Chuyển đến nội dung chính

Status Quo - cách Sci Fi đối xử với "hiện trạng" của thế giới


 Hôm nay bắt được một bài phỏng vấn Ted Chiang, tác giả Story of Your Life (với bản chuyển thể mang tên Arrival), rất hay. Thanh niên viết bài này giật tít hơi kinh, bởi vì mặc dù đúng là cái thứ của nợ đang khiến chúng ta mãi chưa hết Tết có được đem ra bàn luận, nó chỉ được dùng làm nền cho cái đề tài chính mà Chiang nhắc đến: Status Quo trong Sci Fi.

Trong trường hợp anh em chưa biết, Status Quo xuất phát từ một câu tiếng Latinh hay xuất hiện trong các hiệp ước đình chiến, ấy là "in statu quo res erant ante bellum." Dịch thô ra, nó có nghĩa là "tình trạng của mọi sự trước khi chiến tranh nổ ra." Nếu hai quốc gia đang giao tranh với nhau mà ký kết một hiệp ước với cái điều khoản đấy, mỗi bên sẽ rút quân về và khôi phục lại hệ thống chính trị của nước mình như hồi trước chiến tranh. Không bên nào được/mất lãnh thổ hoặc đặc quyền kinh tế, chính trị hết.

Nói cách khác, hiệp ước "in statu quo" sẽ reset mọi thứ về như cũ.

Dần dần thì cụm ấy được biến đổi thành "status quo," dùng để chỉ tình thế hiện tại của mọi sự, và được dùng trong rất nhiều lĩnh vực, từ kinh tế cho đến chính trị xã hội. Trong nghệ thuật kể chuyện, Status Quo cũng được dùng với ý nghĩa gần như giống hệt, chỉ tình hình gốc của mọi thứ lúc truyện mới mở ra, hoặc trước khi một Inciting Incident (https://www.facebook.com/.../SciFiRe.../learning_content/...) nào đó xuất hiện.

Trong bài phỏng vấn này, Chiang có nói các tác phẩm hư cấu thường được xây dựng dựa trên việc thọc ngoáy cái Status Quo. Cụ thể là ban đầu thế giới/cuộc đời đang yên ổn thì đùng một phát có chuyện gì đó xảy ra, làm sự tình rối rắm hẳn lên. Câu chuyện sẽ xoay quanh việc các nhân vật phản ứng với tình hình mới.

Đến đây, Chiang bảo ta sẽ có thể dựa trên cách câu chuyện kết lại mà chia nó thành 2 kiểu: Conservative và Progressive.

Anh em cứ bình tĩnh, đừng chạy vội, sẽ không dính gì đến chính trị Mỹ đâu 🐧. Từ giờ sẽ dịch chúng nó thành Duy Trì và Tiến Triển cho đỡ nhập nhằng nhé 🐧.

Một câu chuyện thể loại Duy Trì sẽ là kiểu chuyện Thiện vs. Ác truyền thống: thế giới đang tốt đẹp thì bị cái ác hủy hoại. Nhưng rồi cái thiện đánh bại cái ác, và thế giới lại tốt đẹp như xưa. Nói cách khác, các chuyện kiểu này kể về hành trình khôi phục Status Quo.

Ngược với nó, một câu chuyện xây dựng theo style Tiến Triển sẽ không bao giờ khôi phục Status Quo nữa. Thế giới ban đầu là A, và rồi một chuyện gì đó xảy ra, và bây giờ nó thành A', vĩnh viễn không còn quay lại thành A được nữa.

Chiang nói rằng bản thân ông cũng như rất nhiều tác/học giả của dòng Sci Fi tin rằng cái dòng này gần như chỉ toàn những câu chuyện thuộc thể loại Tiến Triển. Thế giới trong các câu chuyện Sci Fi ban đầu sẽ là một nơi quen thuộc (ít nhất là với các nhân vật trong truyện), nhưng rồi một khám phá hoặc phát minh mới ra đời, làm mọi thứ lộn tùng phèo và thế giới mãi mãi thay đổi.

Chiang khẳng định thêm rằng việc Status Quo bị xáo trộn không phải là một điều xấu. Rất nhiều tác phẩm Dystopia hay sa đà vào cái tư tưởng tiêu cực ấy, tô vẽ lên những thay đổi động trời, khiến cho nền văn minh nhân loại diệt vong sau khi Status Quo thay đổi. Tuy nhiên, cũng như việc thế giới không dừng quay sau khi chế độ phong kiến bị lật đổ trong Cách mạng Pháp, hay vũ khí hạt nhân ra đời khiến cho bộ mặt chiến tranh tổng lực thay đổi hẳn. Chiang tin rằng việc thay đổi Status Quo sẽ chỉ dừng lại ở đúng mức ấy mà thôi: thay đổi. Thế giới trong tác phẩm sẽ trông khác, cách chúng ta sinh sống sẽ phải khác, nhưng cả chúng ta lẫn thế giới sẽ vẫn còn đó, và dần dần một Status Quo mới hình thành.

Việc các tác phẩm Sci Fi lắm khi hay tô vẽ sự thay đổi Status Quo theo chiều hướng tăm tối xuất phát từ chính tâm lý con người ngoài đời: chúng ta rất sợ status quo của mình biến mất. Thay đổi status quo đồng nghĩa với rời bỏ miền quen thuộc và dấn thân vào miền chưa biết, và anh em trong group chắc hẳn chẳng lạ gì với cái câu này của Lovecraft: "Cảm xúc cổ xưa nhất và mạnh mẽ nhất của loài người là nỗi sợ hãi, và nỗi sợ hãi cổ xưa nhất và mạnh mẽ nhất là nỗi sợ những điều chưa biết."

Chiang nói vụ Cô Vy hiện nay là một ví dụ rất hay cho cái đề tài này. Nếu thế giới là một cuốn tiểu thuyết Sci Fi thì Cô Vy là Inciting Incident chính, làm thay đổi Status Quo của thế giới. Bản thân Chiang không biết hồi kết câu chuyện sẽ ra sao, nhưng ông tin cuốn tiểu thuyết này sẽ là một cuốn Tiến Triển. Sau khi Cô Vy qua đi, Status Quo của truyện sẽ không bao giờ được phục hồi nữa, và cuộc sống của các nhân vật (tức chúng ta) sẽ khác trước.

Mặc dù tất nhiên, chúng ta chẳng việc gì phải lo lắng quá đâu, vì như đã nói ở trên đó, Status Quo chỉ thay đổi thôi. Thế giới sẽ vẫn cứ quay đều.

Chắc vậy 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.