Hôm qua, trong lúc viết bài review cuốn The Caves of Steel, mình tự nhiên nhớ đến 2 chủ nghĩa nhìn nhận một tác phẩm đối nghịch nhau: Watsonism và Doylism.
Như cái tên chúng nó đã thể hiện, Watsonism và Doylism bắt nguồn từ series Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle. Trong phạm vi của bản thân các câu chuyện, những vụ án của Holmes là do Bác sĩ Watson thuật lại. Tuy nhiên, nếu nhìn bằng con mắt thực tế, những vụ án của Holmes là do tác giả Doyle thuật lại.
Chính sự tách biệt giữa 2 cách nhìn nhận ấy, dựa trên việc người đọc đặt mình ở "trong" hay "ngoài" tác phẩm, đã giúp 2 thuật ngữ kia ra đời.
Một người theo chủ nghĩa Watsonism (tức "Watsonian") sẽ diễn giải tất cả mọi thứ xảy ra trong câu chuyện, bao gồm cách sự kiện diễn ra, cách nhân vật ứng xử, cách họ ăn nói,... từ góc độ của một người sống hẳn trong thế giới ấy. Nói cách khác, Watsonian sẽ coi tác phẩm chính là thế giới thực, trong khi thế giới thực sẽ không tồn tại.
Ngược với nó, một người theo chủ nghĩa Doylism (tức "Doylist") sẽ diễn giải mọi tình tiết dưới góc độ đây là câu chữ do tác giả viết, và lý do câu chuyện diễn ra như thế này là vì tác giả muốn thế, hoặc các yếu tố bên ngoài ép nó phải thế. Nói cách khác, Doylist sống trong thế giới thực, và coi tác phẩm như đúng bản chất của nó: một sản phẩm nhân tạo.
Như trong bài review hôm trước, mình có nhắc đến cái độ ngu của nhân vật, với ví dụ cụ thể là thám tử Elijah Baley đề ra một giả thuyết về hung thủ, sau đó tranh luận qua lại rất hăng cùng với một chuyên gia trong ngành. Màn tranh luận được viết rất hay, mỗi tội bất cứ ai với IQ cao hơn mực nước biển cũng sẽ nhìn ra ngay toàn bộ cái chuỗi lập luận đấy nó thừa thãi thế nào, bởi vì có 1 phép thử cực kỳ nhanh gọn nhẹ đủ sức giải quyết luôn.
Một Watsonian sẽ kết luận là Baley bị... ngu, hoặc tối thiểu thì cũng ngu nhất thời (do bị định kiến che mờ mắt). Không có một cách nào bao biện được cho cái sự ngu si ấy, bởi vì Isaac Asimov không "tồn tại". The Caves of Steel là thế giới thực, và chỉ những lý giải nằm gọn giữa hai trang bìa được chấp nhận.
Tuy nhiên, một Doylist sẽ thấy Baley là công cụ để Asimov đi sâu vào phân tích một khía cạnh của thế giới trong truyện. Mọi lập luận Baley đưa ra cũng như cách vặn lại của vị chuyên gia chính là cách để Asimov đào sâu vào thứ công nghệ ấy, cho thấy tại sao nó lại phải như thế. Baley buộc phải ngó lơ lời giải thích hiển nhiên bởi vì Asimov cần cuộc tranh luận đó xảy ra.
Lưu ý một chút là Watsonism và Doylism không quyết định độ hay dở của một tác phẩm. Ví dụ như trong trilogy Star Wars gốc, ta có thể nhìn nhận việc Han Solo bị đóng băng dưới con mắt của một Watsonian (Vader muốn thử máy trước khi đem ra dùng cho thằng con) hoặc một Doylist (Harrison Ford chưa chắc sẽ đóng tiếp phần cuối, thế nên nhân vật của Ford cần "chết" đi, nhưng theo một kiểu dễ hồi sinh lại được) mà phim vẫn không giảm giá trị. Hoặc nếu nhảy sang Fantasy, ta sẽ gặp cái ví dụ kinh điển là việc Rowling bảo Dumbledore và Grindelwald bem nhau hùng hục (dịch nguyên văn lời thanh niên kia đấy nhé 🐧 ). Doylist sẽ nhìn nhận nó dưới góc độ Rowling muốn lên niết bàn và thấy rất chối, còn Watsonian sẽ lý giải vụ này là Dumbledore đã được ám chỉ là thích đàn ông từ lâu, và người đồng tính giải quyết nhu cầu cũng là chuyện thường,... và sau đó cũng thấy chối nốt vì bà nội làm thô quá 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓