Chuyển đến nội dung chính

Framing Device - truyện lồng trong truyện


 Hôm nay vừa vớ được một cái clip đại diện cho một công cụ thường được sử dụng trong nghệ thuật kể chuyện rất hay: Framing Device.

Thủ pháp Framing Device là tên gọi của cách các tác giả "Inception hóa" câu chuyện của mình. Trong tác phẩm, ta sẽ có 2 câu chuyện, và một thằng sẽ bao kín quanh thằng còn lại. Hãy tưởng tượng câu chuyện A là một bức tranh, thế thì câu chuyện B sẽ là khung bên ngoài của bức tranh ấy. Nói đơn giản hơn nữa, Framing Device là cái "cớ" tác giả đưa thẳng thừng ra trong tác phẩm, nhằm kể lại một hoặc nhiều câu chuyện khác.

Có rất nhiều cách để áp dụng thủ pháp này. Một là hình thức 2 nhân vật kể chuyện cho nhau nghe, với ví dụ kinh điển nhất trong SFF là tác phẩm Ngàn lẻ một đêm, với câu chuyện "khung" là công chúa Scheherazade phải liên tục kể chuyện cho vua nghe để không bị chém đầu, còn "bức tranh" trong các khung ấy là những mẩu truyện nàng kể như Alibaba và 40 tên cướp, Aladdin và cây đèn thần, Thủy thủ Sinbad,... Còn một cách nữa là một nhân vật trong truyện trực tiếp kể thẳng với người đọc, chẳng hạn như trong tác phẩm To Be Taught, If Fortunate của Becky Chambers mà mình review hôm trước, với câu chuyện được thuật lại dưới dạng bức thư mà nhân vật chính gửi cho người đọc (hoặc ai đó khác trên Trái Đất, tùy cách hiểu). Nó có thể được thể hiện dưới dạng một ký sự hay buổi phỏng vấn, chẳng hạn như trong World War Z của Max Brooks, cuộc đại chiến zombie được nhồi bên trong một cái "khung" là các cuộc phỏng vấn giữa tác giả và những người sống sót sau cuộc chiến ấy. Nó còn có thể xuất hiện dưới một dạng "kín" hơn, với câu chuyện "khung" không lộ hẳn ra ngoài, chẳng hạn như trong Dracula của Bram Stoker, toàn bộ câu chuyện được kể lại thông qua thư từ, nhật ký cá nhân, các bài báo, mẩu tin,... với câu chuyện "khung" có thể được ngầm hiểu là một ai đó đã tổng hợp các tư liệu đấy lại. Nó thậm chí còn có thể được áp dụng ở quy mô "li ti", chỉ thoáng xuất hiện một tí nhằm xây dựng thế giới hoặc tạo tiền đề cho một mạch cốt nào đó xảy ra, chẳng hạn như lúc Hermione đọc lại câu chuyện cổ tích về ba bảo bối tử thần cho bạn bè nghe trong Harry Potter của J. K. Wokeling...

Như trong clip bên dưới, Framing Device xuất hiện dưới dạng một "cẩm nang sinh tồn" châm biếm dành cho những người vô tình bị quay ngược về quá khứ, nhằm tạo cớ để tác giả có thể nói về quá trình hình thành và phát triển của các phát minh, các công nghệ, các bước tiến của khoa học loài người cũng như sự khác biệt của thế giới ngày nay so với ngày xưa, tầm quan trọng của các tiến bộ ấy,... Anh em nào đang đọc bộ manga Dr. Stone của Riichiro Inagaki thì hẳn sẽ thấy quen quen, bởi vì bộ đấy cũng có câu chuyện chính là khám phá và ca ngợi khoa học y hệt cái clip này, chỉ có điều Framing Device của nó kín hơn hẳn, mang dạng chuyến phiêu lưu của một thanh niên IQ 10 tỉ tỉnh dậy sau khi bị hóa đá bao thiên niên kỷ.

Ngay cả nếu anh em không quan tâm gì đến Framing Device thì cũng nên ngó qua clip này, bởi vì các kiến thức của nó đưa ra khá rộng, và có cái giọng mỉa mai hài hài nghe cũng rất thú vị.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.