Hôm nay mình vừa mới bắt được một bài phỏng vấn khá thú vị mà tờ Los Angeles Times đã thực hiện với Claudia De Rham, một giáo sư vật lý lý thuyết ở Đại học Hoàng gia London, với nội dung chính xoay quanh tính khả thi cũng như độ chính xác của những yếu tố khoa học công nghệ xuất hiện trong bộ phim Tenet của Christopher Nolan.
Điều làm mình thấy chú ý là trong bài phỏng vấn, Giáo sư Rham được hỏi ông có cảm thấy thuyết phục khi nghe Robert Pattinson tự xưng mình là thạc sĩ vật lý không. Bro Rham trả lời là không, bởi vì thanh niên kia chỉ toàn sủa bừa vài từ mang mác khoa học như "bức xạ" và "positron," nhưng chẳng giải thích gì hay làm gì để cho chúng nó nghe không rỗng tuếch hết.
Vì đến bây giờ vẫn chưa lết xác đi xem Tenet, mình không biết liệu có đúng Pattinson chỉ nói nhăng cuội không hay vì ông giáo sư này nghe ở tầm quá nên nghe thấy chối. Tuy nhiên, nó vẫn gợi cho mình nhớ đến cái kiểu một số tác phẩm Sci Fi hay làm, ấy là chúng nó cứ xây dựng các nhân vật khoa học theo một kiểu nghe cực kỳ khó tin.
Cái đầu tiên làm giảm độ chân thực của nhân vật nhà khoa học là việc mấy ông tác giả để cho nhân vật toàn năng quá đà. Thường thì điều này sẽ xảy ra khi tác giả coi khoa học là khoa học theo đúng nghĩa đen: trên đời chỉ có duy nhất một cái gọi là “khoa học” thôi, không có chuyên ngành ban bộ gì hết. Toán hả? Khoa học! Hóa? Khoa học! Khảo cổ? Khoa học! Vật lý? Khoa học! Phóng xạ học? Khoa học! Thậm chí cả những thứ ở tầm thợ và chuyên viên, đòi hỏi một kiểu kỹ năng khác hẳn, chẳng hạn như hàn, rèn, phẫu thuật, nối mạch,… cũng đều bị quy luôn thành khoa học. Thế tức là một ông nhà khoa học trong tác phẩm có thể sẽ nhảy ngành xoành xoạch, chạy từ phẫu thuật tim, xác định niên đại xác ướp, lấy mẫu dấu vân tay, hack máy chủ CIA,… bởi vì chúng ta biết rồi đấy, “khoa học” chỉ có một cái “cục” to đùng thôi, ông nào là khoa học thì auto biết tuốt 🐧. Mô típ nhân vật khoa học toàn năng như thế được gọi là Omnidisciplinary Scientist.
Thú vị một điều là ví dụ kinh điển nhất về cái kiểu Omnidisciplinary Scientist này lại nằm trong một tác phẩm Fantasy, ấy chính là Dracula.
Trong truyện, ta có một thanh niên tên là Tiến sĩ Van Helsing. Ngay từ cái bức thư giới thiệu, ta đã thấy thanh niên này có lắm bằng cấp hơn cả trap card trong cỗ bài của Yugi. Thanh niên có bằng MD (Bác sĩ Y khoa), D. Ph. (Tiến sĩ Triết học, nhưng không rõ ngành nào), D. Litt. (Tiến sĩ Khoa học, cũng không rõ khoa học nào), và theo đuôi lại còn là một cái chữ “vân vân” to chình ình nữa mới tởm chứ. Và trong truyện, đồng chí Helsing này thậm chí còn thể hiện thêm ra mình là một nhà sử học (ít nhất là lịch sử Bắc Âu), văn hóa dân gian, thần thoại học, và… luật sư. Lại còn là luật Anh Quốc nữa nó mới vê lù (Helsing là người Hà Lan 🐧 ).
Tất nhiên, không hẳn cứ biết khoa học đa ngành là auto khó tin. Nếu tác giả đưa ra được lời giải thích hợp lý cho cái sự đa ngành ấy thì ta sẽ vẫn có thể chấp nhận được. Vẫn trong mảng Fantasy, ta có các maester trong series A Song of Ice and Fire.
Maester là phiên bản nhà khoa học của thế giới này, và họ theo học nhiều ngành cùng một lúc. Sở dĩ trường hợp này ổn là vì thế giới của A Song of Ice and Fire tương ứng với thời Trung Cổ, thế nên lượng kiến thức khoa học còn rất ít, và việc một người đa ngành như thế sẽ rất sát với lịch sử thật. Bên cạnh đó, bro Martin còn đã rất khéo cho thêm một kiểu nhân vật khác tồn tại là các archmaester, một phiên bản đỉnh cao của các maester. Để lên được archmaester thì không có chuyện chơi đa ngành (mặc dù tất nhiên vẫn có nền là nhiều ngành khoa học), mà phải chú tâm nghiên cứu 1 ngành duy nhất cho thật thạo.
Ở Sci Fi thì ta có một ví dụ rất hay khác đó là Sáu đợt thức tỉnh.
rong cuốn truyện này, con người đã phát triển được công nghệ nhân bản vô tính và ghi chép dữ liệu não ở một cấp rất cao, khiến cho một con người bất kỳ cứ mỗi khi chết đi là lại có thể tự nhân bản lại cơ thể, sau đó chuyển hết dữ liệu não cũ vào trong cái xác mới, về cơ bản là tự cho mình tái sinh sang kiếp khác. Chính bởi vậy mà 1 con người có thể sống lâu đến hàng mấy thế kỷ, và tha hồ theo học những thứ mình thích. Chính thế nên ta có một chính trị gia sành sỏi với chuyên môn về luật pháp vẫn có thể học tiếp lên và lấy bằng bác sĩ y khoa, hay như một người học ngành văn có thể sau đó lấy bằng về văn hóa ẩm thực, và rồi học làm hacker như bình thường mà không có gì là lạ lùng hết.
Bên cạnh đó thì còn một phương án nữa là bó thật hẹp cái sự đa ngành của nhân vật lại, chẳng hạn như trong tác phẩm Người về từ Sao Hỏa.
Nhân vật chính trong tác phẩm ấy, Mark Watney, chỉ thạo có hai ngành duy nhất là sinh học thực vật và kỹ thuật cơ khí. Tuy nhiên, vì thanh niên là đệ nhà NASA, thế nên hai ngành này được đào tạo cho lên đến cảnh giới thượng thừa. Kết hợp với hàng loạt các kỹ năng mang tính thực tiễn khác mà các phi hành gia NASA bắt buộc phải nắm rõ, Watney xoay xở tạo ra cho người đọc một cảm giác là đồng chí này rất đa di năng, cái gì cũng làm được, nhưng không đến nỗi quá điêu.
Còn một phương án nữa cũng có thể sử dụng để khiến người ta chấp nhận cái sự điêu của nó là đừng lấy sự thực tế làm trọng tâm. Ví dụ nổi nhất về cái này sẽ là series manga Dr. Stone.
Nhân vật chính trong truyện là Senku, một học sinh cấp ba nhưng lại là một ông Biết Tuốt theo nghĩa không thể nào đen hơn được nữa: vật lý, kỹ thuật, nông nghiệp, thiên văn, hóa học, toán học,… không một thứ gì làm nên nền văn minh nhân loại mà thanh niên này không biết cả. Đồng chí thiên tài đến mức gần như đã 1 tay carry toàn bộ loài người đi từ thời kỳ đồ đá lên đến ngang giai đoạn cách mạng công nghiệp trong đâu có nhõn 1 năm. Nhưng một là vì đây là một cái manga đặt nặng tính hài hước, thế nên độc giả ngay từ đầu đã không quá kỳ vọng vào việc nó phải chân thực rồi. Ngoài ra thì chỉ cần đọc một vài chương thôi là gần như ai cũng hiểu mọi thứ của câu chuyện chỉ là một cái Framing Device kín (anh em có thể đọc thêm về Framing Device ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2465592253528027) để bàn về lịch sử phát triển của khoa học cũng như tôn vinh cái sự tuyệt vời của nó, thế nên chẳng câu nệ việc thằng main OP quá đà.
Cái mô típ Omnidisciplinary Scientist kia ít nhất thì cũng còn có nhiều cách để giúp cho nó đỡ khó chịu. Nhưng còn cái tiếp theo thì một khi đã phạm phải là gần như sẽ chẳng còn cách nào cứu vãn nữa: phá vỡ quy tắc Show, Don't Tell.
Show, Don't Tell là một nguyên tắc rất quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện. Nó yêu cầu tác giả phải chứng minh cái thông tin mình đưa ra trong tác phẩm bằng ví dụ cụ thể, thay vì chỉ có cam đoan xuống là nó là A, B, C, D,… Ví dụ như thế này, nếu tác giả bảo nhân vật A là một viên tướng đại tài, thế thì kiểu gì trong tác phẩm cũng phải có cảnh nhân vật A đánh bại một quân đội được trang bị vũ khí hiện đại hơn mình gấp bội, hoặc có số quân áp đảo mình. Nếu thực sự làm tốt, tác giả thậm chí còn chẳng cần phải nói nhân vật A là tướng tài hay gì hết, mà người đọc sẽ tự thấy khâm phục và nhận ra đây là một bậc thầy quân sự. Tuy nhiên, nếu nhân vật A từ đầu đến cuối toàn xua những đạo quân đông như kiến đi trấn áp ba cái băng cướp lẻ tẻ, hay thậm chí nghiêm trọng hơn là bị mấy cái băng cướp vặt đấy đánh cho thua liểng xiểng, thế thì tác giả chẳng chứng minh được gì, và độc giả sẽ thấy rất khó chấp nhận.
Trong phạm vi nhân vật là nhà khoa học, quy tắc Show, Don't Tell sẽ bị phá vỡ nếu nhân vật cứ được tung hê là thiên tài hay có chuyên môn ở ngành này ngành kia, nhưng gần như suốt tác phẩm chẳng chịu làm một cái gì cho nó xứng với những gì đã được tâng bốc về bản thân cả, hay có khi còn hành xử theo một cách chẳng thể mô tả bằng từ gì khác ngoài… ngu.
Mặc dù ảnh cover của group là thế nào thì anh em biết rồi đấy, nhưng vì cái thanh niên này khét tiếng quá thế nên không thể không đưa ra làm ví dụ mở màn: Robert Langdon trong Mật mã Da Vinci và Thiên thần và Ác quỷ.
Đồng chí Langdon kia là giáo sư Harvard chuyên ngành biểu tượng học kiêm thần học, nhưng mà lại dịch mấy câu tiếng Latinh cực kỳ đơn giản một cách sai tè le. Bên cạnh đó, đồng chí này còn là “chiên da” hàng đầu thế giới về da Vinci, nhưng đến cái giai thoại nổi tiếng nhất về da Vinci là việc ông chuyên viết ngược để tránh bị đọc trộm mà cũng phải loay hoay mãi mới nhớ ra. Và nếu như ta xét đến cả các khía cạnh thông tin lịch sử với tôn giáo mà thanh niên này “biết” và nắm rõ nữa thì lạy Chúa, tìm ra được cái gì chuẩn xác sẽ là cả một kỳ tích vĩ đại. Không phải ngẫu nhiên mà giới nhà văn thậm chí còn đã lấy tên đồng chí tác giả làm thuật ngữ riêng, và gọi những quyển có thông tin sai lệch tùm lum tà la là “bị Dan Brown.”
Một ví dụ không đến mức Dan Brown nhưng cũng phá quy tắc Show, Don't Tell khá nặng là cuốn Người chạy xuyên không gian.
Nhân vật chính trong truyện được tung hê là một nhà vật lý học thiên tài, nhưng mà như mình đã nói trong review hồi trước (đọc ở đây nếu muốn biết rõ hơn: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2768935816527001), thanh niên này dành gần 1/3 quyển truyện để chứng minh mình có IQ vô cực (cực nào thì anh em chắc hiểu nhỉ 🐧 ). Sau khi lết hết hơn trăm trang giấy ngồi xem cái ông tiến sĩ thiên tài này hiểu ra một điều không một ai không biết, ta mới bắt đầu thấy thanh niên thở được vài câu mang tính khoa học. Nhưng cái sự “khoa học” của nó ở đây chỉ dừng ở mức điểm sơ sơ một cái thuyết khoa học hiếm người còn lạ lẫm, và sau đó gần như lại quẳng khoa học vào một xó tiếp. Phải đến tận gần cuối thì thanh niên mới thực sự có được một số ý tưởng mang tính sáng tạo, mỗi tội các ý tưởng đấy lại… chẳng liên quan mấy đến cái việc thanh niên là dân vật lý (ngoại trừ việc đồng chí này bắt chước Pattinson và sủa bậy vài từ như thuyết trò chơi cho nó nghe hao hao khoa học), mà chỉ đơn thuần là ý tưởng hay.
Làm tử tế cái Show, Don't Tell thì ta có Công viên kỷ Jura.
Tác phẩm này có một thanh niên là Ian Malcolm, được tung hê là nhà toán học. Ngay từ ban đầu, nhân vật đã lập tức dùng khoa học để giải thích về bộ đồ của mình. Mặc dù phần khoa học đấy hơi bị lôm côm, và nó chủ yếu dùng để khắc họa sự lập dị của Malcolm chứ không phải chuyên môn, đây vẫn cho thấy sự nỗ lực của tác giả trong việc chứng minh nhân vật có tài thật chứ không phải nói suông. Đậc biệt là đến giữa tác phẩm, Malcolm còn đã chứng minh khả năng toán học của mình một cách rõ ràng hơn nữa thông qua việc làm một điều rất cụ thể, đó là yêu cầu mở một cái đồ thị phân bố dân số khủng long lên, và sau đó chứng đồ thị đấy có hình dạng như vậy là sai lệch, và đưa ra một đồ thị chuẩn xác hơn. Các nhà khoa học khác trong tác phẩm cũng có nhiều cảnh chứng minh tương tự, chẳng hạn Alan Grant thì liên tục dùng kiến thức cổ sinh vật học (lạy Chúa, có người cuối cùng cũng hiểu khảo cổ có nhiều chuyên ngành 🐧 ) để giúp đưa bản thân và hai đứa cháu nhà Hammond vượt qua công viên một cách an toàn, còn Ellie Sattler, nhà cổ thực vật học, thì phát hiện ra những thứ cây không hợp thời và gây hại cho lũ khủng long.
Một phiên bản Show, Don't Tell khác nhẹ khoa học hơn nhưng cũng hữu hiệu không kém nằm trong tác phẩm Foundation.
Trong series này, ta có Hari Seldon, một nhà toán học đã phát minh ra một ngành khoa học mới hoàn toàn, có tên là psychohistory. Psychohistory về cơ bản là phân tích big data, với dữ liệu nằm trong mảng tâm lý và lịch sử. Nó có thể đưa ra những dự đoán rất chính xác về sự phát triển của thế giới sau này, nhưng lại không thể tiên đoán được vận mệnh của những con người nhỏ lẻ. Thú vị một chỗ là vì chỉ tiên đoán được cách thế giới sẽ biến đổi ở tầm vĩ mô, Hari Seldon hoàn toàn không thể chứng minh cái môn khoa học của mình là chuẩn xác, và sau khi ông chết đi thì chẳng còn đồ đệ nào biết dùng cái môn này cả. Điều này khiến ta những tưởng cái sự thần kỳ của psychohistory và độ thiên tài của Seldon cũng chỉ là nói suông thôi, nhưng trong hàng loạt những chương sau đó, trải dài hàng bao thế kỷ liền, mọi thứ đều diễn ra đúng như dự đoán của Seldon, với một số chương ta còn có nhân vật tìm cách vùng vẫy để phá bỏ những gì Seldon đã hoạch định ra, nhưng vẫn cứ bị dòng chảy của lịch sử cuốn phăng đi như thường. Tất cả những sự kiện diễn ra sau đó cũng như phân tích về sự kiện mà ta nhận được từ nhân vật cùng thời đã trở thành minh chứng ngược cho sự thiên tài của Seldon, và người đọc không khỏi cảm thấy ông đúng là một nhà khoa học vô tiền khoáng hậu.
Xét chuẩn ra thì Công viên kỷ Jura và Foundation đều là do những người có nền tảng khoa học viết lên (Michael Crichton học y Harvard, còn Isaac Asimov là tiến sĩ sinh hóa), thế nên nếu đem nó ra so với những tay mơ như Dan Brown và Blake Crouch thì cũng hơi giống đem Messi ra so với một thằng cu ất ơ chơi đá lon trong xóm. Tuy nhiên, không thiếu tác giả cũng là tay mơ nhưng đã xây dựng được mô hình các nhà khoa học ngon lành. Ví dụ nổi nhất sẽ là Becky Chambers và cuốn tiểu thuyết To Be Taught, if Fortunate. Chambers gốc là dân quản lý sân khấu, và chẳng có một tí nền tảng khoa học nào hết. Dẫu vậy, cuốn To Be Taught, if Fortunate của chị hai này từ đầu đến cuối bàn rất sâu vào các vấn đề khoa học, và để những nhà khoa học trong truyện trực tiếp thực hiện công việc nghiên cứu một cách chân thực phi thường. Một người khác cũng nghiệp dư không kém Chambers là Sylvain Neuvel, với thanh niên này thậm chí còn đã bỏ học từ năm 15 tuổi. Thế nhưng cuốn Sleeping Giants của thanh niên vẫn có một nhà địa chất học thể hiện rất rõ mình không ngẫu nhiên mà có cái tước danh ấy, và đã có rất nhiều cảnh chứng minh dân khoa học trong này là người có trình độ thật chứ không phải một ngôi sao Hollywood mặc áo bờ lu.
Như anh em có thể thấy, đòi mấy ông nhà văn viết chuẩn dân làm khoa học kể cũng hơi khoai, nhưng nó không hề bất khả thi. Quan trọng là phải chịu khó dành thời gian nghiên cứu và đầu tư xây dựng nhân vật. Công việc này sẽ ngày càng trở nên quan trọng bởi vì thiên hạ ai nấy cũng đều có Youtube và biết sàn sàn khoa học hết rồi. Cứ tung bừa vài chữ nano với lượng tự ra thì dễ chừng bị cười cho thối mũi lắm 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓