Cyberpunk tính đến nay đã trở thành một trong những nhánh Sci Fi dễ nhận diện đến mức chỉ cần nhắc đến tên nó thôi là gần như mọi người ai cũng có thể mường tượng ra đại khái ngoại hình của nó: biển hiệu gắn đèn nê ông sáng trưng, màu mè tươi rực, phố phường bẩn bẩn, ảm đạm, dân tình để tóc mào gà...
Mặc dù có hình ảnh đặc trưng đến như vậy, Cyberpunk thực chất không có một khung xương thiết kế chính thức nào hết. Bản chất của dòng này chỉ cần làm bật được đúng cái châm ngôn "high tech - low life" (công nghệ cao - xã hội nát) là xong, còn đâu hình thù vuông tròn ra sao không quan trọng.
Vậy thì tại làm sao cái style của Cyberpunk ngày nay lại có độ đồng nhất cao như thế?
Vấn đề nằm ngay ở thời đại nó ra đời: thập niên 70 và 80. Trong giai đoạn này thì người ta hay sử dụng các kiểu màu rất "chói", sặc sỡ, phối hợp theo kiểu tương phản mạnh với nhau, chẳng hạn xanh đi kèm với hồng, và biển hiệu nê ông được dùng rất nhiều. Các tác phẩm Cyberpunk mang tính định nghĩa của dòng này ra đời trong các thập niên ấy, thế nên khi nghĩ về Cyberpunk, vô tình người ta cũng nghĩ lại về thập niên 80 luôn. Đặc biệt là trong giai đoạn thập niên 2000, khi synthwave (style nhạc và hình ảnh lấy cảm hứng từ thập niên 80) bắt đầu phát triển mạnh mẽ, tinh lọc khá nhiều yếu tố từ thập niên ấy cho trở nên dễ nhận diện hơn, và từ đó càng khiến cái style 80 ăn sâu vào tâm trí người dân, và từ đó kết nối sang Cyberpunk.
Thêm một cái nữa là bản thân cái style đấy cũng rất hợp với Cyberpunk. Sự tương phản cao giữa màu biển hiệu với cái sự bẩn thỉu của thế giới, hay thậm chí là chính giữa các màu sắc với nhau, làm bật lên được rất rõ cái triết lý "cao - thấp" giữa công nghệ và xã hội mà Cyberpunk lấy làm trọng tâm. Thêm nữa, cái kiểu sáng chóe của các thứ biển hiệu đèn nê ông cũng gợi lên một cái mã lòe loẹt, "rẻ tiền", cho thấy nếu nhìn bề ngoài thì công nghệ có vẻ rất tân tiến, nhưng soi kỹ vào bên trong thì lại thấy toàn thứ vớ vẩn, ghẻ cùi, và cũng hợp với triết lý của Cyberpunk tiếp. Chính vì nó hợp như vậy, lại còn được người đọc/xem nghiễm nhiên coi như đặc trưng của dòng từ lâu, thế nên nó rất được ưa chuộng.
Tất nhiên điều ấy không có nghĩa là bắt buộc mọi tác phẩm Cyberpunk đều phải bám cái style đó. Ví dụ như trong Cyberpunk 2077, cái game sắp ra mắt mà đang được đồn là tác phẩm Cyberpunk nhất từng Cyberpunk của dòng Cyberpunk, ta có thể thấy nó có 4 style thiết kế khá riêng biệt, mặc dù vẫn dùng chung gốc 80, không ít thì nhiều: Kitsch (style chóe lòe loẹt quen thuộc), Neo-Militarism (style u ám, tối giản, đại diện cho một "nắm đấm sắt"), Entropism (kiểu bẩn bẩn, nghèo nghèo, đầy nét chắp vá), và Neo-Kitsch (nhà giàu mới nổi, cũng lòe loẹt như Kitsch nhưng đề cao cái độ "đắt tiền" kiểu phô trương khá bỉ).
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓