Mẩu truyện hài hước này thực chất là đại diện cho một vấn đề có thật ở ngoài đời, đồng thời cũng là một mô típ rất thú vị (và đôi khi là nực cười) trong Sci Fi. Vấn đề ấy là Backward Compatibility.
Backward Compatibility, hay như cách gọi khác là Downward Compatibility, là thuật ngữ dùng để chỉ khả năng tương thích giữa hai sản phẩm công nghệ thuộc hai thế hệ khác nhau. Thử lấy cái iPhone ra làm ví dụ nhé. Giả sử hồi cái iPhone đời đầu mới ra mắt, mọi người có mua một chiếc và được tặng kèm tai nghe. Tầm chục năm sau, khi iPhone 6 ra mắt, hiện đại gấp bội cái iPhone gốc, mọi người vẫn có thể cắm cái tai nghe cũ vào iPhone 6 và dùng ngon lành. Trong trường hợp này, cái iPhone 6 đấy có Backward Compatibility đối với tai nghe. Tuy nhiên, sang đến đời tiếp theo, tức iPhone 7, thì bro Cúc lại chơi trò Titanic, và đã xóa sổ luôn jack. Vậy là nếu mua iPhone 7, mọi người sẽ không thể tiếp tục sử dụng cái tai nghe cũ nữa. Điều này đồng nghĩa với việc iPhone 7 không có Backward Compatibility đối với tai nghe.
Không chỉ về mặt phần cứng, Backward Compatibility còn có thể áp dụng cho cả phần mềm nữa. Cũng với cái ví dụ iPhone, ai dùng iPhone cũ hẳn đều quen thuộc với việc có những cái bản update của iOS làm máy chạy nóng như hòn than, lag tung đít, hay thậm chí còn không thể cài được. Đó là bởi cái hệ điều hành iOS mới không có Backward Compatibility với phần cứng của các iPhone cũ, hoặc trong trường hợp cài được nhưng chạy ngáo thì là có Backward Compatibility nhưng mà là Backward Compatibility rất lởm khởm.
Ngoài ra, anh em nào chơi game (đặc biệt nếu chơi trên console) hẳn đã chẳng còn lạ gì với cái khái niệm này nữa rồi. Có một số cái game chạy mượt như lụa trên Win 7, up lên Win 10 phát thì GG luôn. Căn bản bởi hệ mã của cái game kia không tương tích với cái mã mới mà Win 10 sử dụng. May mắn thay, Microsoft cũng ý thức được điều ấy, và có cả chế độ cho ta chạy game ở chế độ mô phỏng Win 7. Thế tức là Win 10 vẫn có Backward Compatibility đối với một số game ở hệ điều hành cũ (mặc dù cũng được chăng hay chớ lắm 🐧 ).
Sci Fi rất hay chơi đùa với ý tưởng này. Một mặt, ta có những tác phẩm với khả năng Backward Compatibility cao đến ngoài sức tưởng tượng. Ví dụ như trong series The Culture của mình, Iain M. Banks từng có lần để cho một nhân vật bị dồn vào thế bí, và buộc phải kết nối cái máy tính sinh học cấy trong não vào với một cái máy cực kỳ cổ lỗ, tồn tại trước thời nhân vật cả ngàn năm. Thần kỳ làm sao, hai hệ thống được viết lệch thời nhau xa đến vậy lại vẫn có thể trao đổi được dữ liệu hiệu quả với nhau, sau khi chỉ quét thử hệ thống của nhau một tí.
Tương tự với nó, trong bộ phim Man of Steel do Zack Snyder đạo diễn, khi Kal-El (tức Clark Kent) tìm thấy một con tàu vũ trụ của người Krypton đã thất lạc từ tận mấy chục ngàn năm trước và cắm một thiết bị tương tự USB cao cấp, vừa mới được chế tạo tầm vài chục năm trở lại đây thôi, hai bên vẫn có thể đọc được dữ liệu và điều khiển hệ thống của nhau.
Tuy nhiên, việc hai hệ thống xa nhau nhường ấy mà vẫn tương thích với nhau thì cũng hợp lý như việc mọi người cầm điện thoại quay ngược về thời đồ đá, cắm dây sạc vào mông voi ma mút, và tự nhiên con voi chiếu được hết ảnh trong điện thoại lên trên trời vậy 🐧. Chính thế nên Sci Fi cũng có những phiên bản thực tế hơn, cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu ta thực sự tìm cách nối hai hệ thống lệch thời vào với nhau.
Một trong những ví dụ nổi trội cho trường hợp này có thể được tìm thấy trong series Cowboy Bebop do Watanabe Shinichiro chỉ đạo thực hiện. Trong một tập phim, dàn nhân vật mò được một cái băng cát sét VCR. Vấn đề là công nghệ này cổ tận mấy thế kỷ rồi, thế nên không có cái gì bật được nó hết. Họ phải dành cả tập ra đi lùng đủ mọi loại chợ đen và các cửa hàng đồ cổ nhằm kiếm một cái đầu từ cũ để bật xem nó chứa cái gì bên trong. Hài hước một điều là họ có lần khiêng nhầm về đầu từ VHS, cũng là đầu chơi băng cát sét nhưng không phải là băng VCR (tức không có Backward Compatibility tận 2 lần 🐧 ).
Cũng là hoạt hình nhưng nghiêm túc hơn thì ta có series The Batman cho Michael Goguen và Duane Capizzi sản xuất. Trong một tập lấy bối cảnh Gotham 1000 năm sau, các nhà khảo cổ học phải đi tìm cái hang của Batman ngày xưa để lấy dữ liệu về một tên trùm tội phạm. Họ rốt cuộc thì cũng tìm ra được cái hang ấy, nhưng máy móc của họ hoàn toàn không thể kết nối được với bất cứ thứ gì trong hang cả vì chúng nó quá cổ lỗ. Tuyệt vọng, một người đấm mạnh vào tường, khiến tay lằn đỏ cả lên. Nhưng lúc quan sát kỹ vết lằn, họ nhận ra chúng nó có dạng những chuỗi mã nhị phân, và phát hiện ra Batman đã cho khắc toàn bộ dữ liệu mình lưu trữ lên tường hang để người ở tương lai không cần có Backward Compatibility mà vẫn đọc được.
Một phiên bản rất gần với Backward Compatibility là Technology Stasis. Về cơ bản, nó cũng liên quan đến mối quan hệ giữa công nghệ thời xưa và thời nay, nhưng mà lại tập trung vào việc công nghệ đã đình trệ, mãi không tiến lên được. Lý do có thể là khách quan (một sự kiện nào đấy khiến cho con người không thể tiến được), hoặc có thể là chủ quan (con người quyết định sẽ không phát triển thêm thứ gì nữa), hoặc thậm chí là… chẳng có lý do gì cả (“Vì tao thích,” tác giả said 🐧 ).
Ví dụ về Technology Stasis thì ta phải kể đến nền văn minh Hegemony of Man trong series Hyperion của Dan Simmons. Bên này gần như giậm chân tại chỗ hoàn toàn về mặt công nghệ và văn hóa và phải lạy lục bọn AI đã ly khai cung cấp công nghệ cho mà dùng, trong khi một nền văn minh đối nghịch khác là Ouster thì lại không ngừng tiếp tục phát triển, và thậm chí còn tiến hóa cả bản thân lên thành những dạng hình rất khác thường.
Một ví dụ cũng na ná như thế là truyện ngắn Pay for the Printer của Philip K. Dick. Trong tác phẩm này, con người đã trở nên quá sức lệ thuộc vào một chủng tộc ngoài hành tinh mang tên Biltong, toàn mượn công nghệ sao chép của chúng để nhân bản những món đồ có sẵn và dùng luôn, không còn buồn nghiên cứu hay phát triển gì mới nữa cả.
Trong tác phẩm 3001: The Final Odyssey, cuốn cuối cùng trong trilogy Space Odyssey của Arthur C. Clarke, tác giả thậm chí còn đã bình phẩm về cái mô típ này, bảo rằng một người du hành từ năm 2000 đến năm 3000 sẽ dễ làm quen với cuộc sống mới hơn là một người đi từ năm 1000 lên 2000. Nguyên do là bởi tốc độ phát triển công nghệ đã chậm lại, và thiên niên kỷ 3000 cũng tương đối giống 2000, trong khi 2000 thì lệch quá nhiều so với 1000.
Technology Stasis xuất hiện đặc biệt nhiều trong các tác phẩm Fantasy. Ví dụ như trong series The Chronicles of Narnia của C.S. Lewis, ta có thể có tác phẩm nhảy cóc cả ngàn năm mà chẳng có gì thay đổi hết, thiên hạ vẫn cứ sử dụng mấy thứ công nghệ thời Trung Cổ như thường. Mọi thứ thay đổi đều chỉ dừng ở khía cạnh xã hội, và có chăng thì là thêm một con hào được đào hay một cây cầu được xây thôi.
Tương tự với nó, ta có Lord of The Rings của J. R. R. Tolkien. Thứ gần nhất với bước nhảy vọt về công nghệ mà thế giới này có chắc sẽ là cái đế chế Númenor trong Kỷ Nguyên Hai, với một số ám chỉ rất nhỏ về việc họ đã chế được tàu bè và vũ khí ưu việt (anh em tham khảo cụ thể ở đây: https://www.reddit.com/r/tolkienfans/comments/22w02n/technology_of_numenor/). Nhưng một là các bước tiến ấy cũng không hẳn cao lắm, hai là mấy cái ám chỉ kia chỉ có trong The Lost Road and Other Writings, một cuốn chưa chắc đã tương thích với cái lịch sử chuẩn của Trung Địa, thế nên cũng không thể nói là các nền văn minh Trung Địa đã bao giờ thực sự bước ra ngoài cấp độ Trung Cổ. Cái tiến trình phát triển trong tác phẩm nhìn chung khá là rề rà, với công nghệ tầm mấy ngàn năm chẳng đổi thay gì nhiều.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓