Trong nghệ thuật kể chuyện, có một phương thức được gọi là Rashomon.
Rashomon vốn là tên một bộ phim năm 50 do Akira Kurosawa đạo diễn. Phim xoay quanh 1 cô gái, chồng cô, và 1 tên cướp. Cuộc gặp gỡ giữa 3 người này dẫn đến kết quả là: A) anh chồng bị khống chế và trói lại, B) cô gái và tên cướp làm tình với nhau, C) anh chồng chết. Về sau, khi cả 3 cùng được đưa ra tòa (anh chồng được gọi hồn về và cung cấp lời khai qua 1 bà đồng), mỗi người đưa ra 1 phiên bản khác nhau của câu chuyện.
Tên cướp nói cô vợ phải lòng hắn, và hắn giết người chồng trong 1 cuộc tỉ thí cân tài ngang sức để giành quyền sở hữu cô vợ. Cô vợ nói mình bị cưỡng bức, và khi thấy chồng tỏ vẻ khinh thị mình vì đã mất phẩm giá, cô mất trí giết chồng. Hồn anh chồng bảo cô vợ phải lòng tên cướp, và làm tình xong thì dụ tên cướp giết chồng mình, nhưng tên cướp khinh bỉ cô vợ vì hành động đó nên đã thả anh chồng ra, và anh chồng tự tử vì không muốn sống nữa.
Bộ phim được đón nhận nồng nhiệt, và dần dần Rashomon trở thành thuật ngữ để chỉ lối kể chuyện ấy: cùng 1 sự kiện được thuật lại bởi nhiều nhân vật, với các ý chính về cơ bản là giống nhau, nhưng mỗi lời thuật lại có thay đổi về tiểu tiết. Có thể các tiểu tiết ấy sẽ bổ sung cho nhau, giúp lấp đầy khoảng trống của người này người kia, hoặc xem chừng trái ngược hẳn với nhau. Đôi khi tác phẩm sẽ chẳng nói đâu là thật cả, và người đọc/xem phải tự biết gạn lọc cũng như quyết định đâu là đúng đâu là sai. Đôi khi thì sẽ có một phiên bản sự thật chung nhất lồng vào, nhưng ngay cả khi ấy thì sẽ vẫn có thể có một hai chi tiết nào đó làm người đọc/xem nghi ngờ độ chân thực của sự việc.
Nói gọn lại thì Rashomon là chuyện sẽ xảy ra nếu ta để 1 đám Unreliable Narrator cùng kể lại một câu chuyện.
Vì bản chất của nó, Rashomon được dùng rất nhiều trong các tác phẩm trinh thám và thriller, và thậm chí còn là tên của một hiệu ứng có thật ngoài đời (Rashomon Efffect). Nhưng trong SFF, nó cũng nhiều lần được sử dụng một cách rất tài tình.
Ví dụ kinh điển nhất mà hẳn ai cũng biết là như trong ảnh, khi Dumbledore, Snape và Lupin cùng kể lại 3 phiên bản của việc James Potter "cứu" Snape, với phiên bản của Lupin chắc là gần với sự thật nhất (đừng quên đây là bạn thân của James và cũng không ưa gì Snape). Trong tập phim Crocodile của tuyển tập Black Mirror, một nhân viên bảo hiểm phải đi thu thập ký ức của hàng loạt người cùng chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, và mỗi người lại hơi nhớ về sự kiện ấy theo một kiểu hơi lệch lạc. Trong game The Witcher 3, ta có câu chuyện về The Bloody Baron và vợ mình, mỗi người đều có một phiên bản khác nhau về cuộc hôn nhân bất hạnh của họ. Trong And Another Thing..., cuốn thứ 6 trong bộ trilogy 4 cuốn kể theo 5 phần (đừng hỏi tại sao 🐧 ), có mấy nhân vật cùng kể lại cách mình thoát khỏi cùng một ách nạn, nhưng người thì bảo là nhờ kỳ lân, người thì bảo nhờ các nguyên thủ quốc gia. Trong series truyền hình chuyển thể Doom Patrol, có một tập 3 nhân vật chính được nghe 3 người khác nhau trong biệt đội siêu anh hùng Doom Patrol kể lại một nhiệm vụ của mình, với các chi tiết ban đầu chỉ hơi hơi đá nhau, nhưng về sau đá nhau mạnh nghiêm trọng, và cuối cùng sự thật lộ ra khác hoàn toàn.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓