Trong bài về lý do độc giả phương Tây không mấy mặn mà với truyện chưởng của Kim Dung mà bạn Trần Minh share bữa trước, mình thấy có một đoạn nó nói thế này:
“[…] dù có những đầu truyện rất hay, rất được yêu thích như Anh Hùng Xạ Điêu, khi được biến hóa để trở thành The Legends of the Condor Heroes, nó lại bị quy vào nhóm sách "fantasy" (viễn tưởng).”
Như trong bài bạn Minh hôm trước đã thể hiện, câu này thú vị ở chỗ nó khơi dậy cả một cuộc tranh luận về việc liệu truyện chưởng, với những tình tiết hư cấu nằm ngoài khuôn khổ khoa học chính thống, có nên được tính là Fantasy hay không. Nhưng ngoài đó ra, đoạn trích trên còn có một điểm đáng chú ý khác. Với kiểu trình bày của mình, cái câu đấy đã vô tình trở thành minh chứng cho một định kiến rất ngớ ngẩn, vốn đã bám rễ trong đầu óc hầu như tất thảy người đọc phổ thông từ rất lâu rồi. Định kiến đó là cứ dính đến Fantasy, tác phẩm sẽ mặc nhiên trở thành thấp kém.
Anh em nào ở trong group lâu thì hẳn đã thấy mình kêu than cực kỳ nhiều lần về các định kiến mà dòng SFF phải hứng chịu rồi. Vì bản chất của group, mình trước nay chủ yếu toàn xoáy mạnh vào Sci Fi và sự hắt hủi nó toàn lãnh nhận từ làng văn chính thống, phàn nàn về việc thiên hạ chỉ cần thấy có một con tàu vũ trụ thò mặt vào câu chuyện hay một cánh tay máy giơ lên là sẽ tự động coi cuốn sách đang đọc như một thứ văn hóa phẩm hạng hai, bất cần quan tâm đến việc nó chứa đựng mọi yếu tố làm nên sự hấp dẫn của các tác phẩm vẫn được tung hô là vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ.
Tuy nhiên, Sci Fi không phải là thằng duy nhất phải chịu cái kiếp đấy, mà cả người anh em Fantasy của nó cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Tương tự với Sci Fi, cứ khi nào một tác phẩm để cho nhân vật của mình có tai nhọn thay vì tai thường, đọc sách dạy bùa thay vì tuyển tập Shakespeare, tâm sự với linh hồn tổ tiên thay vì nhắn tin cho bạn, là nó sẽ có xu hướng bị coi nhẹ. Câu chuyện có thể chứa đựng những lên xuống đầy kịch tính và lôi cuốn, những thông điệp nhân sinh sâu sắc, những triết lý đáng suy ngẫm, tất thảy những gì làm nên một tác phẩm hay nếu xét khách quan, nhưng sẽ vẫn chỉ được coi là “hay” trong ngoặc kép. Bất kể có làm gì, Fantasy vẫn sẽ thua vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ, đơn thuần vì nó không chịu ngồi im trong khuôn khổ thế giới thực đầy gò bó.
Nhưng Fantasy may hơn Sci Fi ở chỗ nó tồn tại từ trước Sci Fi rất lâu rồi, chưa kể các mô típ của nó cũng tương đối dễ áp dụng so với Sci Fi, thế nên mảng này sở hữu một lượng tác phẩm dồi dào hơn hẳn, với một số thằng thậm chí còn đã được công nhận là điển phạm (tức các tác phẩm mẫu mực, đại diện cho nền văn học của một thời kỳ hoặc thể loại nhất định) của văn chương nói chung. Sự tồn tại của các tác phẩm đó là minh chứng hùng hồn nhất cho sự vớ vẩn của việc coi Fantasy như một thể loại mặc định thấp kém so với vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ. Trong số ấy, tiêu biểu nhất phải kể đến một thằng hầu như chẳng ai dám gọi là nhăng nhít: The Picture of Dorian Gray.
The Picture of Dorian Gray, hay như tựa tiếng Việt là Bức họa Dorian Gray, là một tác phẩm do Oscar Wilde sáng tác hồi năm 1891 (mở rộng lên từ bản tiểu thuyết ngắn cùng tên, ra đời trước đó 1 năm). Truyện kể về một anh chàng hết sức điển trai tên là Dorian Gray, vốn là một người khá lành. Nhưng dưới sức ảnh hưởng của một nhà quý tộc tên Henry, Dorian dần dà trở nên tôn sùng vẻ đẹp thuần khiết và đắm chìm trong nhục dục. Đáng chú ý là vì một lý do bí ẩn nào đấy, tâm hồn Dorian lại được “phản ánh” lên một bức chân dung của anh. Anh càng tha hóa, tranh càng biến dạng và trở nên xấu xí. Thậm chí về sau, bức tranh đó còn già đi thay cho Dorian, giúp Dorian giữ được vẻ đẹp trai trẻ ngay cả khi tuổi đời đã dần chạm ngưỡng 40.
Như anh em hẳn đã có thể thấy từ mô tả trên, The Picture of Dorian Gray có một bức tranh đầy ma quái. Nó có thể tự biến đổi hình dạng, tương ứng với sự vẩn đục và sa đọa trong tâm hồn người khác, và còn đóng vai trò như suối nguồn tươi trẻ cho nhân vật. Đến hồi kết của câu chuyện, ta sẽ thấy nó còn gắn kết ma thuật với nhân vật theo một cách khá ghê rợn khác, chứ không chỉ đơn thuần là một tấm gương soi tâm hồn hay giếng trữ tuổi. Sự hiện diện của những yếu tố phép thuật không thể giải thích được ấy đồng nghĩa với việc The Picture of Dorian Gray là một tác phẩm Fantasy, không chạy đi đâu được.
Trên thực tế, nếu nhìn từ một số khía cạnh, The Picture of Dorian Gray còn là một tác phẩm Fantasy khá hardcore chứ chẳng đùa. Nó không giới hạn yếu tố ma thuật vào những tình tiết nhỏ nhoi, không có ảnh hưởng trực tiếp đến câu chuyện như cách 2 cuốn đầu của series Gormenghast làm, chỉ để màu mắt và một sự ngờ ngợ quái lạ đến từ mô tả gợi chất Fantasy cho tác phẩm. Nó không ỡm ờ về bản chất của những yếu tố ma quái mình chứa đựng như The Haunting of Hill House, một tác phẩm nơi mọi thứ đều có thể được giải thích một cách khoa học. Nó chấp nhận để thế giới nhuốm màu Fantasy chứ không chừa đường lui kiểu bộ đôi tiểu thuyết Alice in Wonderland, với tất cả những gì quái chiêu đều có thể quy vào một giấc mơ chứ chẳng dính gì đến thế giới thực.
Và cái sự Fantasy của truyện có khiến nó trở nên ngớ ngẩn hay kém hay tí gì không?
Câu trả lời sẽ là không. Mọi vẻ đẹp trong câu từ của Oscar Wilde vẫn giữ nguyên nét thanh tú của mình. Những kịch tính và xung đột của câu chuyện không vì sự xuất hiện của phép ma mà thui chột đi. Các triết lý và những thông điệp bóng gió ẩn trong truyện không vì thế mà mất đi sự sắc bén. Thực chất, chính sự tồn tại của các yếu tố Fantasy còn giúp củng cố và tăng cường cái hay của câu chuyện lên, cho phép tác phẩm phát huy được tối đa mọi tiềm năng của mình. Nếu lọc bỏ phần Fantasy ra khỏi The Picture of Dorian Gray, câu chuyện sẽ không chỉ đơn thuần kém hay đi, mà nó sẽ còn sụp đổ hoàn toàn, bởi vì mọi thứ đều trói buộc quá khăng khít vào với bản chất Fantasy đấy. Dù với tài nghệ của mình, nếu bị ép phải gạt phần Fantasy đi, Oscar hẳn sẽ vẫn xoay xở tái cấu trúc câu chuyện để cho ra một tác phẩm hấp dẫn và ý nghĩa, nhưng khi đấy, ta sẽ chỉ có một thứ khác hoàn toàn, chứ The Picture of Dorian Gray vĩnh viễn không thể được tái tạo.
Và The Picture of Dorian Gray không phải là tác phẩm Fantasy duy nhất có cho tiền cũng chẳng ai dám bảo kém cạnh gì vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ. Liệt kê sơ sơ, ta có trường ca Odyssey và Iliad của Homer, Hamlet của William Shakespeare (ok, cái này là kịch, nhưng vì có hàng loạt sách tổng hợp kịch Shakespeare, và chúng cũng hay được đem ra mổ xẻ nghiên cứu trong các lớp văn phương Tây, anh em cứ tạm tính nó vào nhé 🐧 ), Gulliver's Travels của Jonathan Swift, Divine Comedy của Dante Alighieri, Metamorphosis của Franz Kafka… Cũng như The Picture of Dorian Gray, tất cả bọn chúng đều chứa đựng những điều phi lý, không thể giải thích bằng lôgic hay khoa học của thế giới thực, nhưng vẫn chẳng hề ảnh hưởng đến độ hay của tác phẩm. Và cũng như The Picture of Dorian Gray, lọc bỏ mấy phần Fantasy đấy ra khỏi tác phẩm thì cũng đồng nghĩa với đánh sập toàn bộ tác phẩm, và có xây lại thì cũng phải tích hợp những yếu tố điêu toa cũ vào, nếu không muốn tạo ra một thứ lệch quá xa với tác phẩm gốc.
Nhưng đáng tiếc thay, phần lớn mọi người đều ngó lơ những điều trên. Nếu một tác phẩm Fantasy hay thật xuất hiện, họ sẽ chỉ chăm chăm nhìn vào nó từ một số góc độ nhất định, sao cho một phần bản chất thực của nó bị lấp mất, hoặc không thì cũng tìm cách nâng tầm giá trị của việc bám sát thực tại lên, ngõ hầu để Fantasy bị thấp xuống một bậc. Rốt cuộc, với trọng pháo bị tước mất, và một đặc tính độc đáo cố hữu bị cộp mác hèn kém, cái dòng Fantasy khó lòng ngóc đầu dậy nổi, dẫn đến việc ta có những câu trích như trong cái bài về Kim Dung của Gamek.
P/S: mình hồi trước từng share một bài phỏng vấn Terry Pratchett, trong đó ông cụ cũng bàn về chính cái sự ngớ ngẩn của việc coi Fantasy là dòng văn hạng hai. Nếu quan tâm anh em có thể tham khảo ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/4060604137360156/.
Ngoài đó ra thì group từng có một bài điểm qua một số dòng Fantasy phổ biến (không phải tất cả các dòng Fantasy trên đời đâu, vì nếu kể hết ra thì server Facebook không đủ dung lượng 🐧 ). Anh em có thể tham khảo để phần nào ý thức được Fantasy nó đa dạng đến cỡ nào nhé: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/2986175241469723/
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓