Hôm nay mình vừa mới bắt được một cái tranh của báo Tuổi Trẻ Cười, xoay quanh một trong những hệ quả tiềm tàng mà chính sách cho phép học sinh cấp ba sử dụng điện thoại có thể sẽ gây ra, ấy là khiến trường lớp bị phân hóa thành hai “giai cấp”: có điện thoại và không có điện thoại.
Điều này làm mình nhớ đến một trong những mô típ rất hấp dẫn mà các tác phẩm SFF hay sử dụng, ấy là Fantastic Stratification.
Fantastic Stratification, hay còn gọi là Fantastic Caste System hoặc Fantastic Classism, dịch thô ra sẽ là Phân tầng Phi thực. Như cái tên của nó đã thể hiện, Fantastic Stratification xoay quanh các vấn đề liên quan đến sự phân tầng trong xã hội, hay nói cách khác là việc xã hội bị phân chia ra thành những giai cấp riêng biệt.
Mặc dù là một mô típ rất đa dạng, Fantastic Stratification nhìn chung có thể được chia ra làm hai loại chính, dựa trên cách các giai cấp của nó được phân chia. Đầu tiên ta sẽ có Fantastic Stratification “cứng,” với các cấu thành được phân chia ra một cách hết sức rạch ròi. Mỗi giai cấp khác nhau sẽ có hẳn một cái mác chính thức, được chính quyền công nhận hẳn hoi. Bản thân thành viên trong giai cấp cũng sẽ được cai quản bởi những luật lệ rất cụ thể, hạn chế những gì họ được phép làm, bất kể thực tài của họ có là như thế nào đi chăng nữa.
Tiếp theo thì lẽ đương nhiên là đến Fantastic Stratification “mềm,” với lằn ranh giữa các giai cấp cực kỳ mờ nhạt. Sẽ không có một sự phân hóa rõ ràng nào hết, nhưng vẫn có những thứ mơ hồ như mức độ giàu nghèo, tiền án tiền sự hoặc hành vi trong quá khứ gì đó phân chia con người trong xã hội vào những “tầng” cụ thể. Mặc dù trên lý thuyết thì ai thích làm gì cũng được, nhưng sẽ luôn có những rào cản vô hình khiến cho một số “tầng” người nhất định cực kỳ khó làm được những điều mà người ở tầng trên phẩy tay phát là xong (hay thậm chí còn chẳng thể làm được điều ấy).
Điểm thú vị của Fantastic Stratification là một trong những ví dụ kinh điển nhất về nó lại nằm ở một tác phẩm chẳng dính dáng gì đến SFF cả, ấy là Republic của nhà triết gia Hy Lạp cổ đại Plato. Trong cuốn Republic, Plato đề xuất rằng một xã hội lý tưởng sẽ phải được phân hóa làm ba giai cấp: Workers (thường dân sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ), Guardians (lính tráng duy trì trật tự xã hội và bảo vệ nó khỏi các mối đe dọa bên ngoài), và Philosopher Kings (giới trí thức cai trị đất nước). Workers là giai cấp thấp nhất, với trí tuệ gần như một dạng động vật, nhưng lại được quyền tận hưởng đủ thứ vui thú nhục dục các kiểu. Guardians thì có trí tuệ cao hơn, nhưng sẽ bị kìm kẹp rất nặng, ngay từ nhỏ đã được luyện cho trở thành một thứ vũ khí sống, và phải trung thành tuyệt đối với giai cấp thống trị. Philosopher Kings thì là cấp tinh hoa về đầu óc, được thoải mái hơn Guardians nhưng lại không tự do bằng Workers, bởi vì họ không được phép có bất kỳ ham thú nào ngoài suy tư triết học và đam mê công việc.
Nếu đã đọc nhiều, mọi người hẳn sẽ nhận thấy cái xã hội của Plato là nguyên mẫu của cực, cực, cực kỳ nhiều xã hội trong SFF. Phiên bản phái sinh nổi tiếng nhất sẽ là Brave New World với năm giai cấp chạy từ Alpha cho đến Epsilon, trong đó thì giai cấp ở tầng dưới như Delta và Epsilon sẽ bị giảm nguồn cung ôxi ngay từ trong giai đoạn bào thai để trở nên đần độn, chỉ biết bảo gì nghe nấy, đồng thời sau khi ra đời lại còn bị “lập trình” tâm lý để cảm thấy hài lòng và mãn nguyện với kiếp sống của mình.
Series Foundation của Isaac Asimov cũng lấy cảm hứng từ Republic, với mục đích tối thượng của việc thành lập tổ chức Foundation là để sau khi Đế chế Thiên hà sụp đổ, một đế chế mới sẽ trỗi dậy, nhưng lần này thì sẽ có một tầng lớp cai trị tinh hoa riêng biệt hẳn đứng ra nắm quyền. Hay một cái là mô típ Fantastic Stratification ở trong này lúc thì được mô tả như một điều rất hợp lẽ và đúng đắn, lúc thì lại bị nhìn nhận như thể nó là một cái triết lý đầy nguy hiểm cần ngăn chặn.
Bộ phim Man of Steel của Zack Snyder thì thậm chí còn chẳng thèm úp mở làm gì, nói toạc móng heo luôn là mình đạo của Republic, với một cảnh nhân vật Clark Kent hồi nhỏ cầm trong tay chính cái quyển sách này khi bị một đám đầu gấu bắt nạt. Bản thân bộ phim cũng tích hợp hệ thống của Republic vào cho xã hội Krypton, với người dân Krypton được sinh sản nhân tạo cho thích hợp với từng mục đích riêng, và Clark là người duy nhất ra đời với tất cả mọi tiềm năng của xã hội Krypton chứ không bị gò trong cái khung nào hết.
Cuốn Flatland của Edwin Abbott mà Nhã Nam sắp tới đây sẽ cho ra mắt cũng là một ví dụ rất hấp dẫn về Fantastic Stratification. Lần này thì các giai cấp được phân chia dựa trên… hình dạng cơ thể. Theo đúng nghĩa đen. Đứa nào càng có ít góc cạnh (chẳng hạn như tam giác với đường thẳng) thì càng là tầng lớp thấp kém. Nếu như một cái tam giác mà có các cạnh bằng nhau chằn chặn (tam giác đều) thì nó sẽ thuộc hàng thông minh trong giai cấp của mình, nhưng vẫn cứ là mạt hạng như thường. Càng đa diện bao nhiêu (ví dụ như tứ giác, ngũ giác, lục giác) thì càng cao cấp, với hình tròn là đẳng cấp tối thượng. Tuy nhiên, nếu thằng nào nhiều cạnh nhưng góc xiên xẹo (ví dụ như hình bình hành) thì sẽ là thể loại lệch lạc về tâm hồn, và có xu hướng trở thành tội phạm.
Nếu như nhìn vào trong mấy tác phẩm YA Sci Fi, đặc biệt là những cuốn mới ra dạo gần đây, ta sẽ thấy gần như cuốn nào cũng sẽ có Fantastic Stratification. The Hunger Game, Red Rising, Legend, Divergent, Mortal Engines… mấy thanh niên kiểu này gần như luôn có một sự phân hóa nào đấy diễn ra trong xã hội, không cứng thì cũng mềm. Chủ yếu mấy giai cấp đó xuất hiện là bởi làm thế thì dễ sản sinh ra hotboy nổi loạn để mấy cô tiểu thơ quý phái phải lòng 🐧. Nhưng tất nhiên, cũng không thiếu trường hợp YA sử dụng mô típ Fantastic Stratification để bàn về những đề tài nghiêm túc, chẳng hạn Random Acts of Senseless Violence của Jack Womack dùng sự phân hóa giàu nghèo để vừa ngầm chứng minh rằng đôi bên đều không ai hơn ai cả, vừa để cho thấy sự suy thoái của xã hội sẽ chẳng chừa bất kỳ tầng lớp nào.
Một thằng khác cũng hay dùng Fantastic Stratification như YA Sci Fi sẽ là cái dòng mang thương hiệu có lẽ nổi tiếng nhất của Sci Fi: Cyberpunk. Như mình đã nói trong bài viết tổng quan về Cyberpunk (anh em có thể đọc full ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/1492902304130365/), bản chất của cái dòng này được tóm gọn trong cái câu “Công nghệ cao – thế giới nát.” Gần như mọi tác phẩm Cyberpunk đều xoáy rất mạnh vào sự tha hóa của xã hội, đặc biệt là cách nó khiến ranh giới giàu/nghèo trở nên gần như không còn có thể vượt qua được nữa. Sẽ có một tầng lớp tài phiệt tư bản nắm trọn hết mọi thứ tài nguyên và quyền lực, trong khi dân thường thì loay hoay sống dưới đáy bùn lầy. Thể hiện rõ nhất cái này sẽ là game Cyberpunk 2077 sẽ ra mắt tháng sau (hy vọng thế 🐧 ), với ba giai cấp để ta lựa chọn là Corpo (dân làm cho tập đoàn), Nomad (về cơ bản là dân du mục, đi lang thang khắp nơi), và Street Kid (dân sinh sống trong khu ổ chuột).
Một ví dụ mang tính ngụ ngôn hơn về Fantastic Stratification sẽ là mẩu truyện ngắn The Masque of the Red Death do Edgar Allan Poe sáng tác. Trong tác phẩm này, một đại dịch bấy giờ đang càn quét khắp đất nước, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng. Đại dịch đó có tên là C̶o̶v̶i̶d̶ Red Death, bởi lẽ người nào mắc phải thì sẽ xổ hết máu ra khỏi các lỗ chân lông trên người và lăn ra chết trong vòng nửa giờ. Tuy nhiên, chỉ có đám dân thường là phải hãi sợ Red Death, còn giai cấp quý tộc thì tụ hết vào một cái tu viện, vẫn điềm nhiên ăn chơi chè chén mà chẳng sợ gì. Nhưng rồi hiện thân của Red Death cuối cùng cũng xuất hiện, và đã tước đi sinh mạng của kẻ cầm đầu đám quyền quý kia, cho chúng thấy một khi Tử thần đã đến gõ cửa thì nhà ngói cũng như nhà tranh hết.
The Masque of the Red Death có một người em song sinh trong Sci Fi, với hộ khẩu nằm ở World War Z của Max Brooks. Trong thế giới của World War Z, một đại họa zombie đã bùng nổ, và một nhóm chính khách cũng như người nổi tiếng túm tụm vào một cái khu căn cứ (thực ra là biệt thự thôi, nhưng nó được bảo vệ nghiêm ngặt vô cùng) để lánh nạn. Đinh ninh không ai động được đến mình ở đây, đám đấy cũng ăn chơi phè phỡn nốt, thậm chí còn livestream cảnh tiệc tùng của mình cho cả thế giới xem. Chính cái hành động ngạo nghễ đấy đã đặt dấu chấm hết cho đám này, bởi vì người dân ở khắp nơi trên thế giới biết rằng có một khu căn cứ rất an toàn và chứa đựng nhu yếu phẩm đủ cả, thế là đã ùn ùn xô đến, đánh sập hệ thống phòng ngự của nó, và phá tan hoang cái căn cứ kia.
Ngoài đó ra thì World War Z còn chưa đựng một số mẩu truyện liên quan đến Fantastic Stratification nữa, và cũng như cái căn cứ của người nổi tiếng kia, nó trực tiếp lôi một số cái sự phân hóa giai cấp có thực ra bàn. Ví dụ như trong một câu chuyện diễn ra tại Ấn Độ, một toàn người bỏ trốn zombie chạy ra bãi biển. Ngoài đó, có một số con thuyền sẵn sàng chở người mà không cần hỏi, nhưng cũng có một số thuyền dí đèn vào mặt từng người một, và chỉ chấp nhận chở những người thuộc giai cấp thượng đẳng. Một mẩu truyện tương tự khác diễn ra ở Nhật, với một nhân vật là người bị tác động bởi bom nguyên tử, và trở thành một hibakusha, bị coi là giai cấp ô uế, và cứ phải thui thủi sống một mình.
Phân hóa xã hội vốn dĩ gắn liền với sự tồn tại của con người rồi. Dù có phát triển lên đến cỡ nào, nhân loại sẽ luôn có người hơn người thiệt. Kể cả nếu một cái tương lai như The Culture có xảy ra, và chúng ta có thể san sẻ đồng đều nguồn lực cho tất cả mọi người đi chăng nữa, sẽ luôn có ít nhất một người nỗ lực hơn những người còn lại, hoặc mang tham vọng hơn những người còn lại. Người này sẽ đẩy bản thân lên một vị trí cao hơn về mặt nào đó, và thế là xã hội lại có tầng có cấp như cũ. Chính thế nên các vấn đề liên quan đến giai cấp sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời cả, và SFF chắc sẽ chẳng bao giờ ngưng áp dụng Fantastic Stratification để bình luận về thời thế đâu.
P/S: cái Fantastic Stratification này có liên hệ rất mật thiết đến một mô típ khác mà mình đã từng bàn đến, ấy là Fantastic Racism. Về cơ bản, cái này cũng chia tầng xã hội, nhưng mà là chia tầng theo chủng tộc. Anh em có thể vào bài gốc của nó ở đây để đọc thêm nhé: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2287245691362685
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓