Chuyển đến nội dung chính

Cải biên mô típ - cách "F5" dòng văn


 Gần như bất kể thứ gì trên đời mà cứ bị nhai đi nhai lại mãi thì dần thiên hạ cũng sẽ phát ngấy lên với nó. Chính thế mà trong suốt quá trình phát triển của mình, dòng Sci Fi cứ thỉnh thoảng lại cải biên hoặc phát triển thêm đựa trên các mô típ cũ của mình, mang lại những luồng gió mới cho người đọc. Ta đã thấy điều này trong cách dòng Sci Fi đi từ chiêm nghiệm triết lý là chủ đạo của các tác phẩm giai đoạn thế kỷ 19-đầu 20 sang chuộng phiêu lưu giải trí của thập niên 40 và 50, rồi chuyển sang mốt "văn" hơn vào giai đoạn 60-70, thế rồi Cyberpunk của 80 ập đến, và giờ là cơn sốt Cli Fi...

Việc "F5" dòng văn thực chất không đến nỗi quá khó. Ta chỉ cần tìm ra một (số) mô típ hay dùng (còn gọi là "trope"), và sau đó biến tẩu (chúng) nó theo đủ đường là xong. Để mọi người dễ hình dung, mình sẽ thử nêu một số cách biến tấu thường dùng và đưa ví dụ cụ thể.

Mô típ gốc (Straight): người ngoài hành tinh biết nói tiếng Anh.

Cách cải biên:

► Lý giải (Justify): tác phẩm không coi mô típ đấy là hiển nhiên, mà đưa ra cớ để lý giải sự tồn tại của nó.

- Người ngoài hành tinh đã theo dõi Trái Đất từ lâu, và đã lén học tiếng Anh để giao tiếp với con người.

► Lộn ngược (Invert): một yếu tố nào đó của mô típ bị đổi trắng thay đen, lộn ngược lại.

- Con người lên một hành tinh lạ và nói sõi tiếng của dân ở đấy.

► Lật kèo (Subvert): dương Đông kích Tây với mô típ, khiến người đọc/xem tưởng mô típ sắp xảy ra, nhưng sau đó thì Rian Johnson nó.

- Để chuẩn bị đến Trái Đất, người ngoài hành tinh dày công học ngôn ngữ phổ thông nhất của con người. Lúc phái đoàn người ngoài hành tinh đến nơi, hai bên mới ngớ ra là họ đã học tiếng… Tàu.

► Lật kèo x2 (Double Subvert): tác phẩm làm người đọc/xem tưởng mô típ sắp bị subvert, nhưng thực chất mô típ xảy ra như thường.

- Con người trông thấy một con tàu ngoài hành tinh sắp sửa hạ cánh, liên lạc mãi mà thấy nhận lại toàn những lời đáp khó hiểu, cứ tưởng người ngoài hành tinh không biết nói tiếng Anh. Lúc tàu đáp thì hóa ra đài trên tàu bị hỏng, bóp méo tín hiệu, chứ người ngoài hành tinh nói sõi tiếng Anh.

► Bới lỗi (Deconstruct): đem mô típ ra bới lông tìm vết, cho thấy rằng mô típ này khó có khả năng xảy ra hoặc nếu có xảy ra ở thực tại thật thì sẽ có hệ lụy ra sao.

- Người ngoài hành tinh nói được tiếng Anh, nhưng vì thanh quản không được thiết kế để phát âm ngôn ngữ con người nên nếu nói quá vài câu thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

► Sửa lỗi (Reconstruct): sau khi đã bới lỗi rồi thì sẽ đưa ra cách để hạn chế các lỗi của mô típ đó, khiến cho nó vẫn có thể xảy ra hoặc không để lại hậu quả gì lớn.

- Thanh quản người ngoài hành tinh không cho phép họ nói tiếng Anh được lâu, thế nên họ chế máy để auto dịch lời cho mình.

► Loại bỏ (Avert): mô típ hoàn toàn không hề tồn tại trong tác phẩm.

- Không một người ngoài hành tinh nào nói được tiếng Anh, hoặc người ngoài hành tinh không tồn tại.

► Ám chỉ (Imply): mô típ không trực tiếp được đả động đến hay xuất hiện, nhưng có một số sự kiện xảy ra để ta tin rằng mô típ ấy có thể vẫn tồn tại.

- Con người cử phái đoàn đi thương thuyết với người ngoài hành tinh. Cuộc thương thuyết không được mô tả, nhưng vẫn thành công, chứng tỏ 2 bên giao tiếp được với nhau theo một cách nào đó, và vì người ngoài hành tinh đã quan sát con người từ lâu, khả năng cao họ nói được tiếng Anh.

► Lôgíc hóa (Logical Extreme): nói như Mark Watney: khoa học chết cụ nó luôn.

- Người ngoài hành tinh nói được tiếng Anh bởi vì <khoa học>, nhưng vấn đề là <khoa học> khiến cho <khoa học>, thế nên khả năng nói của họ bị giới hạn ở một số điểm.

► Phóng đại (Exaggerate): thổi phồng mô típ ấy lên một cách thật sự quá trớn.

- Người ngoài hành tinh nói sõi tiếng Anh đến mức sửa lưng cả ngữ pháp con người.

► Hạn chế (Downplay): mô típ có được dùng nhưng không “nặng đô” như thường thấy.

- Người ngoài hành tinh nói được tiếng Anh, nhưng chỉ một vài từ lắt nhắt, và giọng ngòng ngọng.

► Chỉ mặt (Lampshade): mô típ được sử dụng như thường, nhưng nhân vật trong tác phẩm nhận ra mô típ ấy đang được sử dụng và chỉ mặt nó.

- Người ngoài hành tinh nói được tiếng Anh, và một nhân vật ngạc nhiên hỏi, “Sao ông nói được tiếng Anh thế? Ở nhà có lò luyện à?”

► Cố ý viện dẫn (Invoke): nhân vật trong tác phẩm biết mô típ ấy thường hay xuất hiện trong các tác phẩm hư cấu, thế nên cố tình hành động như thể mô típ ấy là thật, và đúng là nó xảy ra thật.

- Một nhóm sinh viên đa quốc tịch vô tình đụng mặt người ngoài hành tinh. Vì thấy trong phim ảnh với sách truyện, người ngoài hành tinh toàn nói tiếng Anh, thằng người Mỹ bị bắt làm đại diện đi nói chuyện với họ.

► Cố ý né (Defy): nhân vật trong tác phẩm biết mô típ ấy, và cố gắng bằng mọi giá không để nó xảy ra.

- Người ngoài hành tinh biết con người kỳ vọng mình sẽ nói tiếng Anh, thế nên cố tình không học hoặc không nói câu tiếng Anh nào để trêu ngươi.

► Tận dụng (Exploit): một nhân vật nào đó biết là mô típ ấy rất hay xuất hiện, thế nên lợi dụng nó để trục lợi cho mình.

- Con người biết hoặc đoán người ngoài hành tinh biết nói tiếng Anh, thế nên cố tình gửi thư cho nhau bằng tiếng Tàu để không bị đọc trộm.

► Đem ra bàn (Discuss): nhân vật trong tác phẩm biết mô típ ấy hay được sử dụng, và đem mô típ đó ra bàn tán với nhau.

- Sau khi theo dõi văn hóa phẩm con người, người ngoài hành tinh thấy lúc nào mình cũng bị cho là auto biết nói tiếng Anh, và cùng nhạo báng sự ngớ ngẩn của mô típ ấy với nhau.

► Thập cẩm (Zig Zag): trộn nháo nhào mấy cách biến tấu liền vào với nhau.

- Con người bàn với nhau về mô típ người ngoài hành tinh auto biết nói tiếng Anh, và nhạo báng mô típ ấy (Discuss). Lúc nói chuyện với nhau, hai bên toàn dùng tiếng của người ngoài hành tinh (Invert). Nhưng rồi một nhân vật vô tình nói tiếng Tàu, và người ngoài hành tinh đáp lại bằng một câu tiếng Tàu rất chuẩn (Subvert). Một người thử hỏi một câu tiếng Anh, và được đáp lại bằng từ, “Verily” (Straight). Lập tức con người định nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh cho tiện (Exploit), nhưng hóa ra họ lại chỉ biết tiếng Anh từ thế kỷ 16 (Double Subvert).

Ngoài ra thì bản thân các cách biến tấu cũng có thể bị “biến tấu” thông qua việc thay đổi mục đích sử dụng mô típ. Ví dụ bao gồm:

- Biến thành trò đùa: người ngoài hành tinh biết nói tiếng Anh, nhưng văng tục và ăn nói rất láo lếu vì học tiếng qua các bài rap.

- Biến thành kịch tính: câu tiếng Anh duy nhất người ngoài hành tinh nói được trong toàn tác phẩm là câu cảm ơn vào lúc kết thúc. 

- Biến thành kinh dị: người ngoài hành tinh lặp lại những lời kêu cứu cuối cùng của các nạn nhân bị mình ăn thịt.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.