Trong gần như mọi tác phẩm, yếu tố quan trọng nhất sẽ luôn là người dẫn truyện hoặc nhân vật cung cấp góc nhìn cho độc/khán giả. Nhân vật đó sẽ như khung cửa sổ, cho phép chúng ta nhìn vào thế giới trong tác phẩm, và những gì chúng ta thấy, quan điểm của chúng ta đối với các vấn đề, tình tiết, thậm chí nhân vật khác trong tác phẩm sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ vị "hướng dẫn viên" đó.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ta luôn có thể tin tưởng được nhân vật ấy, bởi vì đôi khi ta sẽ đụng phải các Unreliable Narrator.
Vì thủ pháp này thường được dùng để tạo plot twist, thế nên mấy tác phẩm sau sẽ bị spoil nặng, mọi người cân nhắc trước khi đọc tiếp: School-Live!, Higurashi: When They Cry, Mr. Robot, What Remains of Edith Finch, Oxenfree.
Unreliable Narrator dịch phiên phiến ra là "người kể chuyện bố láo". Mô típ này xuất hiện khi người thuật lại các sự việc diễn ra trong truyện hoặc vô tình hoặc hữu ý làm bóp méo sự thật đi, khiến cho người thưởng thức tác phẩm cũng vô tình có cái nhìn sai lệch về những gì diễn ra. Lý do đằng sau thì vô thiên lủng. Có thể người dẫn muốn lập mưu lừa tất cả các nhân vật khác, có thể người dẫn bị điên, có thể người dẫn có những định kiến nào đó khiến họ không thể nhìn nhận sự vật một cách khách quan, có thể người dẫn quá ngây thơ hoặc quá tăm tối nên có cách hiểu về thực tại khác hẳn mọi người,... Nói cách khác, thứ trình ra trước mặt chúng ta là một dạng "thực tại song song", lệch hẳn so với những gì các nhân vật khác trong tác phẩm trải nghiệm.
Ví dụ kinh điển cũng như quen thuộc nhất mà ta cần phải kể đến sẽ là các mẩu truyện bác Ba Phi, thánh chém hàng đầu trong dân gian Việt Nam. Mọi câu chuyện của bác Ba Phi đều mang đậm chất hàng nước, chém bay nóc nhà, nhưng thần kỳ là gần như toàn xảy ra khi bác có một mình, thế nên chẳng ai kiểm chứng được. Nghi ngờ thì cứ "hỏi bả thì biết".
Về lại với SFF, đầu tiên ta có một ví dụ khá thương tâm là Flowers for Algernon. Truyện được dẫn bởi một người thiểu năng trí tuệ, thế nên mọi hành động ngược đãi đều được miêu tả lại một cách tích cực đến đau lòng. Trái với phần lớn các trường hợp khác, ngay từ đầu ta đã nhận ra đây là một Unreliable Narrator, và thấy thương cho một con người không thể tự ý thức được về bản chất của mình như thế. Nhẹ nhàng hơn thì có The Hitchhiker's Guide to the Galaxy. Vì có quá nhiều phiên bản, từ bài phát thanh cho đến truyện, phim, game,... series có quá nhiều điểm đá lẫn nhau. Thay vì mất công sửa, tác giả đổ hết tội tình cho thằng dẫn là Zaphod Beeblebrox, bảo rằng vì nó là Unreliable Narrator nên có nhiều chỗ đá nhau. A Series of Unfortunate Events thì vốn là một bộ truyện dựa gần như hoàn toàn vào sự rối rắm, bí bí ẩn ẩn, thế nên tác giả sử dụng thủ pháp Unreliable Narrator để cố tình làm mọi thứ nhập nhèm cả lên. Đến bản thân người dẫn còn tự nhận là có nhiều chuyện mình không tự chứng kiến, phải tự bịa hoặc nghe hơi nồi chõ mà ra.
Các mảng dựa nhiều vào hình ảnh cũng có thể ứng dụng thủ pháp này một cách hữu hiệu chẳng kém gì văn học. Trong bộ anime School-Live!, ta ban đầu ngỡ tưởng đây là một series về một nhóm bạn nghịch ngợm ở trường đơn thuần, nhưng ngay cuối tập đầu, khi điểm nhìn được đổi, ta nhận thấy thực chất các nhân vật đang ở trong một thế giới hoang tàn, bị zombie xâm chiếm và phải chật vật sinh tồn. Lý do duy nhất ta không nhận ra điều này là bởi nhân vật dẫn đã phần nào hóa điên, và cứ tưởng mọi thứ vẫn diễn ra như thường, trong khi các nhân vật khác cũng cố gắng giả bộ không có vấn đề gì hết để tránh gây sốc cho nhân vật dẫn. Higurashi: When They Cry cũng tương tự School-Live!, có điều ngược lại: ban đầu ta cứ tưởng đây là một ngôi làng ma quái, và tất cả đều đang mưu mô giết hại nhân vật chính. Về sau, lúc điểm nhìn thay đổi, ta mới biết thực chất tất cả chỉ là ảo giác của nhân vật chính, và mọi hành động "tự vệ" của nhân vật đó thực chất là một cuộc chém giết vô cớ những người vô tội. Trong series Mr. Robot, ta theo chân một hacker bị hoang tưởng, và rõ ràng là có vấn đề thần kinh. Ban đầu nó được thể hiện qua các tiểu tiết lặt vặt như việc anh chàng này nghe thấy tất cả mọi người gọi công ty mình là Evil Corp, ngay cả những người chẳng có lý do gì để gọi nó như thế hết. Về sau thì ta phát hiện ra một nhân vật lớn của toàn bộ series thực chất chỉ là do thanh niên hacker này tưởng tượng ra.
Ngay cả trong những loại hình tác phẩm cho phép ta nắm quyền kiểm soát người dẫn như game cũng có thể dùng thủ pháp này. What Remains of Edith Finch cho ta nhập vai một thám tử đi khám phá vụ mất tích của một cậu bé. Trên đường đi, vị thám tử (tức chúng ta) đụng độ nhiều cuộc phiêu lưu rất kỳ quái, nhưng rốt cuộc tất cả được tiết lộ chỉ là những câu chuyện do cậu bé viết ra mà thôi. Đến cuối game, ta nhận ra rằng bản thân mình cũng chỉ là một người do cậu bé tưởng tượng ra trước khi chết, và mọi điều ta trải nghiệm đều là một sự dối trá. Trong Oxenfree, ta cùng một nhóm bạn bị mắc kẹt lại trên một hòn đảo với những hiện tượng siêu nhiên. Cuối cùng, sau khi đã thoát được khỏi hòn đảo, giữa lúc đang có đoạn kết về cuộc đời của mọi người sau này, ta dần nhận ra thực chất ta vẫn kẹt lại trên hòn đảo, và vĩnh viễn phải sống đi sống lại cái ngày quái dị ấy, và chỉ khi vòng lặp bắt đầu lại từ đầu ta mới nhận ra mình chính là Unreliable Narrator.
Unreliable Narrator là một thủ pháp hơi liều khi sử dụng, bởi vì chỉ cần sơ sẩy một tí là sẽ lộ vở trước khi đến đoạn tiết lộ chấn động, mà giấu nhiều quá thì lúc vén màn bí mật sẽ khiến người đọc/xem/chơi cảm thấy vớ vẩn. Nhưng nếu được áp dụng một cách tử tế, đây có thể nói là cách gây sốc hiệu quả nhất mà một tác giả có thể sử dụng.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓