Như anh em chắc đều đã biết, mỗi khi có công nghệ mới nào ra đời và được ứng dụng rộng rãi, nó sẽ luôn tạo ra các hiệu ứng domino, tác động đến cả những lĩnh vực thậm chí ngỡ tưởng hoàn toàn chẳng có tí dính dáng gì đến cái công nghệ kia.
Sci Fi đặc biệt thích khai thác cái bản chất này của nó, và đã có cực nhiều tác phẩm coi những khoa học công nghệ mới mẻ trong thế giới của mình không hơn gì một hòn sỏi, với nhiệm vụ chỉ là để tác giả quẳng nó vào giữa một mặt hồ xã hội để quan sát xem nó gây gợn sóng như thế nào.
Mặc dù ý tưởng nền thì hay thế, triển khai nó chẳng phải dễ dàng gì. Nếu mảng nào cũng lôi ra bàn cực kỳ dễ làm cho tác phẩm bị lan man, độc giả không có tâm điểm nào để nhìn vào hết. Đặc biệt là chẳng mấy ai muốn phải đọc mấy "bãi" thông tin to đùng về kinh tế, chính trị, xã hội... các kiểu con đà điểu.
Nhưng cũng có một chiêu rất hay mà không ít tác giả Sci Fi tận dụng, đó là Cho Người Nằm Chăn.
Thực ra thì chiêu này chưa có tên tuổi gì chính thức cả, nhưng mình tạm gọi tên như thế vì các cụ nhà ta có một câu thể hiện rất chuẩn cái hồn của nó: "Nằm trong chăn mới biết chăn có rận." Câu này ý muốn nói chỉ những người ở hẳn trong một ngành/nghề/mảng/địa vị nhất định mới thực sự thấu hiểu nó.
Lẽ đương nhiên, chân lý này sẽ đúng không chỉ trong thế giới thực, mà còn cả trong các thế giới giả tưởng nữa. Người biết rõ nhất về ảnh hưởng của một công nghệ mới đối với một khía cạnh xã hội bất kỳ sẽ không ai khác hơn một người có cuộc đời gắn liền với nó, trực tiếp bị tác động bởi mọi mặt tốt xấu của nó. Chính bởi vậy mà khi muốn khám phá khía cạnh nào, tác giả chỉ cần lôi một nhân vật đã "nằm chăn" ra, thuật lại trải nghiệm của họ là xong.
Nếu biết cách áp dụng tốt, đây sẽ là một chiêu thức rất lợi hại. Nếu câu chuyện có một nhóm nhiều người "nằm chăn", với đủ thể loại "chăn" khác nhau, tác giả sẽ có thể dễ dàng nhảy qua nhảy lại giữa các mảng mình muốn bàn bằng cách cho các nhân vật lần lượt thuật lại câu chuyện đời mình, hoặc nhìn nhận những sự việc hiện đang diễn ra qua con mắt của mình. Bởi vì các hệ lụy của công nghệ mới sẽ được thuật lại dưới dạng một câu chuyện đời thay vì một tài liệu cung cấp thông tin vô hồn, tác phẩm sẽ vẫn lưu giữ được độ hấp dẫn. Đồng thời, bản thân các nhân vật kể/chiêm nghiệm ấy cũng sẽ trở thành các "mỏ neo," giúp tạo cảm giác thông tin đưa ra không hề bị tràn lan vô định mà luôn có một cái tâm cụ thể, tiến dần về một mục tiêu nào đó.
Nói cách khác, Cho Người Nằm Chăn giúp tác phẩm có thể đồng thời mở rộng và đào sâu, nhưng không hề lo bị pha loãng hay khô khan.
Cho Người Nằm Chăn thực chất đã có từ cực kỳ xưa rồi, với một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất sử dụng nó là tuyển tập The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer. Nó đại khái xoay quanh một đoàn người đi hành hương, và trên đường thì tự tổ chức thi kể chuyện với nhau cho đỡ chán (và người thắng thì trên đường về sẽ được đãi cơm miễn phí). Vì tất cả các người hành hương đều có một quá khứ khác nhau, mỗi câu chuyện họ kể đều vẽ lên một khía cạnh của xã hội nước Anh cũng như Giáo Hội lúc bấy giờ, và khi tập hợp lại thì sẽ tạo thành một bức tranh châm biếm rất đa diện.
Trong Sci Fi thì ví dụ sử dụng Cho Người Nằm Chăn kinh điển nhất chắc sẽ là tuyển tập I, Robot của Isaac Asimov. Qua mắt của nhiều nhân vật, tác động của công nghệ rôbốt não positron với ba Định Luật cai quản ở một số mảng khác nhau được thể hiện rất rõ. Chúng chạy từ học thuật hoặc công nghiệp nặng thông qua cách nhìn nhận của những người như nhà tâm lý học rôbốt Susan Calvin và cặp đôi Powell & Donovan, kỹ sư thử nghiệm hiện trường; cho đến những thứ nhỏ bé đời thường dưới con mắt một bé gái vừa mất bạn hay một người phụ nữ cô đơn xa chồng. Quen thuộc với anh em hơn thì có cuốn Six Wakes của Mur Lafferty, với 6 (?) bản sao đến từ 6 ngành nghề khác nhau, và thông qua quá khứ cũng như cách họ tiếp cận vụ án mạng trên tàu Dormire mà ta có thể thấy sức ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ nhân bản vô tính cũng như chỉnh sửa não đồ đối với chính trị, tôn giáo, luật pháp, y học, hay thậm chí là cả... ẩm thực.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓