Chuyển đến nội dung chính

Schmategy - lấy "ngu" đè người


 Cuốn Dark Matter mà mình review cách đây mấy hôm làm mình nhớ đến một mô típ rất thú vị, đồng thời cũng rất ngớ ngẩn. Nó tên là Schmategy.

Schmategy là chiến lược sử dụng sự ngẫu nhiên để che mắt đối thủ. Nó xuất phát từ lá bài Strategy, Schmategy (dịch nôm na là Chiến Với Chả Lược) trong trò chơi Magic: The Gathering. Khi lá bài này được đánh ra, người chơi sẽ gieo một con xúc xắc 6 mặt, và tùy vào số mình nhận được mà lá bài sẽ có một hiệu ứng riêng. Bởi vì chẳng ai biết sau khi tung lá bài này ra thì kết quả mình sẽ nhận được là gì, và vì có khả năng nó sẽ bắt cả 2 người chơi cùng bỏ sạch bài trên tay đi và bốc mới Schmategy trở thành gương mặt đại diện cho chiến lược nhắm mắt làm bừa.

Schmategy có thể phân ra làm 2 cấp độ. Cấp độ đầu tiên sẽ là tích hợp nó vào trong một chiến lược tổng thể nào đấy. Người sử dụng Schmategy sẽ cân nhắc đánh giá tình hình hiện tại của mình, sau đó quyết định làm random một điều gì đó, và rồi từ đấy phát triển lên sau. Anh em sẽ có thể thấy cái này rõ nhất trong series Yu-Gi-Oh!. Khi phải thấy mọi quân bài mình đánh ra đều bị Pegasus (bấy giờ lắp mắt thần, biết đọc ý nghĩ)  thấy hết, Yugi để cho thanh niên Pharaoh trong người mình (hoặc ngược lại, không nhớ rõ lắm 🐧 ) bốc bừa bài và đặt xuống bàn, còn bản thân mình không biết lá bài nằm sờ sờ ở đấy là gì hết. Chiến thuật của Yugi về sau phát triển lên từ quân bài random đó.

Cấp độ Schmategy thứ 2 là toàn bộ kế hoạch sẽ mang tính ngẫu nhiên THỰC SỰ. Người sử dụng Schmategy từ đầu đến cuối không hề biết mình đang làm gì tí nào, và sẽ chưng hửng hoàn toàn khi thấy mình thành công.

Anh em có thể hiểu nôm na là lấy ngu đè người 🐧.

Ở cấp độ này, Schmategy trở thành một "chiến lược" có gốc gác thực tế hẳn. John von Neumann, cha đẻ của Lý thuyết Trò chơi, từng bảo sự ngẫu nhiên thuần túy (tức Schmategy cấp 2) là thứ duy nhất không có phương án đối phó chắc ăn. Nó là một trong những nguyên nhân đằng sau hiện tượng "beginner's luck" (ngáo ngơ mà vẫn thắng) trong hàng loạt các lĩnh vực khác nhau, bao gồm những thứ dùng nhiều não như trò chơi chính trị, đánh bài, đánh cờ,... cho đến những thứ chỉ có cơ bắp đơn thuần như đấu súng, đấm bốc, đấu kiếm... Lý do đơn giản là bởi những người hoàn toàn không biết gì sẽ hành xử theo một cách rất "ngu", không ai lường nổi, và cũng chính vì thế mà hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần để đối phó. Họ có thể cũng sẽ không mắc phải những cái bẫy, những trò lừa cao siêu mà dân chuyên bày ra, căn bản bởi vì những cái bẫy ấy là dành cho người hiểu biết ti tí, còn ba ngơ thì có hiểu gì đâu mà mắc lừa 🐧. Chính thế mà Mark Twain từng bảo thứ kiếm sĩ giỏi nhất thế giới sợ không phải là kiếm sĩ giỏi nhì thế giới, mà là một thằng cha cả đời chưa sờ vào kiếm bao giờ.

Một trong những ví dụ kinh điển nhất của Schmategy cấp 2 từng xuất hiện trong series The Wheel of Time. Trong bộ truyện này, tại một quốc gia tên Cairhien, đám quan chức và vua chúa hay chơi một cái trò là Daes Dae'mar, tức The Great Game, hay còn gọi là The Game Of Houses (ừ, Game Of Houses <("); và không, nó ra đời trước Game of Thrones 5 năm).

Gần như tất tần tật mọi công dân Cairhien đều tham gia Daes Dae'mar. Từng lời nói, hành động của bất kỳ ai đặt chân đến Cairhien đều bị săm soi, và đám dân Cairhien sẽ dựa vào đấy để suy đoán xem gia đình quý tộc nào đang mưu mô trò gì, muốn hại ai, bắt tay với ai, ai là thuộc hạ của ai, ai sắp "đào ngũ", vân vân và mây mây. Nó lên đến cấp độ thậm chí những thứ nhỏ mọn như cái hắt xì, phát ngáp cũng bị ngờ là một phần của Daes Dae'mar, và ai cũng nghĩ mọi thứ bề ngoài đều chỉ là giả dối. Chính bởi vậy nên khi Rand al'Thor, một thanh niên nhà quê lên phố, cứ thẳng ruột ngựa nói tằng tằng tất cả mọi dự định của mình ra, đám dân Cairhien cực kỳ hãi, bởi vì chẳng ai tin Rand đang nói thật, và cũng chẳng ai hiểu mưu đồ sâu xa của Rand là gì (vì có đâu mà hiểu 🐧 ). Rốt cuộc thanh niên được cả vua mời đến chơi nhà, vì tưởng cậu chàng có gì ghê gớm lắm 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.