Mấy bữa nay bận quá, giờ mới rảnh viết tiếp series này.
Như đã nói ở bài trước, Thời Đại Khai Sáng bùng nổ rất nhiều phát kiến khoa học, và các nhà văn bắt đầu dựa trên các nền tảng ấy để viết truyện. Sang thế kỷ 19 thì cái xu hướng đó càng phát triển mạnh mẽ hơn, và nổi bật nhất phải kể đến Frankenstein (1818) của Mary Shelley. Mặc dù lúc ra đời thì nó được coi là truyện kinh dị Gothic (và bây giờ vẫn có thể gọi nó là như thế), ngày nay nó được coi là tác phẩm Sci Fi đúng nghĩa đầu tiên trên đời. Nó đánh dấu sự một bước ngoặt trong Sci Fi, lúc Sci Fi bắt đầu khó có thể quy gọn vào trong bất kỳ dòng nào khác được nữa.
Mặc dù bây giờ cái dòng văn này đã trở nên hết sức tách biệt và riêng rẽ, nó vẫn chưa có một cái tên chung nhất nào. Thế rồi vào khoảng những năm 1840s, thuật ngữ “scientific romance,” tức khoa học lãng mạn, bắt đầu được dùng để nhận xét về các tác phẩm kiểu này. Nó dần dần được dùng để chỉ các tác phẩm với bản chất là khoa học hư cấu, và để chỉ trích cả các ấn bản khoa học thiếu cơ sở.
Điển hình nhất cho giai đoạn này là hai nhà văn Jules Verne và H. G. Wells. Họ viết hàng loạt các tác phẩm Sci Fi rất nổi tiếng, rất có tài nhìn xa trông rộng. Trong đó thì Verne viết các truyện mang tính chất phiêu lưu, còn Wells thì dùng khoa học để viết các tác phẩm chỉ trích xã hội. Mặc dù truyện của Verne vì mang nhiều chất phiêu lưu hơn nên hợp với phần “romance” trong “scientific romance” hơn, nhưng Wells mới là người dùng cái thuật ngữ đó nhiều hơn cả, giúp định vị nó trong tâm trí người đọc.
Mặc dù bây giờ, mỗi khi nhớ đến Scientific Romance thì người ta thường nhác đến tên hai đại văn hào kia, nhưng điều ấy không có nghĩa họ một mình một đất trong giai đoạn ấy. Cực kỳ nhiều tác giả khác cũng tham gia xây dựng Sci Fi thời kỳ này, trong đó có Arthur Conan Doyle (tác giả Sherlock Holmes) với series về giáo sư Challenger; Rudyard Kipling (tác giả The Jungle Book) với những bài thơ và truyện ngắn Sci Fi khiến cho Campbell (người mở ra Thời Đại Hoàng Kim của Sci Fi) phải gọi ông là "nhà văn Sci Fi hiện đại đầu tiên”; Mark Twain (tác giả Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer) với đề tài du hành thời gian trong A Connecticut Yankee in King Arthur's Court; L. Frank Baum (tác giả Phù thuỷ xứ Oz) với nỗ lực “khoa học hoá” thế giới xứ Oz của chính mình; Jack London (tác giả Nanh trắng) với hàng loạt truyện về Dystopia, Apocalypse; Olaf Stapledon (đại thụ của làng Sci Fi) nổi tiếng với những tác phẩm về "lịch sử" tương lai thế giới và loài người;…
Ngoài ra, giai đoạn này cũng là lúc một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện: điện ảnh. Với phát súng mở màn là Le Voyage dans la Lune (1902) của Georges Méliès, tác phẩm phim khoa học viễn tưởng đầu tiên trên thế giới, với những kỹ xảo hết sức đột phá, mở đường cho việc chuyển thể và thực hiện các bộ phim Sci Fi khác. Theo chân nó là hàng loạt các phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các tác phẩm Sci Fi tiêu biểu, chẳng hạn Frankenstein (1910) và Bác sĩ Jekyll và ông Hyde (1913) – những bộ phim đầu tiên mang mô típ nhà khoa học điên lên màn ảnh; Hai vạn dặm dưới đáy biển (1916) – phim khoa học viễn tưởng dài đầu tiên trên thế giới, đồng thời cũng là bộ phim đầu tiên quay dưới nước; The Lost World (1925) – một trong những bộ phim ứng dụng kỹ thuật stop-motion đầu tiên, Metropolis (1927) – bộ phim kinh phí cao nhất thời bấy giờ,…
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓