Chuyển đến nội dung chính

Review Fatherland của Robert Harris



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑

8.0/10

TL;DR

1984 nếu nó được viết bởi Raymond Chandler, và Đức Quốc xã thế chân Liên Xô dưới thời Stalin để trở thành cảm hứng chủ đạo.

GIỚI THIỆU CHUNG

Fatherland là một cuốn lịch sử thay thế pha trinh thám của Robert Harris. Truyện lấy bối cảnh là một thế giới nơi Đức Quốc Xã đã chiến thắng trong Thế Chiến II, và đã thiết lập một tân đế chế xã hội chủ nghĩa tại Châu Âu. Từ tiền đề ấy, truyện tua nhanh đến năm 1964, khi chỉ còn ít lâu nữa là đến sinh nhật lần thứ 75 của Adolf Hitler. Bản thân sự kiện ấy đã đặc biệt lắm rồi, nhưng mọi sự không đơn thuần dừng ở đó. Nhằm chấm dứt cuộc Chiến Tranh Lạnh hiện thời và nối lại quan hệ với Đức, phía Mỹ đã tuyên bố rằng Joseph Kennedy Cha, tức tổng thống Mỹ đương thời, sẽ đích thân ghé thăm Đức để chúc mừng sinh nhật Quốc Trưởng. Điều này khiến cho đây trở thành một thời điểm hết sức nhạy cảm, cả với chính quyền Đức nói riêng lẫn tình hình chính trị quốc tế nói chung.

Cái ngày trọng đại ấy càng đến gần, toàn thể nước Đức lại càng thêm rộn ràng. Nơi nơi tưng bừng không khí lễ hội, với hàng loạt các ban nhạc và đoàn thể tập dượt không biết mệt mỏi những tiết mục mừng thọ Hitler cũng như chào đón Kennedy. Tuy nhiên, vẫn có những con người chẳng chút hào hứng với ngày đại lễ ấy, và chỉ mong nó kết thúc thật nhanh. Một trong số đó là Sturmbannführer Xavier March - thám tử trực thuộc bộ phận Kriminalpolizei (tức “cảnh sát hình sự,” gọi tắt là Kripo). Từ trước đến nay, March chẳng bao giờ có hứng thú gì với các hoạt động xã hội cả. Gã không đóng góp cho chương trình Cứu trợ Mùa đông, không gia nhập Hội Sĩ quan Cảnh sát Hình sự, Liên đoàn Trượt tuyết, Câu lạc bộ Xe cơ giới Đại Đức, hay bất kỳ hiệp hội Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa nào hết. Nói cách khác, March là một kẻ lãnh đạm với xã hội, một hiện thân của sự chối từ nền tảng lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Và trong mắt Đảng, điều ấy khiến gã chỉ đỡ hơn bè lũ phản nghịch có tí chút.

Nhưng bản tính của March không phải là lý do duy nhất khiến gã chán ngán cái dịp hội hè hiện thời. Chính vì tính chất lịch sử của sự kiện sắp tới, phía Kripo nói riêng và mọi lực lượng hành pháp tại Đức nói chung đều đang ngập đầu ngập cổ trong công việc, tất bật chạy ngược chạy xuôi nhằm đảm bảo trật tự trị an. Bản thân March đã phải trực liền tù tì mấy tuần rồi (mặc dù tình trạng này cũng không đến nỗi mới với gã), và chẳng mong muốn gì hơn việc được có một ngày nghỉ yên ắng.

Khi chỉ còn một tuần nữa thì sẽ đến hôm sinh nhật, March xoay xở kiếm được một hôm nghỉ hiếm hoi. Nhưng vào đúng tảng sáng hôm ấy, March nhận được một cuộc gọi từ cơ quan. Hermann Jost, một tân binh đang trong quá trình huấn luyện tại Học viện Sepp Dietrich ở Schlachtensee, ngoại ô phía Tây Berlin, vừa phát hiện thấy một cái xác trôi nổi sát mép Hồ Havel, trên đường cậu ta chạy bộ quanh hồ tập thể dục. Phía Ordnungspolizei (tức “cảnh sát trật tự,” gọi tắt là Orpo) đã cử người đến hiện trường, nhưng vì đây có khả năng là một vụ án mạng, bên Orpo không thể tự mình xử lý, mà phải chạy đi nhờ Kripo. Và vì một sơ suất giấy tờ, Kripo đã điện cho March, bảo gã đi xử lý, bất chấp hôm đó gã không có lịch trực. Cáu tiết vì bị quấy rầy, nhưng vì đằng nào cũng đã dậy rồi, chưa kể sáng ấy lịch cũng đang trống, March quyết định nhận vụ đó để đỡ người trực tuần này có thêm thời gian với vợ con trước khi phải lết xác lên cơ quan.

Trong quá trình điều tra, càng lúc March càng dò thấy nhiều điểm bất hợp lý trong những tình tiết xoay quanh vụ này. Và sau khi đã dò ra danh tính cái xác, cũng như bắt đầu nhận được sự quan tâm đặc biệt đến từ Geheime Staatspolizei (tức “cảnh sát mật,” gọi tắt là Gestapo), March bắt đầu ước mình đã không tử tế đến thế…

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Fatherland về cơ bản chỉ có duy nhất một mạch truyện thôi, nhưng nó có thể chia ra thành hai phần chính. Phần đầu tiên bám khá sát kiểu đưa đẩy tiêu chuẩn của một cuốn trinh thám hình sự pha trinh thám Noir, với mục tiêu chính là giải mã bí ẩn đằng sau bản thân vụ án mạng, bao gồm việc đây là ai và kẻ nào là hung thủ. Phần thứ hai thì giống với một câu chuyện tình báo phản gián hơn, với các bên cả chính lẫn phản diện gần như chơi bài ngửa với nhau hết, và chuyển sang những chiêu trò đấu trí và lập mưu phá hoại các nỗ lực hoàn tất một nhiệm vụ nhất định của nhau.

Cả hai phần này đều được làm rất ổn. Tác giả đưa đẩy quá trình điều tra một cách rất đều tay, mớm dần cho mọi người manh mối này manh mối nọ từ hàng loạt các nguồn nối nhau, từ thẩm vấn nhân chứng, khám nghiệm pháp y, cho đến tra cứu hồ sơ lý lịch. Phần các mưu mô gián điệp cũng được xây dựng tử tế, với các màn đấu não và giăng bẫy nhau rất ngang tài ngang sức, khó lòng đoán biết nổi kết cục câu chuyện sẽ ra sao. Việc chuyển dịch dần từ trinh thám sang tình báo cũng được làm rất khéo, nhả dần từng tí một chứ không đùng một phát quay xe luôn, chưa kể vẫn tiếp tục pha kèm điều tra để giải mã nốt một loạt những bí ẩn vẫn chưa được làm sáng tỏ. Điều này khiến cho chúng nó dù có sắc thái khá riêng biệt nhưng vẫn quyện rất nhuần nhuyễn vào với nhau, không tạo cảm giác lệch pha hay treo đầu dê bán thịt chó chút nào.

Đặc biệt đáng chú ý là Fatherland không bị sa lầy vào mấy cái bẫy mà các cuốn trinh thám cực hay phạm phải. Thứ nhất, nó không bao giờ dựa vào việc ông thám tử có giác quan nhạy đến ngang hàng năng lực siêu nhiên để mớm manh mối. Trong này không có chuyện ông thám tử chỉ cần nhìn vào khoảng cách giữa hai hạt bụi trên cây chổi mà nhận ra hung khí gây án là dao cán vàng được một Việt kiều fan MU mua tại chợ Đồng Xuân vào giữa trưa thứ Bảy cách đây hai tuần hay gì tương tự đâu. Mọi thứ đưa ra đều rất “thường,” chỉ gói gọn trong đúng phạm vi một con người trung bình có thể nhận ra, chứ chẳng cần đến Sherlock tái thế mới đoán nổi.

Thứ hai là hầu như tất cả các manh mối thu được đều là thành quả của quá trình điều tra bằng đầu óc, chứ không phải đến từ những trò bắp thịt cục súc. Gần như không lần nào trong cái quyển truyện này ông thám tử hay bất cứ ai liên quan đến cuộc điều tra (ít nhất không ai thuộc phe chính diện) giở chiêu bài, “Tao sẽ đấm chết cụ nhà mày nếu mày không mau nôn ra cho tao một cái tên để tao đến đấm chết cụ nhà nó,” nhằm kiếm thông tin. Dẫu trong Fatherland cũng có mấy chỗ hành động kịch tính, hành trình điều tra vẫn chủ yếu dựa vào suy luận trí tuệ, chứ không phải đi hết chỗ này đến chỗ kia vả cho manh mối rụng ra theo răng người nào cả.

Thứ ba, truyện không dựa vào những trùng hợp nghe ngẫu nhiên đến phi lý để đưa đẩy cốt tới trước. Đúng là vẫn có một số sự tình cờ và những trùng lặp nhất định đấy, nhưng chẳng bao giờ nó làm lố theo cái kiểu cháu gái một lão từng móc túi thằng phản diện xin tiền lão bác đi mua kem và ngẫu nhiên chạy ngang trước mặt nhân vật chính trong khi đang vung vẩy cái ví in logo cực kỳ đặc trưng. Các sự kiện chủ chốt hầu hết toàn là hệ quả lôgic nảy sinh trực tiếp từ những hành động do ông thám tử đích thân thực hiện, hoặc không thì cũng là những phản ứng khả thi đến từ các bên có liên quan khác khi quan sát và phỏng đoán đường đi nước bước của ông ta.

Thứ tư, Fatherland không bằng mọi giá tạo sự sốc giật cho độc giả bằng cách bẻ lái vô tội vạ. Truyện không có cái trò giấu biệt manh mối hoặc thông tin quan trọng, hoặc che mờ các suy đoán với hoạch định của ông thám tử đi hòng đánh úp người đọc ở phút chót, bất cần quan tâm liệu điều ấy có làm hành trình đi đến hồi kết trở nên ức chế hay không. Ở đây, anh em gần như đi song song với ông thám tử luôn, biết sạch mọi điều ông ta biết, suy ra mọi điều ông ta suy, và có thể tự mình chắp nối lại bức tranh toàn cảnh như thể bản thân mọi người đang được trực tiếp điều tra vậy. Số lượng các pha bẻ lái cũng được ghìm xuống một mức tương đối ổn, không quá nhiều đến mức trông như gồng, và cũng chẳng quá ít đến mức khiến câu chuyện trông thẳng đuồn đuột. Và tất cả các màn bẻ lái xuất hiện trong truyện cũng đều có manh mối rải sẵn và được ám chỉ rất nhiều từ đầu truyện, khiến nó không nghe quá chém dù vẫn có tính bất ngờ khi xuất hiện.

Tuy nhiên, bất chấp những thế mạnh trên, cốt của Fatherland vẫn có một số điểm trừ. Đầu tiên là truyện sử dụng khá nhiều các mô típ quen thuộc của trinh thám hình sự với trinh thám tình báo, và không biến tấu gì mấy chúng nó cả. Điều này dẫn đến việc lắm khi, mọi người sẽ có thể ang áng được sự tình sẽ tiến triển theo hướng thế nào. Nó không đến mức nhìn phát là nói luôn được vanh vách ai sẽ sống ai sẽ chết hay cái gì sẽ xảy ra tiếp theo đâu, nhưng sẽ có những đoạn mọi người không khỏi nghĩ trong đầu rằng, “Ok, nếu như nó là như thế này, thì chắc chắn A và B có thể loại được rồi; và vì ở đoạn kia nó thế này, thế nên kiểu gì lúc làm cái việc đấy, sẽ có vấn đề liên quan đến C xảy ra ngay.”

Cái vấn đề thứ hai là Fatherland lại vô tình bị chính điểm thú vị nhất của nó bóp ấy: lịch sử. Như đã nói ở trên, đây là một cuốn lịch sử thay thế, tức nó sửa đổi một số sự kiện then chốt trong lịch sử và suy diễn xem thế giới sẽ ra sao nếu phát triển tiếp từ cái mốc đấy. Trong trường hợp của Fatherland, thứ nó bẻ cong đi là kết cục của Đức sau Thế Chiến II, nhưng phần trước và trong thì giữ tương đối nguyên vẹn (đến phần thế giới sẽ nói kỹ hơn). Và vì bí mật trọng tâm của truyện được xây dựng dựa trên một phần lịch sử không đổi, thế nên chỉ cần tinh ý một chút thôi là mọi người sẽ dễ dàng nhận ra từ rất sớm truyện đang lèo lái đi đâu. Tùy vào kiến thức lịch sử cá nhân, dễ chừng ngay khi danh tính nạn nhân được tiết lộ, anh em sẽ bắt đầu chỉ đích danh được cái bí mật ấy rồi. Ngay cả nếu không biết nạn nhân là ai hay từng dự cái gì, chỉ cần lết thêm tầm dăm chục trang và chịu lưu tâm đến cách thế giới của truyện được xây dựng, mọi người cũng sẽ vẫn có thể luận ra nó là cái gì. Dù điều này không đến mức phá hỏng toàn bộ quyển truyện, bởi vì xem phản ứng của nhân vật với hành trình lật mặt/che đậy cái đấy vẫn rất hay, việc vô tình bị cầm đèn chạy trước ô tô như thế vẫn sẽ gây tác động không nhỏ đến trải nghiệm đọc của mọi người.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Dẫu có một cái mạch trinh thám không đến nỗi nào, phần cốt của truyện vẫn không thể nào đú được với cái thế giới của Fatherland, và phần đông anh em đọc vào chắc sẽ thấy mê nhất quyển này ở cái điểm đó. Đây cũng chính là lý do mình review quyển này trong group nhà ta, thay vì chỉ đọc xong rồi thôi như mấy quyển trinh thám khác.

Trong thế giới của Fatherland, diễn tiến Thế Chiến II có một số khác biệt nho nhỏ, song dẫn đến những hệ quả rất lớn, đặc biệt trong năm 1942.

Vào năm ấy, phía Đức có triển khai một tổ hợp hoạt động quân sự với cái tên chung là Chiến dịch Blau, những mong sẽ cắt đứt được nguồn cung dầu của Liên Xô ở vùng Caucasus. Trong thế giới thực, Liên Xô xoay xở dồn được Đức rút quân khỏi Caucasus, nhưng trong Fatherland, Đức đã hoàn thành được mục tiêu chiến lược là chiếm các mỏ dầu chính trong vùng. Điều này giúp cải thiện đáng kể tình hình hậu cần của Đức, giúp Đức từ đấy có bàn đạp để tiến như vũ bão, chiếm trọn Moscow và Leningrad, trong khi lực lượng Hồng Quân đói tài nguyên bị đẩy lùi tít về Dãy Ural, và càng lúc càng mất thêm nhiều lãnh thổ.

Cũng trong năm ấy, Đức nhận ra Anh đã bẻ khóa bộ mã Enigma của mình, và đã cấp tốc cập nhật một loại mã hoàn toàn mới cho quân đội mình. Vì không còn bị lộ tin tình báo nữa, các tàu ngầm của Đức thỏa sức tung hoành khắp Đại Tây Dương, tự do đánh chìm các đoàn tàu chở hàng tiếp vận và vũ khí đến Anh Quốc và Liên Xô của Canada với Mỹ mà chẳng ai cản nổi. Vì bị cắt mạch tiếp tế, Anh đói trợn mắt, và cuối cùng phải xin hàng. Churchill và vương triều bấy giờ của Anh buộc phải chạy trốn sang Canada, trong khi một vị vua mới lên kế vị tại Anh, và tiến hành chủ trương thân thiện với Đức. Sự đầu hàng của Anh khiến cuộc chiến ở Châu Âu về cơ bản chấm dứt hẳn.

Ở phía Thái Bình Dương, Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu và rốt cuộc vẫn xoay xở đánh bại được Nhật bằng chiêu thả bom như cũ. Tuy nhiên, ngay sau khi chứng kiến những gì Mỹ làm với Nhật, phía Đức lập tức phóng một quả tên lửa V3 sang tận New York và kích nổ trên bầu trời bên đấy, dằn mặt Mỹ rằng đừng có tơ tưởng đến chuyện làm điều tương tự với Đức. Thấy kèo không ngon, Mỹ bắt đầu phải xuống nước với Đức.

Từ cái tiền đề này, Fatherland đã vẽ ra một bức tranh vừa lạ mà lại vừa quen. Kịch bản Đức thắng Thế Chiến II thì cũng nhiều tác phẩm sử dụng lắm rồi, nhưng không mấy thằng khắc họa thế giới nảy sinh từ đó theo một kiểu chân thực như Fatherland. Chiến thắng của Đức trong cuộc chiến giúp nâng cao vị thế của Đức lên hẳn một tầm cao mới, nhưng sự kiện ấy không được tác phẩm đối xử như một dấu chấm toàn năng, giúp xóa biến mọi vấn đề và khiến Đức trở thành một siêu cường bất khả chiến bại.  Tính hình chính trị thế giới vẫn hết sức nhùng nhằng và phức tạp, và Đức vẫn gặp đủ thứ chuyện đau đầu chứ không ngồi một chỗ ăn mát xơi bát vàng.

Ví dụ, tình hình ở Tây Âu của Đức thì khá dễ thở. Nó xoay xở nuốt chửng được một số quốc gia vào trong lãnh thổ của mình, chẳng hạn như Ba Lan, Latvia, Lithuania, với Estonia, còn một số nước không sát nhập với đồng hóa hẳn được khác, chẳng hạn Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, với Đan Mạch, thì được nó biến thành các nước chư hầu. Tuy nhiên, Đức vẫn phải để thả một số thằng trung lập, bởi vì nó vẫn cần một nơi để quan chức các bên đối nghịch (cụ thể là quan chức Đức và Mỹ) gặp gỡ bàn chuyện. Thêm vào đó, phía Đông Âu vẫn có vấn đề liên miên. Việc tái định cư miền viễn Đông không hề đơn giản chút nào, bởi vì khí hậu và thổ nhưỡng của nó quá khắc nghiệt, chưa kể còn liên tục bị khủng bố Liên Xô tấn công, khiến đấy như một khúc xương mắc trong họng Đệ Tam Đế Chế. Và tiện nhắc đến Liên Xô, cuộc chiến trên lý thuyết vẫn chưa kết thúc hẳn, vì ở miền biên giới xa xôi, quân đội Liên Xô vẫn lì lợm bám trụ lại nhờ được Mỹ tài trợ, và tiếp tục tìm cách giành lại lãnh thổ từ tay Đức. Nhìn xa hơn, sang tít bên kia đại dương, Mỹ vẫn là một kẻ địch đáng gờm. Dù đã ép được cho Mỹ phải kình mình ra mặt, phía Đức cũng chẳng dám động thủ hẳn với Mỹ, và đôi bên rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh với nhau, làm gì cũng phải cẩn thận. Nói chung là vẫn có rất nhiều điểm thú vị và đa sắc trong thế giới này, chứ không chỉ có một màu chính quyền Phát-xít đè nén nhân dân.

Và tiện nhắc đến đè nén nhân dân, khoản nội bộ của Đức cũng được đầu tư hết sức kỹ càng. Robert Harris đào rất sâu vào xã hội của đất nước này, cho thấy người dân sau một thời gian sống ở cái chế độ như thế thì hình thành những tư tưởng và quan điểm ra sao, có cuộc đời thế nào. Cơ cấu quản lý của chính quyền cũng được mô tả cực kỳ chi tiết, trình bày một cách chân thực đến giật mình cả những cái nó làm tốt lẫn những điểm yếu kém nghe quen thuộc đến phát sợ của nó. Nhìn chung, truyện không hề để cho mọi thứ bên trong bị một màu hay làm lố cái sự hung ác của chính quyền Đức lên đến mức thành y chang phản diện hoạt hình, dù vẫn trưng ra những thứ sởn tóc gáy về một chính quyền Phát-xít theo mô hình Quốc gia Xã hội. 

Thú vị nhất là trong quá trình trải nghiệm thế giới của quyển này, mình không khỏi nghĩ đến một tác phẩm mà rõ ràng nó vay mượn rất nhiều, ấy là 1984. Hồi trước, mình biết đến Fatherland nhờ thấy một comment trên Reddit, bảo rằng nó là phiên bản vừa ít ấn tượng hơn, vừa để lại ấn tượng mạnh hơn của 1984. Giờ đây, khi đã đọc xong truyện, mình cũng rất đồng tình với ý kiến đó.

Nước Đức trong thế giới của Fatherland có rất nhiều nét tương đồng với Oceania trong 1984. Nó cũng có cái kiểu tẩy não dân chúng bằng các phương tiện truyền thông, cũng có cái trò xóa sổ những con người không còn phù hợp với chủ trương và đường lối của đất nước, cũng có chuyện người dân bị săm soi và kiểm soát nghiêm ngặt mọi lúc mọi nơi, cũng có kiểu hàng xóm láng giềng và vợ chồng con cái đấu tố lẫn nhau, cũng có một phiên bản tội phạm tư tưởng riêng, và hàng loạt yếu tố tương đồng khác nữa.

Tuy nhiên, Fatherland “lành” hơn hẳn 1984. Mọi thứ trong Fatherland đều chỉ hiệu quả ở một mức độ nhất định, chứ không đến mức thần kỳ như kiểu của 1984. Các nỗ lực tuyên truyền vẫn được thiên hạ nhìn thấu là mị dân, và vẫn bị mang ra cười cợt, chỉ có điều không làm chuyện đó một cách công khai, chưa kể bị hạn chế thông tin để so sánh nên cũng có phần bán tín bán nghi. Những người bị “unperson” vẫn để lại hàng loạt dấu vết trên giấy, và chính quyền không thể búng ngón tay phát là tự nhiên người kia sẽ không tồn tại luôn, mà phải trải qua một quá trình che đậy rất công phu, dù vẫn còn giấu đầu hở đuôi. Dân tình không bị theo dõi bởi những công nghệ vượt thời đại, mà bởi những biện pháp mang tính thủ công như lập hồ sơ mật, cử người bám đuôi, gài bọ đường dây điện thoại, và những biện pháp này cũng có thể lách được nếu muốn,… Chính những điều này đã khiến Fatherland không mang tính biểu tượng cao như 1984, và cũng không sốc óc với ngộp thở như nó.

Xét cho cùng, một tay mật vụ có thể bị dễ dàng cắt đuôi với một tờ báo Đảng chẳng mấy ai tin thì đú làm sao nổi với những cái camera gần như toàn năng xuất hiện muôn nơi hoặc một nghi thức tẩy não rùng rợn mang tên Two Minute Hate được?

Dẫu vậy, chính cái sự ghìm ấy lại khiến Fatherland về một số khía cạnh còn ám ảnh hơn cả 1984. 1984 là một câu chuyện ngụ ngôn, và như bao tác phẩm ngụ ngôn khác, nó phải cường điệu và cực đoan hóa nhiều mặt của mình, đẩy mọi thứ vượt quá giới hạn khả thi. Điều này giúp 1984 không bị trói vào với bất cứ một sự kiện, sự vật, hay thời đại cụ thể nào, và có thể trở thành bất cứ đất nước hay thể chế nào người đọc muốn. Nhưng cũng chính vì thế mà khi nhìn vào 1984, dù có lấy làm hãi hùng trước cái viễn cảnh nó vẽ ra, chưa kể còn thấy hàng loạt sự song song với thế giới ngày nay, ta vẫn cảm nhận được một sự tách biệt nhất định với nó. Nó vẫn cứ quá xa vời, quá viễn tưởng, quá dễ dàng để ta nói những chuyện như thế không thể nào xảy ra được. Riêng Fatherland thì không như vậy. Nó gắn với một đất nước và một thể chế thực, thế nên tính trường tồn cũng như khả năng áp đi muôn nơi sẽ không bằng nổi, song nó lại khó chối hơn hẳn. Ngoại trừ mấy tình tiết lịch sử bị bẻ cong ra, mọi thứ trong câu chuyện đều hoàn toàn khả dĩ. Nó không có công nghệ dị, không có những biện pháp cai trị hiệu nghiệm đến mức trở thành phép thuật luôn chứ không còn là chính sách nữa, và chính bởi thế mà ta sẽ có rất ít cớ để bấu víu vào mà bảo điều này là bất khả thi.

Xét cho cùng, những cái camera gần như toàn năng xuất hiện muôn nơi hoặc một nghi thức tẩy não rùng rợn mang tên Two Minute Hate thì đú làm sao nổi với một tay mật vụ có thể bị dễ dàng cắt đuôi với một tờ báo Đảng chẳng mấy ai tin được?

NHÂN VẬT

Khoản nhân vật của Fatherland cũng được làm tương đối ổn. Đào sâu nhất trong truyện sẽ là Xavier March, nhân vật thám tử chính. Ông này lắm lúc cũng bị xây dựng theo kiểu hơi rập khuôn, đúng chuẩn mô típ thám tử bất mãn với đời và tận tâm hơi quá đà với công việc mà ta vẫn hay thấy trong nhiều cuốn trinh thám. Có điều thanh niên không chỉ đơn thuần là một cái máy phá án, xuất hiện vì ta cần ai đó dắt đi suốt câu chuyện, mà là một con người hẳn hoi với một bề dày quá khứ trải dài từ trong thời chiến cho đến thời bình. Anh em sẽ được thấy cách những gì ông ta từng nếm trải, cách tình cảnh gia đình chẳng mấy ấm êm của đồng chí giúp định hình bản chất con người nhân vật như thế nào, và từ đó đâm quan tâm hẳn đến số phận ông này dưới tư cách một cá nhân riêng lẻ, chứ không chỉ là dưới dạng một người thuộc phe chính nghĩa (ờm, chính nghĩa tương đối 🐧 ).

Ngoài đó ra thì dàn nhân vật phụ cũng khá đáng chú ý, nhưng buồn cười một điểm là những nhân vật phụ được đầu tư xây dựng thì lại không hấp dẫn bằng những người không được phát triển cá tính mấy. Cụ thể hơn, nhóm mình đang đề cập đến là các nhân vật thuộc tuyến phản diện. Hầu như tất cả đều khá một chiều, chủ yếu thu hút vì ý nghĩa lịch sử đi kèm với cái tên của chúng, nhưng chúng lại được tạo dựng theo một cách lôgic đến đáng kinh ngạc. Đám này không bị đần hóa như phần đông các phản diện trinh thám khác hay dính, mà làm cái gì cũng quy củ, khôn ngoan. Những cái bẫy và chiêu trò chúng tung ra khôn khéo thực sự, và không hề dựa vào ăn may hay công nghệ từ trên trời rơi xuống. Những sơ hở hay sai sót của chúng hoàn toàn có thể hiểu được, và thậm chí còn thông cảm cho nữa, bởi vì anh em sẽ thấy đến bản thân mọi người mà có bị đặt vào tình cảnh tương tự thì cũng chỉ làm được đến vậy là cùng. Động cơ của chúng cũng rất hợp lý và dễ hiểu, không có kiểu làm này làm nọ “for the lulz” hay vì lý do nhỏ mọn hoặc lố lăng nào khác. Việc chúng làm đúng là không làm thì không được, và dù không thể chấp nhận nổi hành động của chúng, ta vẫn sẽ không khỏi công nhận đám này làm thế là “đúng” rồi.

TỔNG KẾT

Fatherland là một tác phẩm rất thú vị, dù có hơi dễ đoán ở đôi chỗ. Tác phẩm có thể được tiếp cận từ hai góc độ: một cuốn truyện trinh thám hình sự pha tình báo, hoặc một cuốn SFF lịch sử thay thế lấy cảm hứng từ 1984. Bất kể có nhìn nhận nó theo cách nào, đây vẫn là một cuốn rất đáng đọc nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.