Chuyển đến nội dung chính

Aluminum Christmas Trees - tình tiết nghe giả nhưng lại là thật


 Hôm nay mình có đọc được một cái chương trong bộ truyện Pumpkin Scissors, và trong đó có đề cập đến một cái mô típ kể chuyện hay gặp, ấy là nhân vật chính đến lúc cái chết cận kề rồi mà vẫn cứ cố gắng viết nốt mấy dòng nhật ký hay gì đó, thay vì bỏ chạy hay làm gì để tự cứu mạng bản thân.

Thường thì mô típ này sẽ bị coi là bịa đặt, nhưng cái chương này thì lại chỉ ra một điều rằng lý do người đọc có thể coi đấy là bịa đặt vì họ đang ngồi trong yên ổn. Trong các tình cảnh mang tính khủng khiếp tột cùng, chẳng hạn giữa lúc bom đạn nổ đùng đùng xung quanh hay Cthulhu đang nhè nhẹ gõ cửa, tâm trí con người sẽ phản ứng theo những cách quái dị ngoài sức tưởng tượng.

Hơi khó để kiểm định độ thực tế của cái lập luận mà chương truyện này đưa ra. Tuy nhiên, nghe cách nó trình bày thì ta cũng thấy mô típ này không đến nỗi phi thực tế cho lắm. Trong trường hợp sự thực đúng là như vậy, đây sẽ là ví dụ cho một cái hiện tượng có tên Aluminum Christmas Trees.

Aluminum Christmas Trees xuất phát từ một tập phim hoạt hình mang tên A Charlie Brown Christmas. Trong tập phim này, một nhân vật có đề cập đến việc mua một cây thông Giáng sinh làm bằng nhôm và sơn màu hồng. Phần đông người xem ngày nay sẽ thấy buồn cười trước cái tình tiết này, cho rằng đây thực chất chỉ là phim bịa ra để pha trò cho bọn trẻ con thôi, bởi lẽ làm gì có cái sản phẩm nào như thế?

Tuy nhiên, vào giai đoạn phim phát sóng (thập niên 60), cây thông nhôm là có thật, và tất nhiên nó có phiên bản màu hồng. Đến gần thập niên 70 thì nó hết mốt và không được sản xuất nữa.

Chính từ đây mà Aluminum Christmas Trees trở thành thuật ngữ để chỉ các tình tiết nghe tưởng là bịa đặt trong một tác phẩm hư cấu bất kỳ, nhưng thực ra lại tồn tại ngoài đời. Aluminum Christmas Trees thường được dùng để chỉ những thứ hữu hình trong tác phẩm (VD: một sản phẩm, một địa danh, một con người thật,…), nhưng cũng có khá nhiều người dùng nó để chỉ các thứ vô hình nữa (VD: một khái niệm, một hiện tượng tâm lý, một giả thuyết khoa học,…).

Trong Sci Fi, ví dụ nổi tiếng nhất chắc sẽ là cái hệ thống kính viễn vọng vô tuyến mang tên Very Large Array (VLA) xuất hiện trong bộ phim Contact của Robert Zemeckis, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Carl Sagan. Hồi phim mới ra mắt, rất nhiều người nghĩ cái hệ thống chảo vệ tinh xuất hiện trong phim là kỹ xảo, đặc biệt vì nó có một cái tên nói thẳng ra là hơi… ngu 🐧. Tuy nhiên, VLA lại là một hệ thống có thật, nằm ở New Mexico, và cái tên của nó cũng y nguyên như thế. Từng có một nhà thiên văn học ở đấy chia sẻ rằng ông đã bị kêu là chém gió khi nêu tên chỗ mình làm, bởi vì cái đó chỉ tồn tại trong phim thôi chứ ngoài đời làm gì có 🐧.

Bản chuyển thể của Jurassic Park cũng từng bị chế nhạo vì có một đoạn trưng bày cái giao diện Unix 3D gì đó trông rất điêu, và ai cũng tưởng đây là thứ mà phim bịa ra cho nó có thêm tí mùi công nghệ cao. Nhưng đó thực chất lại là một hệ điều hành Unix nghiêm chỉnh có tên IRIX, và cái giao diện tìm file 3D Lex sử dụng trong phim là một phần mềm giao diện thử nghiệm có thật mang tên fsn (viết tắt của File System Navigator). Anh em thậm chí giờ vẫn còn có thể down cả cái hệ điều hành đấy cùng cái phần mềm kia về và chạy được như thường.

Lạnh gáy hơn một tí thì ta có cái chiêu trò “tẩy não” mà Winston Smith phải nếm mùi trong quá trình bị giam tại Ministry of Love của tác phẩm 1984. Trong truyện, một thành viên của bên Inner Party đã dùng những lập luận nghe hết sức điên rồ để thuyết phục Winston tin vào những điều phi lôgic, bất chấp bằng chứng đang sờ sờ ngay trước mặt, chẳng hạn 2+2=5 và sao trên trời chỉ ở cách có mấy cây ngắn cũn thôi. Đọc vào sẽ thấy hết sức khó tin là một chuyện như vậy lại có thể xảy ra, nhưng đây lại là một kỹ thuật tâm lý có thật, và tên của nó là Gaslighting. Gaslighting là một kiểu thao túng tâm lý, ngầm gieo nghi ngờ vào lòng đối phương và khiến người ta dần trở nên không còn tin tưởng trí nhớ, nhận thức, phán đoán của bản thân nữa. Đáng sợ một điều là Gaslighting xuất hiện cực kỳ nhiều trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thường ở những cấp độ nhỏ hơn. Ví dụ hay gặp nhất là những ông chồng hoặc bà vợ bạo hành bạn đời của mình sẽ thường khiến nạn nhân tưởng mình bị hành hạ thế là đáng, bởi lẽ mình đã làm điều sai trái gì đó, và từ đấy tiếp tục gìn giữ quan hệ với kẻ hành hạ mình.

Ngoài ra thì ta cũng phải nhắc đến Animorphs nữa. Có một tập truyện Animorphs kể về việc Jake tình cờ mò ra nhật ký của một người tổ tiên từng tham gia Nội Chiến Mỹ. Nhân vật này thuật lại quãng thời gian bị vây hãm của mình tại một pháo đài, và thậm chí còn ghi chép lại cả cái khoảnh khắc mình bị trúng đạn và ngã lăn xuống đất, với những dòng chữ cuối cùng vừa run rẩy, vừa nhòe nhoẹt cả máu và bùn đất. Ngay từ hồi đọc cái tập này mình đã cảm thấy nó cực kỳ điêu rồi, bởi vì chết đến sát đít thì còn hơi sức đâu mà nghĩ đến nhật ký nữa? Nhưng nếu cái lập luận đặt ra trong cái ảnh minh họa bên dưới là đúng thì đây cũng lại là một trường hợp Aluminum Christmas Trees nốt.

Quả đúng là sự thật đôi khi còn chém hơn cả những thứ chém mà 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.