Đợt vừa rồi series chọc Chó đáng ra còn thêm một bài nữa, nhưng vì mấy anh tập đoàn tự nhiên lại nổi máu trượng nghĩa, quay ra đòi tẩy chay Mắc Xoăn, làm hắn cuống quýt đi sửa luật, thế nên là đành bỏ bài kia đi vì có mấy đoạn rất dễ đụng chạm. Tuy nhiên, cách đây mấy hôm, Mắc xem chừng đã bắt đầu cáu và bật ngược lại mấy bầu trời đạo đức kia, thế nên giờ chẳng hiểu lập trường thanh niên thế nào nữa. Để kiểm tra thử, mình giờ sẽ đăng lại cái bài chọc Chó đó xem có bị xóa hay gì không. Hy vọng group sẽ không bay mất <(“).
Giờ vào chủ đề chính của bài này, ấy là Ad Passiones.
Ad Passiones là viết tắt của Argumentum Ad Passiones, tức “tranh luận bằng xúc cảm.” Đây là một dạng ngụy biện lôgic, tập trung vào thao túng cảm xúc của người nghe để thuyết phục họ tin lập luận của mình là đúng, mặc dù không có cơ sở thực tế nào bổ trợ cho cái lập luận ấy cả.
Một trong những cái ví dụ đình đám nhất của Ad Passiones đối với anh em nhà ta có lẽ sẽ là câu: “Chó là bạn, không phải thức ăn.” Bất kể mọi người có đứng về bên nào của vụ thịt chó, có một điều không thể chối cãi được là cái lập luận chó là bạn mang tính Ad Passiones nặng. Nó đánh vào cảm xúc của chúng ta, gợi cho ta nhớ đến hình ảnh thân thiện của chó và từ đó mủi lòng, cảm thấy rằng quả đúng là việc ăn thịt chó là không ổn.
Trong tranh luận, Ad Passiones vẫn có thể được dùng để giúp bổ trợ cho các lập luận đã có cơ sở sẵn khác, kiểu như một cú đòn bồi thêm để đảm bảo khả năng thắng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu dùng Ad Passiones làm lập luận nòng cốt thì lại không ổn, bởi vì một khi đã dính đến cảm xúc rồi thì cuộc tranh luận rất dễ đâm vào ngõ cụt. Cảm xúc vốn là phi lý trí, mà đã phi lý trí thì chúng ta còn đi tiếp thế nào được nữa?
Nhưng may mắn thay, SFF không phải là một cuộc tranh luận. Nó có một chữ “F” to đùng nằm ở ngay trong tên, đại diện cho từ “FICTION.” Đã là Fiction thì nó có thể thoải mái thao túng cảm xúc của người trải nghiệm tác phẩm, bởi vì nó không có nghĩa vụ phải công tâm hay gì hết. Nó chỉ cần không làm cho chúng ta thấy chán là được, còn nó làm kiểu gì thì không ai cấm cả.
Ad Passiones có thể được dùng ở cấp vĩ mô, giúp lèo lái người đọc ngả về một phe trong vấn đề hoặc một theme quan trọng nào đó. Một trong những ví dụ kinh điển nhất của việc ứng dụng Ad Passiones theo cách này trong SFF sẽ là cuốn Flower for Algernon của Daniel Keyes.
Truyện đặt ra câu hỏi liệu trí tuệ có thực sự là điều tích cực hay không, và nó tiếp cận câu hỏi này bằng cách trưng ra trước mắt chúng ta một thanh niên thiểu năng có tên Charlie Gordon. Truyện gần như dồn toàn lực ra làm cho chúng ta thấy đồng cảm với nhân vật, khiến ta phải mủi lòng trước số phận của con người này và từ đó bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về sự tốt đẹp của trí tuệ. Gordon có thể nói là như cú đấm thẳng vào tim ta, để đảm bảo ta vì đau mà chấp nhận cái tiền đề của câu chuyện.
Ngoài ra thì Ad Passiones còn có thể được áp dụng ở cấp vi mô, khiến cho người đọc chỉ đơn thuần là có thiện cảm với một nhân vật nào đó hơn, ngay cả nếu nhân vật đó hành động theo những cách rất khó chấp nhận. Vì ở trên đã lấy ví dụ là tác phẩm Sci Fi rồi, lần này mình sẽ bốc ví dụ ra từ mảng Fantasy, và cụ thể là bộ truyện Harry Potter của J. K. Rowling.
Trong Harry Potter, một trong những nhân vật với màn bẻ lái khét nhất chính là Severus Snape. Từ quyển 1 cho đến tận gần hết quyển 7, chúng ta chỉ thấy Snape hiện lên như một thể loại cặn bã, vừa nhỏ nhen mà lại vừa xấu tính, đồng thời còn gió chiều nào ngả theo chiều đấy nữa. Tuy nhiên, tập 7 đã có nguyên cả một chuỗi ký ức làm cho ta thấy Snape có một cuộc đời khá đáng thương, đồng thời còn lồng thêm vụ Snape yêu mẹ Harry vào để ta nhìn Snape với con mắt nhân nhượng hơn, và nói chung là không từ thủ đoạn nào để ta phải thấy mủi lòng với Snape và từ đó nhìn nhận các hành động trong quá khứ của thanh niên này bằng con mắt vị tha hơn. Trên thực tế, cái kiểu dùng Ad Passiones để tăng điểm nhân vật như Snape thực chất có rất nhiều trong SFF. Mình từng viết mấy bài về đề tài này rồi, và anh em có thể tìm hiểu thêm ở bài Anti-Hero/Anti-Villain (https://www.facebook.com/.../SciFiRe.../learning_content/...) cũng như bài Tragic Villain (https://www.facebook.com/.../SciFiRe.../learning_content/...)
Tất nhiên, Ad Passiones không phải là một công cụ toàn năng. Nếu làm không cẩn thận thì nó có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi, đánh sập cả tác phẩm, hoặc chí ít thì cũng khiến tác phẩm bị giảm điểm đi. Và lẽ đương nhiên, điều này dẫn chúng ta đến với The Last of Us 2.
Ngay từ đầu câu chuyện, The Last of Us 2 đã dính phải một cái Ad Passiones phản tác dụng, có điều hình như đến chính Chó Hư cũng không ý thức được rằng mình vừa tự đái vào chân.
Ở đầu game, chúng ta có cảnh Ellie bị bắt phải đến nghe một ông chủ quán rượu xin lỗi vì đã có thái độ kỳ thị với mình. Thông qua đây, Chó Hư muốn bàn về cộng đồng LGBT và việc họ vẫn còn không được chấp nhận trong xã hội. Vấn đề là vì một lý do gì đó, cái nguyên nhân dẫn đến cảnh xin lỗi này lại bị vứt xuống tít tận cuối game, thế nên trong cảnh này thì người chơi chỉ thấy một ông già có vẻ hối lỗi và tỏ thái độ thiện chí, còn Ellie thì lại rất bất hợp tác và có thái độ ngứa thịt, thế nên cảm tình của người chơi sẽ ngả về phía ông chủ quán hơn là Ellie. Thêm vào đó, phần đông mọi người đã ngán đến tận cổ cái kiểu nhồi theme LGBT một cách thô thiển vào trong câu chuyện, không cần quan tâm nó có ăn nhập với tác phẩm hay không, thế nên một phân đoạn thiếu bối cảnh như thế sẽ không khiến người khác có cái nhìn thiện cảm về đề tài LGBT được. Nếu gài đề tài LGBT vào với những tình cảm tích cực như cách Jack Womack làm trong Random Acts of Senseless Violence, hoặc Becky Chambers trong The Long Way to a Small, Angry Planet thì mọi thứ đã khác hẳn rồi.
The Last of Us 2 còn có một pha Ad Passiones bất thành nữa, chỉ có điều lần này là làm một cách có chủ đích nhưng không ăn thua.
Như anh em đã biết, một trong những nhân vật bị ghét nhất của game là Abby. Lần đầu tiên chúng ta được giới thiệu đến với Abby là lúc thanh niên này đang làm một hành động cực kỳ man rợ, khiến cho không một ai còn mê nổi nữa. Về sau đó, Chó Hư đã dùng mọi biện pháp có thể để cho chúng ta cảm thấy thương mến nhân vật này hơn, bằng cách cho ta xem hàng loạt cảnh tượng thương tâm trong cuộc đời đồng chí này cũng như có hàng loạt đặc tính “dễ thương” khác nữa, chẳng hạn sợ độ cao, tử tế với trẻ con, yêu chó,… Thậm chí đến cả cái cốt và gameplay của Abby cũng hay hơn hẳn của nhân vật chính còn lại, ấy là Ellie, tất cả nhằm khiến người chơi thích nhân vật này hơn. Nhưng buồn cười là riêng về khoản này thì Chó Hư vừa làm quá trớn, vừa làm chưa đủ đô. Quá trớn bởi lẽ Ad Passiones hoạt động hiệu quả nhất nếu người ở đầu nhận không nhận ra mình đang bị dắt mũi. Tất cả những đòn Ad Passiones của Chó Hư đều cứ lồ lộ, ai nhìn vào cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra, thế nên tính hiệu nghiệm của nó cũng cao như một màn ảo thuật mà ta có thể nhìn thấy người biểu diễn lôi đồ từ ống tay áo ra vậy. Và nó chưa đủ đô bởi lẽ Abby ngay từ đầu đã khơi dậy trong lòng người chơi một cái cảm giác căm ghét quá mạnh mẽ rồi, và về sau cần khơi dậy một xúc cảm mạnh tương ứng thì mới tẩy cái xúc cảm cũ đi được, nhưng chẳng pha Ad Passiones nào làm được điều đó cả. Vụ này mình đã bàn kỹ hơn trong cái bài về Character Establishing Moment (https://www.facebook.com/.../SciFiRe.../learning_content/...), nếu muốn tìm hiểu thêm thì anh em vào link đọc nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓