kể từ cuốn thứ tư trở đi, tôi nghĩ mọi cuốn sách của mình – hình như tôi đã viết hai mươi cuốn rồi – đều nằm trong top mười sách bán chạy nhất quốc gia, bất kể là danh sách bìa cứng hay bìa mềm, và thường xuyên nằm ở cả hai. Mười hai hoặc mười ba cuốn còn leo đến vị trí đầu bảng. Tôi đã viết sáu cuốn dành cho thiếu niên, nhưng tất cả chúng đều lấn sân sang danh sách bán chạy nhất đối với người lớn. Có lần tôi có một cuốn lọt danh sách bán chạy nhất dành cho người lớn, một cuốn khác vào danh sách bán chạy nhất ở thể loại bìa mềm, và một cuốn thứ ba nữa lọt danh sách bán chạy dành cho thiếu niên. Giờ gọi nó là thể loại bần thêm lần nữa tôi nghe xem nào.
Onion: Nó chắc chắn được coi là kém cạnh hơn thể loại văn học hư cấu nghiêm túc.
Pratchett: (Thở dài) Câu chuyện hư cấu đầu tiên từng được kể là Fantasy đấy, không lệch vào đâu được đâu. Mấy người ngồi quanh đống lửa trại — Có phải anh chính là người đã viết bài đánh giá không nhỉ? Tôi thấy giọng văn cứ quen quen — Mấy người ngồi quanh đống lửa trại kể cho nhau nghe những câu chuyện xoay quanh thánh thần tạo ra chớp, và những thứ đại loại như vậy. Họ không kể cho nhau nghe những câu chuyện văn học. Họ không phàn nàn về những khó khăn của thời kỳ mãn kinh nam trong khi đang hành nghề giảng viên tại một trường đại học Trung Tây nào đấy. Không nghi ngờ gì nữa, Fantasy là văn học khởi thủy, là con suối nguồn nơi tất cả các thế loại văn học khác tuôn ra. Cách đây vài trăm năm, chẳng ai lại bất đồng với điều này cả, bởi vì hầu hết các câu chuyện, theo một nghĩa nào đó, đều là Fantasy. Vào thời Trung Cổ, thiên hạ sẽ thẳng tay cho Thần Chết đóng vai một nhân vật quan trọng trong câu chuyện, chẳng chút đắn đo. Chẳng hạn, ta có thể thấy bóng dáng điều này trong Pilgrim’s Progress, tác phẩm lần ngược về một lối kể chuyện xưa hơn nhiều. Sử thi Gilgamesh là một trong những tác phẩm văn học ra đời sớm nhất, và theo tiêu chuẩn mà chúng ta áp dụng bây giờ — một gã đô con vạm vỡ cầm kiếm và có dây mơ rễ má với thánh thần — Đó là Fantasy. Kalevala, tác phẩm văn học quốc gia của Phần Lan. Beowulf ở Anh. Tôi không phát âm được Bahaghvad-Gita nhưng nó là cái tác phẩm Ấn Độ ấy, anh biết tôi muốn nhắc đến gì rồi đấy. Văn học dân tộc, nền tảng cho mọi thứ khác, theo tiêu chuẩn mà chúng ta áp dụng hiện nay, là một tác phẩm Fantasy.
Tôi không biết anh sẽ coi cái gì là văn học quốc gia của Mỹ, nhưng nếu Moby Dick đang mon men lại gần cuộc trò chuyện này, dù nó có còn là gì đi chăng nữa, thì đó cũng là một tác phẩm Fantasy. Fantasy là một thứ huyết tương có thể mang theo những thứ khác. Tôi không nghĩ đây là một thể loại bần. Nó, tức Fantasy ấy, gần như là một vùng biển nơi các thể loại khác có thể bơi lội bên trong. Bây giờ nhé, có thể trong vòng vài trăm năm qua, Fantasy đã phát triển thêm một tập con, chỉ đơn thuần sử dụng một kiểu hình tượng khác, và, như anh thích gọi đấy, đó là văn học nghiêm túc, ứng cử viên cho Giải Booker. Fantasy có thể là văn học nghiêm túc. Fantasy thường là văn học nghiêm túc. Phải là hạng đầu đất mới nghĩ rằng Gulliver’s Travels chỉ là một câu chuyện về một tay đi chơi vui vẻ giữa những người khổng lồ và những người tí hon và ngựa nghẽo và những thứ tương tự vậy. Ý nghĩa của cuốn sách là một thứ khác kia. Fantasy có thể mang vác một chủ đề khá nghiêm túc, và cả thể loại khôi hài cũng thế. Vậy nên, ý của anh ở đây là, cứ loại bỏ quỷ khổng lồ và người lùn và đủ thứ khác và nhồi thiên hạ vào áo quần hiện đại, cho họ khổ đau một tí, xướng tên Virginia Woolf vài phát, và thế là xong! Nhìn mà xem! Tôi đã có một cuốn tiểu thuyết nghiêm túc. Nhưng anh chẳng việc gì phải làm thế hết.
(Tạm dừng) Thế này hơi mèo khen mèo dài đuôi, nhưng câu trả lời đó hay phết chứ chẳng đùa.
=====
Với một cuộc phỏng vấn chất thế này, chắc chẳng cần bình thêm gì đâu nhỉ <(“)?
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓