Powered Exoskeleton, tức khung xương trợ lực, vốn là một công nghệ hết sức quen thuộc trong dòng Sci Fi. Kể từ hồi E. E. Smith bắt đầu giới thiệu mô típ này đến với độc giả thông qua bộ truyện Lensman và Robert A. Heinlein giúp nó trở nên nổi tiếng hẳn với tác phẩm Starship Troopers đến nay, mô típ này gần như không bao giờ vắng mặt, với đủ các thể loại như giáp nặng phủ kín toàn thân của lính trong StarCraft, khung "xương" trần trợ lực trong All You Need Is Kill, hay thậm chí là một phiên bản gần như "quần áo" của Batman Beyond.
Lẽ đương nhiên, hiếm thứ gì trong Sci Fi chỉ nằm im trong cái dòng này lâu. Từ khi Nicholas Yagin chế tạo một thiết bị hỗ trợ vận động bằng túi khí nén hồi năm 1890 đến nay, con người đã liên tục tìm cách biến cái mô típ ấy thành hiện thực, và mặc dù hãy còn lâu nữa mới đạt được đến tầm các giấc mơ Sci Fi tô vẽ lên, ngành công nghệ này đã có nhiều bước nhảy vọt rất lớn. Và hiện nay, một trong những ứng dụng mới nhất của nó là giúp người già tiếp tục làm việc.
Không hào nhoáng như lính không gian, nhưng cũng chẳng đến nỗi 🐧.
Hiện tại cách ứng dụng này đang đụng phải hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên thì cảm thấy làm thế này là quá bóc lột, có tiềm năng biến con người thành "nô lệ tư bản" thời đại mới, phải dành cả đời làm việc đến rục xương (theo đúng nghĩa đen 🐧 ). Một bên thì cho rằng điều này sẽ giúp bổ sung nguồn nhân lực cho xã hội, nhất là các quốc gia với dân số già hóa như Nhật Bản, và đặc biệt nữa là cho người già có thêm mục đích sống thay vì cảm thấy mình như "người thừa" của xã hội.
Nếu có ông tác giả Sci Fi nào đang đọc thì có xung đột nền tảng cho cuốn mới rồi đó 🐧.
Mà kể cả nếu có gạt sang bên các tranh luận về đạo đức với xã hội, ứng dụng này còn giúp minh họa cho một trong những cách làm các thế giới SFF trở nên "thật" hơn bình thường: lấy công nghệ cao đi làm công việc cùi.
Mô típ này rất hay được các tác giả SFF tận dụng bởi vì nó phản ánh một trong những bản chất cố hữu của con người: ranh ma. Chúng ta tiến hóa/phát triển được đến ngày nay không phải nhờ cứ ngoan ngoãn cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, mà luôn táy máy nghịch ngu, để rồi phát minh ra những cách sử dụng đầy thiên tài cho các nguồn tài nguyên/dụng cụ cũ. Anh em nào hay tìm hiểu về lịch sử thì hẳn sẽ biết lính Anh trong Thế Chiến II từng tranh thủ tận dụng sức nóng của súng máy để... đun nước pha trà. Cũng trong Thế Chiến, thứ đánh bật gần như mọi loại súng đạn khác trên đời về độ chết chóc lại là một vật dụng hoàn toàn không ai ngờ đến: xẻng. Thậm chí cả băng vệ sinh của cánh chị em ngày nay cũng ra đời sau khi một đồng chí nhìn vào băng gạc chuyên dụng cho binh lính và thầm nghĩ, "Hừm, hình như mình còn quen ai khác suốt ngày chảy máu..."
Trong Sci Fi thì anh em có thể kiểm chứng rõ nhất cái ví dụ này qua bộ Animorphs. Bất chấp nắm trong tay một trong những công nghệ có thể nói là tân tiến nhất thiên hà, mấy thanh niên này lại dùng nó để đi... xem trộm hòa nhạc, bay lượn giải stress, và thậm chí chính nhà phát minh của công nghệ này, người Andalite, về sau cũng toàn dùng nó để đến Trái Đất "du lịch ẩm thực" do vị giác của con người mới quá. Ngoài nó ra thì tác phẩm World War Z cũng sử dụng cái mô típ này, có điều lành hơn tí. Thay vì tận dụng zombie để làm gì đó, các thứ công nghệ cũ của thế giới được đem ra để chống zombie, chẳng hạn một kiểu cạc bin lai AK về sau thành vũ khí chuyên dụng, hoặc một phiên bản cải biên của cái xẻng thời Thế Chiến 2 cũng tái xuất hiện. Hoặc như gần đây hơn thì cái trận mưa timefall chết chóc có khả năng làm "lão hóa" mọi thứ của Death Stranding được tận dụng không phải để chiếm thế giới hay gì to tát cả mà để... ủ bia cho nhanh.
Thế nên nếu có chế tạo ra công nghệ gì mới thì cũng chẳng cần đem đi làm gì to tát đâu. làm mấy việc đơn giản như giúp con dân vào p̶o̶r̶n̶h̶u̶b̶ ̶Facebook không proxy là được rồi 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓