Chuyển đến nội dung chính

Merrie Olde England/Good Old Ways - mô típ sùng bái quá khứ


 Bài bảo đọc không hợp Chúa Nhẫn của một bạn hôm qua làm mình nhớ lại một trong những chỉ trích mà bộ truyện này từng nhận phải, ấy là nó ca ngợi Merrie Olde England hơi quá đà.

Merrie Olde England dịch ra là “Anh Quốc tươi đẹp ngày xưa”, dùng để mô tả một xã hội Anh lý tưởng. Merrie Olde England sẽ là nước Anh quay về với lối sống thuần nông bình dị, khi con người sống gần gũi với thiên nhiên và Cách mạng Công nghiệp chưa xảy ra. Merrie Olde England mang tính hoài cổ rất nặng, và thường các tác phẩm ca ngợi cuộc đời làm nông ấy sẽ ngó lơ những yếu điểm từng đi kèm với nó thời trước.

Anh em hẳn đã có thể nhận ra tại sao Chúa Nhẫn lại bị kêu là một tác phẩm thần thánh hóa Merrie Olde England rồi đó. Các nhân vật tốt trong Chúa Nhẫn, chẳng hạn người hobbit, tiên, Tom Bombadil, Great Eagles,… đều rất gần gũi với thiên nhiên. Ngay cả người lùn, thành phần “công nghiệp hóa” nhất của phe người tốt, cũng rất cuồng các hang động tự nhiên. Sauron và các đồng minh của mình thì được mô tả theo kiểu phản thiên nhiên, nếu không muốn nói là mang sắc cơ khí hóa rất nặng. Truyện cũng có rất nhiều đoạn triết lý, ca ngợi cuộc sống thôn quê bình dị cũng như thiên nhiên.

Merrie Olde England này thực chất là một trường hợp đặc biệt trong một mô típ lớn hơn, ấy là Good Old Ways/Days. Các tác phẩm sử dụng mô típ Good Old Ways này cũng sẽ chọn lấy một thời kỳ hoặc lối sống đã qua nào đó trong quá khứ và ca tụng nó, coi nó như phiên bản ưu việt hơn so với những thứ hiện đại.

Nhắc đến Good Old Ways trong SFF thì một trong những tác phẩm phải kể đến đâu tiên chắc chắn sẽ là Star Wars. Trong thời đại con người đã có cả tàu vũ trụ và súng laze, lối sống và cách chiến đấu đậm chất samurai của các Jedi vẫn được coi là ưu việt hơn hẳn. Tất cả được đúc kết trong câu trích dẫn huyền thoại của Obi-Wan Kenobi khi mô tả về mấy thanh kiếm laze: “Một vũ khí thanh nhã, cho một thời đại văn minh hơn.” Ngay cả các tác phẩm Sci Fi khá nặng về khoa học cũng có thể sử dụng mô típ này, chẳng hạn như The Caves of Steel của Isaac Asimov có một phong trào gọi là “Trung Cổ hóa”, hoài niệm về thời chưa có rôbốt “cướp” việc của con người và ai cũng có quyền mua nhà riêng sống. Có điều The Caves of Steel làm khéo hơn chút, cho thấy rõ cả hai mặt phải lẫn trái của cái “Good” Old Ways đấy. Một trường hợp cũng tương tự The Caves of Steel nhưng mà là ở Fantasy thì chính là series A Song of Ice and Fire của George R. R. Martin. Rất nhiều tập tục cổ được nhắc đến, nhưng đúng với style của truyện, chúng không hề được tô hồng gì hết mà phô ra rất trần trụi. Animorphs của K. A. Applegate cũng khá đặc biệt, cho ta thấy cách nhân vật bị nhiễm Good Old Ways trong thời gian thực, với Marco về sau hay hoài niệm về cái thời đánh du kích của mình là rất hào hùng và thú vị, và đôi khi còn thèm trở về thời ấy. Nhưng nếu đọc mấy quyển do đại ca dẫn trong giai đoạn đang làm thành viên của Animorphs thật thì ta sẽ thấy khác nhau một trời một vực.

Good Old Ways còn được thể hiện ở quy mô to hơn một chút. Mấy cái dòng như Steampunk với Dieselpunk lắm khi dựa dẫm rất nhiều vào cái mô típ này, chuyên ca tụng lối sống thời Victoria với Edward như chuẩn mực và đáng để quay lại. Hay như anh em có thể thấy cái trend trong làng giải trí ngày nay là rất hay lần ngược về các giai đoạn 70, 80, 90, bởi vì các lớp người trải nghiệm thời đó thường sẽ nhớ về những kỷ niệm cũ của mình qua một lăng kính khá hồng, coi đó là Good Old Days, còn mấy thứ hơi nhảm của thời đó thì quên đi hết.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.