Dạo gần đây thanh niên Anh Cát Lợi đang gây khá nhiều tranh cãi với một chiến lược chống Cô Vy theo kiểu sống chết mặc bay đúng nghĩa đen: mặc cho dịch lan truyền khắp dân chúng để những người khỏi sẽ tự sản sinh ra sức đề kháng, còn ai không khỏi thì... thôi. Tỉ lệ dẹo chỉ là 2.7% chứ mấy.
Tức tầm 2 triệu mạng.
Rẻ nhỉ 🐧?
Cái chiến lược này hay dở ra sao thì tạm không động đến, nhưng nó đại diện cho một đề tài mà Sci Fi cực kỳ thích đem ra bàn: consequentialism.
Consequentialism dịch ra là "hệ quả luận". Đây là chủ nghĩa đánh giá tính đúng sai của một hành động dựa trên kết quả mà hành động ấy mang lại, thay vì bản chất của hành động ấy. Ví dụ, nếu một đất nước quá đói kém, không đủ lương thực nuôi tất cả, một giải pháp sẽ là quây hết người già lại và giết đi. Vì hành động này mang lại kết quả là số dân còn lại của cả nước (đồng thời cũng là lực lượng lao động chính) sẽ sống, consequentialism sẽ coi nó là hành động đúng đắn, bất chấp bản chất kinh khủng của nó.
Một trong những ví dụ nổi nhất về consequentialism trong Sci Fi sẽ là tác phẩm World War Z với Kế hoạch Redeker. Nó đề xuất rằng để sống sót qua thảm họa zombie, chính quyền cần rút về một nơi có điều kiện vị trí thuận lợi để phòng thủ, đồng thời đưa theo một bộ phận người dân sở hữu những kỹ năng thiết yếu để duy trì hoạt động sản xuất cũng như phục hồi dân số sau này.
Quan trọng nhất, để đảm bảo bọn zombie không tràn vào vùng an toàn này, một số nhóm người sẽ bị bắt phải sống sâu bên trong các khu bị zombie chiếm đóng. Họ sẽ bị cô lập hoàn toàn, không có đường thoát, với một nhiệm vụ duy nhất là sống càng lâu càng tốt để làm mồi nhử, dụ cho bọn zombie túm tụm lại quanh chỗ mình, ít lan tỏa và tiến vào khu an toàn hơn. Cực kỳ hiếm người trong những khu cô lập kia sống sót được qua cơn đại nạn zombie, nhưng họ đã câu được giờ cho chính phủ và các công dân trong vùng an toàn tiến hành sản xuất, và về sau tái chiếm toàn đất nước.
Kế hoạch tàn nhẫn này về sau cũng được rất nhiều đất nước khác áp dụng, bởi vì trong thời buổi tử thần gõ đến tận cửa rồi thì consequentialism sẽ lên ngôi. Thậm chí anh em có khi cũng từng áp dụng một phiên bản Kế hoạch Redeker rồi nếu từng chơi Plants vs Zombies, với những con tốt thí là mấy củ khoai tây (hay là đậu nhỉ 🐧? ) đứng cho bọn zombie ăn, câu giờ cho ta tích lũy tài nguyên và xây dựng phòng tuyến.
Ví dụ trên là một dạng consequentialism rất phổ biến, có tên utilitarianism, tức chủ nghĩa vị lợi. Utilitarianism đặt số đông lên làm trọng, sẵn sàng hy sinh một nhóm nhỏ nếu điều ấy đồng nghĩa với số đông được lợi. Hiểu nôm na là nếu phải -1 nhưng sẽ được +2 thì hãy cứ làm, vì kết quả cuối cùng vẫn là +1 (dù 33% bị diệt vong). Trong phim The Wrath of Khan, Spock đã phát biểu một câu huyền thoại mà về sau trở thành thương hiệu của chủ nghĩa utilitarianism: "Logic clearly dictates that the needs of the many outweigh the needs of the few." (Lôgic chỉ ra rất rõ rằng nhu cầu của số đông quan trọng hơn nhu cầu của thiểu số). Câu này được nói trong một tình cảnh rất đặc biệt, khiến bộ phim được nhiều người coi là hay nhất trong toàn franchise Star Trek. Trong truyện ngắn Digitocracy, Andy Weir cũng khắc họa chủ nghĩa utilitarianism thông qua cái sự lôgic có thể nói là bệnh hoạn hoặc thiên tài (tùy cách nhìn nhận) của con AI cai quản thành phố Wichita, khi nó bày mưu "hy sinh" nhân vật Damak, chỉ đển tổng mức hạnh phúc của thành phố tăng thêm 0.002%.
Một phiên bản khác của utilitarianism được đại diện bởi câu "for the greater good" (vì đại nghĩa). Nó đặc biệt ở chỗ người hưởng lợi chưa chắc đã là số đông mà có khi chỉ là nhóm nhỏ, nhưng miễn đạt được một cái "đại nghĩa" nào đó là ổn rồi. Ví dụ kinh điển nhất là Zapp Brannigan trong Futurama. Khi phải đối mặt với một đám rôbốt giết người có tên killbot, Brannigan đem toàn quân ra nướng cho đến khi bọn rôbốt chạm ngưỡng giới hạn bắn giết (999.999 mạng) và tự tắt đi thì thôi. Tương tự, trong The Ark của Christopher Coates, vì sao chổi sắp sửa làm Trái Đất bị nhiễm phóng xạ nặng, không cách nào cứu được, chính phủ Mỹ quyết định bí mật xây lô cốt và cho một nhóm nhỏ vào ngủ đông, chờ khi mức phóng xạ giảm xuống thì dậy xây dựng lại Trái Đất, 99% dân số thì chấp nhận cho hy sinh vì nghĩa lớn, đó là đảm bảo giống nòi không tuyệt chủng. Arkwright của Allen Steele thì đặc biệt hơn 1 chút, bắt khoảng 3 thế hệ con cháu của Nathan Arkwright, một tác giả Sci Fi pulp, phải chấp nhận hy sinh nhằm phục vụ giấc mơ tạo ra một khu thuộc địa ngoài Trái Đất của ông.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓