Chuyển đến nội dung chính

Mystery Box - cách tận dụng trí tưởng tượng để kể chuyện


 Hôm nay mình vừa mới bắt được một cái clip phân tích về cái mô típ kể chuyện dựa trên bí ẩn mà J. J. Abram đã gói gọn trong thuât ngữ "Mystery Box" nay đã trở thành khét tiếng. Clip có đưa ra một quan điểm rất hay: bản thân Mystery Box không có gì xấu, vấn đề là tác giả chọn giữ bí mật cho những cái "hộp" nào.

Nếu anh em nào chưa biết về cái Mystery Box của Abram thì hãy hiểu đại khái thế này: một cái hộp kín bưng sẽ khiến ta tự "nhìn" ra đủ thứ về nội dung của nó, thậm chí còn thú vị hơn nội dung thật trong đấy. Nguyên do là bởi không một nhà đạo diễn, một họa sĩ, một nhà văn nào đủ sức đấu lại với khả năng tưởng tượng của tâm trí con người, kể cả một người với đầu óc nghèo nàn nhất. Mystery Box sẽ không bao giờ được mở ra, bởi vì khi đã mở thì chẳng còn gì là bí ẩn về nó nữa, và điều ấy cũng đồng nghĩa với sự màu nhiệm của nó tan biến hản.

Chính nhờ đó mà Mystery Box có thể được coi là một công cụ  cực mạnh trong nghệ thuật kể chuyện. Tuy nhiên, cái mô típ Mystery Box này có một điểm rất quan trọng, khiến cho nó như một con dao hai lưỡi:

Việc giấu một thứ vào trong "hộp" tuyệt đối không được phép làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục đích mấu chốt của câu chuyện.

Để giải thích chỗ này thì dùng ví dụ sẽ là dễ nhất, nhưng vì khá nhiều cái Mystery Box sẽ phá quy luật trên, hoặc đi rất sát vào với quy luật đó, mấy series SFF sau sẽ bị spoil rất nặng: Animorphs, 2 vạn dặm dưới biển, I, Robot, V for Vendetta, A Series of Unfortunate Events. Còn một số series khác nữa nhưng chúng sẽ không bị spoil quá nặng.

Đầu tiên là về một series rất quen thuộc với chúng ta, đồng thời chứa cả ví dụ về Mystery Box sử dụng hay lẫn dở: Animorphs. Trong Animorphs, câu hỏi mấu chốt của toàn series là: cuộc chiến giữa Yeerk và hội Animorphs sẽ ngã ngũ thế nào. Chính vì lý do này, ta có rất nhiều Mystery Box trong series không bao giờ được giải đáp, nhưng rốt cuộc không làm ảnh hưởng đến chất lượng series. Chúng bao gồm bản chất thật của người Ellimist và Crayak (về sau được tiết lộ một phần trong 1 cuốn ngoại truyện, nhưng hoàn toàn không cần đọc nó mà vẫn thấy series hay), lý do Bột cháo Yến mạch Lá phong và Gừng Ăn liềnᵀᴹ lại có thể khiến Yeerks sống được không cần nguồn Kandrona, cái "đấng" đã tống Jake vào một tương lai giả để nghiên cứu là ai... Tất cả những thứ này nằm ngoài câu hỏi chính của tác phẩm, thế nên chúng không được giải thích cũng chẳng sao, hay thậm chí lại càng khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn.

Chết người một chỗ là sau khi cuộc chiến đã kết thúc, mọi thứ gói hết lại rồi, đồng chí Cổng Táo lại mở ra một mạch mới hoàn toàn, với một câu hỏi mấu chốt mới: cuộc chiến giữa biệt đội của Jake và The One sẽ ngã ngũ thế nào. Và sau đó... à không có sau đó nữa.

Literally 🐧. Cả series dừng phắt luôn ở đấy.

Hàng loạt Mystery Box khác đã xuất hiện chỉ với cái kết cà tàng này, xong bị vứt chỏng chơ đấy. Khác với các Mystery Box ở trên, những Mystery Box này liên hệ trực tiếp đến mấu chốt (mới) của câu chuyện, thế nên việc Applegate bỏ của chạy lấy người đã khiến fan phản đối ầm ầm, khiến chị hai về sau phải viết thư giải thích (mặc dù sau đấy vẫn kệ bố chúng nó 🐧 ).

Tương tự với Animorphs là bộ A Series of Unfortunate Events. Bộ này thì sống dựa hoàn toàn vào Mystery Box, mọi câu hỏi đều được giải đáp bằng một câu hỏi, và chính điều ấy đã tạo nên nét hấp dẫn cực kỳ lớn của series. Nhưng hỡi ôi, đến cuối cùng rốt cuộc cái điểm mấu chốt nhất của cả series là số phận bọn trẻ con nhà Baudelaire ra sao ta cũng không được biết, và thay vào đó ta biết... crush của nhân vật phản diện là ai.

Không đùa đâu 🐧.

Nói thật là cái phim chuyển thể của Jim Carrey mặc dù cắt gọt rất nhiều thứ, nhưng ít nhất nó cũng mở tung hết các Mystery Box then chốt ra vào cuối phim.

Có một số trường hợp đặt Mystery Box vào sát với điểm mấu chốt của câu chuyện đến mức ta có thể sẽ ngỡ tưởng nó đúng là điểm mấu chốt luôn, nhưng thực chất không phải. Ví dụ kinh điển nhất sẽ là những đấng Great Old Ones mà Lovecraft sáng tạo ra trong thế giới của mình. Mặc dù những nhân vật như Nyarlathotep, Dagon, Yog-Sothoth,... gần như chỉ toàn được ám chỉ đến, cả về hình hài lẫn bản chất, chúng lại không phải điểm then chốt của các câu chuyện. Cái điểm chính trong các mẩu truyện của thanh niên Yêu Nghề là chứng minh sự nhỏ bé và tầm thương của sinh mệnh con người, đồng thời cho thấy miền không biết là một chốn bí hiểm tột cùng mà con người sẽ không đời nào hiểu được. Tất cả các Mystery Box kia đều nhằm phục vụ cái mục đích chính ấy, chứ bản thân chúng không bao giờ là mục đích chính cả.

Tương tự, 2 vạn dặm dưới biển có mấu chốt là cho thấy sự kỳ diệu của con tàu ngầm Nautilus, thế nên việc danh tính của Thuyền trưởng Nemo mãi mãi nằm trong Mystery Box cũng không sao. V for Vendetta cũng xoay quanh việc truyền tải ý tưởng bất kỳ ai cũng có thể đứng lên làm cách mạng, thế nên V bị nhốt kín trong Mystery Box cũng chẳng thành vấn đề. Thậm chí trong Y̶o̶ I, Robot, có một truyện ngắn kể xoay quanh việc Stephen Byerley, một ứng cử viên thị trưởng, có phải là rôbốt hay không, nhưng rốt cuộc danh tính của ông ta cứ bị để nguyên trong một cái Mystery Box và tác phẩm vẫn thú vị như thường, bởi mục đích chính của nó là chứng minh rôbốt hoàn toàn ngang ngửa con người.

Các ví dụ ở trên có thể sẽ khiến anh em thấy cái mô típ này đao to búa lớn lắm, nhưng thực chất nó cũng chẳng to tát gì đâu. Có rất nhiều trường hợp Mystery Box được dùng để xây dựng thế giới thông qua các tình tiết nhỏ nhặt, chẳng hạn trong Do Androids Dream of Electric Sheep?, có một cuộc chiến long trời lở đất từng diễn ra, gọi là World War Terminus, khiến Trái Đất nát như tương, nhưng nó chỉ được ám chỉ đến thôi chứ không được kể thẳng đến nhiều. Tương tự, The Moon Is a Harsh Mistress có một cuộc chiến là Wet Firecracker War, nhưng nó cũng không được động đến nhiều lắm. Riêng các thế giới High Fantasy thì chắc anh em chẳng lạ gì nữa rồi, có rất nhiều Mystery Box về các thời kỳ đã qua, các anh hùng cổ đại được ám chỉ đến, nhưng hiếm khi  được hé lộ đầy đủ, với điển hình nhất là Lord of the Rings. Chính Tolkien còn từng nói thế này: "Tôi nghĩ một phần sự hấp dẫn của Lord of the Rings nằm ở những hé lộ nho nhỏ về một lịch sử nền lớn. Sự hấp dẫn ấy cũng giống như khi ta nhìn ngắm một hòn đảo không có người ở từ xa, hoặc trông thấy những tòa tháp của một thành phố xa xôi lấp loáng trong một màn sương mù. Nếu đặt chân đến đó thì sự nhiệm mầu sẽ mất đi ngay, trừ khi lại có thêm những miền cảnh ta không thể đến được mới lộ diện."

Anh em có thể xem thêm clip gốc về Mystery Box ở đây nếu muốn: https://www.youtube.com/watch?v=uXN3ZqN8kgs

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.