Chuyển đến nội dung chính

Sanderson’s First Law - cách áp dụng Hard & Soft Magic


 Vì đằng nào cũng đã bàn về 2/3 trong bộ Ba Định luật Phép thuật của Sanderson rồi (ở https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1768907523252220&set=gm.2897675293653052&type=3&theater và https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2892898114130770/),  hôm nay sẽ bàn nốt luôn về cái luật đầu cho đủ bộ.

Định luật Phép thuật Thứ Nhất của Sanderson có nội dung đại khái như sau: người đọc càng hiểu rõ về phép thuật trong truyện, tác giả càng có thể dùng cái phép thuật ấy để giải quyết nhiều xung đột.

Để hiểu được cái Định luật này, trước tiên ta cần phải bàn qua về Hard và Soft Magic.

Về cơ bản, đây là một thang đo độ quy củ của hệ thống phép thuật trong tác phẩm. Hard Magic sẽ là những phép thuật được cai quản bởi những nguyên tắc rất cụ thể. Các quy luật ấy càng nghiêm chỉnh bao nhiêu, hệ thống phép thuật sẽ càng "cứng" bấy nhiêu, không dễ uốn éo thích gì làm nấy được, mà phải bám đúng khuôn khổ. Thậm chí, một số hệ thống phép thuật còn cứng đến độ lim của nó dí cực sát vào với khoa học.  Các trường hợp cực đoan như thế gọi là Scientifically Understandable Sorcery (Phép thuật Hiểu được Bằng Khoa học).

Ngược lại với chúng, Soft Magic sẽ rất lỏng lẻo với các quy định của mình, hay thậm chí còn chẳng có quy lệ gì hết. Các luật lệ cai quản phép thuật càng mơ hồ hay không tồn tại bao nhiêu, phép thuật càng "mềm" bấy nhiêu, và nó có thể cho ra bất kỳ kết quả nào mà tác giả muốn. Chính cái kiểu hệ thống phép thuật này đã đẻ ra cái mô típ kể chuyện (hay đúng hơn là meme 🐧 ) rất dễ gây ức chế, ấy chính là A Wizard Did It. Phép thần mà. Cứ chấp nhận đi. Cấm cãi 🐧.

Cũng như Hard và Soft Sci Fi (đọc thêm ở đây nếu mọi người chưa biết: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1029886780487635&set=gm.1474643612622901), Hard và Soft Magic là một cái thang đo. Các tác phẩm có thể nằm lệch hẳn ở một trong hai đầu Soft hoặc Hard, hoặc nằm đâu đó làng nhàng ở giữa. Việc một hệ thống phép thuật "cứng" hay "mềm" sẽ không liên quan gì đến độ hay của tác phẩm.

Vậy Hard và Soft Magic liên quan thế nào đến Định luật Một của Sanderson? Mấu chốt nằm ở chỗ phép thuật càng "cứng" bao nhiêu, người đọc sẽ càng hiểu rõ về nó bấy nhiêu. Từ đó, các hệ thống Hard Magic sẽ có thể được đem ra để giải quyết gần như bất cứ vấn đề nào tác giả muốn (miễn là bám đúng các quy tắc mà mình đã đề ra), không sợ bị người ta chỉ trích. Ngược lại, cần phải hạn chế tối đa việc đem Soft Magic ra dùng làm công cụ giải quyết các nút thắt, bởi vì người đọc không hiểu nó hoạt động ra làm sao cả. Một khi đã không hiểu, việc dùng nó để giải quyết xung đột sẽ khiến người ta không phục, và nghĩ rằng tác giả tay nghề kém, hay thậm chí là... lười. Soft Magic từng khiến John Campbell, một trong những biên tập viên có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến việc định hình Sci Fi, phải đăng đàn chỉ trích dòng Fantasy là chuyên "viết đến đâu bịa luật đến đấy".

Hai ví dụ điển hình nhất cho Định luật Một của Sanderson sẽ là series manga Fullmetal Alchemist và trilogy Lord of the Rings.

Fullmetal Alchemist thì có một hệ thống phép thuật cực kỳ nghiêm ngặt, dựa trên một thứ na ná định luật bảo toàn vật chất: muốn biến đổi thứ gì thì cần phải có một lượng nguyên liệu thô các nguyên tố cấu thành tương ứng, không thể hô biến từ trên trời rơi xuống được. Chính vì thế mà giả kim thuật (hệ thống phép thuật của Fullmetal Alchemist), gần như được dùng mọi lúc mọi nơi, không có thứ gì không lấy nó ra giải quyết. Đơn giản vì ta biết nguyên lý hoạt động của nó rồi, và nếu cách ứng dụng của nó ăn khớp với những nguyên lý ấy, ta sẽ thấy tâm phục khẩu phục.

Lord of the Rings thì ngược lại, không có mấy quy luật cai quản. Phép thuật có thể làm ra những điều rất phi thường, nhưng làm kiểu gì mà được như thế thì lại không thấy bro Kiên nói. Đây cũng là một phần lý do Lord of the Rings nhiều khi bị chỉ trích là hay dựa vào các Deus ex Machina (đọc thêm tại đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2854293627991219/). Bản thân Tolkien cũng rất ý thức được điều ấy, chính thế nên anh em hãy để ý là ông rất dè sẻn trong việc để những thành phần như Gandalf giải quyết các thứ, chủ yếu để những người không có phép thuật hoặc phép thuật rất ít như người, Hobbit, người lùn với tiên tự loay hoay giải quyết với nhau. Đến cả bản thân Gandalf mỗi khi ra tay cũng hiếm khi múa gậy dùng phép, trừ khi gặp phải thứ gì quá OP như con Balrog thì mới tung toàn lực ra đánh (áp dụng triết lý lấy OP trị OP của DotA 🐧 ), còn không sẽ chỉ nói chuyện với đánh đấm thủ công thôi. Phép thuật trong LotR là công cụ xây dựng thế giới, không phải chìa khóa vạn năng.

Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về cái định luật này, anh em hãy vào ngó qua cái bài gốc mà bro Sanderson từng viết tại đây nhé: https://www.brandonsanderson.com/sandersons-first-law/

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.