Chuyển đến nội dung chính

Kết mở - một canh bạc nguy hiểm


 Kết mở có thể nói là một trong những kiểu kết liều nhất mà một câu chuyện có thể sử dụng. Về căn bản, nó gói gọn lại gần như mọi mạch truyện đã phát triển từ đầu đến giờ, và để chừa ra một hai mạch nào đó hoặc mở ra một mạch truyện mới hoàn toàn, xong bỏ lửng ở đó.

Nếu làm tốt, tác giả sẽ có thể khiến cho người đọc tiếp tục suy nghĩ về tác phẩm của mình ngay cả sau khi mọi thứ đã kết thúc, tiếp tục tự xây dựng thêm thế giới của tác phẩm và suy nghĩ sâu hơn về những mô típ, những nhân vật mình gặp gỡ trong đó. Nhưng nếu làm không đến nơi đến chốn thì sẽ bị ăn đập rất nặng, bởi lẽ ngay cả một cái kết ngu thì nó cũng vẫn còn là kết, còn một cái kết mở ngu thì nó thậm chí còn không ra dạng kết, mà chỉ như thể tác giả chán và vứt thành phẩm của mình chỏng chơ ở đấy.

Kết mở tốt thì ta có thể kể đến tác phẩm Fahrenheit 451 của Bradbury. Đến cuối truyện, nhân vật chính phải đối mặt với một tương lai rất vô định, với quê hương mình thì đã bị hủy diệt, và bản thân thì phải tiếp tục đi tìm những người cùng chí hướng khác. Có điều gần như mọi mạch xung đột đưa ra ở giữa, bao gồm cả xung đột về triết lý lẫn xung đột thể xác thực đều đã được giải quyết dứt điểm, nhân vật phản diện chính đã bị đánh bại thế nên người đọc vẫn cảm thấy "gọn" khi đọc tới trang cuối.

Sử dụng cùng thủ pháp này là Psycho-Pass (season 1) và The Matrix (tập 1). Cả 2 đều kết lại với một thực thể phản diện to đùng, và nhân vật chính sau khi buông lời thề sẽ diệt trừ chúng đến tận cùng thì phim cũng khép lại luôn. Tuy nhiên, mọi câu hỏi, mọi bí mật đưa ra trong suốt phim đều đã được giải đáp, và mọi nhân vật đều đã hoàn tất character arc (hành trình phát triển) của mình, thế nên không ai xem thấy có vấn đề gì với nó hết. Và tạ ơn Chúa là chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận được cái kết mở của 2 bộ phim này, bởi vì phần 2 của chúng nó không hề tồn tại 🐧.

Riêng về phần kết hỏng thì hỡi ôi, không thể nào không nhắc đến 2 series huyền thoại là A Series of Unfortunate Events của Lemony Snicket (tức Daniel Handler) và Animorphs của K.A. Applegate. Bộ truyện của Snicket mặc dù giống với X-Files ở một điểm là nó xây dựng dựa hoàn toàn trên mô típ bỏ lửng, tức là chỉ đưa ra mơi mơi các khái niệm, tình tiết, bí ẩn, xong rồi bỏ lửng đấy để tăng độ huyền bí cho thế giới của bọn trẻ nhà Baudelaire, nhưng khi chốt lại thì lượng bí ẩn bị bỏ ngỏ bị tồn đọng quá nhiều, các nhân vật gần như chẳng ai hoàn tất character arc nào (nếu có) hết, và ngay cả cái bí ẩn có thể gọi là chính của series cũng bị bỏ mặc ở đấy. Thay vào đó ta nhận được câu trả lời cho một bí ẩn mà chưa ai từng hỏi bao giờ, đó là... crush nhân vật phản diện là ai 🐧. Chính thế nên cái kết Snicket đưa ra được rất ít người ủng hộ.

Animorphs thì đặc biệt hơn một chút. Đến cuối, mọi xung đột, character arc, bí ẩn (ít nhất các bí ẩn lớn) đều đã được gói gọn lại rồi. Đáng lẽ ra Applegate chỉ nên dừng lại tại đó thôi, nhưng chị hai lại đi mở thêm một cái mạch mới. Ừ thì mở mạch mới cũng được, bởi như đã nói ở trên, mạch mới mở ra sau khi đã gói kín các mạch cũ thì vẫn ok, có điều vì một lý do gì đấy, đồng chí này lại đi phát triển tiếp cái mạch mới mở kia, kéo nó ra tầm giữa giữa một đoạn, xong tự nhiên cắt điện cái rụp. Thế là lập tức tác giả bị fan nhao nhao lên phản đối. Thật tình mà nói, cái kết trong bản của Trẻ làm hồi trước chặt phéng bớt cái mạch mới kia đã cải thiện hẳn kết gốc của tác giả chứ chẳng đùa.

Vậy mới thấy ngay cả một cái kết mang danh "mở" cũng vẫn cần phải khép lại những yếu tố cốt lõi, giúp các nhân vật hoàn tất hành trình của mình thì mới tạo sự hài lòng cho độc giả được. Nói cách khác là có mở thì cũng chỉ nên để mở he hé thôi. Mở toang hết ra thì ăn ấy ngay 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.