Chuyển đến nội dung chính

Well-Intentioned Extremist - những phần tử cực đoan "tốt"




 Cái chủ nghĩa consequentialism mà mình có bàn đến hôm trước là một công cụ xây dựng xung đột trong cốt rất hấp dẫn, bởi vì bản chất gây tranh cãi và khó phân định đúng sai của nó. Chủ nghĩa này cũng là nền tảng cho một mô típ nhân vật thú vị, nhưng vì bài hôm đấy dài như sớ sẵn rồi nên mình tạm ỉm nó đi, hôm nay làm thành bài riêng. Mô típ đó tên là Well-Intentioned Extremist (WIE).

Đúng với cái tên của mình, WIE sẽ là những người có dụng ý tốt. Họ nhìn ra một vấn đề của xã hội/thế giới mình đang sống và quyết tâm thay đổi điều đó. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, các hành động của WIE lại rất đáng lên án. Nguyên do rất đơn giản:

Việc họ làm sẽ phá vỡ một quy chuẩn nào đấy của xã hội. Nhưng bất chấp tất cả, họ vẫn cứ cắm đầu thực hiện.

Bởi vì xã hội chúng ta có muôn vàn quy tắc về ứng xử, đạo đức, phong tục,... thế nên WIE cũng sẽ có muôn hình vạn trạng. Ta có thể phân loại các WIE dựa vào việc cái sai của họ nằm ở đâu, trong việc xác định vấn đề, chọn cách giải quyết, hay là hệ lụy mà họ để lại. Ví dụ như hãy thử so sánh 2 WIE nổi tiếng trong Sci Fi: Alloran của series Animorphs và Rorschach trong franchise Watchmen.

Alloran thì là WIE trên phương diện cách giải quyết. Khi nhận thấy thế giới Hork-Bajir sắp thất thủ đến nơi, và Yeerk sắp nắm trong tay một trong những giống loài nguy hiểm nhất vũ trụ, Alloran quyết định chế ra virút lượng tử để tàn sát người Hork-Bajir, đảm bảo Yeerk không thể nô lệ hóa họ được.

Rorschach thì chỉ chăm chăm muốn tiết lộ sự thật về một âm mưu do Ozymandias bày ra. Về cơ bản, hành động của Ozymandias đúng là sai thật, và phương pháp Rorschach lựa chọn cũng như mục đích chính của Rorschach không có gì là quá quắt. Tuy nhiên, hệ lụy nó mang lại sẽ rất khôn lường, và chính hệ lụy đó đã biến Rorschach thành WIE.

Ngoài ra thì ta còn có thể phân loại WIE tùy theo quy mô hành động của họ nữa. Hãy tiếp tục so sánh Lực lượng Phòng vệ Không gian trong Planetes và Cha Duré trong Hyperion Cantos.

Lực lượng Phòng vệ Không gian của bộ manga Planetes là WIE ở tầm vĩ mô. Họ cấu thành từ những công dân của các quốc gia không có đủ tiềm lực về không gian vũ trụ, và chính bởi vậy mà ngày một tụt hậu so với các nước có thể ra ngoài không gian để khai thác khoáng sản. Mục tiêu chính của họ là giúp đảm bảo những lợi lộc thu được từ không gian sẽ phần nào được phân phối cho cả các quốc gia nghèo túng, phải chịu đựng chiến tranh loạn lạc liên miên. Tuy nhiên, phương pháp họ sử dụng lại rất cực đoạn, chẳng hạn đánh bom các trạm vũ trụ, khiến họ về cơ bản là một tổ chức khủng bố.

Cha Duré trong bộ tiểu thuyết Hyperion Cantos thì ngược lại, là một WIE ở tầm vi mô, nhưng độ cực đoan của bro này thì ăn đứt gần như mọi WIE khác trong bài. Duré đã bị một thứ ký sinh trùng ngoài hành tinh xâm chiếm. Cứ mỗi lần chết, thứ ký sinh trùng đó sẽ tái tạo lại Cha Duré dựa trên các dữ liệu nó lưu về cha, nhưng chỉ đúng tầm 90% thôi. Dần dần, Duré sẽ trở thành một thứ quái vật dị hợm, thiểu năng trí tuệ, vĩnh viễn không thể chết đi. Duré cực kỳ hãi sợ viễn cảnh ấy, nhưng không thể loại bỏ được thứ ký sinh trùng kia, mà cũng chẳng thể rời bỏ tổ của nó do cứ đi đến một đoạn là sẽ bị nó làm cho đau đớn quằn quại.

Thế là Duré cắn răng chịu đau xộc vào một cánh rừng Tesla (một loại cây ngoài hành tinh, liên tục phóng điện thiêu đốt mọi thứ xung quanh) gần đó, đóng đinh bản thân lên một cái cây, và chịu chết thiêu liên tục trong khi con ký sinh trùng ra sức hồi sinh Duré, đồng thời bản thân nó cũng hành hạ cha nhằm bắt cha trở về tổ. Duré hy vọng thiệt hại cái cây gây ra sẽ quá sức hồi sinh của nó và bản năng sinh tồn sẽ buộc nó phải rời đi, và mình sẽ được chết thật.

Và cha chịu hành hạ như vậy tận 7 năm liền.

WIE còn có thể được phân loại dựa trên tần suất xảy ra của nó. Ví dụ thể hiện rõ nhất điều này sẽ là Phi hành đoàn Hermes trong The Martians và Franken Fran trong, ờm, Franken Fran.

Trong The Martians, phi hành đoàn tàu Hermes đã bí mật thống nhất với nhau rằng nếu nhiệm vụ của mình gặp trục trặc gì, tất cả mọi người sẽ tự sát ngay lập tức. Trừ Johannsen. Nguyên nhân là bởi cô là người trẻ nhất và nhỏ con nhất, tức tiêu thụ thức ăn ít nhất, và sẽ có thể giãn được tối đa lượng thức ăn dự trữ trên đường về Trái Đất. Ngoài ra, nhưng người tự sát to con hơn, thế nên trong trường hợp hết thức ăn, Johannsen sẽ có nhiều "thức ăn" hơn. Vì chỉ chơi trò cực đoan trong mỗi một trường hợp như vậy, phi hành đoàn tàu Hermes là kiểu WIE "mùa vụ."

Franken Fran thì ngược lại hoàn toàn. Fran tuyệt đối tuân thủ lời thề y đức, luôn luôn tìm cách cứu sống các bệnh nhân của mình, hay chỉ đơn thuần là sẵn sàng giúp khách hàng thực hiện những yêu cầu quái đản. Chết nỗi Fran nghĩ rằng không có số phận nào tệ hơn cái chết, thế nên đồng chí này bằng mọi giá giúp bệnh nhân thoát chết. Nhưng tiêu chuẩn của cô nàng về "sống" hơi bị có vấn đề 🐧. Do gần như sống bằng cái nghề này, Fran là WIE "có biên chế".

Ngoài đó ra thì còn trăm ngàn cách đánh giá khác nữa, liệt kê ra không thể hết được. Anh em chỉ cần lưu ý là WIE bắt buộc phải có cả ý định tốt lẫn hành động theo một cách quá đà. Những trường hợp chẳng hạn như Palpatine trong Star Wars, bề ngoài thì thu hết quyền lực vào tay với mục đích mang lại hòa bình cho thiên hà nhưng động cơ thực lại là tạo ra một đế chế Phát xít cho bản thân, sẽ không được tính là WIE. Ca này chỉ Extremist thôi chứ Well-Intentioned nỗi nào 🐧?

P/S: anh em lưu ý là các nhân vật WIE về bản chất không tốt mà cũng chẳng xấu. Nếu một người hùng mà bị đẩy phần Extremist lên quá cao mà Well-Intentioned không đủ đô để níu lại thì có thể sẽ trở thành Anti-Hero hoặc kẻ xấu hẳn. Ngược với nó, kẻ xấu được đẩy phần Well-Intentioned lên và hạ Extremist xuống có thể sẽ trở thành Anti-Villain hoặc người hùng hẳn. Anh em nên đọc bài mình từng viết về Anti-Hero và Anti-Villain nếu muốn tìm hiểu thêm: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2451679941585925/

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.