Chuyển đến nội dung chính

Minovsky Physics - khoa học giả như thật


 Hôm qua trong cái bài về việc bên Nhật đang xây Gundam kích thước thật, mình có nhắc đến hạt Minovsky, yếu tố then chốt để cả vũ trụ Gundam ra đời.

Nghe qua thì anh em hẳn sẽ thấy nó chẳng qua chỉ là một thứ công nghệ bên sản xuất bịa bừa ra cho vị Sci Fi của series thêm đậm đà, và quả đúng là như vậy thật 🐧. Thế nhưng cái hạt Minovsky đó về sau lại trở thành thương hiệu của một mô típ Sci Fi rất hay.

Trước tiên cần nói qua về cái hạt Minovsky kia. Chắc khỏi cần phải nói thì mọi người cũng thấy cái ý tưởng rôbốt mecha của Gundam nó... ngu như thế nào 🐧. Một cái máy đi bằng hai chân chế tạo rất lằng nhằng, cực kỳ nhiều điểm yếu, và ứng dụng thực chiến cũng thấp. Sao cứ phải chế rôbốt trong khi với chi phí tương tự, ta sẽ có thể chế nguyên một núi tên lửa liên hành tinh ngon bổ rẻ?

Bởi vì hạt Minovsky.

Hạt Minovsky được con người tình cờ phát hiện ra trong một lò phản ứng lỗi. Nó có thể phá hủy mọi loại thiết bị điện tử tinh vi, khiến tất cả các thể loại hệ thống nhắm mục tiêu tầm xa, tên lửa dẫn đường, và gần như tất tần tật các món vũ khí truyền thống đều vứt xó hết, khiến đánh nhau giáp lá cà lại trở thành "mốt". Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến đám mecha phải ra đời. Không có hạt Minovsky, Gundam không thể tồn tại, và chính vì cần Gundam tồn tại, thế nên hạt Minovsky mới ra đời.

Về sau này, hạt Minovsky cũng như những quy luật vật lý nảy sinh ra từ nó (gọi chung là Minovsky Physics) trở thành gương mặt đại diện cho các hệ thống khoa học công nghệ tương tự: bịa đặt gần 100%, nhưng có các luật lệ quy củ gần ngang khoa học thật, và giúp định hình toàn bộ câu chuyện của tác phẩm.

Một trong những Minovsky Physics nổi tiếng nhất chính là 3 Định luật Rôbốt học của Asimov. 3 định luật đấy hoàn toàn không hề tồn tại, nhưng được viết một cách rất lôgíc, tới mức thậm chí bây giờ khoa học thật còn đôi khi dùng đến nó. Nếu không có 3 định luật này, có khi quá nửa các tác phẩm trong sự nghiệp của Asimov sẽ chẳng thể tồn tại được, và đồng thời, chính vì muốn viết các tác phẩm mà mình đã từng viết, Asimov mới bịa ra 3 cái định luật ấy.

Gần gũi hơn thì sẽ có series Animorphs với công nghệ biến hình. Cái khả năng biến hình này cũng chẳng có tí gốc rễ thực tế nào, và công nghệ đằng sau nó cũng chẳng bao giờ được giải thích. Tuy nhiên, nó được cai quản bởi các quy luật cực kỳ chặt chẽ, chẳng hạn ADN phải được hấp thụ qua tiếp xúc trực tiếp, và các ADN đấy được lưu trữ trong máu, nếu đi xét nghiệm sẽ có thể tòi ra. Ngoài ra, vì công nghệ biến hình chỉ "đọc" mã ADN, mọi thương tổn vật lý sẽ đều bị xóa bỏ. Việc trọng lượng dư thừa/cần thêm khi biến hình lấy từ đâu ra cũng được giải thích bởi không gian Zero, và bản thân cái không gian Zero này cũng là một Minovsky Physics khác, với nguyên lý không được hiểu rõ nhưng có luật lệ cai quản rất lôgíc. Và lẽ đương nhiên, thiếu đi cả 2 yếu tố trên thì series Animorphs sẽ không có cớ gì để mà tồn tại, và Applegate đã bịa ra chúng nhằm viết series này.

Cái bản chất con gà - quả trứng của Minovsky Physics thực chất bắt nguồn từ một triết lý khoa học cũng "vòng xuyến" không kém, ấy chính là Anthropic Principle (Nguyên lý Vị nhân). Về cơ bản, triết lý này tuyên bố rằng lý do sự sống tồn tại được trong vũ trụ là bởi vì vũ trụ có những quy luật hỗ trợ sự tồn tại của nó, nhưng chính vì sự sống tồn tại nên vũ trụ mới có những quy luật cụ thể như vậy, bởi vì nếu không có sinh vật sống nào để quan sát vũ trụ, vũ trụ coi như cũng chẳng tồn tại. Nếu anh em nghe đến đây thấy đau não quá thì cũng đừng ngạc nhiên, vì cái này dùng làm đề tài tiến sĩ được cơ mà 🐧.

Anthropic Principle thực chất cũng có thể được diễn đạt dưới dạng một thủ pháp kể chuyện: Để tác phẩm A tồn tại thì sự kiện B phải xảy ra, và vì tác giả muốn viết tác phẩm A nên sự kiện B mới xuất hiện.

Cái triết lý Anthropic Principle nói chung cũng như mô típ Minovsky Physics nói riêng đã từng làm hàng ngàn fandom phải đổ máu, bởi vì hai vế của nó đại diện cho hai trường phái nhìn nhận tác phẩm đối lập hẳn với nhau là Doylism và Watsonism. Nếu anh em nào vẫn còn lì đòn trụ được đến tận đây và đầu chưa ong ong quá thì có thể đọc thêm bài này để biết 2 cái đấy là cái của khỉ gì 🐧 : https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2725276100892973/

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.