Vì Mỹ đang có biến, cái comic châm biếm Tổng thống Trump hồi bro này mới đắc cử lại đang bị lôi lên. Bản chất chính trị của mấy cái ảnh này ra sao thì ta sẽ không bàn, nhưng mình vẫn muốn up chúng nó lên bởi lẽ đây đại diện cho một cái style rất hay trong nghệ thuật kể chuyện: Minimalist Storytelling.
Minimalist Storytelling dịch ra là “Kể chuyện Tối giản”, ý chỉ cách xây dựng cốt chuyện một cách tiết kiệm nhất có thể. Một câu chuyện tối giản chỉ dùng những gì cần thiết nhất, còn râu ria đem vứt sạch. Nó cũng hệt như phong trào sống tối giản (không tha lôi nhiều đồ về nhà) với thiết kế tối giản (dùng càng ít nét/hình khối/màu càng tốt) mà dạo gần đây đang rộ lên thành xu hướng đó.
Nhiều tác giả rất thích Minimalist Storytelling mặc dù nó khó hơn hẳn diễn giải đầy đủ. Nguyên cớ là bởi nó để chừa lại cực nhiều khoảng trống cho tâm trí người thưởng thức tự điền vào. Khi được thả lỏng cho tự nghĩ, chúng ta sẽ auto điền những thứ làm mình thấy thích/sợ/sướng/dị nhất vào, và từ đó làm tác phẩm trở nên ấn tượng hơn hẳn. Ngoài đó ra thì có thể đơn thuần là vì… thiếu tiền. Đối với những loại hình media đòi hỏi kinh phí cao như làm phim với làm game, cốt càng thu gọn được bao nhiêu thì sẽ càng đỡ tốn tiền thuê dev/làm kỹ xảo/thuê địa điểm/… bấy nhiêu, thế nên Minimalist Storytelling sẽ là con đường đúng đắn nhất. Hoặc không thì cũng có thể vì bên đặc thù của bên sản xuất buộc các tác giả phải tự giới hạn bản thân lại, chẳng hạn những tờ tạp chí chỉ có một lượng giấy rất thấp thôi, khiến người ta phải tối ưu hóa từng con chữ một, và Minimalist Storytelling trở thành lời phương án tối ưu. Tóm lại là có nhiều lý do để sử dụng Minimalist Storytelling lắm.
Câu chuyện tối giản nổi tiếng nhất chắc sẽ là mẩu tin 6 chữ của Ernest Hemingway: “For Sale: Baby shoes, never worn. (Cần bán: Giày trẻ sơ sinh, chưa dùng lần nào)”. Dạng Minimalist Storytelling giới hạn về độ dài như thế còn được gọi là Flash Fiction. Tạp chí Wired từng mời một loạt tác giả tên tuổi của dòng SFF chế lại câu chuyện nổi tiếng trên, và tất nhiên pha kèm sắc Sci Fi hoặc Fantasy vào. Mọi người có thể đọc các thành phẩm ở đây: https://www.wired.com/2006/11/very-short-stories/. Tuy nhiên, cái Flash Fiction nổi tiếng nhất của SFF có lẽ lại là một thứ dài hơn, ấy là câu chuyện kinh dị siêu ngắn của Fredric Brown: “Người cuối cùng trên Trái Đất ngồi một mình trong phòng. Ngoài cửa vang lên tiếng gõ.”
Không nhất thiết truyện cứ phải ngắn cụt ngủn thì mới là Minimalist Storytelling. Có những câu chuyện cũng tương đối dài, nhưng vẫn được trình bày theo kiểu “gạn mỡ” tối đa, và vẫn được coi là Minimalist Storytelling. Ví dụ bao gồm mẩu truyện ngắn Search History của KT Bryski, chỉ đơn thuần liệt kê lại lịch sử tìm kiếm của một nhân vật vô danh nào đó, nhưng ta hoàn toàn có thể tự chắp nối được các “manh mối” mà nó thả trong đấy để hiểu chuyện gì đang diễn ra (đọc tại đây: https://dailysciencefiction.com/science-fiction/disaster-apocalypse/kt-bryski/search-history). Cũng cùng mô típ như nó, có điều dài hơn và chi tiết hơn, ta có truyện ngắn Wikihistory của Desmond Warzel, nhái một trận “war” giữa các thành viên một forum du hành thời gian (tác giả đăng tại đây: https://www.tor.com/2011/08/31/wikihistory/).
Những loại hình media có sử dụng hình ảnh thì có lẽ còn hợp Minimalist Storytelling hơn hẳn, bởi vì anh em biết rồi đấy, một bức ảnh bằng cả vạn lời tả. Ngoài cái comic bên dưới ra thì ta có thể kể đến cái series manga Blame! của Tsutomu Nihei, có khi nguyên một tập dài dằng dặc liền chẳng có cái gì ngoài tranh và hiệu ứng âm thanh. Tương tự với nó là cuốn Art Book Tales from the Loop của Simon Stålenhag, tổng hợp một loạt các hình ảnh concept Sci Fi đầy tính gợi mở, và chỉ kể phác cái bối cảnh câu chuyện ra thôi, còn đâu để người đọc/xem tự mường tượng cốt của từng bức ảnh một.
Game thì thậm chí còn sử dụng Minimalist Storytelling hiệu quả nữa, vì nó còn có cả âm thanh/âm nhạc cùng yếu tố tương tác. Limbo của Playdead với GRIS của Nomada Studio không một lời thoại, không một câu chữ nào xuất hiện hết, nhưng nó vẫn truyền tải được một câu chuyện rất hấp dẫn. Return of the Obra Dinn của Lucas Pope thì không kiệm lời như hai game kia, nhưng lại có cách ứng dụng yếu tố tối giản theo một cách rất hay, đòi hỏi người chơi phải tự suy luận những phần bị lược thì mới phá đảo được game.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓