Chuyển đến nội dung chính

Ninth House và tác hại của việc học đòi bất cần đời


 Trong cái bài về sự “bần” của Fantasy hồi chiều, có một bạn đề cập đến một tranh cãi khá nổi một thời, xoay quanh việc các phim thể loại siêu anh hùng từng bị mặc nhiên cho là điện ảnh hạng hai. Bình luận đó khiến mình nhớ đến một cái meme từng mò thấy cách đây ít lâu, châm biếm cách thiên hạ ngày nay gần như chẳng mấy mặn mà với những phim không phải của Marvel, và một hướng “giải quyết” tiềm tàng cho cái vấn nạn đó.

Nay ngẫm lại, mình nhận thấy cái ảnh này cũng có thể nhìn nhận theo một hướng khác: nó đang chế nhạo cách nhiều người muốn bắt chước sự thành công của những thứ đang hot, nhưng chỉ nhìn ra được bề nổi của nó và cố gắng nhồi nhét một cách hết sức khiên cưỡng những yếu tố đấy vào tác phẩm của bản thân hòng câu khách, bất cần quan tâm đến việc liệu nó có ăn nhập với bản chất tác phẩm hay không.

Và đâu tầm mấy tháng trước, mình có đọc một quyển có thể đem ra làm ví dụ rất tốt cho cái căn bệnh này. Quyển đó là Ninth House.

Ninth House từng được mình review trong group rồi, và anh em nào chưa đọc thì có thể tham khảo bài full ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-ninth-house-cua-leigh-bardugo.html. Còn nếu ngại đọc, đại khái đây là một cuốn YA Fantasy lai trinh thám, xoay quanh một cô sinh viên năm nhất tại Yale phải đi điều tra một vụ án mạng diễn ra trong khuôn viên trường, có dính dáng đến các hoạt động thần bí do những hội sinh viên tại Yale thực hiện.

Từ đầu đến cuối truyện, ta liên tục bắt gặp những thứ phép thuật rất ảo diệu, chẳng hạn gọi hồn người chết, tiên đoán tương lai, mở cổng không gian, thôi miên tâm trí,… Nhưng những bùa phép nghe chừng cao siêu đó luôn được đem đi làm những việc hết sức dễ hiểu, chẳng hạn trả tiền vay nợ, thoát kiếp nghèo khó, thỏa mãn sinh lý, kiếm tài trợ,… Cứ khi nào có một thứ gì nằm ngoài khuôn khổ thế giới thường được lôi ra, nó luôn được đi kèm với một động cơ hoặc mục đích rất tầm thường, hay thậm chí còn có thể nói là gần gũi, kể cả khi bản chất cái động cơ/mục đích ấy không thể nào chấp nhận được.

Với tất cả những tình tiết ấy, Ninth House dàn dựng lên một cái theme cốt lõi rất thú vị: mọi sự đều có thể được truy ngược về sự thối nát đầy quen thuộc trong bản chất con người. Ừ, đúng là có những tội ác cụ thể và những thủ phạm cụ thể đấy, và chúng có thể được giải quyết bằng sức lực trâu bò. Tuy nhiên, trị được những kẻ này chỉ là giải quyết phần ngọn, còn phần gốc thì vẫn trường tồn, đảm bảo sẽ liên tiếp có những kẻ như chúng tòi ra, và khốn nạn là nó không thể bị đấm cho khuỵu gối bằng những cú đòn xôi thịt. Đây mới là phản diện đích thực nhân vật chính cần đối mặt, và điều Ninth House cần làm bây giờ là phát triển tiếp cái mạch ấy, đưa nó đến cái đích lôgic cuối cùng của mình.

Nhưng bất thình lình, truyện vứt cái mạch đã dày công vun vén ấy đi.

Đến đoạn cuối, Ninth House tự nhiên lại để một nhân vật khác thò mặt vào, đóng vai phản diện thay cho bản chất con người. Giờ đây, nhân vật chính chẳng cần phải lo nghĩ giải quyết cái vấn đề mang tính hệ thống nào nữa. Thứ cần đánh bại đã có một hình hài vật lý, và tất cả những gì chị hai cần làm là hóa chaos và đấm chết cụ cái đứa phản diện đó. Sự xuất hiện của phản diện mới dẫn đến một màn đánh nhau mãn nhãn, và công bằng mà nói, nó chắc chắn sẽ epic hơn bất cứ thứ gì mà phản diện vô hình gốc có thể mang lại. Tuy nhiên, màn chốt hạ mới kia lại vô duyên kinh khủng. Nó xuất hiện thuần túy bởi vì tác giả muốn kết lại cả truyện như một bộ phim Marvel, và trên lý thuyết thì vẫn khớp với mạch truyện về mặt lôgic đấy, nhưng hoàn toàn lệch pha với mọi thứ câu chuyện đã xây dựng, và rốt cuộc đã phá tung cả tác phẩm. 

Nếu quả thực muốn có một cái kết bùm chéo Marvel như thế, Ninth House cần phải lóc cóc khăn gói quả mướp sang học hỏi một thằng khác, ấy là The Dresden Files.

The Dresden Files là một series tiểu thuyết do Jim Butcher sáng tác. Nó cũng thuộc mảng Fantasy trinh thám như Ninth House, xoay quanh một ông thám tử tư chuyên đi điều tra những vụ án do các thế lực siêu nhiên gây ra ở Chicago. Xét về một số phương diện, Dresden Files có phần cùi bắp hơn Ninth House. Truyện được viết theo một kiểu rất cliché, lôi mọi mô típ rập khuôn tồn tại trong trinh thám Noir ra nhét vào các tác phẩm của mình, và gần như chẳng biến tấu nó mấy. Dresden Files còn thiên cực mạnh về giải trí, thường chỉ tích hợp một số theme chung chung về tốt xấu hay tình bạn với độ “sâu sắc” chỉ ngang cái đề tài gắn bó gia đình trong Fast & Furious là cùng, chứ chẳng mấy khi có những cuộc bàn luận để lại ấn tượng mạnh như trong Ninth House.

Tuy nhiên, Dresden Files lại làm được một thứ mà Ninth House không làm nổi, đó là nó phát triển mạch cốt của mình một cách cực kỳ thống nhất. Ngay từ đầu, Dresden Files đã xác định là sẽ làm giải trí, và nó cứ bám rịt lấy châm ngôn ấy. Hầu như trong mọi truyện thuộc series, Dresden Files luôn dàn dựng rằng những tình tiết ma quái xuất hiện trong tác phẩm là do những thực thể ma quái thực hiện, nhằm phục vụ những mục đích cũng sặc mùi ma quái nốt. Vẫn có một số nét dễ hiểu nằm ẩn trong những thứ kia, chẳng hạn cách mọi thứ nhìn chung đều xoay quanh tình, tiền, với quyền, nhưng ngay từ đầu chúng nó đã lép vế hoàn toàn trước sự xôi thịt của tác phẩm, và câu chuyện cũng chẳng giả bộ nó muốn làm cái gì hơn ngoài để phù thủy phóng lửa với giáng sét chết cụ nhau hay ném vòng bạc vêu mồm ma sói. Chính thế nên lúc hồi kết cục súc ấy xuất hiện, chẳng ai dị nghị gì Dresden Files hết.

Tựu trung lại, khác biệt giữa Dresden Files và Ninth House là nằm ở công tác thiết lập tiền đề. Không như Ninth House, Dresden Files đã dựng sẵn nền tảng hợp lý để một cái kết đánh đấm tóe loe xảy ra, thế nên quả kết Marvel của nó không tạo cảm giác lạc lõng so với phần còn lại của tác phẩm. Ninth House từ đầu đã đi theo một hướng khác, thú vị và có chiều sâu hơn những gì Dresden Files thực hiện, nhưng điều ấy cũng đồng nghĩa với việc nó thiếu đi những yếu tố hỗ trợ một cái kết hổ báo như Dresden Files. Một khi đã thiết kế bản thân theo một kiểu không tương thích như vậy, Ninth House đáng lẽ phải chấp nhận từ bỏ kiểu kết ẩu đả đậm chất Marvel, hy sinh sự hào nhoáng để duy trì sự mượt cho cốt. Nhưng không, nó cứ nhất mực nhồi một màn đấm nhau xôi thịt vào cơ, khiến cỗ máy Ninth House rốt cuộc phải vận hành với những tiếng rào rạo đầy khó chịu.

Đúng là xấu đều còn hơn tốt lỏi mà.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.