Trong trường hợp anh em chưa biết, Goodreads hiện đang phát động tuần lễ YA (truyện dành cho thanh thiếu niên). Và vì chúng ta đang sống trong một cái năm cứ càng ngày càng đâm đầu xuống đất, với biến cố mới nhất là vừa có một vụ nổ súng xảy ra ở gần Nhà Trắng, mình nhớ lại một cuốn YA Sci Fi ra đời từ 27 năm trước: Random Acts of Senseless Violence.
Trong quyển này, thế giới (hay ít nhất là Mỹ) vừa trải qua một biến cố nào đó, và kinh tế cứ trở nên ngày một sa sút, và kéo theo đó là cả xã hội nữa. Tổng thống thì cứ hết ông này lên thay ông kia, nhưng đều bất lực và chẳng xoay chuyển được gì cả. Nghe quen chứ 🐧?
Cụ thể hơn thì mọi người có thể đọc bài review mình từng viết bên dưới, còn trong bài này thì mình muốn bàn đến một vấn đề khác, lấy cảm hứng từ một bài review… chê quyển truyện này.
Cái review kia nội dung chính xác ra sao thì mình không còn nhớ nữa vì đã lâu quá rồi. Đại khái thì bài review bảo quyển này về cơ bản là “depression porn,” với một loạt các chuyện xấu xảy ra chẳng để làm cái gì cả ngoài vùi dập nhân vật. Quan trọng nhất, bài review có xoáy rất mạnh vào việc mọi hành động nhân vật thực hiện đều không làm thay đổi được bất cứ điều gì về thế giới hay bản thân mình hết, và điều ấy cũng chán như ngắm một khúc gỗ bị lũ cuốn trôi vậy. Ngắm để làm gì khi khúc gỗ ấy đâu thể tự thân lết vào bờ?
Cái nhận định đó làm mình nhớ một khái niệm rất hay, ấy là Locus of Control.
Locus of Control là một khái niệm trong tâm lý học, ra đời từ năm 1954. “Locus” là một từ Latinh, mang nghĩ “vị trí” hoặc “địa điểm.” Thế nên dịch nôm na ra, Locus of Control sẽ là “Điểm Kiểm Soát.” Đây là một cái thang đo, dùng để đánh giá cách một con người nhìn nhận về chủ thể chi phối đối với số phận của mình, hay ít nhất đối với các sự kiện mình gặp phải. Nếu coi rằng chính bản thân mình là tác nhân chi phối mạnh nhất đến các sự kiện diễn ra (bất kể theo hướng tiêu cực hay tích cực), người này sẽ được coi là mang thiên hướng tâm lý Internal Locus of Control (điểm kiểm soát nội tại); nếu coi rằng ngoại cảnh mới là thứ chi phối mạnh, người này sẽ thiên sang External Locus of Control (điểm kiểm soát ngoại tại)
Nói cách khác, Locus of Control xoay quanh cách “đổ lỗi” của con người ta mỗi khi gặp chuyện.
Ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé: nếu đi thi mà ăn điểm 0, một người thiên về Internal Locus of Control sẽ đổ lỗi cho bản thân, nghĩ nguyên nhân nằm ở việc mình chưa đủ cố gắng, học bài chưa kỹ, hay có chiến lược làm bài sai; một người thiên về External Locus of Control sẽ đổ lỗi cho ngoại cảnh, nghĩ nguyên nhân là do đề thi khó, mình bị giáo viên trù, hoặc thậm chí còn là thằng bên cạnh không chịu học để mình còn cóp.
Cái Locus of Control này có tính ứng dụng rất cao, chạy từ quản trị nhân lực, vận động tranh cử, nghiên cứu thị trường, cho đến nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu tôn giáo, điều trị bệnh,… Và lẽ đương nhiên, nếu nhìn vào cái dòng SFF nhà mình, ta cũng sẽ có thể thấy nó thấp thoáng đâu đó.
Cái đầu tiên sẽ là cách nhìn nhận các tác phẩm của chính chúng ta. Một người thiên về Internal Locus of Control sẽ cảm thấy khó chịu nếu gặp phải những tác phẩm mà nhân vật quá bất lực trước hoàn cảnh, chẳng hạn như Random Acts of Senseless Violence hoặc Flower for Algernon. Vì tôn chỉ của họ vốn là “Đức năng thắng số, nhân định thắng thiên,” người này sẽ cảm thấy khó đồng cảm với nhân vật, vì họ tin rằng đáng lẽ nhân vật chưa đủ cố gắng. Ngược lại, những người ngả về External Locus of Control sẽ sống theo châm ngôn “Sống chết có số, phú quý do trời,” và từ đó mà sẽ có độ chấp nhận cao hơn với những trường hợp như thế, và sẽ thấy dễ nuốt các tác phẩm kiểu vậy hơn.
Và vì gần như mọi tác phẩm SFF trên đời đều cần phải có nhân vật (không thì làm sao mà có câu chuyện nào được 🐧? ), thế nên ta gần như sẽ luôn có thể nhìn ra cái khái niệm này trong đó. Trong bản tiểu thuyết Công viên kỷ Jura, John Hammond là một người ngả về bên External Locus of Control. Đồng chí này cứ luôn tìm cách đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho rằng cái ý tưởng công viên của mình là hoàn hảo rồi, chỉ có điều do thiếu may mắn hay do người khác ngu nên mới bị thế này thôi. Tương tự như thế thì ta có Jekyll trong Bác sĩ Jekyll và Ông Hyde. Ngay cả trong bức thư cuối cùng mình để lại, thú nhận hết mọi chuyện, ông bác sĩ này vẫn cứ liên tục tìm cách tô vẽ Hyde như một thực thể tách biệt, và bảo rằng mọi hành động bỉ ổi của mình đều do hắn làm chứ không phải mình làm. Opal Koboi trong Artemis Fowl cũng nhiễm nặng External Locus of Control, với thậm chí còn đã có lần đổ cho nhân vật nhân mã Foaly tội đã làm mình bị kiệt hết phép thuật. Không ai hiểu đồng chí này móc đâu ra được cái cớ đấy, vì chính tay Koboi đã tự phẫu thuật gắn tuyến yên của con người vào cho bản thân để mọc cao lên, và chính vì thế mà mới bị hết phép thuật 🐧.
Đại diện cho Internal Locus of Control thì phải nhắc đến Jake trong Animorphs. Sau khi cuộc chiến với Yeerk kết thúc, Jake luôn tự đổ lỗi cho mình về tất cả mọi thứ, từ cái chết của <ai đó> cho đến những hành động kinh khủng mà mình từng làm, mặc dù tất cả mọi người đều bảo với Jake rằng đó là hành động hoàn toàn chính đáng, và là do lỗi ngoại cảnh là chính (đang có chiến tranh thì chẳng lẽ lại còn chơi quân tử với nhau được?). Melissa Lewis, sĩ quan chỉ huy nhiệm vụ thám hiểm Sao Hỏa trong Người về từ Sao Hỏa, cũng là một trường hợp tương tự. Lewis, đã buộc phải bỏ một người mà theo như tất cả những gì cả đội biết thì đã chết ngắc rồi ở lại Sao Hỏa, ấy là Mark Watney, để cứu những người còn lại. Khi phát hiện ra Watney còn sống, thay vì mừng rỡ thì Lewis lại bàng hoàng cả người vì cho rằng mình chính là kẻ đã kết án tử cho Watney (mặc dù vẫn tham gia nhiệm vụ giải cứu). World War Z thì có một lần còn lôi cả cái Internal Locus of Control ra để bàn luận, với một nhân vật cựu binh Đức nói là dân bên Tây Đức ngay từ nhỏ đã được thấm nhuần tư tưởng mọi thứ xảy ra đều là do tay mình, không thể đổ cho ai khác được. Chính thế nên lính Đức sẽ không thể có chuyện nại cớ “Tôi chỉ làm theo lệnh thôi” để trốn tội, bởi ai cũng nhớ lần trót lực lượng Wehrmacht “chỉ làm theo lệnh” thì đã xảy ra chuyện gì. Bởi vậy mà lúc nhận được lệnh triển khai Kế hoạch Redeker, một kế hoạch cực kỳ tàn khốc để đảm bảo sự tồn vong của loài người, một sĩ quan chỉ huy quân đội Đức đã tự sát vì nghĩ những người chết về kế hoạch này sẽ là do chính tay mình gây ra, chứ không phải do cấp trên bắt mình làm.
Một cái thú vị khác nữa là đôi khi ta sẽ thấy những hệ quả khá là dị của Locus of Control, khi các nhân vật bị đặt vào trong một tình huống mà gần như không thể chối bỏ được là khả năng kiểm soát đã vượt ra ngoài tầm tay của mình. Một trong những ví dụ ta cần phải kể đến là những người lính trong Trạm tín hiệu số 23. Giữa cảnh chiến tranh bom đạn nổ ầm ầm bên tai, với việc sự sống chết của bản thân hoàn toàn phụ thuộc vào ý trời, nhiều người bắt đầu có những cái tật rất kỳ lạ. Có người thì bắt đầu có quan niệm lật lưỡi đủ bao nhiêu lần đấy trước khi làm gì thì bom đạn nó sẽ chừa mình ra; có người thì nghĩ nằm cho đúng tư thế là cũng sẽ được sống nốt (hoặc cái gì đó tương tự như thế này, lâu rồi nên cũng không nhớ cụ thể lắm 🐧 ). Lẽ đương nhiên, làm thế chẳng có tác dụng làm đổi hướng bom rơi hết, nhưng nó vẫn giúp mang lại cho những người lính này một cái ảo tưởng rằng mình vẫn có cách để làm chủ được vận mệnh, chứ không phải là chẳng còn nước nào khác ngoài mặc cho số phận buông trôi. Ngay cả cái vụ nhân vật chính lì lợm ngồi lại viết nhật ký mặc dù nguy hiểm đang ở sát đít mà mình từng nhắc đến trong bài về Aluminum Christmas Tree (đọc full ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/?post_id=3136673429753236) cũng có thể được hiểu theo cách là họ đang cố gắng níu kéo lấy chút kiểm soát cuối cùng của bản thân đối với số phận, bởi vì viết lách là thứ họ có thể điều khiển được, còn Cthulhu thì sức đâu mà chống?
Tất nhiên, vì đây là một đề tài tượng tâm lý rất rộng nên có nói về nó cả ngày cũng chẳng hết được. Ngay cả những thứ động đến trong bài này có thể cũng sẽ dính nhập nhèm linh tinh vào với rất nhiều thứ khái niệm khác. Anh em nếu muốn tìm hiểu thêm thì cứ dựa vào keyword đó mà search nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓