Hôm nay bên Tor vừa đăng một bài rất hay, ấy là hướng dẫn cách lập di chúc sao cho hợp pháp trong trường hợp... bị zombie cắn (hoặc ma cà rồng/ma sói/quỷ nhập).
Mặc dù chỉ là một bài viết cợt nhả, nó đưa ra những hướng dẫn hết sức nghiêm túc, bao gồm tiêu chí chọn người được uỷ quyền để thay mặt ta ra các quyết định quan trọng, phương hướng xử lý với xác/thi thể sống của bản thân khi gặp chuyện, cách tẩm liệm hoặc nuôi nhốt, lựa chọn quyền hồi sinh (nếu có),...
Quan trọng nhất, bái viết này có thể được coi như ví dụ cho một mô típ mà ngày nay đang rất thịnh hành: Deconstruction.
Deconstruction thực chất không phải là mô típ, mà nó là cách biến tấu mô típ. Dịch thô ra, Deconstruction là "tháo dỡ", chỉ cách nó "bổ" những lối kể chuyện quen thuộc ra để phân tích. Về cơ bản, nó sẽ mang một mô típ bất kỳ áp vào trong đời sống thực tại, và bắt đầu phân tích những hệ lụy/vấn đề có thể phát sinh từ mô típ đó, hay thậm chí cho thấy nó khó có thể tồn tại được ở thế giới thực đến nhường nào.
Trong Sci Fi, ta có thể kể đến hai cuốn tiểu thuyết về zombie của Max Brooks, ấy chính là The Zombie Survival Guide và World War Z. Cả hai đều là phiên bản Deconstruction của mô típ tận thế zombie ngoài đời thực. Trong 2 tác phẩm này, Brooks phân tích cách thế giới sẽ phản ứng với đại họa zombie, việc những "chiến lược" và vũ khí hay thấy trong truyện sách với phim ảnh sẽ phản tác dụng hay mang lại hậu quả không ngờ ra sao, hay những gì tầm thường thì lại hữu ích thế nào.
Một phiên bản Deconstruction chúng ta quen thuộc hơn thì sẽ là series Animorphs, với các mô típ về người ngoài hành tinh, đặc biệt là người hùng thiếu nhi bị đập cho nát như tương. Người ngoài hành tinh trong Animorphs dị hợm hẳn về mọi khía cạnh, không có chuyện hao hao giống người như hay thấy trong Sci Fi. Những đứa trẻ trong Animorphs cũng phải đối mặt với hậu quả rất thực về tâm lý khi tối ngày gồng mình chém giết và sống trong nơm nớp lo sợ.
Ngay cả các triết lý hay thậm chí cả một dòng lớn cũng có thể trở thành mục tiêu của Deconstruction, với ví dụ bao gồm Man of Steel cũng là một tác phẩm Deconstruction rất hay của mảng siêu anh hùng. Nó cho thấy những năng lực của một đứa trẻ người ngoài hành tinh như Clark Kent sẽ đáng sợ đến như thế nào nếu nhìn nhận từ góc độ của một xã hội chưa từng tiếp xúc với nền văn minh lạ mặt bao giờ. The Incredibles cũng là một bản Deconstruction về những hệ lụy mà siêu anh hùng để lại khi làm việc nghĩa, và cả chủ nghĩa sùng bái anh hùng tiềm ẩn nguy hiểm ra sao.
Bên cạnh đó thì cũng còn phải kể đến series BioShock kinh điển. BioShock gần như có thể gọi là phiên bản Deconstruction của Atlas Shrugged do Ayn Rand viết, cho thấy cái chủ nghĩa khách quan nếu mà không được kiềm chế thì nó sẽ nát ra làm sao. Đồng thời BioShock còn là Deconstruction của cả dòng Utopia, cho thấy mọi "vườn địa đàng" đều có kẽ hở để từ đó sụp đổ. Bioshock Infinite thì chuyển sang Deconstruction dòng Steampunk, cho thấy các tác phẩm thuộc dòng này đôi khi hay thần thánh hóa giai đoạn hậu Cách mạng Công nghiệp quá đà, quên mất rằng nó có rất nhiều thứ bẩn tưởi ngầm bên dưới.
Deconstruction từng được mình nhắc sơ qua trong một bài về một số phương thức biến tấu mô típ rồi. Nếu anh em nào muốn đọc thêm thì có thể tham khảo ở đây nhé: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2477149465705639/
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓