Chuyển đến nội dung chính

Retrofuturism - ngày mai của quá khứ


 Hôm nay vừa bắt được một cái hình khá hay, đại diện cho nguyên cả một mảng Sci Fi khổng lồ: Retrofuturism.

Như anh em hẳn cũng đã biết, mỗi một thời đại sẽ có một kiểu công nghệ đại diện, mốt nghệ thuật, phông văn hóa riêng. Tất cả những thứ đó hợp lại và tạo thành những "thương hiệu" rất đặc trưng cho từng thời kỳ. Ví dụ nếu nhắc đến giai đoạn Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 18-19, anh em hẳn sẽ hình dung ra của các thể loại máy móc hơi nước kèm mấy ông người Anh vận đồ quý tộc; giai đoạn thập niên 20-30 thì là những tòa nhà xây dựng theo style Art Deco, khinh khí cầu bay lững thững, TV trắng đen và mấy cha mặc măng tô cầm Tommy đi diệt nhau; 50-60 thì là cái style Pop Art màu mè tươi rói, hiểm họa Chiến Tranh Lạnh, cuộc đua vũ trụ... 

Thế rồi một ngày đẹp trời nọ, một số nghệ sĩ nhìn vào các thời đại kia, sau đấy tự hỏi rằng: "Yo, nếu đóng băng cái thời kỳ này lại, xong quẳng nó vào tương lai thì sẽ thế nào nhỉ?"

Và trên cơ sở đó, Retrofuturism ra đời.

Trong Sci Fi, Retrofuturism được gọi là "ngày mai của quá khứ". Nó sẽ đem những thứ mang tính "retro" (có thể hiểu là "lỗi thời") ra cập nhật hóa, cho phép chúng thực hiện những điều mà khoa học công nghệ trong thời mình không thể kham nổi. Nó không chỉ giới hạn ở các mã bề ngoài, mà thậm chí những xung đột lịch sử, những mối quan tâm chủ đạo thời đấy cũng có thể được cho tái xuất hiện trong tác phẩm dưới một dạng nào đó nhằm tăng tỉ trọng "retro", giúp ta càng dễ được gợi cho nhớ về thời đấy.

Một trong những mảng nhánh của Retrofuturism nổi tiếng nhất  chính là dòng Steampunk, lấy cảm hứng từ giai đoạn Cách mạng Công nghiệp, với các tác phẩm kinh điển của Jules Verne và H.G. Wells (technically thì hai ông không nhìn vào thời đại quá khứ của mình, nhưng vì viết về tương lai dựa trên công nghệ cổ của thời mình sống nên với ta, chúng lại trở thành Retrofuturism). Cyberpunk tùy một số tác phẩm cũng rơi vào trong Retrofuturism, bởi vì dòng này chịu tác động cực mạnh của style hình ảnh giai đoạn 70-80, chẳng hạn cái game Cyberpunk sắp tới của CDPR. Space Western cũng là một mảng hay được sử dụng, lấy cảm hứng từ miền viễn Tây của Mỹ, với ví dụ bao gồm Cowboy Bebop và The Mandalorian. Ngoài ra, còn một số loại Retrofuturism hỗn hợp, pha trộn nhiều thời kỳ vào với nhau, chẳng hạn như Raygun Gothic, kết hợp Googie, Art Deco, Pop Art, và một số nhánh nghệ thuật khác chạy từ 20-60 vào với nhau, với ví dụ kinh điển nhất là series game Bioshock, hoặc như chính cái hình bên dưới này đã thể hiện đây.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.