Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Proto Science Fiction


Các dòng Sci Fi chính yếu thì đã phổ cập gần hết trong các bài từ trước rồi, giờ sẽ series Sci Fi căn bản sẽ chuyển sang nói về các giai đoạn phát triển của dòng này, khởi đầu bằng Proto Science Fiction.

Proto Science Fiction, hoặc Precursors of Science Fiction, là các tác phẩm tiền thân của Sci Fi, có sử dụng những yếu tố mang tính khoa học viễn tưởng, nhưng ra đời trước khi nó được tách thành một dòng riêng biệt.

Mặc dù Sci Fi thường được công nhận là chính thức ra đời với tác phẩm Frankenstein của Mary Shelley (1818), rất nhiều học giả và tác giả Sci Fi nổi tiếng nói rằng nguồn gốc Sci Fi bắt đầu từ các truyền thuyết, huyền thoại cổ đại. Tất cả những truyện này đều là Fantasy, nhưng có một vài tiểu tiết làm nền tảng cho một số mô típ mà về sau khoa học viễn tưởng sử dụng nhiều. Chẳng hạn câu chuyện về Noah trong Kinh Thánh và câu chuyện về Gilgamesh đều có sử dụng một trận lũ để tàn phá thế giới, tiền đề cho các câu chuyện Tận thế và Hậu tận thế ngày nay. Truyện cổ tích Nhật Urashima no ko có anh chàng đi xuống thuỷ cung, trở về thì đã hàng trăm năm trôi qua, tiền đề cho du hành thời gian. Taketori Monogatari kể về công chúa mặt trăng xuống Trái Đất để tránh chiến tranh và sau này quay trở về nhà, tiền thân của mô típ người ngoài hành tinh,… 

Qua được thời cổ đại, sang đến thời Trung Cổ thì bắt đầu phần khoa học nổi trội hơn một chút. Các yếu tố như rôbốt, máy móc tự động xuất hiện nhiều, và các nhà văn bắt đầu sử dụng kiến thức khoa học để giải thích cho các điều phi lý. Tuy nhiên, thời đó chiêm tinh với trích máu cũng được coi là “khoa học”, thế nên nó vẫn mang nặng yếu tố Fantasy. Chẳng hạn trong 1001 Đêm (thế kỷ thứ 10), câu chuyện The City of Brass kể về một nền văn minh đã mất với các thiết bị tự động, các “con rối” hoạt động không cần dây, vào còn cả rôbốt mang nhân dạng, ngựa bằng đồng có thể bay ra ngoài vũ trụ. Theologus Autodidactus (khoảng năm 1270) của học giả Ảrập Ibn al-Nafis có nhắc đến thảm họa tận thế, hồi sinh, kiếp sau,… nhưng đều được giải thích bằng kiến thức về sinh học, giải phẫu, thiên văn, chiêm tinh, địa chất học. Trường thi Roman de Troie của Benoît de Sainte-Maure (khoảng năm 1160), viết về cuộc chiến thành Troy có nhắc đến Chambre de Beautes với 4 cỗ máy khác nhau, biết làm 4 trò phi thường khác nhau. Confessio Amantis của John Gower (khoảng năm 1399) có nhắc đến việc Alexander Đại Đế chế ra một khối cầu dùng để lặn xuống nước…

Sang đến Thời Đại Khai Sáng (Thế kỷ 16-18) thì các phát kiến khoa học mới lạ xuất hiện nhiều, và bùng nổ ra hàng loạt tác phẩm với khoa học nắm phần chủ chốt. Chẳng hạn Somnium của Johannes Kepler (1634) viết về hành trình lên mặt trăng, và được Carl Sagan cùng Isaac Asimov gọi là tác phẩm Sci Fi đúng nghĩa đầu tiên trên đời. Mô típ lên thăm mặt trăng (và về sau là các hành tinh khác) cũng được nhiều nhà văn đương thời sử dụng, một số còn thể hiện nền văn minh trên đó cấp tiến hơn hẳn nền văn minh của Trái Đất. Ngoài ra một số mô típ mới cũng ra đời, hoặc mô típ cũ được cải thiện hơn. Chẳng hạn The Tempest của Shakespeare (1611) là với mô típ nhà khoa học điên, The Description of a New World, Called the Blazing-World của Margaret Cavendish (1666) là về Utopia, Voyages et Aventures de Jacques Massé của Simon Tyssot de Patot (1710) là về một thế giới thất lạc, L'An 2440 của Louis-Sébastien Mercier (1771) là về xã hội tương lai.

Sau giai đoạn đó thì bắt đầu đến giai đoạn Scientific Romance của thế kỷ thứ 19. Nhiều người hay gộp chung cả nó vào giai đoạn Proto Science Fiction, nhưng vì nó là lúc Frankenstein ra đời, khi Sci Fi chính thức thành dòng riêng, thế nên sẽ tách riêng nó ra để về sau nói.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.