10/10
🌟 🌟 🌟 🌟 🌟 🌟 🌟 🌟 🌟 🌟
Hôm trước có hứa với Nguyễn Thế Hòa là review quyển này, hôm nay gửi mọi người review nhé.
Đầu tiên cần nói: quên ngay cái phim đi! Phim Brad Pitt không có chút gì liên quan đến World War Z, ngoại trừ cái tên.
Quên xong chưa? Ok, vào review nào.
World War Z là truyện giả dạng tài liệu, một cuốn hồi ký về cuộc đại chiến với zombie do một phóng viên Liên Hợp Quốc xuất bản. Truyện không viết theo trình tự thời gian mà đưa ra rất nhiều góc nhìn của những người sống sót qua các cuộc phỏng vấn, sau đó để người đọc tự ngẫm mà tự hình dung cuộc chiến diễn ra thế nào.
Riêng quyển này có chặt ra sáu bảy mảnh review cũng không đủ đất vì nó có rất nhiều thứ hay ho. Để review tổng quan thì World War Z có hai điểm cực kỳ mấu chốt đó là:
1) Truyện KHÔNG CÓ nhân vật chính
Truyện không có nhân vật chính bởi vì TẤT CẢ đều là nhân vật chính hết! Vai “phụ” duy nhất tồn tại trong quyển này lại là nhân vật “chính”: tác giả/người phỏng vấn. Max Brooks rất khôn khéo loại bỏ gần như hầu hết sự hiện diện của người phỏng vấn. Không tên. Không tuổi. Thậm chí không cả bình luận. Chỉ hỏi, hỏi, hỏi, hỏi. Chính thế mà tất cả các nhân vật trong các cuộc phỏng vấn đều bật hẳn lên, không bị ai án bóng, không bị ai đánh giá, soi xét.
Từng nhân vật trong truyện (bên cạnh nhân vật “phụ” đã nói) đều có quốc tịch cực kỳ khác nhau, trải nghiệm cực kỳ dị biệt, tính cách cực kỳ riêng rẽ, ảnh hưởng đối với cuộc chiến cực kỳ đa dạng, thọt đi một người là hỏng cả truyện. Gần như mọi quốc tịch trên thế giới đều góp mặt vào World War Z. Có bác sĩ chợ đen trung quốc điều trị "bệnh nhân" đầu tiên, có người lính Mỹ tham gia trận thảm bại dưới tay zombie, có ông già mù Nhật phát minh ra môn võ chống zombie siêu hiệu quả, có kẻ diệt chủng Châu Phi nghĩ ra chiến lược tàn độc giúp loài người sống sót, cô gái Canada kể về Mùa Đông Xám,… thậm chí Võ Nguyên Giáp cũng được nhắc đến ở một phần nhỏ trong truyện
Bản thân các quốc gia cũng trở thành các nhân vật. Mỗi quốc gia lại phản ứng với cuộc đại hoạ theo cách riêng. Có nước tháo chạy sang xứ lạnh, có nước tiến hành chiến tranh tổng lực, có nước chui xuống lòng đất, có nước đánh bom hạt nhân chính mình, có nước trở thành quốc gia tôn giáo, có nước… tự nhiên biến mất tăm! Sau từng mẩu chuyện, ta dần chắp vá được bức tranh tổng thể, hình dung được diễn tiến lên xuống của cuộc bùng phát đại dịch toàn cầu.
2) Đây KHÔNG PHẢI truyện về zombie
Zombie có xuất hiện, và Max Brooks tả bọn này kinh dị không để đâu cho hết. Chúng nó rất thực, chúng nó rất nguy hiểm, và chúng nó gần như nắm phần then chốt trong 70% số cuộc phỏng vấn (đâu phải tự nhiên tên truyện là World War Z :v ). Nhưng thực tình mà nói, mình cảm thấy zombie chỉ là nền mà thôi. Tác giả mượn bọn này để bộc lộ bản chất của con người khi đứng trước thảm hoạ. Ở tầm vi mô, tác giả tả những hành vi tởm lợm và mọi rợ con người sẵn sàng thực hiện khi tính mạng mình lâm nguy, và đặc biệt là khi những rào cản xã hội không còn nghĩa lý gì nữa. Ăn thịt lẫn nhau, giết con của mình, dùng mồi “sống” để cứu lấy đa số, mượn tôn giáo sắc tộc để đổ lỗi và xua đuổi nhau,… mà cũng có cả những con người sẵn sàng xông vào giữa bầy zombie để cứu con chó, sẵn sàng đánh thuyền qua nước ngập đầy zombie để cứu người, sẵn sàng xuống những địa đạo như nấm mồ để người dân không phải sống trong sợ hãi. Thế nhưng trong số này ai là người tốt, ai là người xấu? Gần như không một bài phỏng vấn nào ta tìm ra người để chê trách, mà cũng chẳng tha thứ nổi cho ai. Và đây mới là thứ khiến mình mất ngủ nhiều hơn cả bọn zombie.
Nhưng nếu chỉ nói về sinh tồn cá nhân kiểu này thì thường quá. Cả tí quyển zombie sinh tồn khác làm rồi. Cái độc nhất của World War Z là truyện vẽ lên những xu thế vĩ mô, những ảnh hưởng của cuộc chiến đến kinh tế, quân sự, chính trị, tôn giáo,… Truyện nói tả những xu hướng di dân và hậu quả nó gây ra cho các đất nước khác nhau, những chính sách lắm khi tàn khốc của chính quyền nhằm giữ người dân không tràn vào biên giới, đồng thời nói về sự bùng nổ của dịch vụ vượt biên lậu, và những nguy hiểm/lợi lộc của nghề này với cả hai bên quốc gia. Ta được thấy ảnh hưởng của đại nạn zombie với môi trường sinh thái, việc bao tàu bè ra khơi tận diệt môi trường biển ra sao, bao lửa trại khiến khí quyển nghẹt lại thế nào. Ta được thấy các hệ thống chính trị sụp đổ, thay áo, hoặc trỗi dậy hùng mạnh, thành cường quốc mới. Ta được thấy những giao dịch chợ đen, đặc biệt trong y tế đã giúp nạn zombie bùng phát nhanh cỡ nào, và việc các tập đoàn lập tức tìm cách kiếm lời, bất chấp an nguy người dân ra sao,… Nó cực kỳ chân thực, bởi vì chỉ cần bật thời sự lên là bạn sẽ thấy ngay những vấn đề này trên vô tuyến, chỉ khác cái là thiếu đi zombie.
Ngoài ra còn một yếu tố nữa gần như chưa một quyển zombie hay tận thế nào mình đọc lại bàn sâu như thế này: chấn thương tâm lý. Có những cái “bình thường” như PTSD, trầm cảm,… nhưng mà có những cái sáng tạo mới song nghe cực kỳ khả dĩ như [SPOILER!!!!!!] Quisling (tự hoá mình thành zombie dù bản chất vẫn là người), trẻ hoang (trẻ con bị bỏ rơi, hành xử như thú hoang), ADS (mất ý chí sống vì tương lai quá tăm tối, ngủ 1 đêm tự nhiên chết) [HẾT SPOILER!]. Nếu không phải dân làm y, chắc chắn bạn không phân biệt được đâu là bệnh thật, đâu là bệnh giả vì triệu chứng và lô-gíc của tác giả nghe quá hợp lý, nhiều cái còn được dựa trên sự kiện lịch sử có thật nữa.
Nhìn chung, đây là quyển sách zombie “thật” nhất mình từng được đọc. Có thể nói đây là một cuốn xã hội học với chủ đề zombie. Điểm duy nhất mình có thể bới ra ở truyện để chê là vì đây là “hồi ký” nên kết quả ra sao biết trước hết rồi, mất đi một phần kịch tính. Nhưng cái này là phải cực kỳ xét nét mới để ý thấy. Truyện vô cùng chặt chẽ, vô cùng sáng tạo, vô cùng ghê rợn. Mặc dù có các cảnh hành động, có các trận đánh hoành tráng, có những thứ ghê tởm phát buồn nôn, nhưng thứ ám ảnh nhất lại là những câu rất “thường,” xuất hiện sau khi chiến tranh kết thúc: “Not bad for the son of an Andamooka opal miner.”
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓